Con đường khổ giá- Suy niệm Chúa Nhật XXII Thường niên A

0
445

Con đường khổ giá- Suy niệm Chúa Nhật XXII Thường niên A

Văn sĩ Công giáo người Anh, tên là Gilbert Chesterten, trong cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu Trời Và Thập Giá”, đã kể câu chuyện sau đây:

“Tôi biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều bị xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách để giựt đứt và liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.

Một ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình ảnh của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy thập giá và liệng xuống. Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã làm ông điên loạn.

Rồi một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một dãy thập giá. Rồi trước mặt ông, đàng sau ông nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt, ông cầm gậy đập phá tất cả những cây thập giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, ông ta đành phải dùng lửa để tiêu hủy.

Thế là ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác ông trôi lềnh bềnh trên sông”.

Trong Tin Mừng hôm nay sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ cuộc tử nạn thập giá của Ngài, và Ngài mời gọi: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. “Bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Thầy” là những yếu tố làm nên cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu. Những điều kiện Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ cũng là những điều kiện được đề ra cho chúng ta hôm nay: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Thập giá mình đó là thập giá của một kiếp người,

Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị chống đối và hiểu lầm,

Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị sự bỏ rơi và phản bội,

Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị thất bại và oan ức,

Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị nhục nhã và cô đơn.

Thập giá là tất cả những gì chúng ta ước mong mà không đạt được.

Thập giá là tất cả những gì chúng ta không mong muốn mà nó cứ lù lù xông vào cuộc đời chúng ta.

Tóm lại, thập giá là tất cả những gì xảy đến với chúng ta mà chúng ta không muốn chấp nhận.

Cũng như nhân vật trong câu chuyện trên, nếu chúng ta không chấp nhận thập giá, thì chúng ta sẽ tiêu diệt chính cuộc đời chúng ta, vì chính những thập giá làm nên cuộc đời chúng ta. Chúng ta từ chối chúng, tức là chúng ta từ chối chính cuộc sống của chúng ta.

Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.

Theo Chúa là phải vác thập giá. Chúa không miễn trừ cho chúng ta và chúng ta cũng không thể tránh né, nên cách tốt nhất là chúng ta chấp nhận nó như có câu chuyện kể rằng:

Một hôm, đạo sĩ Makia đưa anh Intyra đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành một căn phòng riêng.

Căn phòng dừng chân đầu tiên là của vị thần Maida, bấy giờ đạo sĩ giới thiệu với Intyra: Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi sự đau khổ khỏi thế giới con người, nhưng Intyra tắc đầu và xin được sang căn phòng khác.

Rồi đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu: Đây là nữ thần Jupia giúp con người tránh được đau khổ, nhưng Intyra ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác.

Cuối cùng hai người đến trước một vị đang bị treo trên thập tự và đạo sĩ chậm rãi trả lời: “Đây là Đức Giêsu Kitô “. Với chút xúc động lộ trên gương mặt, Intyra xin đạo sĩ chỉ thêm để có thể làm môn đệ của người bị treo trên thập tự. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi: “Này anh, anh làm tôi thắc mắc, hai vị thần anh gặp lúc đầu, một vị thì cất đi sự đau khổ, còn một vị thì giúp tránh khỏi đau khổ, nhưng anh lại không thích vị nào cả. Thế thì tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của một vị chịu chết cách nhục nhã trên thập tự như vậy?”

Intyra giải thích: Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là lời hứa không tưởng, người ta không thể cất đi được những đau khổ trên trần gian này, và dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống kiếp người hèn nhát. Dù tránh né, thì người ta cũng chẳng thể nào tránh né hết đau khổ, vì tránh được đau khổ này thì lại gặp một đau khổ khác. Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Theo Chúa là phải vác thập giá. Chúa không miễn trừ cho chúng ta và chúng ta cũng không thể tránh né, cho nên tốt nhất là đón nhận nó. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy