Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXV Thường Niên-A
Thứ Hai – Tuần XXV Thường Niên
(Er 1,1-6; Lc 8,16-18)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Esd 1,1-6: Ai thuộc dân Chúa, hãy lên Giêrusalem và xây cất nhà Chúa.
Tv 126,3: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi.
Lc 8,16-18: Đặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng.
Với lời tuyên bố của Kyrô, vua Ba Tư, người Do Thái có thể trở lại Giêrusalem để xây dựng lại Đền thờ. Đền thờ là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Chúa ở giữa dân của Người. Theo đó, mỗi người sẽ là một đền thờ sống động được giao nhiệm vụ làm chứng cho Chúa. Trong Tin mừng, Đức Kitô nói lời của Chúa như một ánh sáng không thể che khuất. Nó sẽ tỏa sáng trong cuộc sống của những người tin vào Phúc âm để họ có thể làm chứng cho Chúa và sứ điệp của Ngài.
Ta là con cái của ánh sáng, được ban tặng tài năng, và với ánh sáng của đức tin, những tài năng mà Chúa ban cho ta quản lý, ta không thể đi đào hố để che giấu tài năng và ánh sáng của mình. Để cho những việc làm tốt của ta được mọi người nhìn thấy không phải là chống lại sự khiêm tốn, nhưng để vinh danh Chúa hơn. Chúa nói rõ: để họ có thể nhìn thấy những việc tốt của anh em và ngợi khen Cha trên trời, chứ không phải để họ có thể khen ngợi anh em. Làm chứng bao gồm việc kêu gọi người khác hướng về Chúa và ta chỉ là những công cụ hèn mọn của Ngài. Ta chỉ có thể nêu lên những gì tin tưởng và sống, sau đó phó thác phần còn lại cho sự quan phòng của Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói không có ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường, nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng.
Lời dạy này của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một điều hiển nhiên trong cuộc sống, vì đèn là để chiếu sáng, nếu không chiếu sáng thì vô dụng.
Bên cạnh đó chúng ta cần hiểu đó là người thắp đèn chính là Chúa, và Chúa thắp đèn là để ánh đèn soi sáng cho mọi người thấy ánh sáng.
Nói một cách khác đó là khi Chúa trao cho ta một điều gì đó, một chức vụ nào đó, thì luôn kèm theo một sứ vụ, chứ không phải để chưng trong tủ kiếng, nên chúng ta phải thi hành sứ vụ đó trong cuộc đời của mình.
Và để thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, Chúa Giêsu đã chỉ cách đó là phải ý tứ xem mình nghe như thế nào, nếu mình nghe sai, thì chắc chắn sẽ làm sai, mà làm sai thì sẽ gây ra hậu quả.
Một đàn ếch đang di chuyển qua cánh rừng thì hai con ếch không may bị rơi xuống hố sâu. Những con ếch khác sau khi nhìn thấy độ sâu của cái hố liền kết luận rằng, cái hố quá sâu để có thể vượt ra ngoài. Chúng khuyên hai con ếch kia rằng không nên phí sức vì sẽ chẳng có hy vọng gì đâu.
Phớt lờ những lời nói đó, hai con ếch bị rơi xuống hố vẫn nỗ lực tìm cách nhảy ra khỏi hố. Những con ếch trên miệng hố, không những không động viên mà còn khuyên chúng hãy từ bỏ đi.
Một trong hai con ếch sau vài lần thử nhảy đã kiệt sức và chấp nhận buông xuôi. Trong khi đó, con ếch còn lại càng nhảy càng hăng hơn và thật kỳ diệu, cuối cùng nó cũng thoát ra khỏi cái hố sâu ấy.
Khi ra ngoài, những con ếch khác hỏi rằng: “Không nghe thấy chúng tôi nói gì sao?” Chúng cứ hỏi mãi trong sự ngạc nhiên, lúng túng của con ếch nọ.
Cuối cùng sự thật cũng được một con ếch già hé lộ rằng: Con ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc và nó cứ nghĩ là những con ếch khác hò reo đang cổ vũ cho nó, và chính điều đó đã làm nên một sức mạnh kỳ diệu giúp cho nó tìm được sự sống mong manh trong cái chết.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải biết khôn ngoan để lắng nghe những điều cần nghe, nếu không thì xem như là không nghe, nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta.
Nhưng để có được thái độ khôn ngoan biết lắng nghe, chúng ta cần phải cầu xin ơn Chúa, cho chúng ta biết khôn ngoan để lắng nghe. Câu chuyện của vua Salomon là một minh họa cho chúng ta: “Thiên Chúa hiện ra báo mộng với Salomon và nói với ông: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” Vậy Vua Sa-lô-môn đã xin gì? Thưa ông không xin gì khác mà ông chỉ xin Thiên Chúa một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; để có đủ sức cai trị dân Chúa, và Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó.
Noi gương vua Salomon chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn biết lắng nghe, để chúng ta có thể thi hành sứ vụ mà Chúa trao phó cho chúng ta tùy theo bổn phận của mỗi người chúng ta, thì chắc chắn đều đó sẽ đẹp lòng Chúa, và chắc chắn Chúa sẽ nhận lời chúng ta. Amen.
Thứ Ba – Tuần XXV Thường Niên
(Er 6,7-8.12b.14-20; Lc 8,19-21)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi có người báo tin cho Chúa Giêsu hay có mẹ và anh em Chúa đến tìm Chúa. Thì phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu đó là: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Nhưng có một vấn đề đặt ra là nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành có dễ không khi cuộc đời của mình đầy những gian nan thử thách?
Thưa không dễ chút nào, vì nỗi đau đó đụng chạm đến chính con người của mình, thì làm sao mình có thể chấp nhận, làm sao có thể lắng nghe được tiếng của Chúa, mà không lắng nghe được thì làm sao thực hành được, đó là một thực tế.
Vậy làm sao để có thể nghe và thực hành lời Thiên Chúa được đây? Chẳng lẽ những người đau khổ suốt cuộc đời sẽ không nghe, không thực hành lời Chúa.
Thưa có thể, nếu chúng ta hiểu rằng không có nỗi buồn nào vĩnh viễn, cũng không có niềm vui nào vững bền, chỉ có Chúa mới là niềm vui vĩnh cửu.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
– Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: “Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc.”
– Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: “Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc.”
– Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: “Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng.”
Nếu chúng ta có cái nhìn lạc quan như vậy, chúng ta sẽ có thể lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc đời của mình, để biến nỗi buồn thành niềm vui.
Một nhà truyền giáo kể lại câu chuyện như sau:
Có một cụ già vừa mới trở lại đạo Công giáo, mỗi ngày cụ đến nhà thương để đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nào muốn nghe. Thế nhưng, một ngày nọ, cảm thấy có gì không ổn trong mắt, cụ đi khám tại bác sĩ chuyên về khoa mắt và đã biết rằng, mình không còn sử dụng đôi mắt được lâu nữa, vì sắp bị mù mà không còn cách chi để chữa nữa.
Từ đó, người ta không thấy cụ đến nhà thương nữa. Có người nói là đã thấy cụ đi một mình lên núi. Nhiều tuần lễ sau, bỗng nhiên người ta lại thấy cụ trở lại nhà thương và tiếp tục đọc Kinh Thánh như trước.
Trả lời cho những người thắc mắc là cụ đã làm gì trên núi trong những ngày qua, cụ nói:
– Tôi tìm đến nơi thanh vắng để học thuộc lòng các sách Tin Mừng khi tôi còn thấy được, để sau này khi bị mù, tôi vẫn còn có thể đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nghe.
Xin cho mỗi người chúng ta có được niềm lạc quan tin tưởng, để lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc đời mình. Amen.
Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên
Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.
(Er 9,5-9; Lc 9,1-6)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Người mới nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Câu nói này của Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở các môn đệ của Chúa ngày xưa, cũng không chỉ là lời nhắc nhở riêng các vị mục tử ngày hôm nay, mà còn là mỗi người chúng ta ngày hôm nay nói chung, phải biết chạnh lòng thương đối với những con người lầm than vất vưởng.
Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là những con người lầm than vất vưởng này là ai? Thưa chúng ta phải hiểu những người lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt là những người nguội lạnh bỏ Chúa, những người chưa được biết Chúa, có thể họ là những con người đang đau khổ, bệnh tật, đang nghèo đói.
Và có một điều này chúng ta cần chú ý đó là nhiều khi nghe nói đến những người lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt, chúng ta thường nghĩ đến đó là những người nghèo khổ, bệnh tật, thường là chúng ta nghĩ như vậy, nghĩa là họ thường là những con người mang thân phận nghèo hèn, khốn khổ, bệnh tật, thấp cổ bé miệng.
Nhưng nếu hiểu như vậy chỉ có một nửa mà thôi, bởi chúng ta biết không phải chỉ có những người nghèo khổ bệnh tật, thấp cổ bé miệng mới được gọi là những người lầm than vất vưởng, mà đôi khi có thể họ là những con người rất giàu có, vì có ai dám nói giàu có đại gia mà không đau khổ, mà không vất vưởng hay không, có ai nói giàu có mà không nguội lạnh, mà không bỏ Chúa hay không? Thưa không.
Nên chúng ta cần biết không phải giàu có, đại gia mà không vất vưởng, không bệnh tật, không đau khổ, không phải chỉ có nghèo khó bệnh tật mới là vất vưởng, mới đau khổ, nhưng đã mang thân phận con người thì ai cũng có thể là những con người vất vưởng cả, nếu cuộc đời không được biết Chúa, nếu đang đang khổ, nếu đang bệnh tật, nếu đang nghèo đói, mà chúng ta cần phải đến để giúp đỡ họ, không phân biệt.
Nếu chúng ta không hiểu chúng ta sẽ loại trừ họ, chúng ta sẽ đến với những người nguội lạnh, không biết Chúa mà toàn là những người giàu có, hay ngược lại, chỉ đến với những con người nguội lạnh, không biết Chúa toàn là đau khổ bệnh tật, nghèo đói.
Chúa Giêsu là một mẫu gương cho chúng ta noi gương bắt chước, Ngài đến với tất cả mọi loại người từ người nghèo khổ bệnh tật, cứu sống con trai bà góa thành Nain, chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô, phục sinh Ladarô, trừ quỷ….
Rồi Chúa đến những người giàu có đại gia, đến với Dakêu, kêu gọi Lêvi, dùng bữa nhà ông Simon biệt phái, không chỉ Chúa đến với họ, mà Chúa còn cho họ đi theo Chúa chẳng hạn có những phụ nữ theo Chúa Giêsu.
Hôm nay là lễ thánh Vinhsơn Phaolo, ngài là người đã noi theo gương Chúa Giêsu để lo cho những người lầm than vất vưởng không người chăn dắt, nên ngài đã sáng lập ra Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn, để lo cho người nghèo, để củng cố tình trạng xuống cấp của Giáo hội, nhất là đào tạo hàng giáo sĩ.
Xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu, biết noi gương thánh Vinh Sơn, biết quan tâm đến những con người lầm than vất vưởng không người chăn dắt để đưa họ trở về với Chúa, bằng sự quan tâm, bằng chính đời sống tốt lành của mỗi người chúng ta. Amen.
Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên
(Kg 1,1-8; Lc 9,1-6)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay thánh Luca trình bày: “Quân vương Hêrôđê nghe biết tất cả các sự việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, nhưng không biết Chúa Giêsu là ai, vì có người cho là Gioan Tẩy Giả từ cõi chết sống lại; kẻ khác lại nói là một tiên tri thời xưa sống lại, nên ông tìm cách gặp Chúa Giêsu.”
Thế nhưng vua Hêrôđê có gặp được Chúa Giêsu ngay sau khi ông nghĩ là muốn gặp được Chúa Giêsu không? Thưa không, mà sau khi Chúa Giêsu bị bắt, Chúa Giêsu mới bị người ta đem tới trước mặt vua Hêrôđê, chứ Hêrôđê không chủ động đến tìm Chúa.
Và chúng ta biết ngay từ đầu Hêrôđê chỉ muốn gặp Chúa vì tò mò, chỉ muốn gặp Chúa vì muốn xem Chúa làm một vài phép lạ, chứ không phải là muốn gặp Chúa để mà tin Chúa, nên cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và Hêrôđê trong những giây phút cuối đời của Chúa Giêsu không có kết quả gì cả (x. Lc 23,8-12)./
Hiểu được như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi phải có ý hướng ngay lành khi đến với Chúa, đến với Chúa vì đó là Chúa, chứ không phải đến với Chúa vì tò mò, đến với Chúa vì sợ, đến với Chúa vì để được Chúa ban ơn, nếu không hành động đến với Chúa của chúng ta sẽ không mang lại hiệu quả gì, ngược lại là sẽ mang hậu quả bởi vì nếu đến với Chúa mà Chúa không thỏa mãn nhu cầu của chúng ta, chúng ta sẽ kêu trách Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện những người Do thái kêu trách Thiên Chúa là một minh họa cho chúng ta, khi Thiên Chúa giải thoát họ ra khỏi đất Ai cập, nhất là khi họ vượt qua biển đỏ, thì họ ca tụng Chúa: “Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng. Người là trang chiến binh, danh Người là “Đức Chúa! “ Xa mã Pharaô, Người xô xuống lòng biển, tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy….” (Xh 15,1-4).
Nhưng, khi Thiên Chúa không làm vừa lòng họ thì họ nói với ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết.” (Ds 21,5-6).
Hình ảnh đó chúng ta thấy không chỉ là thái độ của chúng ta đối với Chúa, mà nhiều khi còn là thái độ chúng ta khi đến với nhau, bạn bè đến với nhau, anh chị em trong gia đình đối với nhau, con cái đến với cha mẹ.
Trong bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến có viết như thế này, đáng cho chúng ta suy gẫm khi chúng ta đến với nhau.
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi thái độ, theo đổi ý hướng của chúng ta khi đến với Chúa, cũng như khi đến với anh chị em của mình, bạn bè, cha mẹ, để cuộc gặp gỡ của chúng ta mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp. Amen.
Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên
Các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel, Raphael. Lễ kính.
Ngày Trung Thu. Cầu cho thiếu nhi.
(Đn 7,9-10.13-14; Ga 1,47-51)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay lễ các tổng lãnh thiên thần, nghe nói đến các thiên thần mỗi người chúng ta suy nghĩ điều gì? Thưa chúng ta thường suy nghĩ đến cái đẹp, những gì là tốt đẹp đều dành để nói đến các Thiên Thần, đẹp như Thiên Thần, hiền như Thiên thần, tốt như Thiên Thần, cái gì cũng gắn với Thiên Thần.
Có đôi bạn trẻ, một nam, một nữ. Họ rất trân trọng và mến nhau, cùng nhau phấn đấu học tập và nêu cao tinh thần bác ái, sống thiện. Một ngày nghỉ học, họ đi dạo chơi. Bỗng nhiên, khách qua đường nghe thấy họ to tiếng nên dừng lại, không biết chuyện gì đã xẩy ra. Bạn nữ giận dữ quát lên: “Anh đi đi, đừng bao giờ xuất hiện trước mắt tôi nữa, tôi không muốn nhìn thấy anh…đồ ác quỷ…”.
Bạn nam vẫn lạnh lùng nhìn chăm chăm vào khuôn mặt đang nức nở của “Thiên Thần”. Khi anh tiến đến gần, thì Thiên Thần gạt phăng tay anh ra và đuổi anh “đi đi!”
“Ác Quỷ” sững người, cột sống anh cứng đờ nghĩ: Thiên Thần đang bảo mình đi, đang đuổi mình đi sao? Một cái nhếch mép chua xót ẩn hiện trên khuôn mặt của Ác Quỷ. Anh đứng dậy, từ bỏ ý định đỡ Thiên Thần đứng dậy, nói bằng một giọng đều đều, không cảm xúc: “Chào Thiên Thần, Ác Quỷ đi.” Nói rồi anh quay lưng bước đi, với những giọt lệ long lanh trên khóe mi đang lăn trên gò má.
Câu chuyện này cho chúng ta một cảm nhận, đó là để là thiên thần hay ác quỷ, là do người ta thường gán cho nhau, chứ thật ra chưa chắc người đó đã là ác quỷ.
Nhưng bên cạnh đó, để một người là thiên thần hay là ác quỷ thật sự, thì cũng do thái độ của mình đã kéo anh em mình để anh em mình trở thành thiên thần, hay mình đã đẩy người anh em của mình để họ trở thành ác quỷ.
Robert Rosenthal – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã từng làm một cuộc thí nghiệm thế này: Ông chia một nhóm chuột bạch thành hai nhóm A và B, nói với người nuôi dưỡng nhóm A rằng những chú chuột này rất thông minh, đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B rằng trí lực những chú chuột này chỉ bình thường thôi.
Mấy tháng sau, ông cho hai nhóm chuột này làm một trắc nghiệm kiểu vượt qua mê cung và phát hiện nhóm A thật sự thông minh hơn nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung tìm được thức ăn đầu tiên.
Ông nghĩ, hiệu ứng này có thể xảy ra ở con người không? Thế là ông lại đến một trường trung học bình thường, ông vào một lớp học bất kỳ và khoanh tròn vài cái tên học sinh trong bảng danh sách, sau đó ông nói với giáo viên của những học sinh đó rằng: Những em này trí tuệ rất cao, rất thông minh.
Qua một thời gian, ông trở lại trường và kỳ tích đã xảy ra: những học sinh mà ông chọn thật sự đã trở thành những người xuất sắc của lớp.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó chính là tác dụng đầy ma lực của một kiểu “ám thị” thần kỳ. Trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ chịu sự ám thị tâm lý thế này hay thế kia, những ám thị này có cái tích cực, cũng có cái tiêu cực. Nếu một người chịu sự ám thị nào lâu dài thì kết quả họ sẽ trở thành đúng như loại ám thị đó.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để thấy được rằng mình chính là Thiên Thần của Chúa, và người khác cũng là Thiên Thần của Chúa, để chúng ta đều là thiên thần của Chúa, đừng đẩy người anh em của chúng ta trở thành ác quỷ theo cách suy nghĩ của chúng ta. Amen.
Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên
Thánh Giêrônimô, linh mục. Lễ nhớ.
(Dcr 2, 5-9.14-15a; Lc 9, 43b-45)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay là những lời chỉ bảo sau cùng của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ trước khi Ngài về trời.
Đó là, Chúa Giêsu nhắc lại những gì mà Chúa đã từng nói với các môn đệ, mà những gì Chúa Giêsu nói với các môn đệ đó là những gì mà sách luật Môsê, các sách ngôn sứ và các sách Thánh Vịnh đều đã ứng nghiệm nơi Chúa.
Rồi sau đó Chúa Giêsu mở trí cho các môn đệ để các ông hiểu rõ về Kinh Thánh. Và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”
Như thế, chúng ta thấy những gì mà Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ, cũng như việc Chúa Giêsu mở trí cho các môn đệ là để làm gì? Thưa không chỉ là để các môn đệ chỉ hiểu kinh thánh, nhưng quan trọng hơn là hiểu kinh thánh là để lòng trí các ông hướng về Chúa, để làm chứng cho Chúa, đó mới là điều quan trọng.
Chúng ta biết nếu chỉ biết kinh thánh, chỉ hiểu kinh thánh, mà không hướng về Chúa Giêsu thì chỉ vô ích, thậm chí đó còn lại một mối nguy hại, vì có thể lạm dụng lời Chúa để thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân của mình.
Trong Tin mừng chúng ta thấy ma quỷ đã lạm dụng Lời Chúa để cám dỗ Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4,9-11).
Có một câu chuyện vui mang tên Chú Giải Lời Chúa được chia sẻ như thế này:
Tại một làng thuộc vùng Lorraine, miền Đông Bắc nước Pháp, có một nông dân không có niềm tin, một hôm gặp ông thầy giáo làng đang đi dạo mát, ông ta tiến lại trước mặt ông thầy này và gây sự bằng một giọng đầy khiêu khích:
– Hôm qua, thầy đã dạy cho bọn trẻ trong làng những điều hay quá: “Nếu ai đánh ngươi má bên mặt, thì hãy chìa luôn cả má trái cho nó” (Mt 5,39).
– Lời đó đâu phải là do tôi – Thầy giáo đáp – đó là điều Chúa nói trong Tin Mừng chứ!
Thầy giáo vừa dứt lời thì người nông dân kia bất ngờ tát cho thầy hai cái, vì từ lâu anh đã có nhiều điều tức khí với thầy giáo làng.
Cách đó không xa, ông chủ tịch xã đang đi với nhân viên, nhìn thấy cảnh đó, liền nói với một anh nhân viên:
– Joseph, anh lại đó xem, hai người đang tranh chấp với nhau chuyện gì vậy?
Lúc Joseph vừa đến gần hai người, thì cũng chính là lúc thầy giáo làng giơ tay giáng trả hai cái tát nẩy lửa vào mặt người nông dân, kèm theo lời trích dẫn của Kinh Thánh:
“Cũng có lời chép: Ngươi lấy đấu nào mà đong cho anh em, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Một đấu được lắc, được dằn sẽ đổ xuống trên lưng ngươi” (Lc 6,38).
Joseph vội vàng trở lại báo cho ông chủ tịch:
– Thưa ông, chẳng có chuyện gì đáng kể. Họ đang tranh nhau chú giải Kinh Thánh!
Chúng ta thấy, nếu chúng ta đọc Kinh Thánh với một tà ý thì Kinh Thánh sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đọc với một sự thành tâm thì Lời Chúa sẽ trở thành luơng thực, thành ánh sáng cho cuộc đời của ta.
Hôm nay lễ thánh Giêrônimô thánh nhân có câu nói nổi tiếng: “Không biết kinh thánh là không biết Chúa Kitô”, xin cho mỗi người chúng ta biết tìm hiểu học hỏi kinh thánh để hướng về Chúa, để lời Chúa trở thành lương thực, thánh ánh sáng cho cuộc đời ta, chứ đừng lạm dụng lời Chúa để tìm lợi ích bản thân. Amen.