TGM Giuse Nguyễn Năng: Thư gửi các linh mục nhân dịp lễ Thánh Tâm 2021

0
49

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 6 tháng 6 năm 2021

THƯ GỬI CÁC LINH MỤC NHÂN DỊP LỄ THÁNH TÂM
Linh mục nên thánh

Quí cha rất thân mến,

Trong Thư gửi các linh mục nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 1995, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đặt lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là ngày cầu xin ơn thánh hóa các linh mục. Hơn ai hết và trước mọi người, các linh mục nên thánh để giúp Dân Chúa nên thánh.

  1. “Xây lại nhà của Ta”

Năm 1205, khi bước vào nhà nguyện Thánh Đamianô, chàng hiệp sĩ trẻ giàu có Phanxicô Assisi nhìn lên Thánh giá và nghe được tiếng của Đấng chịu đóng đinh: “Phanxicô, con hãy đi xây lại nhà của Ta đã đổ nát”. Ngay sau đó, Phanxicô tiến hành tu sửa ngôi nhà thờ (ecclesia) nhỏ bé. Nhưng Phanxicô dần dần hiểu rằng ngôi nhà thờ đổ nát này chỉ là biểu tượng cho tình trạng bi đát của Nhà Chúa là chính Giáo hội (Ecclesia) thời bấy giờ: đức tin của Dân Chúa hời hợt không đủ biến đổi cuộc sống, lòng nhiệt thành và lòng mến của hàng giáo sĩ đã nguội lạnh, bên trong Giáo hội thiếu hiệp nhất, bên ngoài thì nhiều lạc giáo xuất hiện. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu trên Thánh giá của nhà thờ Thánh Đamianô mời gọi Phanxicô canh tân Giáo hội, nhờ một đức tin trọn vẹn và một lòng yêu mến Chúa nồng nàn. Từ đó Phanxicô bắt đầu sống Phúc Âm cách triệt để, góp phần xây dựng lại Nhà của Chúa (x. ĐGH Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung ngày 27-1-2010).

Tình trạng ‘Nhà Giáo hội’ hôm nay cũng có rất nhiều điều đáng ưu tư: tội lỗi nơi các thành phần Dân Chúa, thậm chí các xì căng đan nơi hàng giáo sĩ, hiện tượng xa rời và không thực hành đức tin, đời sống luân lý sa sút, lối sống thực dụng theo kiểu vô thần thực tiễn, tình trạng nguội lạnh thiếu lòng nhiệt thành dấn thân loan báo Tin Mừng…

Để xây lại Nhà của Chúa, phải bắt đầu từ đâu? Chắc chắn phải từ sự hoán cải và sống thánh thiện theo Tin Mừng. Đó là con đường đầu tiên và là con đường duy nhất. Đó chính là lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Tại Đức, trong bối cảnh nhiều vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên đã xảy ra trong quá khứ, nhiều người lên tiếng yêu cầu bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, truyền chức linh mục cho nữ giới, thay đổi luân lý về tính dục. Giáo hội tại Đức đang tổ chức “Con đường công nghị” để duyệt xét lại các vấn đề ấy. Trong thư gửi cho các Giám mục tại Đức, ĐTC Phanxicô mời gọi đi theo đường lối của tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, tin vào Chúa Thánh Thần, và đừng sa vào cám dỗ tin rằng giải pháp cho các vấn đề và những thiếu sót trong Giáo hội là tổ chức lại các cơ cấu, sửa đổi qui chế luật lệ để làm cho đời sống Giáo hội dễ dãi hơn, bằng cách thích ứng với những tiêu chuẩn thời đại hoặc của một nhóm nào đó.

Cách đây vài năm, sau khi báo chí phổ biến danh sách thật dài các vụ lạm dụng tình dục tại Mỹ, một phóng viên đã hỏi các linh mục, chủng sinh tại Học viện Bắc Mỹ ở Roma nghĩ thế nào về khủng hoảng này, một linh mục trẻ đã trả lời: “Chúng tôi sẽ là giải pháp chứ không trở thành vấn đề”, nghĩa là chúng tôi sẽ sống tốt để lấy lại uy tín cho Giáo hội chứ không gây nên xì căng đan nữa.

Nói cách khác, trước tình trạng suy giảm đức tin với tất cả những hậu quả về phương diện luân lý, tinh thần, xã hội và văn hóa, giải pháp cho sự suy thoái không hệ tại ở sự cải tổ trên bình diện xã hội, cơ cấu, hay pháp lý, nhưng ở nỗ lực trở về với Tin Mừng, tức là đời sống thánh thiện.

  1. Bắt đầu từ các mục tử

Tất cả các Kitô hữu đều phải nên thánh, vì nên thánh là ơn gọi nền tảng, và anh em chúng ta, các mục tử, là người trước tiên phải nên thánh.

Trước khi được xức dầu thánh hiến trong chức linh mục, chúng ta đã được xức dầu thánh hiến trong ơn gọi Kitô hữu. Chức tư tế thừa tác của chúng ta không xóa bỏ chức tư tế chung của mọi tín hữu mà chính chúng ta đã lãnh nhận khi được rửa tội. Chúng ta có thể áp dụng lời của thánh Augustinô cho linh mục: “Cho anh chị em, tôi là Giám mục, linh mục; cùng với anh chị em, tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.”

Giáo huấn của Giáo hội thường nói rằng các linh mục nên thánh theo cách thế đặc thù của mình, bằng cách chu toàn thừa tác vụ của hàng linh mục. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ cần thi hành thừa tác vụ thì đương nhiên đã là nên thánh. Vấn đề là chúng ta thi hành thừa tác vụ với động lực nào, phong cách nào, theo tinh thần Phúc Âm hay theo cách của thế gian; và ngoài lúc thi hành tác vụ, lối sống của chúng ta có ăn khớp với mầu nhiệm thánh thiêng đã cử hành không.

Chúng ta miệt mài chu toàn thừa tác vụ linh mục, nhưng đừng quên rằng trước hết, chính mình phải sống đời Kitô hữu thánh thiện theo Tin Mừng. Nếu chính mình không thực hành Lời Chúa là điều thiết yếu trong cuộc sống người môn đệ, thì chúng ta không thể tự mãn để nói: “Lạy Chúa, nhân danh Chúa, con đã trừ quỉ; nhân danh Chúa, con đã làm phép lạ; nhân danh Chúa, con đã nói tiên tri” (Mt 7, 21-27), hoặc nhân danh Chúa, con đã xây nhà thờ, tổ chức nhiều sinh hoạt, làm từ thiện, … thậm chí cũng không thể nói: con đã dạy giáo lý, đã cử hành biết bao bí tích…

Khi được đặt làm mục tử dẫn dắt đoàn chiên, chúng ta phải là người tiên phong sống Tin Mừng. Chúng ta nghĩ sao nếu ngày nay Chúa nói với giáo dân: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 2-3). Thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng, đã từng ưu tư: “Bao giờ chúng tôi mới sửa được lỗi của người ta, nếu chúng tôi sao lãng đời sống của mình? Khi để tâm lo các việc đời, chúng tôi xem ra càng hăng say làm những việc bên ngoài, thì thật sự chúng tôi càng dửng dưng với những việc bên trong.

Trong lịch sử, thánh Gioan Maria Vianney phải được kể vào số các linh mục thành công nhất về mục vụ. Sự thành công mục vụ hệ tại ở điều gì nếu không phải là đã làm cho một cộng đoàn khô khan và tục hóa trở nên thánh thiện nhiệt thành hơn. Điều đó đã xảy ra ở giáo xứ Ars. Bí quyết làm nên thành công mục vụ này hệ tại ở đời sống thánh thiện của cha Vianney, ở những giờ phút thâu đêm đắm chìm trong cầu nguyện trước Thánh Thể, những năm tháng miệt mài giải tội với lòng thương xót ấp ủ hối nhân, cuộc sống nghèo khó, hiền lành và khiêm nhường, ăn chay hãm mình, yêu thương người nghèo khổ bé mọn, và cả những lúc chiến đấu với Satan liên tục quấy phá.

Mục vụ không chỉ nhằm giúp giáo dân “giữ đạo”, giữ đúng giới răn của Chúa, luật lệ Giáo hội, truyền thống giáo xứ, hay tổ chức thành công các buổi lễ và các sinh hoạt đoàn thể, nhưng nhằm giúp Dân Chúa nên thánh. Những sinh hoạt bên ngoài tuy vất vả nhưng hấp dẫn; tuy nhiên đó chỉ là cái vỏ, cần có cái hồn bên trong. Linh mục không phải chỉ là người lãnh đạo, nhà tổ chức, nhưng quan trọng hơn, phải là men trong đấu bột giáo xứ.

Linh mục không phải là nhân viên hành chánh, người điều hành hoạt động xã hội, nhưng là một chứng nhân, một người đầy Chúa, đầy chất Tin Mừng. Sứ giả Tin Mừng không phải là người rao bán một sản phẩm mà chính mình không tin, không dùng, mà là người đã từng có kinh nghiệm sống Lời Chúa để có thể thông truyền cho giáo dân lòng hứng khởi sống Tin Mừng.

  1. Lòng khao khát nên thánh

Sự thánh thiện đích thực không dừng lại ở danh mục các việc phải làm mà còn là tâm hồn khao khát nên thánh. Nên thánh không chỉ là làm những việc đạo đức tối thiểu, thực hành đức tin tối thiểu và giữ luật tối thiểu, nhưng là hành trình hoán cải liên tục và khao khát nên giống Chúa mỗi ngày một hơn, “cho tới khi Đức Kitô được hình thành trong anh em” (Gl 4, 19).

Điều ĐTC Phanxicô mong đợi khi ban hành tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ”, không phải chỉ là mời gọi nên thánh, mà còn là “hy vọng những trang này sẽ hữu ích để làm cho toàn thể Giáo hội dấn thân cổ võ lòng khát khao nên thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta sự ao ước sâu đậm nên thánh để làm sáng Danh Chúa, và chúng ta hãy giúp nhau trong nỗ lực này” (s. 177).

Khao khát nên thánh là đói khát Chúa, cảm nhận sâu xa chỉ có Chúa mới là niềm hạnh phúc đích thực làm no thỏa tâm hồn. Đó là khao khát ngày càng được thuộc về Chúa hơn, được kết hợp trọn vẹn với Chúa, được sống trong Chúa và có Chúa sống trong mình. Đó cũng là mong mỏi được thấm nhuần tư tưởng và hành động của Chúa để sống như Chúa sống.

Lối sống tối thiểu đang lan rộng khắp nơi. Nhân viên mong được trả lương cao nhưng chỉ muốn làm việc tối thiểu; học sinh mong thi đậu nhưng lại học tối thiểu. Trong đời sống tôn giáo, tín hữu muốn hưởng hạnh phúc thiên đàng nhưng chỉ giữ đạo tối thiểu. Việc nên thánh của linh mục không thể dừng lại ở mức tối thiểu, nhưng phải là khao khát không ngừng. Nếu không có lòng khao khát nên thánh, làm sao chúng ta có đủ khả năng khơi dậy niềm hứng khởi thiêng liêng và thông truyền lòng khao khát nên thánh cho Dân Chúa.

Sự thánh thiện là vẻ đẹp hấp dẫn. Tuy nhiên có những điều cản trở hoặc dập tắt lòng khao khát nên thánh, làm cho con người không còn thích thú và hăng say nên thánh. Người nào đã ăn no hoặc đang có bệnh sẽ không còn cảm giác thèm ăn. Cũng thế, người có bệnh trong tâm hồn hoặc đã no đầy các sự thế gian, như tiền bạc, dục vọng, thú vui, quyền lực, kiêu căng, tự phụ, người ấy không còn đói khát Chúa, mất lòng khao khát nên thánh, và chỉ dừng lại ở việc đạo đức tối thiểu.

Thiên Chúa muốn chúng ta phải là những vị thánh. Đừng bằng lòng với một cuộc sống tầm thường nhạt nhẽo” (“Hãy vui mừng hoan hỉ, ” s. 1). “Đừng sợ nên thánh” (s. 32). “Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến bạn trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa. Cuối cùng, như Léon Bloy đã nói, «trên đời chỉ có một bi kịch lớn nhất, đó là không trở thành một vị thánh»” (s. 34 – Léon Bloy, 1846-1917, là giáo dân có gia đình, văn sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu).

Nếu không thánh thiện, sẽ chẳng có hồn tông đồ và lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói: “Việc canh tân động lực cho việc truyền giáo ‘ad gentes’ đòi phải có những nhà truyền giáo thánh thiện. Cập nhật những kỹ thuật mục vụ, tổ chức và điều hành các nguồn lực của Giáo hội, hay nghiên cứu sâu xa nền tảng Thánh kinh và thần học về đức tin, vẫn chưa đủ. Điều cần thiết là khơi dậy lòng hăng say nên thánh nơi các nhà truyền giáo, cũng như nơi khắp các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt nơi những ai làm việc gần gũi nhất với các nhà truyền giáo. Chúng ta hãy nhớ đến lòng nhiệt thành truyền giáo của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi … Bên dưới cái năng động truyền giáo này chính là đời sống thánh thiện của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, s. 92).

“Đừng bằng lòng với một cuộc sống tầm thường nhạt nhẽo… Đừng sợ nên thánh”.

Vậy thì, thưa quí cha rất thân mến, chúng ta hãy lên đường khởi đầu một hành trình mới. Một cách nào đó, qua đại dịch covid-19, Thiên Chúa đang đưa nhân loại sang một giai đoạn mới. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta nên những mục tử thánh thiện, đáp lại tiếng “Ta khát” của Thánh Tâm Chúa Giêsu và đáp lại kỳ vọng của Dân Chúa. Xin quí cha thương cầu nguyện cho tôi để chính tôi cùng với quí cha có khả năng dẫn đầu đoàn Dân thánh thiện của Chúa. Xin Chúa ban bình an và dồi dào ân sủng cho quí cha và các cộng đoàn của quí cha, đặc biệt trong thời gian đại dịch này.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

Nguồn: tgpsaigon.net (07.6.2021)

#tgmgiusenguyennang #thugui