Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm 2020

0
71
Pope Francis blesses a group of newly ordained priests of the Legionaries of Christ at the end of his weekly general audience in Paul VI hall at the Vatican Dec. 20. (CNS photo/L’Osservatore Romano) See POPE-AUDIENCE-MASS-INTRODUCTORY Dec. 20, 2017.

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI NĂM 2020
(Ngày 03 tháng 05 năm 2020)

Các từ khóa của ơn gọi

Anh chị em thân mến,

Ngày 4 tháng 8 năm ngoái, nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Gioan Vianney, cha sở họ Ars, cha đã viết một lá thư gửi tất cả các linh mục, những người hằng ngày dâng hiến cuộc đời phục vụ dân Chúa khi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Trong dịp đó, cha đã chọn bốn từ khóa là nỗi đau, lòng biết ơn, sự khích lệ và ca ngợi, để cảm ơn các linh mục và nâng đỡ sứ vụ của họ. Hôm nay, nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 57 này, cha nghĩ có thể lặp lại và nhắn gởi những từ này cho toàn thể dân Chúa, dựa trên đoạn Tin Mừng trình thuật kinh nghiệm đáng nhớ của Chúa Giêsu và thánh Phêrô trong một đêm giông bão trên biển hồ Galilê (x. Mt 14,22-33).

Sau khi hóa bánh ra nhiều khiến đám đông phấn khởi, Chúa Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, trong lúc Ngài giải tán dân chúng. Hình ảnh các môn đệ băng qua biển hồ có thể gợi lên hành trình cuộc đời chúng ta. Thật vậy, con thuyền cuộc đời chúng ta từ từ ra khơi, không ngừng tìm kiếm một bến đỗ bình an và sẵn sàng đối diện với những rủi ro và cơ may của biển cả, nhưng cũng mong muốn người cầm lái cuối cùng sẽ lèo lái con thuyền đi đúng hướng. Tuy nhiên, đôi lúc con thuyền có thể bị trôi dạt, bị lạc lối bởi những ảo ảnh thay vì theo ánh hải đăng đưa đến bến bờ bình an, hay cũng có thể bị thử thách vì phong ba khó khăn, ngờ vực và sợ hãi.

Điều gì đó tương tự cũng diễn ra trong tâm hồn các môn đệ, những người được kêu gọi theo vị Thầy người Nazareth, khi họ phải quyết định vượt sang bờ bên kia, bỏ lại sự an toàn của bản thân để trở thành môn đệ của Chúa. Cuộc phiêu lưu không êm ả: đêm tối bao phủ, gió lốc gầm rít, con thuyền bị tròng trành vì sóng đánh và họ có nguy cơ bị vùi lấp bởi nỗi sợ hãi không đến đích và không đảm đương được lời mời gọi.

Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng, ngay giữa hành trình thử thách này, chúng ta không cô đơn. Như tia nắng ban mai giữa màn đêm u tối, Chúa đi trên mặt nước bập bềnh đến với các môn đệ; Ngài mời gọi Phêrô bước trên sóng nước để đến với Ngài, Ngài cứu ông khi thấy ông đang chìm và khi đã ở trên thuyền Ngài làm cho gió lặng.

Như thế, từ khóa đầu tiên của ơn gọi đó là lòng biết ơn (gratitude). Lèo lái đúng hướng không phải là việc chúng ta làm với sức riêng mình, cũng không chỉ lệ thuộc vào con đường mà chúng ta chọn để đi. Việc thực hiện bản thân và những dự tính cuộc đời không phải là kết quả chắc chắn của những gì cái “tôi” đơn độc của chúng ta quyết định, ngược lại, trên tất cả, đó là sự đáp lại lời mời gọi của Đấng từ trên cao. Chính Chúa chỉ cho chúng ta biết bến bờ phải đến và ban cho chúng ta can đảm bước lên thuyền. Khi kêu gọi chúng ta, Chúa trở thành người lái thuyền của chúng ta; Ngài đồng hành và hướng dẫn chúng ta; Ngài ngăn chúng ta khỏi bị mắc kẹt nơi những ghềnh đá của quyết định nông cạn và thậm chí làm cho chúng ta có thể bước đi trên sóng nước dập dờn.

Mọi ơn gọi đều phát sinh từ ánh mắt yêu thương qua đó Chúa đã đến gặp gỡ chúng ta, có lẽ ngay cả khi thuyền của chúng ta đang bị bão tố dập vùi. “Hơn là sự chọn lựa của chúng ta, ơn gọi là sự đáp lại lời mời gọi nhưng không của Chúa. (Thư gửi các linh mục, ngày 4 tháng 8 năm 2019). Do đó, chúng ta có khả năng khám phá và theo đuổi ơn gọi của mình khi biết mở rộng tâm hồn với lòng biết ơn đồng thời nhận ra sứ điệp của Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Khi các môn đệ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với họ, đầu tiên họ nghĩ đó là ma và lòng tràn ngập sợ hãi. Ngay lập tức Chúa Giêsu trấn an họ với những lời lẽ sẽ mãi đi theo cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Vì thế, đây là từ khóa thứ hai cha muốn gởi đến chúng con: sự khích lệ.

Những điều thường cản trở hành trình, sự thăng tiến, việc chọn lựa con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta là những “bóng ma” làm bấn loạn tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta được kêu gọi rời bến bờ an toàn để theo đuổi một bậc sống – như hôn nhân, linh mục thừa tác, đời sống thánh hiến – phản ứng đầu tiên của chúng ta thường có dáng vẻ “bóng ma của sự bất tín”. Ơn gọi này không thể nào là dành cho tôi! Đây thực sự là con đường đúng hay không? Chúa có thực sự yêu cầu tôi làm điều này hay không?

Và cứ thế, những suy nghĩ trong lòng chúng ta ngày càng lớn dần: những biện minh, những toan tính làm chúng ta nhụt chí, do dự và kiệt sức ngay tại bến khởi hành. Chúng ta nghĩ chắc mình đang sai đường, chắc mình không thể vượt qua được thử thách, hoặc đơn giản chỉ là thoáng thấy một bóng ma cần phải đuổi xua mà thôi.

Chúa biết rằng một chọn lựa sống cơ bản – chẳng hạn như sống đời hôn nhân hay sống thánh hiến phục vụ Ngài – đòi hỏi phải can đảm. Ngài biết những nghi nan, ngờ vực và khó khăn khiến con thuyền tâm hồn chúng ta tròng trành, và vì thế, Ngài trấn an chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Chúng ta tin rằng Chúa luôn hiện diện, nghĩa là Ngài đến gặp và đồng hành với chúng ta, ngay cả khi biển cả trong cơn bão tố. Niềm tin này giải thoát chúng ta khỏi sự mê mệt mà cha gọi là “nỗi buồn phiền ngọt ngào” (Thư gửi các linh mục, ngày 4 tháng 8 năm 2019), nghĩa là sự chán nản nội tâm khiến chúng ta bị cản trở không thể cảm nếm vẻ đẹp ơn gọi của mình.

Trong Lá Thư gửi các linh mục, cha cũng đã nói về nỗi đau, nhưng ở đây cha muốn chuyển đổi từ này thành một nghĩa khác, đó là sự mệt mỏi. Mỗi ơn gọi mang lấy nơi mình một trách nhiệm. Chúa kêu gọi chúng ta vì Ngài muốn làm cho chúng ta có khả năng “đi trên mặt nước” như Phêrô, nghĩa là, có khả năng đảm trách đời mình và dành cuộc đời này cho việc phục vụ Tin Mừng, theo những cách thế cụ thể hằng ngày mà Ngài chỉ cho, nhất là trong những dạng thức khác nhau của ơn gọi giáo dân, linh mục và thánh hiến. Tuy nhiên, giống với Phêrô, chúng ta vừa khao khát và nhiệt tâm, đồng thời cũng đầy yếu đuối và sợ hãi.

Nếu để mình bị đè bẹp bởi các trách nhiệm đang chờ đón – dù trong đời sống hôn nhân hay chức vụ linh mục – hay bởi các nỗi gian khó sẽ đến, thế thì chúng ta sẽ sớm khước từ ánh mắt của Chúa Giêsu, và như Phêrô, chúng ta sẽ có nguy cơ bị đắm chìm. Trái lại, dù yếu đuối và hèn kém, đức tin cho phép chúng ta tiến bước về phía Chúa Phục Sinh và vượt thắng mọi cơn giông bão. Thật thế, mỗi khi chúng ta bắt đầu chìm xuống vì mệt mỏi hay sợ hãi, Chúa Giêsu đều đưa tay ra cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự nhiệt huyết cần thiết để chúng ta sống ơn gọi của mình với niềm hân hoan và lòng hăng say.

Cuối cùng, khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió sẽ yên và sóng sẽ lặng. Đây là hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Chúa có thể làm trong cuộc đời chúng ta cũng như trong những biến động của lịch sử, đặc biệt là khi chúng ta ở trong cơn giông bão: Ngài truyền cho phong ba lặng yên và các thế lực sự dữ, sợ hãi và buông xuôi không còn thống trị trên chúng ta nữa.

Khi chúng ta sống ơn gọi cụ thể của mình, những cơn phong ba đó có thể làm chúng ta kiệt sức. Ở đây cha nghĩ về tất cả những ai đảm nhận các trách nhiệm quan trọng trong xã hội dân sự, các đôi hôn phối, mà không phải do tình cờ cha muốn gọi họ là “những con người can đảm”, đặc biệt những người sống đời thánh hiến hoặc linh mục. Cha biết nỗi khó nhọc của anh chị em, cảm giác cô đơn đôi khi đè nặng tâm hồn, sự đơn điệu của thói quen dần dần khiến ngọn lửa nhiệt tình của ơn gọi lịm tắt, gánh nặng của tình trạng bấp bênh và bất an của thời đại, nỗi lo lắng về tương lai. Cứ yên tâm, đừng sợ! Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta, và nếu chúng ta chỉ nhìn nhận một mình Ngài là Chúa của cuộc đời chúng ta, Ngài sẽ đưa tay ra, nắm lấy và cứu chúng ta.

Và vì thế, ngay cả giữa sóng gió, cuộc đời của chúng ta được mở ra để ca ngợi. Đây là từ khóa cuối cùng về ơn gọi và cũng là lời mời gọi vun trồng đời sống nội tâm của Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ tỏ lòng biết ơn Chúa đã đoái nhìn đến Mẹ: trong tin tưởng Mẹ phó thác những nỗi sợ hãi và bối rối, với lòng can đảm Mẹ đón nhận lời mời gọi. Và như thế, cuộc đời Mẹ đã biến thành bài ca muôn đời ngợi khen Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đặc biệt trong ngày hôm nay, nhưng cũng trong hoạt động mục vụ thường nhật của các cộng đoàn chúng ta, cha ước mong Giáo Hội tiếp tục hành trình phục vụ các ơn gọi, chạm đến tâm hồn các tín hữu để mỗi người với lòng biết ơn có thể nhận biết tiếng Chúa mời gọi họ, có can đảm thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, vượt thắng mọi khó khăn nhọc nhằn nhờ niềm tin vào Chúa Kitô, và cuối cùng biến cuộc sống họ thành bài ca ngợi khen Thiên Chúa, thay cho anh chị em của họ và thay cho toàn thế giới. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Rôma, Đền Thánh Gioan Laterano, ngày 8 tháng 3 năm 2020, Chúa nhật thứ hai Mùa Chay.
Phanxicô

Người dịch: Lm. Giuse Phạm Văn Trọng
và Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

WHĐ (27.8.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020)