Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXI Thường Niên

0
37

Suy niệm Lới Chúa hằng ngày tuần XXI Thường Niên

Thứ Hai – Tuần XXI Thường Niên
Thánh Âugustinô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh. Lể nhớ.

(1Tx 1,1-5.8b-10; Mt 23,13-22)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Tx 1,1-5.8b-10: Anh em đã từ bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, để trông đợi Con của Người, Đấng mà Người cho sống lại.

Tv 149,4a: Chúa yêu thương dân Người.

Mt 23,13-22: Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù.

Dấu hiệu của một cộng đồng Kitô hữu tốt mà Phaolô ca ngợi: “Anh em đã từ bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, để trông đợi Con của Người, Đấng mà Người cho sống lại.” Tin Mừng cho thấy lòng tốt của Chúa, Đấng chăm sóc hạnh phúc của ta, được tuôn đổ như thế nào. Phúc âm cho ta biết rõ ràng nguồn gốc cần có là: sự thật, lòng tốt, lẽ phải, công lý, tình yêu… và tất cả những nhân đức. Lời Chúa cũng cảnh báo ta để không rơi vào bẫy của sự thái quá, dục vọng và lừa dối. Những điều tồi tệ này sẽ ngăn cản ta đạt được hạnh phúc.

Khi ta giữ chặt văn bản của luật pháp mà không quan tâm đến tinh thần của nó, ta dễ dàng trở thành những kẻ đạo đức giả, mà có lẽ ta không nhận thức hết. Ngoài ra, khi nhân danh truyền thống, ta hủy hoại giá trị cuộc sống, hoặc tệ hơn, khi ta nói những lời đẹp đẽ nhưng hành động thì khác. Những mâu thuẫn như vậy không chỉ có rất nhiều người Pharisêu và các kinh sư: nó thường hiện diện nơi ta trong mỗi ngày sống. Ước gì niềm tin, hy vọng và tình yêu nơi mỗi người và cộng đồng Kitô hữu của chúng ta được lớn lên mỗi ngày để ta có thể áp dụng lời dạy Chúa Giêsu vào cuộc sống hiện tại.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa nói với các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta đó là chúng ta đều là anh em với nhau, và có chung một người cha là Thiên Chúa và có chung một người Thầy, một người chỉ đạo là Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhớ lại khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện, thì Chúa Giêsu đã dạy cho các ông cầu nguyện như thế nào? Thưa Ngài đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”, dù cầu nguyện với cộng đoàn, hay cầu nguyện một mình, chúng ta đều cầu nguyện là lạy Cha chúng con, chứ không có chuyện là lạy Cha của con. Vậy nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta có Chúa là Cha, còn chúng ta là anh em với nhau.

Đó là điều mà Chúa dạy mỗi người chúng ta, nhưng có một điều thực tế là con người luôn muốn ở trên người khác, muốn thống trị người khác, muốn mình được suy tôn, muốn “lên lớp” người khác, muốn làm thầy, làm người chỉ đạo, làm cha trên người khác.

Có một câu chuyện mang tên: Chú giải Kinh thánh được chia sẻ như thế này:

Tại một làng thuộc vùng Lorraine, miền Đông Bắc nước Pháp, có một nông dân không có niềm tin, một hôm gặp ông thầy giáo làng đang đi dạo mát, ông ta tiến lại trước mặt ông thầy này và gây sự bằng một giọng đầy khiêu khích:

– Hôm qua, thầy đã dạy cho bọn trẻ trong làng những điều hay quá: “Nếu ai đánh ngươi má bên mặt, thì hãy chìa luôn cả má trái cho nó” (Mt 5,39).

– Lời đó đâu phải là do tôi – Thầy giáo đáp – đó là điều Chúa nói trong Tin Mừng chứ!

Thầy giáo vừa dứt lời thì người nông dân kia bất ngờ tát cho thầy hai cái, vì từ lâu anh đã có nhiều điều tức khí với thầy giáo làng.

Cách đó không xa, ông chủ tịch xã đang đi với nhân viên, nhìn thấy cảnh đó, liền nói với một anh nhân viên: Joseph, anh lại đó xem, hai người đang tranh chấp với nhau chuyện gì vậy?

Lúc Joseph vừa đến gần hai người, thì cũng chính là lúc thầy giáo làng giơ tay giáng trả hai cái tát nẩy lửa vào mặt người nông dân, kèm theo lời trích dẫn của Kinh Thánh: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. (Lc 6,38).

Joseph vội vàng trở lại báo cho ông chủ tịch: Thưa ông, chẳng có chuyện gì đáng kể. Họ đang tranh nhau chú giải Kinh Thánh!

Câu chuyện này cho chúng ta thấy là con người luôn mang tư tưởng hơn thua với nhau, thậm chí là dùng Lời Chúa như là công cụ để thỏa mãn cho ý riêng của mình.

Hôm nay lễ thánh Augustinô, thánh nhân có một câu nói rất hay đó là: “Cho anh chị em, tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.”

Câu nói đó nói lên sự khiêm nhường của thánh nhân, vì anh em của mình nên mình mới làm giám mục để phục vụ anh em, nhưng cùng với anh em thì chúng ta đều là kitô hữu với nhau không ai hơn ai cả.

Ước gì mỗi người chúng ta có được sự đơn sơ khiêm nhường như thánh nhân, để xem nhau như anh em để phục vụ lẫn nhau, để cùng nhau hướng về Chúa là Cha chung của mỗi người chúng ta. Amen.

Thứ Ba – Tuần XXI Thường Niên
Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Lễ nhớ

(Gr 1,17-19; Mc 6,17-29)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 1, 17-19: Hãy chỗi dậy và nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.

Tv 71,15ab: Con sẽ tường thuật ơn cứu độ của Ngài.

Mc 6, 17-29: Phần thưởng là cái đầu của Gioan.

Giáo hội tưởng nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Gioan là vị thánh có hai ngày lễ kỉ niệm trong năm theo lịch phụng vụ (tương tự thánh Giuse). Hôm nay là ngày giỗ, và 24 tháng 6 là sinh nhật. Có điều đặc biệt này là vì chính Chúa Giêsu đã nói Gioan là người cao trọng nhất trong những người phàm. Là người cao cả nhất nhưng cũng nhiều bi kịch nhất. Là tiên tri khi còn trong lòng mẹ, nhảy mừng đón chào Con Thiên Chúa viếng thăm. Sống đời khổ hạnh và hoàn tất lời các ngôn sứ. Đầu ngài lìa khỏi cổ lúc trò vui của những kẻ quyền thế đang dâng cao.

Như tiên tri Jeremiah, Gioan can đảm nói lời của Chúa với tất cả lòng trung kiên và không sợ hãi. Gioan loan báo về Đấng Cứu Độ sẽ đến. Đấng đó cao trọng hơn ông. Ngài khiêm nhường nhưng cương trực. Vì sự ngay chính mà ngài chỉ cho nhà vua thấy sự sai trái trong cách ăn nết ở. Ngài vô tội mà bị chết vì những kẻ muốn ở lì trong tội của mình. Cái chết của ngài được cả trời đất vinh danh. Còn những kẻ phớt lờ lương tâm và công lý phải trả lẽ cho chính sự gian ác của mình khi còn sống cũng như khi đã chết. Đầu Gioan rơi, hồn bay về trời và di sản tinh thần lưu truyền mãi đến ngàn năm. Tạ ơn Thánh Gioan.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta biết nguyên nhân cái chết của Gioan Tẩy Giả.

Nguyên nhân thứ nhất là do chính ông, ông đã lên tiếng cho sự thật, tin mừng thuật lại: Số là vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! “Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”

Nguyên nhân thứ hai là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất, đó là cái chết của Gioan tẩy Giả là do âm mưu của người khác, mà cụ thể là bà Hêrôđia, Tin Mừng thuật lại bà căm thù Gioan và muốn giết ông, nhưng không được.

Hình ảnh này chúng ta thấy giống với hình ảnh của Chúa Giêsu hay không? thưa rất giống.

Chúng ta hãy nhớ lại tin mừng theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại các thượng tế và Biệt Phái họp công nghị để bàn cách xử trí Chúa Giêsu. Và Caipha là thượng tế năm đó đã nói một câu như thế này: “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Đây là câu nói tiên tri để cho biết Chúa chết thay không chỉ cho dân, mà còn là để quy tụ con cái Israen tản mác về một mối. (x. Ga 11,45-54).

Và vì đây là một bản án định trước nên thế nào Chúa Giêsu cũng phải chết, sớm cũng chết mà muộn cũng chết. Chính vì thế, mà chúng ta thấy những tội danh được gán cho Chúa Giêsu chỉ là cái cớ để họ hợp thức hóa âm mưu của họ mà thôi. Chẳng hạn như Chúa Giêsu nói: “các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, (Ga 2,19), nghĩa là Chúa Giêsu kêu họ phá đền thờ này đi, nhưng họ lại làm chứng gian để nói rằng chính Chúa Giêsu nói là Ngài sẽ phá hủy đền thờ: “Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại.”(Mt 26,61).

Đối với Gioan Tẩy Giả cũng vậy, ngay từ đầu Tin Mừng đã nói khi Gioan tẩy Giả lên tiếng là vua Hêrôđê không được phép lấy vợ của anh mình, thì bà Hêrôđia thù Gioan và muốn giết ông, nhưng không được, nghĩa là chưa có cơ hội, khi có cơ hội sẽ hợp thức hóa âm mưu này.

Đó là nguyên nhân cái chết của Gioan Tẩy Giả, vậy cái chết của Gioan Tẩy Giả cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa đó là cái chết anh dũng, chết để bảo vệ cho sự thật. Và cái chết của Chúa Giêsu cho thấy Gioan Tẩy Giả không chỉ là người dọn đường cho Chúa bằng lời nói, bằng hành động, mà bằng chính cái chết của ông.

Cái chết của Gioan tẩy giả mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống thật với chính mình, sống thật để làm chứng cho Chúa, sống thật để làm chứng cho giáo hội. Amen.

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên
(1Tx 2,9-13; Mt 23,27-32)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Tx 2,9-13: Chúng tôi làm việc ngày đêm để rao giảng Tin Mừng giữa anh em.

Tv 139,1: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con.

Mt 23,27-32: Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri.

“Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con.” Thánh vịnh 139 dường như nói rằng ta không thể trốn tránh Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta đã làm điều gì đó xấu và xấu hổ. Chúa ở xung quanh ta. Người luôn hiện diện và luôn nhân từ. Đã có nhiều thắc mắc về Chúa, cách riêng là trong những lúc khó khăn. Một nghịch lý trong đời sống là khi sướng vui thì ít người nhớ tới Chúa, còn khổ đau thì cứ danh Chúa mà kêu. Ta cũng biết rằng đau khổ là một phần trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Đau khổ và tình yêu có thể là hai vấn đề to lớn không thay đổi mà chúng ta có thể tiếp tục trải nghiệm trong suốt cuộc đời.

Chúa ở khắp mọi nơi – ngay cả khi chúng ta cố gắng lẩn tránh. Chúa ở gần ta còn hơn hơi thở của mình trong mọi vấn đề tốt, xấu, và không đẹp đẽ. Việc chấp nhận ý tưởng rằng Chúa hiện thân trong tất cả những gì ta biết giúp ta cảm nghiệm Ngài cách gần hơn là suy tính. Trong lúc đau khổ của chúng ta và đau khổ của thế giới, ta cầu xin Chúa giúp ta biến đổi những đau khổ thành cơ hội hướng tới tình yêu. Ta cùng hợp lời cầu nguyện cho những người đang đau khổ trên khắp thế giới cho dù Chúa biết rõ ta đang cần gì.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lên án các người luật sĩ và biệt phái giả hình, bởi vì bên ngoài họ xây cất mồ mả cho các tiên tri, và họ nói: “Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri”, thế nhưng thật ra họ có thực hiện lời họ nói hay không? Thưa không, mà thực tế họ tìm cách thủ tiêu Chúa Giêsu là vị ngôn sứ cuối cùng mà Chúa gởi đến, nên đó là một sự giả hình mà Chúa Giêsu nói đến, bên ngoài thì tốt đẹp, còn bên trong thì đầy xương kẻ chết và mọi thứ nhơ nhớp.

Đó là tình trạng của những người luật sĩ và biệt phái ngày xưa, có những mẫu gương để sửa mình, nhưng không chịu sửa mình, còn tình trạng của mỗi người chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có những mẫu gương nào để chúng ta noi gương bắt chước hay không?

Chúng ta biết khi giáo hội phong thánh để làm gì? Thưa không phải chỉ vì mục đích tuyên dương các ngài, đưa các ngài lên cao, nhưng là cho các tín hữu biết noi gương các ngài để bắt chước. Trong lời nguyện làm phép ảnh tượng có câu: “Lạy Chúa, Chúa không chê bác việc tạc vẽ ảnh tượng các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chúng con chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, chúng con biết dùng con mắt ký ức để suy niệm các hành vi đạo đức của các ngài mà bắt chước”.

Cũng vậy, khi chúng ta thờ ông bà cha mẹ của chúng ta để làm gì? Thưa không phải chỉ tỏ lòng hiếu thảo, để con cháu nhớ đến các ngài, xin lễ cầu nguyện cho các ngài, rồi đến đám tiệc làm giỗ linh đình, nhưng còn để nhìn lên hình ảnh đó nhớ lại những ký ức tốt đẹp của cha mẹ mình mà bắt chước.

Nên chúng ta thấy, ngày xưa cũng như ngày nay, chúng ta cũng có những mẫu gương tốt lành, cũng như không tốt lành, nên chúng ta được mời gọi sống chân thành, chân thật, biết nhìn những mẫu gương tốt lành xung quanh của chúng ta để noi gương bắt chước.

Bên cạnh đó nhìn những mẫu gương không tốt lành để chúng ta biết tránh để không rơi vào vết xe đổ trước đó, mà sống tốt lành thánh thiện mỗi ngày, để hoàn thiện bản thân, để mỗi ngày mỗi nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên

(1Tx 3,7-13; Mt 24,42-51)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Tx 3,7-13: Xin Chúa ban cho anh em lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người.

Tv 90,14: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan.

Mt 24,42-51: Các con hãy sẵn sàng.

Phaolô chúc mừng các Kitô hữu ở Thessalonica vì họ đã trung thành với Chúa và yêu cầu họ giữ vững đức tin và có lòng bác ái trên toàn thế giới, để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Phaolô tìm thấy niềm an ủi giữa nỗi đau của ông và đau khổ bởi đức tin của các Kitô hữu ở Thessalonica. Và vì vậy, ông cảm ơn Chúa vì đức tin được nuôi dưỡng của họ. Ông cầu nguyện rằng ông có thể ở bên họ, hỗ trợ họ bất cứ điều gì họ đang thiếu. Ông cầu xin Chúa “cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”. Tóm lại, Phaolô hành động như một người bạn tốt, mong muốn điều tốt nhất cho cộng đồng đức tin này.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu bảo ta hãy sẵn sàng. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời, Chúa đều ở gần chúng ta. Chúa hiện diện qua nguồn cảm hứng bên trong, qua những người xung quanh, qua những sự kiện đang xảy ra và như sách Khải Huyền đã nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Vì vậy, ta có thể cầu chúc nhau: “Xin Chúa ban cho anh em lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người.”

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa sẽ đến, nghĩa là Chúa sẽ đến bất ngờ.

Nhưng làm thế nào để tỉnh thức?

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện tin mừng kể về cuộc tranh luận của Chúa Giêsu và các môn đệ của Gioan liên quan đến việc ăn chay, các môn đệ của Gioan lại hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

Chúa Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,14-15)

Chúng ta biết sở dĩ người do thái ăn chay là để đón chờ Đấng Mêsia, mà Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia đã đến với các môn đệ, nên các môn đệ không cần phải ăn chay, chừng nào chàng rể bị đem đi, lúc đó các môn đệ mới ăn chay.

Như vậy, tỉnh thức để đón chờ Chúa đến chúng ta có thể hiểu đó là việc ăn chay, nhưng việc ăn chay này cũng phải tỉnh thức, nếu không tỉnh thức thì việc ăn chay không có ý nghĩa.

Nhưng trong tin mừng hôm nay thì Chúa Giêsu mời gọi hãy tỉnh thức trong việc chu toàn bổn phận của mình, Chúa nói: “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Một điểm nữa chúng ta cần chia sẻ đó là để có thể kiên trì tỉnh thức trong việc chu toàn bổn phận của mình chúng ta phải làm gì, bởi vì nhiều lúc trong cuộc đời chúng ta không thể nào tỉnh thức nổi?

Chúng ta hãy nhớ lại trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26,41).

Như vậy canh thức và cầu nguyện đi đôi với nhau, nếu chỉ canh thức mà không có cầu nguyện thì dễ sa ngã, Chúa Giêsu là một mẫu gương trong việc canh thức và cầu nguyện, nhờ đó mà Chúa đã trung thành thực thi thánh ý Chúa Cha trong cuộc đời của Ngài.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng, tỉnh thức để cầu nguyện, cầu nguyển để tỉnh thức, có như thế chúng ta mới có thể tỉnh thức một cách thực sự để nhận ra thánh ý Chúa, để thi hành thánh ý Chúa, đến đón chờ Chúa đến. Amen.

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên

(1Tx 4,1-8; Mt 25,1-13)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Tx 4,1-8: Đây cũng là thánh ý Thiên Chúa và cũng là sự nên thánh của anh em.

Tv 97,12: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa.

Mt 25,1-13: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người.

Tình yêu có nhiều cung bậc cảm xúc, trong số đó có cảm giác đợi chờ. Chờ đợi phút chốc thì đôi khi còn lãng mạn. Còn chờ đến khi ngủ gục thì tâm trạng nào diễn tả cho cân xứng? Tuy nhiên, Lời Chúa cho chúng ta một ý rất đẹp, rất riêng trong quá trình chờ đợi người yêu đến. Đó là hãy sẵn sàng trong sự khôn ngoan để dự liệu những tình huống bất thường có thể xảy ra mà chuẩn bị cho chu đáo. Bên cạnh đó, sự hiền lành, kiên trì và tỉnh thức trong việc sống theo ý Chúa cũng là một phương thế để có thể có được niềm vui. Hãy chú ý đến những lời này của Thánh Phaolô, “Đây cũng là thánh ý Thiên Chúa và cũng là sự nên thánh của anh em.”

Tất cả chúng ta đang trong một cuộc hành trình tâm linh. Trong lịch sử văn hóa về tội lỗi và ân sủng, ta có thể thấy rằng có những cuộc hôn nhân khó khăn, cha mẹ thất vọng về con cái của họ, con cái bị người lớn lạm dụng, bị bóc lột và sự thiếu tôn kính căn bản trong đời sống. Để vượt qua những rắc rối, thì hãy “tránh những điều trái đạo đức… Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng phải là khinh dễ người phàm, nhưng là khinh dễ Thiên Chúa, Đấng cũng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta” (1 Tx 4,3.8).

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Nước Trời giống như mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, trong đó có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan.”

Tin mừng nói rõ năm cô khờ dại mang đèn mà không mang dầu, còn năm cô khôn ngoan thì vừa mang đèn, vừa mang dầu, nghĩa là làm sao? Thưa nghĩa là có sự lo xa, có sự suy nghĩ trước khi hành động đó được gọi là người khôn ngoan.

Tin mừng hôm qua Chúa Giêsu dạy chúng ta là phải biết tỉnh thức trong việc chu toàn bổn phận của mình, còn tin mừng hôm nay qua dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta bài học đó là hãy biết tỉnh thức trong tầm nhìn của mình, để lo cho tương lai của mình.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là cần tỉnh thức với thái độ như thế nào mới đạt được hiệu quả tốt nhất?

Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn người quản lý bất lương, Chúa Giêsu kể như thế này: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi. “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16, 1-8)

Chúng ta thấy người quản gia bất lương có tỉnh thức không? thưa cũng tỉnh thức, nhưng sự tỉnh thức của ông là khi gặp chuyện mới tỉnh thức, khi ông chủ báo trước là hãy lo tính sổ sách ông mới tỉnh thức, nghĩa là biết trước sự việc sắp xảy đến với mình, còn bình thường thì ông ta không tỉnh thức, và sự tỉnh thức này vẫn còn kịp.

Trong khi đó, câu chuyện tin mừng hôm nay, thì 5 cô khờ dại khi gặp chuyện cũng tỉnh thức, nhưng sự tỉnh thức này không kịp nữa.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy thái độ khôn ngoan nhất mà chúng ta cần phải có trong việc tỉnh thức để biết lo xa không phải là thái độ khi mình gặp chuyện gì đó trong cuộc đời rồi mình mới tỉnh thức, mới biết lo cho tương lai hậu vận của mình, nhưng là hãy tỉnh thức luôn luôn, hãy biết lo xa luôn luôn, biết trừ tính luôn luôn, để lo cho tương lai của mình, đó mới là thái độ khôn ngoan thật sự, mà Chúa muốn mỗi người chúng ta cần phải có.

Thế nhưng trong cuộc đời, đa số chúng ta chỉ tỉnh thức như 5 cô khờ dại, hoặc tỉnh thức như ông quản gia bất lương, nhưng đó là thái độ đánh cược với cuộc đời, mang tính chất hên xui.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được sự khôn ngoan như năm cô khôn ngoan, là biết lo xa cho tương lai của mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Amen.

Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên

(1Tx 4,9-11; Mt 25,14-30)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Tx 4,9-11: Chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải yêu thương nhau.

Tv 98,9: Chúa ngự trị cai quản chư dân trong đường chính trực.

Mt 25,14-30: Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.

Phaolô đưa ra hai đề nghị để thăng tiến tình tương thân tương ái: làm việc vì kế sinh nhai và đừng quá phụ thuộc vào người khác. Sau đó, hãy bình tĩnh, chờ đợi Chúa đến trong niềm tin và hy vọng, không sợ hãi. Phaolô cũng xác tín và dạy dỗ: “Chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải yêu thương nhau.” Trong Phúc âm, dụ ngôn về các nén bạc nói về những gì ta làm cho nước Chúa với những ân huệ mà ta đã nhận được từ Người. Ta được dạy là làm sinh động Giáo hội và thế giới bằng đức tin, hy vọng và tình yêu. Vì mục tiêu này, ta dấn thân, chấp nhận rủi ro. Chúa nói, “Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.”

Trung tín và kiên trì trong tình yêu và sự chính trực của Thiên Chúa sẽ giúp ta có được niềm vui trong đời sống. Với tin yêu, tâm hồn ta sẽ luôn bừng lên sức sống. Với sự công chính của Chúa ban thì ta sẽ tìm được sự can đảm và sự yên hàn. Trong tình thương của Chúa ta dùng tất cả khả năng của mình để phục vụ Giáo hội trong hân hoan và vui sống. Xin cho ta được vững mạnh, để ta có thể cộng tác với các kế hoạch của Chúa dành cho. Amen.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn những yến bạc, để mời gọi chúng ta tỉnh thức tùy theo khả năng của mình.

Nhưng có một vấn đề đặt ra, đó là mời gọi chúng ta phải tỉnh thức tùy theo khả năng của mình để sinh lợi cho Chúa, có phải Chúa muốn giới hạn khả năng của chúng ta hay không?

Bởi nhiều khi chúng ta nghĩ khả năng của tôi còn nhiều hơn như thế, mà bị giới hạn như vậy thì làm sao tôi có thể phát triển con người toàn diện.

Đó là cái nhìn của chúng ta, còn Chúa là Đấng toàn năng, ngài có cái nhìn của ngài.

Chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7,9-10). Nghĩa là Chúa biết điều nào tốt cho chúng ta, đối với chúng ta đó là cá, nhưng đối với Chúa đó là rắn, đối với chúng ta đó là bánh, nhưng đối với Chúa đó là đá, nên Chúa không thể nào trao cho chúng ta điều mà Chúa biết là không tốt cho chúng ta.

Hay câu chuyện trong vườn câu dầu, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em.” Ông Phêrô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Chúa Giêsu bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông Phêrô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.” (Mt 26,31-35), và thật sự là như vậy, Chúa biết khả năng các môn đệ của Ngài như thế nào.

Bên cạnh đó, việc Chúa Giêsu ban cho người này 5 nén, người kia 2 nén, người khác một nén, để cho chúng ta biết giới hạn mình trong khả năng của mình.

Giới hạn mình trong khả năng của mình chúng ta có thể hiểu là mặc dầu tôi có khả năng trong việc này việc kia, tôi có chuyên môn, tôi có trình độ, và ai cũng công nhận điều đó. Nhưng đó không phải là sân của mình, đó không phải là việc của mình, đó không phải là trách nhiệm của mình, mà mình lại thích xen vào, vì cho rằng tôi có khả năng, nếu là như vậy thì khả năng mà Chúa ban cho tôi đó sẽ không sinh lợi, khả năng đó sẽ thành vô dụng, vì đặt không đúng chỗ của nó, đó là điều quan trọng mà chúng ta cần chú ý. Và đôi khi chính vì đó không phải là trách nhiệm, đó không phải là công việc, đó không phải là sân của mình, mà mình lại đá lộn sân, thì chúng ta giới hạn khả năng của người khác, và đó không phải là tỉnh thức theo khả năng để sinh lợi nữa, mà là sự kiêu ngạo để sinh ra tội lỗi.

Có một bài viết mang tên: TẤM GƯƠNG QUÊN MÌNH PHỤC VỤ VÌ YÊU THƯƠNG LÀ TẤM HUY CHƯƠNG VÔ GIÁ.

Vận động viên chạy bộ Abel Mutai người Kenya chỉ còn cách vạch đích vài mét thôi, nhưng anh ta bị rối bởi các bảng chỉ dẫn và dừng lại vì nghĩ rằng anh ta đã hoàn thành cuộc đua. Vận động viên Ivan Fernandez người Tây Ban Nha chạy ngay phía sau anh ta, nhận thấy điều đó và đã hét lên để vận động viên Kenya chạy tiếp. Nhưng anh Mutai không biết tiếng Tây Ban Nha và đã không hiểu.

Nhận ra điều đó, anh Fernandez đã đẩy Mutai về đích chiến thắng. Một nhà báo đã phỏng vấn Ivan: “Tại sao anh lại làm thế?”. Ivan trả lời: “Tôi luôn ao ước một ngày nào đó chúng ta sẽ có 1 cộng đồng sinh sống mà chúng ta giúp đỡ nhau chiến thắng.” Nhà báo cứ tiếp tục hỏi: “Nhưng tại sao anh lại để anh ta chiến thắng?”. Ivan trả lời: “Tôi không có để anh ấy thắng, thực sự anh ta sẽ chiến thắng. Cuộc đua đã là của anh ấy rồi.”

Người phóng viên cứ khăng khăng: “Nhưng lẽ ra anh đã có thể thắng rồi!”. Ivan nhìn người phóng viên và trả lời: “Vậy chiến thắng đó có ý nghĩa gì nữa? Còn gì là danh dự của chiếc huy chương? Mẹ của tôi sẽ nghĩ sao? Những giá trị này được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta dạy con mình những giá trị gì? Và bạn muốn khích lệ người khác đạt được gì? Hầu hết chúng ta thường lợi dụng điểm yếu của người khác thay vì giúp đỡ họ khắc phục các điểm yếu đó”.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để có thái độ tỉnh thức tùy theo khả năng của mình, tùy theo trách nhiệm, tùy theo công việc, tùy theo sân của mình, để khả năng đó được sinh lợi cách hoàn hảo, thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được tấm huy chương vô giá. Amen.