Suy niệm hằng ngày tuần XXVII Thường Niên- A

0
94

Suy niệm hằng ngày tuần XXVII Thường Niên- A

Thứ Hai – Tuần XXVII Thường Niên

(Gn 1,1-2,1.11; Lc 10,25-37)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có một nhà thông luật hỏi thử Chúa Giêsu là làm thế nào để có được sự sống đời đời.

Chúng ta thấy ông ta hỏi thử Chúa Giêsu thôi chứ không phải hỏi thật, nhưng Chúa Giêsu vẫn trả lời.

Sau khi trả lời xong nhà thông luật muốn chứng tỏ điều mình nói là có lý nên còn hỏi Chúa Giêsu ai là người thân cận của ông, và Chúa Giêsu tiếp tục trả lời cho ông qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu, để Chúa sửa sai cho ông là không phải mình sẽ tìm ai là người thân cận trong mắt của mình, mà chính mình phải làm sao để trong mắt người khác mình trở thành người thân cận của họ.

Khi đọc Tin Mừng hôm nay tôi nhớ lại có một đoạn Tin Mừng theo thánh Maccô, thuật lại khi Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán trong đền thờ, vì đền thờ là nhà cầu nguyện chứ không phải là nơi buôn bán. Sau đó, những giới lãnh đạo Do thái hỏi Chúa Giêsu lấy quyền gì để làm việc đó, Chúa Giêsu không trả lời, mà còn hỏi ngược lại họ rằng phép rửa của Gioan tẩy Giả bởi trời hay bởi người ta, lúc đó họ nói họ không biết, nên Chúa Giêsu đã không nói cho họ biết Ngài lấy quyền gì để đuổi những người buôn bán trong đền thờ.

Khi so sánh nội dung hai đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Tin Mừng hôm nay ông thông luật hỏi thử Chúa thì Chúa trả lời, còn trong tin mừng Macco thì Chúa không trả lời, tại sao vậy?

Nếu đọc kỹ Tin Mừng khi Chúa Giêsu hỏi điều gì, nhà thông luật đều trả lời như Chúa mong muốn, còn trong câu chuyện theo Maccô những giới lãnh đạo Do thái không trả lời như ý Chúa muốn.

Nhưng trên tất cả, chúng ta thấy một điều là ý của Chúa khác với ý của chúng ta, vì Chúa biết tất cả mọi sự, còn con người của chúng ta không biết được, đa phần chúng ta chỉ biết được qua kinh nghiệm.

Tôi có đọc được một bài viết: Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi và một cô chơi với nhau rất thân. Cô ấy rất khéo, mỗi lời cô nói ra đều khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Tôi và mẹ đều rất thích cô nhưng về sau, họ không qua lại nữa.

Tôi hỏi mẹ sao cô ấy không đến chơi nữa, mẹ kể cho tôi nghe. Trong một lần đi mua sắm, cả hai mua một túi hoa quả lớn đem về nhà rồi mới chia. Về sau, mẹ tôi đến nhà cô lấy, mới phát hiện cô giữ lại tất cả những quả to, đẹp cho mình và gói cho mẹ tôi tất cả những quả xấu, nhỏ.

Cô cho rằng mẹ tôi sẽ không biết song thực ra người tinh mắt chỉ cần nhìn là biết. Sau lần đó, mẹ tôi còn phát hiện thêm một vài việc nữa, bà nhận thấy chỉ cần có xung đột lợi ích với ai, cô đều phải giành phần hơn bằng mọi giá.

Mẹ tôi không nói ra, nhưng bà cho rằng kết giao với người như vậy không có ý nghĩa gì nên cả hai không qua lại như trước nữa.

Khi đó, mẹ có nói với tôi một câu cho đến giờ tôi vẫn nhớ: Muốn nhìn thấu nhân phẩm của một người, chỉ cần quan sát thời điểm họ và con có xung đột về lợi ích là đủ.

Khi bạn và người khác đang đứng trước sự xung đột về lợi ích, đặc biệt là khi lợi ích bị hao tổn, phản ứng của họ sẽ thể hiện rõ nhất nhân phẩm trong con người đó!”

Có thể chúng ta biết được qua kinh nghiệm như vậy thôi, còn những chuyện cao siêu hơn, những chuyện thuộc về Chúa, chúng ta không thể nào hiểu được mà hãy nhìn dưới cái nhìn đức tin, tất cả do ý muốn của Chúa, nếu nó đi ngược lại với suy nghĩ của chúng ta. Amen.

Thứ Ba – Tuần XXVII Thường Niên

(Gn 3,1-10; Lc 10,38-42)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta câu chuyện phục vụ của Matta và Maria. Và có thể nói mỗi người đều phục vụ theo cách riêng của mình và cho đó là tốt nhất, bằng chứng Matta đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! “

Nhưng Chúa Giêsu nói: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Như vậy, chúng ta thấy việc tốt nhất hay không tốt là do quyền của Chúa quyết định chứ không phải do con người chọn.

Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng cũng có câu chuyện cho thấy việc tốt nhất hay không tốt nhất là do Chúa, chỉ có Chúa biết, chứ không phải do con người, con người chỉ hiểu biết được phần nào, câu chuyện này kể như sau: Đó là khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! ” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11, 27-28)

Nói như vậy, thì làm sao chúng ta biết được đâu là việc tốt theo ý Chúa muốn để làm, để việc làm của chúng ta là tốt nhất. Maria có biết việc của mình làm là việc làm tốt nhất không? Thưa không biết, nhưng cô vẫn làm việc tốt lành, và Chúa cho đó là việc làm tốt nhất.

Chính vì thế, mỗi người chúng ta tuy không biết được việc nào là việc làm tốt nhất theo ý của Chúa, nhưng chúng ta được mời gọi cứ như Maria làm việc tốt lành thánh thiện đi, thì chắc chắn việc làm của chúng ta sẽ có giá trị trước mặt Chúa. Trong đời sống thường ngày cũng vậy, nếu chúng ta làm việc tốt, thì việc tốt của chúng ta sẽ được hưởng ứng.

Một thanh niên vì muốn tìm hiểu nước Đức, nên một mình đến nước Đức thuê chung cư ở. Chủ nhà là một ông lão hòa ái, dễ gần; sau khi xem phòng, anh thấy rất hài lòng, liền muốn ký hợp đồng thuê dài hạn với ông chủ.

Ông chủ cười nói: “Không! Chàng thanh niên, anh chưa từng ở đây, còn chưa biết chỗ này tốt hay không, chúng ta nên ký hợp đồng ở thử, sau khi có những trải nghiệm thực tế, khi ấy sẽ cân nhắc có nên thuê dài hạn không.”

Anh nghe xong thấy có lý, cuối cùng đồng ý ký hợp đồng 5 ngày với ông lão. Gian phòng rất ấm áp, ông lão cũng rất tin tưởng anh, nên không hề đến kiểm tra đồ đạc. Ngoài ra, rác thải không cần đem xuống phía dưới, đặt ở cửa ra vào sẽ có công nhân vệ sinh đến lấy theo lịch, cả hành lang sạch sẽ đến mức không có một hạt bụi.

Hạn năm ngày đã đến, anh muốn thảo luận với ông lão để có thể thuê dài hạn, thì xảy ra một chuyện ngoài ý muốn, anh bất cẩn làm vỡ một ly thủy tinh. Anh rất khẩn trương, cảm giác thấy cái ly này giá trị xa xỉ, e rằng làm vỡ ly thủy tinh, ông lão sẽ không cho anh tiếp tục thuê phòng.

Nhưng khi anh gọi điện nói cho ông lão, ông lão nói: “Không sao, anh không phải cố ý mà, cái ly thủy tinh đó rất rẻ.” Anh rất vui mừng và hy vọng ông lão sẽ đến ký hợp đồng dài hạn, ông lão đồng ý, rồi cúp điện thoại.

Anh nhanh tay quét dọn những mảnh vỡ thủy tinh và rác cho vào một cái bao, đặt ở bên ngoài. Một lát sau, ông lão đến, không đợi anh mở lời, ông lão nói: “Những mảnh vỡ thủy tinh kia đâu rồi?”

Anh trả lời: “Tôi đã thu dọn xong và để ngoài cửa đó.” Ông lão mở bao rác ra xem, sắc mặt không vui liền đi vào phòng và nói: “Ngày mai anh có thể chuyển đi, ta không cho anh thuê phòng nữa.”

Chúng ta thấy, nếu chúng ta sống tốt lành thì người ta sẽ đáp lại lòng tốt của chúng ta, nếu chúng ta sống không tốt lành thì người ta sẽ khó có thể đáp trả lại với chúng ta bằng sự tốt lành, vì chúng ta không xứng đáng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó và xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen.

Thứ Tư – Tuần XXVII Thường Niên

(Gn 4,1-11; Lc 11,1-4)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện, và Chúa đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Chúng ta hãy nhớ, không phải bất cứ điều gì các môn đệ xin điều được Chúa đáp ứng. Chẳng hạn như hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cho hai anh em của ông một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa trong Nước Chúa, nhưng Chúa đã từ chối khéo, vì việc đó là việc của Chúa Cha (x. Mc 10,35-40). Hay câu chuyện khi Chúa Giêsu quyết định lên Giêrusalem để chịu chết, Chúa đã sai các môn đệ đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? ” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.” (Lc 9, 51-56).

Những hình ảnh đó minh họa cho chúng ta thấy việc các môn đệ xin Chúa dạy các ông cầu nguyện là một điều tốt lành, đẹp lòng Chúa, nên Chúa đã nhận lời các ông, và dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy cầu nguyện là việc đạo đức tốt lành, nên chúng ta được mời gọi siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, để Chúa cứu chúng ta khỏi sa chước cám dỗ, và chúng ta phải xác tín khi chúng ta cầu nguyện với Chúa như thế, chắc chắn Chúa sẽ nhận lời mỗi người chúng ta.

Chúng ta thường bị sai lầm trong cuộc đời là không nhận ra được giá trị của việc cầu nguyện. Chúng ta không nhận ra được giá trị của những nén bạc Chúa ban cho chúng ta để rồi chúng ta lãng phí đi, chúng ta làm cho nó tàn héo đi, do lòng ích kỷ của chúng ta.

Tôi có đọc được một bài viết với ý nghĩa: Con chim đậu trên cành không bao giờ sợ cành cây gãy. Vì niềm tin của nó đặt ở đôi cánh, chứ không bao giờ ở cành cây, được chia sẻ như sau: Ngày còn học tiểu học, tôi nhớ mãi một lần kiểm tra bị điểm kém. Mẹ buồn lắm, hỏi sao lại có kết quả như vậy. Tôi ấm ức bảo “Bạn cùng bàn không cho con chép. Các bạn khác vẫn chép nhau như thường, nhưng bạn ngồi với con ích kỷ, cứ che bài.” Ngày hôm ấy, tôi bị một trận mắng nhớ đời.

Năm lớp 8, tôi học dốt toán nhất nhì lớp. Tôi ngồi với hội bạn học giỏi, bài thi nào điểm cũng cao, lúc nào cũng “ngất ngưởng”. Nhưng mỗi lần lên bảng, không có ai bên cạnh “chỉ đường”, tôi cầm viên phấn nín thinh, tay chẳng viết nổi một chữ. Cô dạy toán có lần nói trước lớp, ý mỉa mai rằng nếu tôi không chịu tự học, thì chẳng đỗ nổi cấp 3. Tôi cũng đã từng mặc định rằng, mình sẽ không thể nào khá lên, dốt là dốt, thế thôi, làm sao thay đổi được? Tôi cũng đã từng mặc định rằng, mình sẽ không thể làm được điều gì tuyệt vời, như những người mà mình nhìn thấy ngoài kia. Nhưng rồi dần lớn, tôi biết mình đã sai thế nào. Thì ra, tôi đã luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, luôn trông chờ vào người khác, và chẳng đặt niềm tin vào chính bản thân mình. Và tôi thử tin mình nhiều hơn, trao cho “gã khổng lồ” trong mình nhiều cơ hội hơn thế. Và rồi tôi đỗ cấp 3, còn là á khoa trường chuyên của tỉnh. Điểm toán tôi thuộc “hàng xịn” trong lớp. Tôi khiến bố mẹ tự hào, khi ẵm hết giải học sinh giỏi, từ cấp trường, cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Tôi làm được nhiều điều tuyệt vời hơn tôi tưởng, và luôn biết rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế.

Câu chuyện này cho thấy em học sinh đã nhận ra được khả năng của mình để mà cố gắng trong việc học tập và em đã thành công. Xin cho chúng ta cũng nhận ra được giá trị của việc cầu nguyện để siêng năng cầu nguyện chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Amen.

 Thứ Năm – Tuần XXVII Thường Niên

(Ml 3,13-20a; Lc 11,5-13)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy về bài học kiên trì trong cầu nguyện qua câu chuyện người bạn quấy rầy, và Chúa cũng xác định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”

Nhưng bên cạnh điều xác tín đó, Chúa cũng đưa ra một xác tín khác đó là: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? “

Điều này cho thấy không phải xin bất cứ điều gì Chúa Giêsu điều nhận lời, vì có thể điều chúng ta xin là điều không tốt đối với chúng ta. Chúa là cha, Chúa thấy được điều đó.

Nói đúng hơn, Chúa không chỉ muốn điều tốt cho chính chúng ta, Chúa còn muốn tốt cho tất cả mọi người, bởi nhiều khi điều ta xin tuy tốt cho ta, nhưng lại không tốt cho người khác, thì làm sao mà Chúa có thể ban cho được. Vì Chúa không chỉ là Cha của ta, mà còn là Cha của tất cả mọi người. Nên khi xin điều gì chúng ta cũng hãy biết nghĩ đến lợi ích của người khác.

Có câu truyện ngụ ngôn mang tên Cha và con gái: Người cha nọ có 2 cô con gái. Ông vô cùng yêu quý 2 cô con gái của mình, luôn cầu xin ông trời cho các cô con gái sống hạnh phúc. Hai cô con gái ngày càng lớn khôn đến tuổi lấy chồng. Có một anh chàng nông dân trồng rau đến cầu hôn cô chị, hứa với người cha rằng:

– Cháu nhất định sẽ đem lại cho cô ấy một cuộc sống hạnh phúc, bởi vì rau cháu trồng không chỉ đủ ăn mà còn bán được rất nhiều tiền. Người cha đồng ý gả cô con con gái cho anh ta.

Ít lâu sau, có một người thợ làm gốm đến cầu hôn cô em. Anh ta cũng đảm bảo với người cha:

– Cháu nhất định sẽ làm cho cho cô ấy một cuộc sống hạnh phúc, bởi vì gốm do cháu làm rất đẹp, người trong thành ai cũng muốn mua đồ gốm của cháu, năm nào cháu cũng kiếm được rất nhiều tiền.

Người cha bằng lòng gả cô con gái thứ hai cho anh ta. Một thời gian sau, người cha đến nhà người nông dân trồng rau để thăm con gái lớn. Ông hỏi con:

– Con gái, cuộc sống của con có tốt đẹp không?

Cô con gái lớn thưa:

– Thưa cha, cuộc sống của chúng con đều tốt đẹp cả, chỉ mong sao ông trời cho thêm mưa để đủ nước tưới cho rau.

Người cha nghe vậy liền cầu xin ông trời cho thêm mưa. Rồi ông đến nhà người thợ gốm để thăm cô con gái út. Ông hỏi:

– Con gái, cuộc sống của con có tốt đẹp không?

Cô con gái út thưa:

– Thưa cha, cuộc sống của chúng con rất đủ đầy, chỉ mong ông trời cho thêm nắng để đồ gốm chóng khô.

Người cha bối rối nói với con gái út: Con mong trời nắng, còn chị con mong trời mưa. Cha không biết phải cầu xin ông trời thế nào đây?

Câu chuyện này cho chúng ta thấy khi cầu nguyện chúng ta hãy xin Chúa cho mọi sự theo như ý Chúa muốn, bởi Chúa sẽ biết điều nào tốt cho con cái của Chúa. Amen.

Thứ Sáu – Tuần XXVII Thường Niên

(Ge 1,13-15; 2,1-2; Lc 11,15-26)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc những người do thái muốn thử Chúa Giêsu sau việc Chúa trử quỷ. Điều đó cho thấy họ không tin vào Chúa Giêsu. Đó là bài học cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi tin vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nhớ là tin vào Chúa, chứ đừng vội tin vào những người khác, để tránh rơi vào cạm bẫy của kẻ thù.

Có một câu chuyện vui mang tên THUA TRÍ ÔNG GIÀ:

Ông già nọ ở một mình, kinh tế thuộc hạng khá giả. Một cô gái đáng bậc tuổi con vào nhà và nói với ông.

– Tôi cần tiền, lão cho tôi năm triệu, tôi sẽ để yên cho lão. Bằng không tôi sẽ xé quần xé áo và hô hoán lên là lão đã làm nhục tôi. Lão suy nghĩ đi… một là mất tiền, hai là mất danh dự.

Ông già hơi bị bất ngờ trước một kiểu tống tiền quái dị. Nhưng bản tính khôn ngoan đã nhắc ông bình tĩnh và nghĩ cách ứng phó kịp thời. Ông lấy lại bình tĩnh và nói với kẻ tống tiền.

– Cháu cần tìm ai, nói tên rồi bác chỉ cho.

Cô gái lại nhắc lại.

– Tôi cần tiền, lão cho xin năm bảy triệu… nhanh lên.

Ông già vẫn bình thản đưa cho cô gái kia một tờ giấy và cái bút, rồi bảo.

– Bác bị điếc, cháu hỏi tìm ai thì cứ viết tên vào đây, rồi bác chỉ cho. Chứ nói vậy bác không nghe gì cả.

Cô gái lật đật viết vào tờ giấy.

“Tôi cần tiền, nên vào xin ông đây. Nếu ông cho tôi năm triệu, tôi sẽ để ông yên. Ông không cho là tôi xé quần xé áo hô hoán lên, ông đã làm nhục tôi… Ông muốn mất tiền hay mất mặt với xóm làng thì tùy ông”.

Ông già cầm tờ giấy lên đọc đi đọc lại, rồi gập tư bỏ vào túi áo cười. Cô gái hơi ngạc nhiên, nói lẩm bẩm.

– Cười cái gì?

– Lão đâu có điếc hả con. Lão chỉ muốn có bằng chứng giấy trắng mực đen này thôi con ạ. Bây giờ con kêu đi, hay để lão kêu hộ. Xóm làng và công an họ đến rồi họ sẽ xác minh…

Kẻ lừa đảo tái mặt, quỳ xuống xin ông già tha tội.

– Con xin ông… vì túng quẫn nên đã lỡ làm liều.

Ông già cũng chẳng hơi đâu mà xử phạt kẻ giang hồ. Ông chỉ nhẹ nhàng bảo:

– Cháu chỉ là bậc con bậc cháu, nên ông không nỡ nào trừng phạt cháu mà thôi. Về cố gắng làm ăn đi cháu ạ. Đừng sống thế này rồi sớm muộn gì cũng sa vào vòng pháp luật mà thôi.

Đây là một câu chuyện, nhưng muốn nói chúng ta cần phải biết khôn ngoan cẩn trọng trong đời sống của mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có sự khôn ngoan để vững tin vào Chúa, khôn ngoan để phân biệt đâu là đức tin chân thật qua những dụng cụ hữu dụng mà Chúa gởi đến cho chúng ta. Amen.

Thứ Bảy – Tuần XXVII Thường Niên

(Ge 4, 12-21; Lc 11, 27-28)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện của một người phụ nữ khi thấy Chúa Giêsu giảng dạy thì lên tiếng khen ngợi Mẹ Maria: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”, nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Chúng ta thử đặt vấn đề nếu như người phụ nữ khen trực tiếp với Đức Mẹ, Đức Mẹ có chấp nhận điều đó hay không? Chúng ta hãy nhớ lại khi Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabet, bà Êlisabet nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Thế nhưng, Đức Mẹ đã nói gì, Đức Mẹ hát bài kinh Magnificat để ngợi khen Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…”, nghĩa là mẹ không nhận đó là do công sức của Mẹ mà là do ơn Chúa ban cho Mẹ, nên nếu người phụ nữ trong câu chuyện có khen ngợi trực tiếp với mẹ, chắc chắn mẹ cũng không nhân mà hướng về Chúa.

Còn việc Chúa Giêsu trả lời người phụ nữ: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”, nghĩa là Chúa Giêsu cũng đang hướng về Thiên Chúa Cha. Nói cách dễ hiểu, việc Mẹ cưu mang Chúa Giêsu không phải là không có phúc, nhưng việc để được cưu mang thì nó đến sau việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Có một bài viết mang tên Mẹ của một vị thánh được chia sẻ như sau:

Ngày 6 tháng 6 năm 2010, Thánh lễ tôn phong Chân phước cho Linh mục Jerzi Popieluszko đã được diễn ra tại Ba Lan. Hình ảnh cảm động trong thánh lễ hôm ấy là sự xuất hiện của người mẹ già Marianna – người mẹ đã nuôi dạy một vị thánh.

Chân phước Jerzy Popiełuszko là một trong những nhân vật vĩ đại của người dân Ba Lan trong những năm nhân quyền ở đây bị xiềng xích. Vị tử đạo đã bị bắt cóc, tra tấn và giết chết vào ngày 19 tháng 10 năm 1984, thi thể cha sau đó bị thả xuống sông. Cái chết của cha Jerzy đã tạo nên một sự chấn động lớn cho người dân thủ đô Warsaw và có lẽ cha Jerzy sẽ không trở thành một vị thánh, nếu không có đức tin và niềm phó thác vào Chúa, mà cha đã nhận được từ bà Marianna Popiełuskzo – mẹ của cha.

Cuộc đời của bà Marianna được thêu dệt bằng những biến cố và lời cầu nguyện. Biến cố lớn nhất trong cuộc đời bà là cái chết đẫm máu của con trai yêu dấu – Jerzy Popieluko. “Xin cha mẹ đừng khóc nếu con chết!” Khi về thăm nhà trước khi bị giết, cha đã nói những lời này. Một tháng sau, ngày 30 tháng 10 năm 1984, bà Marianna được tin con trai bị sát hại. Suốt quãng đường tìm xác con, người chồng của bà đau đớn khóc trong tuyệt vọng, trong khi bà bình tĩnh thing lặng. Chỉ đến khi nhìn thấy thân xác bầm dập vì bị tra tấn của cha Jerzy, nước mắt bà mới trào dâng. Bà nói: “Tôi nghĩ đến nỗi đau của Mẹ Maria dưới chân Thánh giá”.

Từ ngày con trai bị sát hại, bà Marianna luôn suy niệm các mầu nhiệm thương khó và không ngừng cầu nguyện xin ơn tha thứ cho những người đã giết con mình. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II khi gặp bà đã nói: “Mẹ ơi, mẹ đã ban tặng cho cho thế giới một người con vĩ đại”. Và bà đáp lại: “Thưa Đức Giáo hoàng, con không cho thế giới, nhưng chính Chúa đã ban tặng cha Jerzy cho thế giới qua con”.

Giáo hội Công giáo hiện chưa tôn phong bà là một vị thánh, nhưng đối với người dân Ba Lan, bà Marianna Popiełuskzo đã như một vị thánh, vị bảo trợ thầm lặng cho những người mẹ đang trải qua những thử thách cuộc sống.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng được mời gọi có tâm tình như Mẹ Maria cũng như Chúa Giêsu, cũng như bà Marianna, luôn luôn hướng về Chúa Cha, là Đấng tạo dựng và ban ơn cho mỗi người chúng ta, để lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc đời của mình, chắc chắn chúng ta sẽ là người có phúc. Amen.