Kinh Kính Mừng trong tháng Mười

0
17

Kinh Kính Mừng trong tháng Mười

Bước vào tháng Mười, tháng Mân Côi, hình ảnh Đức Mẹ Mân Côi, một tay bồng Chúa Giê-su Hài Ðồng, còn tay kia thì trao tràng chuỗi Mân Côi trao cho thánh Ða-minh. Hình ảnh ý nghĩa này dìu chúng ta về với Đức Bà Mân Côi, Mẹ dấu yêu và đầy lòng trìu mến.

Lịch sử hình thành

Kinh Kính Mừng được các tín hữu khắp nơi cất lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, tiếng La-tinh gọi là A-ve Ma-ri-a. Kinh này có một điểm đặc biệt: nó bao gồm cả lời khen ngợi và lời cầu xin có nguồn gốc rất khác biệt nhau.

Lời ngợi khen:
“Kính mừng Ma-ri-a, đầy ơn phúc
Đức Chúa Trời ở cùng bà
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ.”

Bốn câu nổi tiếng trên được trích từ Tin Mừng Thánh Lu-ca chương 1 câu 28, ghi lại cảnh Thiên Thần Gáp-ri-en truyền tin cho Đức Ma-ri-a: “Thiên Thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng: Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Lời chào đầy kính trọng của Sứ thần báo tin cho Đức Ma-ri-a biết về sự ra đời của Chúa Giê-su, và Đức Ma-ri-a đáp lại bằng tiếng “Xin vâng”. Điều này đã thay đổi bộ mặt thế giới.

Phần thứ hai trích từ câu chuyện bà Ê-li-sa-bét viếng thăm Đức Ma-ri-a cũng được thuật lại trong Tin Mừng thánh Lu-ca. Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc.” (Lc 1, 42).

Phần lời ngợi khen Đức Ma-ri-a đã có từ rất sớm trong truyền thống Ki-tô giáo. Từ thế kỷ thứ IV, người ta tìm thấy những câu sau đây trong phụng vụ thánh Gia-cô-bê: “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ vì Bà đã sinh ra Đấng cứu độ linh hồn chúng con”. Hình thức ngợi khen mà chúng ta đọc hôm nay cũng được tìm thấy trong các tác phẩm của thánh Gio-an Đa-ma-sô. Vào thế ký thứ VI, Chính thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo hoàng đã đưa phần ngợi khen của kinh Kính Mừng vào phụng vụ La-tinh của Hội Thánh. Công thức này vẫn chưa hoàn thiện vì chưa có tên “Giê-su”. Tên “Giê-su” chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XII do Amédée de Lausanne, viện phụ của Hautecombe là người đầu tiên đưa vào.

Phần cầu xin:
“Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời
Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Khi nay và trong giờ lâm tử. A-men.”

Phần thứ hai của kinh Kính Mừng là lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cho chúng ta. Nó không có nguồn gốc từ Kinh Thánh và xuất hiện muộn hơn phần đầu tiên trong lời cầu nguyện của các tín hữu.

Trong phần thứ hai này có danh hiệu Theotokôs (“Mẹ Thiên Chúa”), được xác định tại Công đồng Ê-phê-sô năm 431. Câu “Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. A-men” là những lời cuối cùng trên giường bệnh của thánh Simon Stock, Bề trên Dòng Carmel vào năm 1265. Lời cầu khẩn “Đức Mẹ Chúa Trời” có từ năm 250.

Năm 1198, Đức Giám mục Paris là Odon de Sully truyền dạy đọc kinh Kính Mừng và cùng với kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính. Đến thế kỷ XII, kinh Kính Mừng dưới tên La-tinh A-ve Ma-ri-a mới trở thành lời cầu nguyện của toàn thể dân Chúa với sự biểu quyết của các công đồng ở Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức. Các tu sĩ dòng Xi-tô và tu sĩ Đa-minh đã đóng góp rất tích cực vào việc phổ biến nó. Thánh Bonaventure và thánh Thomas Aquinas cũng đưa ra lời cầu nguyện này trong các luận thuyết của họ.

Phần này xuất hiện vào khoảng thế kỷ XII và XIV. Trong một cuốn kinh nhật ký xuất bản ở Paris năm 1509, có quy định rằng khi bắt đầu giờ kinh, sau kinh Lạy Cha, phải đọc kinh Kính Mừng và thêm vào (“Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ tội, khi nay và trong giờ lâm tử. A-men.”) Công thức này dần dần chiếm ưu thế, sau khi được Đức Giáo Hoàng Pi-ô V chấp nhận vào năm 1568, cuốn sách kinh nguyện mới của Rô-ma, nơi nó được đặt ở vị trí nổi bật. Vào đầu thế kỷ XVII, nó được sử dụng cả và Hội Thánh. Tất nhiên, nó được viết và cầu nguyện bằng tiếng La-tinh, dưới cái tên A-ve Ma-ri-a, và phải rất lâu sau đó mới có bằng tiếng bản địa, tiếng Việt.

Tràng hạt Mân Côi

Tại sao tràng hạt lại gồm năm ngắm?

Không biết tràng hạt phát xuất từ tôn giáo nào, vì không chỉ có Công Giáo có, mà cả một số tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, con số năm ngắm tương ứng với năm biến cố lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Truyền Tin, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên và Mẹ Lên Trời.

Tại sao lại có tràng hạt mười lăm ngắm?

Thánh Vinh Sơn Ferrier dòng Đa-minh (1350-1419) đã soạn ra ngắm Đàng Thánh Giá thứ 15 để bổ túc cho 14 chặng Đàng Thánh Giá, vì ơn cứu độ của con người không kết thúc một cách bi đát ở nấm mồ, thì mười năm ngắm khi đọc kinh Mân Côi diễn tả niềm vui này. Bởi vì bản chất của kinh Mân Côi nói lên niềm vui ơn cứu độ.

Tại sao lại có ba mùa Vui – Thương – Mừng?

Cách chia này do Alain de la Roche (1428-1475) và được Đức Pi-o V chấp nhận, cho công bố ngày 17-9-1569. Niềm vui ơn cứu độ do Đức Ma-ri-a khai mào từ lúc Ngôi Lời nhập thể (Vui); Tử Nạn (Thương); đến sống lại vinh quang (Mừng).

Ngày 16/10/2002 II trong Tông Thư gởi các tín hữu về “Mầu Nhiệm Rất Thánh Mân Côi” Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II thêm vào Năm Sự Sáng, nhằm suy niệm năm biến cố lớn trong chương trình cứu chuộc loài người.

Tại sao đọc 150 kinh kính mừng?

Từ trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II chỉ có hàng giáo sĩ mới đọc Kinh Phụng Vụ gồm 150 Thánh Vịnh, giáo dân không được tham dự giờ kinh này. Mỗi câu Thánh Vịnh đều nhắc đến một biến cố cứu độ trong lịch sử. Vì thế, đọc và suy gẫm hết 150 Thánh Vịnh, cũng có nghĩa là đọc và suy gẫm toàn bộ Thánh Kinh. Do người giáo dân không có điều kiện đọc Kinh Phụng Vụ, nên người ta đọc 150 kinh Kính Mừng để nói lên: Niềm vui ơn cứu độ.

Cùng với Mẹ đọc kinh Mẹ dạy

Đức Mẹ là người cổ võ việc đọc kinh Kính Mừng. Tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã đọc với chị Bernadetta. Trong những lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lu-ci-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày.

Kinh Kính Mừng là kinh mà các tín hữu Việt Nam rất yêu mến. Nhiều người đeo tràng hạt trên cổ, trên tay, cất trong túi áo và đọc trong nhà thờ, ở nhà, khi rảnh rỗi hay lúc đi đường, đọc một mình hay đọc chung với hai hoặc ba người, âm thầm hay to tiếng. Việc lần hạt giúp họ bước đi vững chắc hơn, nhất là giúp họ không bỏ phí thời gian vô ích và luôn cầu nguyện với Chúa. Các bổn đạo Việt Nam dành cả tháng Mười cho việc suy niệm các mầu nhiệm và lần hạt Mân Côi cùng với việc hành hương đến các trung tâm sùng kính Mẹ Ma-ri-a như La Vang, Trà Kiệu, Bình Triệu, Bãi Dâu, Tà-pao, Bến Tre.

Khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đi tìm và gặp gỡ Mẹ Ma-ri-a là gương mẫu sống đức tin, niềm hy vọng và đức ái.

Ngắm Năm Sự Vui, chúng ta nhận biết Mẹ Ma-ri-a khiêm nhường và yêu người, vui sống cảnh nghèo trong vâng lời và luôn đi tìm thánh ý Chúa.

Trong mầu nhiệm Sự Sáng, chúng ta suy niệm Đức Ma-ri-a ngắm nhìn Con Thiên Chúa thánh thiện tinh tuyền đang cúi mình xin ông Gio-an làm phép Rửa, Mẹ hiểu rõ những ưu tư hay bối rối của đôi tân hôn Ca-na. Mẹ Ma-ri-a đang dang rộng vòng tay đón nhận ân sủng Thánh Thần khi chiêm ngưỡng Chúa biến hình trên nơi cao, Mẹ Ma-ri-a sốt sắng tham dự bí tích Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể.

Nơi mầu nhiệm Sự Thương, chúng ta dõi theo hành trình đau khổ của Mẹ Ma-ri-a khi thấy Con mồ hôi đẫm máu, bị đòn vọt, mạo gai. Chứng kiến cảnh Mẹ thấy Con vác thập giá, chân tay đinh nhọn đâm thâu, cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thủng.

Mầu nhiệm Năm Sự Mừng, chúng ta vui mừng cùng với Mẹ vì Con đã phục sinh, để mọi người được sống lại về phần linh hồn, được hướng tâm về cõi trời vinh phúc, được đầy dẫy mọi ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà được vinh thăng và ân thưởng về trời như Mẹ sau cuộc lữ hành trần thế. Cuộc đời của Mẹ Ma-ri-a là một cuộc lữ hành đức tin. Mẹ đi đến với Chúa trong tin yêu và phó thác. Mẹ đến với tha nhân trong việc phục vụ.

Đọc kinh Kính Mừng cùng với việc suy niệm các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng. Tất cả những điều trên giúp chúng ta sống với Thiên Chúa và anh chị em. Các mầu nhiệm ấy cũng phác họa cuộc sống con người với những lo toan bận rộn và buồn vui của kiếp người. Chiêm ngưỡng Chúa Giê-su trong các mầu nhiệm Mân Côi là học nơi Người những nhân đức cần thiết cho cuộc sống Ki-tô hữu: khiêm nhu, thương người, khó nghèo, vâng phục; can đảm sống xứng đáng là con của Chúa, luôn vững tin vào Chúa và cầu xin ơn biến đổi trong Thánh Thần; ăn năn thống hối, hy sinh hãm mình, trung thành vác thập giá mỗi ngày và chết đi để được tái sinh; biết yêu mến những sự trên trời, tràn đầy ơn Thánh Thần, ơn chết lành và được ân thưởng trên trời. Nhờ các nhân đức ấy mà chúng ta được sức mạnh thiêng liêng bước đi giữa biển đời đầy sóng gió gian truân.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ