Sinh Hoa Lợi- Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XXVII Thường niên- A

0
34

Sinh Hoa Lợi- Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XXVII Thường niên- A

Ngôn sứ Isaia đã ví dân Israel như một vườn nho được Thiên Chúa chăm sóc và không ngừng bảo vệ. Ngài hy vọng sẽ nhận được hoa quả ngon ngọt (Is 5,2b.3.4a.5), nhưng Israel đã không cho hoa quả mà còn gây thêm họa. Dụ ngôn Đức Giêsu nói ở đây cũng rút ra từ đó, nhưng với ý hướng mới là vườn nho được giao cho các tá điền canh tác. Các tá điền là những giới chức tôn giáo Do Thái, những người được giao cho trách nhiệm dẵn dắt dân Thiên Chúa, nhưng họ đã tham lam chiếm đoạt, giết chết những người được sai đến, ngay cả “đứa con thừa tự”.

Qua dụ ngôn, Đức Giêsu muốn nói mình chính là Người Con ấy của  Thiên Chúa. Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình bởi những tá điền sát nhân, là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đương thời. Thế nhưng cái chết ấy không chấm hết, nhưng lại là cánh cửa mở ra một trang sử mới cho cả nhân loại, vì “viên đá bọn thợ xây loại ra, đã trở nên viên đá góc”. Bị loại bỏ là việc độc ác của con người, còn trở nên viên đá góc là việc kỳ diệu của Thiên Chúa. Trên nền tảng đó, một dân mới được thiết lập chính là Giáo Hội phổ quát mà chúng ta đang thuộc về.

Bài Phúc Âm cho chúng ta cảm thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng dạ ích kỷ của con người. Một Thiên Chúa nhân hậu đến nỗi dám tin tưởng con người bằng cách giao phó vườn nho là tất cả gia sản của mình cho họ. Một Thiên Chúa vô cùng kiên nhẫn khi sự tin tưởng đó liên tục bị phản bội, vì con người chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, cho tới khi con người tự đào huyệt chôn mình trong sự cố chấp tới cùng. Đúng như lời tiên tri Giêrêmia: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? (17, 9).

Con người là như vậy: tham lam và ích kỷ, bất trung và vô ơn, kiêu căng và giả hình, ghen ghét và hận thù, chiếm hữu và thống trị, loại trừ và tiêu diệt… là hậu quả của sự ham mê vật chất và quyền hành vô độ. Con người dường như chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, vì ham muốn không ngưng nên cũng tạo nên nghiệp chướng không ngừng. Không lạ gì mà Phật giáo chủ trương diệt dục, vì ngay cả những ham muốn tốt lành cũng giăng đầy những nguy cơ và cạm bẫy.

Dụ ngôn đòi ta phải xét lại chính mình. Con người là hư không, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã làm thành hiện hữu. Có được cái gì cũng là do Chúa ban, làm được cái gì cũng là do Chúa giúp. Vì thế, mọi cái phải phù hợp với đường lối và ý định của Ngài. Triết lý Á Đông cũng đã nói:“Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Ngoài ra, cuộc đời ta là của Chúa, chẳng có gì là của mình. Biết rằng mình phải làm nên, nhưng nếu Chúa không ban, thì nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.

Vườn nho mà Thiên Chúa giao cũng chính là cuộc đời mỗi người, để ta tự do sáng tạo và góp phần vào công trình cứu độ của Chúa, nghĩa là ân ban phải được tiếp tục trao ban. Do đó, mọi hình thức chiếm đoạt và sở hữu cho mình đều là phản bội, phá vỡ quan hệ tình yêu, mà không có tình yêu thì không có sự sống. Sự sống sẽ trở nên phi lý nếu không còn tình yêu. Bởi vậy, Thiên Chúa không là gì khác, mà là Tình Yêu. Tình Yêu là khởi điểm, là động lực, là phương thế, và cũng là cùng đích cho cuộc đời con người. Chẳng có gì thỏa đáng cho khát vọng sâu thẳm của con người ngoài tình yêu.

Chính trong ý nghĩa đó mà bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt vấn đề tình yêu phục vụ ở trong Hội Thánh. Có những thứ phục vụ để mong chiếm hữu, để được làm chủ, để lấy điểm, để mong được cất nhắc lên, để được bề trên để ý tới, để được nhiều thứ lợi lộc, để gia tăng thanh thế và danh giá cho mình… Và nếu cứ như thế, phục vụ sẽ biến ta thành kẻ gian ác, vì đi tới chỗ loại trừ và giết chết người khác dưới nhiều hình thức. Chúng ta dễ quên vai trò và vị trí phục vụ của mình là một tá điền, một đầy tớ vô dụng, chỉ làm những việc phải làm. Đó là tất cả những gì lớn lao cao cả cho sự hiện hữu của chúng ta trước mặt Chúa rồi, cần gì phải lo thể hiện mình trước mắt người khác.

Mục đích phục vụ của người Kitô hữu là để Chúa được nhận biết và yêu mến. Nhưng nhiều khi ta đi tìm giá trị đời mình ở những lợi lộc trần thế, nhất là tuổi trẻ, muốn săn lùng và chiếm hữu nhiều thứ khác, khiến ước vọng trở thành dục vọng. Sống đời Kitô hữu không phải là làm cho mình thêm nhiều, mà là làm giảm bớt đi: bớt những tham lam và chiếm hữu, bớt quyền hành và danh giá. Cũng vậy con đường nên thánh không phải bước lên mà là bước xuống: bước xuống để đồng hàng và đồng hành với anh em, để nối kết, hòa nhập và hợp nhất với nhau trong tình yêu Đức Kitô, Đấng là Đầu trong thân thể nhiệm mầu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Qua dụ ngôn những kẻ làm vườn nho,
cho thấy sự độc ác của tá điền,
trước tình thương ông chủ quá nhân hiền,
họ đã biến nghĩa ân thành cuộc chiến,
giết tôi tớ và giết cả người Con,
để cướp lấy hết vườn nho cho trọn.

Quả thật con không thể nào hiểu được,
sự vô tâm tàn nhẫn của con người,
lại càng không thể nào mà hiểu nổi,
sự kiên trì của Thiên Chúa lạ lùng,
vẫn yêu thương với những kẻ bất trung,
chỉ thi hành công lý lúc cuối cùng.

Có nhiều lúc sự ác như thắng thế,
gây biết bao những thảm cảnh ê chề,
đưa con người đến lầm lạc u mê,
chẳng biết đâu là nẻo chánh đi về.

Chúa vẫn đấy nhưng xem ra bất động,
chỉ vì Ngài nhân từ muốn đợi trông,
để nhân thế biết đổi dạ thay lòng,
để tìm về nguồn sự sống vô biên.

Đến hôm nay thế giới vẫn ngả nghiêng,
vẫn đảo điên theo lối sống gian tà,
không nhận ra Thiên Chúa chính là Cha,
vẫn kiêu căng và xúc phạm đến Ngài.

Xin cho con buông xuống mọi tham lam,
để an vui trong mọi việc con làm,
thấy tình thương và ân sủng Chúa ban,
hơn tất cả những gì con mong ước,
để con biết một đời phụng sự Chúa,
Đấng là Vua muôn thuở của lòng con. Amen

Lm. Thái Nguyên