Buổi khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng lần thứ XVI: Giáo hội phải học ngữ pháp của tính hiệp hành

0
38

BUỔI KHAI MẠC ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG LẦN THỨ XVI:
GIÁO HỘI PHẢI HỌC NGỮ PHÁP CỦA TÍNH HIỆP HÀNH

Trong buổi khai mạc vào ngày 4/10/2023 tại hội trường Phaolô VI về công việc của phiên họp chung lần thứ nhất của Thượng hội đồng, các Đức Hồng y Grech, tổng thư ký, và Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng hội đồng, đã đề cập cách thức mà các thành viên của Đại hội sẽ làm việc trong vài tuần tới. Một bài diễn văn kép về phương pháp tiếp nối sự phát triển ban đầu của Đức Thánh Cha.

Các bàn tròn, được lắp đặt trong hội trường Phaolô VI – căn phòng lớn này thường tổ chức các buổi tiếp kiến ​​chung vào các buổi sáng thứ Tư hoặc một số buổi tiếp kiến​​ của Đức Giáo hoàng cho các nhóm lớn – các màn hình được đặt ở trung tâm để truyền lại các hình ảnh của phiên họp và các máy tính bảng, mỗi người một máy: chính sự sắp xếp khác thường này cho một Thượng hội đồng là điều ghi dấu trước hết.

Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, nói bằng tiếng Anh, đã giải thích những lý do dẫn đến việc từ bỏ hội trường Thượng Hội đồng, một tòa nhà bán nguyệt truyền thống, để chuyển sang hội trường lớn này. “Chúng ta không ngồi theo thứ bậc, mà ngồi quanh các bàn tròn để thúc đẩy sự chia sẻ thực sự và sự phân định đích thực”.

Ngài nói tiếp: “Các bàn tròn cũng nhắc nhở chúng ta rằng không ai trong chúng ta là nhân vật chính của Thượng hội đồng. Chính Chúa Thánh Thần là nhân vật chính và chỉ với tấm lòng sẵn sàng hoàn toàn để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà chúng ta mới có thể đáp lại lời mời gọi mà chúng ta đã nhận được với tư cách là thành viên của Thượng hội đồng”.

Giáo hội đang đứng trước một bước ngoặt

Đức Hồng y Mario Grech, người Ý, nhấn mạnh rằng thách đố là rất to lớn vì “ngày nay Giáo hội thấy mình đang đứng trước một bước ngoặt và thách thức cấp bách nói một cách nghiêm túc không phải thuộc bản chất thần học hay giáo hội học, mà là xem làm thế nào vào thời điểm lịch sử này, Giáo hội có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người nam nữ”. Do đó, các thành viên của Thượng Hội đồng có sứ mệnh đảm bảo rằng Giáo hội cho dân Chúa thấy “khuôn mặt đẹp đẽ và thương xót của Chúa Giêsu”.

Ngài giải thích: “Đại hội hôm nay được mời gọi trở thành một dấu chỉ mạnh mẽ của tính hiệp hành đối với Giáo hội, lắng nghe Lời Chúa, dưới ánh sáng Truyền thống, để hiểu ý muốn của Thiên Chúa cho ngày hôm nay”.

Đức Hồng y Hollerich nhắc lại: “Giáo hội là dân Thiên Chúa đang bước đi trong lịch sử với Chúa Kitô ở trung tâm”. Nhắc lại bài phát biểu của Đức Thánh Cha, người đã cảnh báo chống lại các ý thức hệ, tin đồn và những chuyện phiếm khác, cũng như nguy cơ chia rẽ, Đức Hồng y đã thừa nhận rằng có những quan điểm khác nhau trong một nhóm cùng bước đi. Một số ở cánh tả, số khác ở cánh hữu, số khác ở phía trước hoặc phía sau.

Ngài mô tả: “Khi mỗi nhóm này nhìn về phía Chúa, họ không thể làm khác hơn là, cùng với Ngài, nhìn thấy nhóm giữ lập trường đối lập. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nhóm mà chúng ta cảm thấy mình thuộc về, mà là chúng ta bước đi với Chúa Kitô trong Giáo hội của Người”.

Một công việc phân định chung

Do đó, Đức Hồng Y Grech lưu ý , Giáo hội là “communio Eccelsiarum” (sự hiệp thông giữa các Giáo hội) này và sự kiện “phần lớn các mục tử được bổ nhiệm bởi các Hội đồng Giám mục cho thấy mối liên kết rất chặt chẽ của đại hội này với các Giáo hội địa phương và nhóm của họ”. Ngài nói: “Mối liên kết như vậy xác nhận rằng tiến trình hiệp hành dựa trên nguyên tắc “nội tâm hỗ tương” giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương”. “Đại hội này không phải là một hành động biệt lập của tiến trình hiệp hành, nhưng được liên kết chặt chẽ với sự tham khảo ý kiến ​​của dân Chúa trong các Giáo hội địa phương và với những thời điểm phân định liên tiếp trong các Hội đồng Giám mục, trong cơ cấu phẩm trật của các Giáo hội Công giáo Đông phương tự quản (sui iuris) và trong các hội đồng lục địa”.

Đức Hồng Y Hollerich trấn an rằng công việc của các thành viên Thượng Hội đồng khởi đi từ số không. Nhưng “chúng ta được mời gọi học ngữ pháp của tính hiệp hành”. Một số quy tắc đã được biết đến: phẩm giá bắt nguồn từ phép rửa, vai trò của Thánh Phêrô trong Giáo hội, tính hợp đoàn giám mục, chức tư tế chung của các tín hữu…

Lấy lại từ ngữ của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y nhắc lại rằng công việc của Thượng hội đồng không phải là một nghị viện, mà là “một công việc phân định chung”.

Đó cũng là “một trong những điểm mạnh của phương pháp đối thoại trong Thánh Thần”, cho phép mỗi người “bày tỏ quan điểm riêng, coi trọng sự hòa hợp mà không bỏ qua những khác biệt, nhưng trên hết không khuyến khích sự phân cực và tranh cãi”.

Đức Hồng Y Grech cuối cùng đã làm rõ: chính khi sống tất cả những điều này mà “đại hội sẽ là đối với Giáo hội” một “dấu chỉ của sự hiệp nhất cho thấy các tín hữu một lần nữa trở thành cộng đoàn được mô tả trong Sách Công vụ Tông đồ, một cộng đồng ký ức về biến cố phục sinh, một cách không mệt mỏi và cùng nhau gieo rắc Tin Mừng”.

Bài phát biểu ngắn của Đức Thánh Cha

Trước đó, sau khi cầu nguyện với các Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đồng thời cùng họ cầu xin Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã có bài phát biểu giới thiệu ngắn gọn, đề cập vai trò của Chúa Thánh Thần là “nhân vật chính” đích thực của Thượng Hội đồng và là người bảo đảm cho sự thành công của Thượng hội đồng. Ngài nói: “Nhân vật chính của Thượng Hội đồng không phải là chúng ta, mà là Chúa Thánh Thần, và nếu chúng ta nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần, Thượng Hội đồng sẽ diễn ra tốt đẹp”.

Mời những người tham dự đọc một số văn bản tuyển tập Giáo Phụ, trong đó có một “chuyên luận hay” của Thánh Basiliô về Chúa Thánh Thần, được cung cấp cho họ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha kêu gọi anh chị em của Thượng hội đồng “hãy để cho mình được Chúa Thánh Thần củng cố trong đức tin”, không “làm Người phiền lòng” bằng cách nói “những lời trống rỗng, những lời trần tục”.

Đức Thánh Cha yêu cầu mọi người nói thẳng vấn đề, nhưng trên hết là lắng nghe nhau. Nghe được ưu tiên hơn nói.

Khi có Thượng Hội đồng về Gia đình, dư luận, do những người trần tục giữa chúng tôi, tập trung vào việc rước lễ của những người ly dị, và như thế chúng ta đã tham gia Thượng hội đồng. Khi có Thượng hội đồng về Amazon, đó là về viri probati (những người nam có gia đình được chứng nhận có  thể làm linh mục), và như thế chúng ta đã tham gia Thượng hội đồng”. Gợi lên cách mà các tranh cãi và áp lực truyền thông được áp đặt lên các cuộc thảo luận tại hội trường Thượng hội đồng trong các kỳ họp trước, thậm chí còn đi xa đến mức sửa đổi chương trình nghị sự, Đức Phanxicô kêu gọi các nhà báo và “các nhà truyền thông”, yêu cầu họ “hãy tử tế làm công việc của mình, một cách công bằng, để Giáo hội và những người thiện chí – những người khác sẽ nói những gì họ muốn – hiểu rằng ngay cả trong Giáo hội, việc lắng nghe là ưu tiên hàng đầu. Hãy chuyển tải điều này đi: nó rất quan trọng.

Đức Phanxicô kêu gọi họ thực hiện một “sự khổ chế” nào đó và làm cho mọi người hiểu thời gian “tạm dừng” và “giữ chay về lời nói của Giáo hội”, vốn không liên quan gì đến “sự sợ hãi các giám mục” để phát biểu.

Đức Phanxicô cảnh báo: “Nếu trong chúng ta có những cách khác để tiến bước nhân danh lợi ích nhân loại, cá nhân và ý thức hệ, thì đó sẽ không phải là một thượng hội đồng”. “Thượng hội đồng là con đường được tiến bước bởi Chúa Thánh Thần”.

Tý Linh
(theo Xavier Sartre, Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (05.10.2023)

#daihoithuonghoidonglanthuxvi #tinhhiephanh