Đức Phanxixô gặp chủ tịch của Google tại Vatican

0
33

Ngày 15 tháng 1 vừa qua, Đức Phanxicô đã tiếp Chủ Tịch Eric Schmidt của Google tại Vatican trong 15 phút. Tòa Thánh không ra thông cáo chính thức nào về cuộc gặp gỡ này.

popefrancis-alphabet.jpg

Ảnh: Getty Images

Khi đưa tin trên, Stephanie Kirchgaessner của The Guardian nhận định rằng Đức Phanxicô có lần mô tả internet như là một “hồng ân của Thiên Chúa”. Nhưng vào ngày thứ Sáu này, ngài sẽ gặp một người tin rằng internet có nhiều điều liên hệ tới công ty của ông ta hơn là sự can thiệp của thần linh: Đó là Eric Schmidt, cựu Tổng Giám Đốc Google.

Một nguồn tin thân cận với Vatican xác nhận cuộc gặp gỡ đã xẩy ra tại Vatican vào hôm thứ Sáu. Một nguồn tin khác cho hay Schmidt hội kiến riêng với Đức Phanxicô cùng với Jared Cohen, một cựu viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và hiện đứng đầu Google Ideas. Schmidt và Cohen là đồng tác giả cuốn The New Digital Age: Reshaping the Future of People, Nations and Business, xuất bản năm 2013.

Đức Phanxicô từng tuyên bố ngài không có một chiếc máy vi tính nào, nhưng vị giáo hoàng 79 tuổi này rõ ràng không ngây thơ chút nào trước sức mạnh của kỹ thuật. Có lần ngài nói rằng internet là một “hồng ân của Thiên Chúa” vì nó có khả năng cung ứng “cho gặp gỡ và liên đới, những khả thể vĩ đại”.

Trong một bài diễn văn nhiều ý nghĩa về kỹ thuật năm 2014, ngài nói rằng “đây là một điều thực sự tốt đẹp… Trong một thế giới như hiện nay, các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn, giúp ta cảm nhận được tính hợp nhất của gia đình nhân loại, một cảm nhận sẽ gợi hứng cho tình liên đới và các cố gắng nghiêm túc nhằm bảo đảm một cuộc sống xứng đáng hơn cho mọi người”.

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên thường xuyên đem sứ điệp trên lên “hót trường” (tweeter) và the @pontifex account, được Đức Bênêđíctô khai mở đầu tiên, nay có hơn 8.4 triệu người theo. Ngài cũng đã chủ tọa hai Google Hangouts trực tiếp từ Vatican.

Là một người kịch liệt phê phán chủ nghĩa tư bản và bất bình đẳng, Đức Phanxicô ít khi gặp các nhân vật kinh doanh của Hoa Kỳ. Năm ngoái, khi viếng thăm Hoa Kỳ, ngài không tới Silicon Valley hay Bay Area, vùng nổi tiếng là bất bình đẳng nhất của Hoa Kỳ. Đó chính là vùng Google đặt bản doanh.

Trong bài diễn văn dài về kỹ thuật nói trên, ngài có nói rằng “Trên bình diện hoàn cầu, ta thấy hố phân cách đầy tai tiếng giữa sự dư thừa của người giầu và sự thiếu thốn cùng cực của người nghèo. Ta không nên làm ngơ sự kiện này: những người, vì bất cứ lý do gì, không lui tới được với các phương tiện truyền thông xã hội liều mình bị bỏ lại phía sau lưng”.

Schmidt, mà tài sản thuần lên đến 10.6 tỷ dollars, hiện là chủ tịch chấp hành của Alphabet, đại tổ hợp mới thành lập trong đó có Google. Ông tích cực hoạt động cho các chính nghĩa của phe cấp tiến, từng đóng góp hậu hĩnh cho các chiến dịch tranh cử tổng thống của Barack Obama và là thành viên của hội đồng cố vấn Nhà Trắng về khoa học và kỹ thuật.

Alphabet hiện có một tài sản trị giá khoảng 500 tỷ dollars, bao gồm các đại công ty Google, YouTube, Android và nhiều công ty khác. Đây là một trong các đại tổ hợp công lớn nhất thế giới.

Các điểm chung nhau

Theo Rosie Scammell của Religion News Service, tuy cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và Schmidt không được Vatican chính thức thông báo và Internet ít nhắc đến, nhưng hai người có nhiều điều chung với nhau. Năm 2006, Schmidt từng thiết lập một qũy gia đình dành cho việc sử dụng năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên cách lâu bền, một chính nghĩa rất thân thiết đối với Đức Phanxicô, vị giáo hoàng, năm ngoái, đã cho công bố thông điệp đầu tiên chuyên nói về môi trường.

Schmidt cũng rất lưu tâm tới tương lai nhân loại và đã từng là đồng tác giả một cuốn sách đề cập tới cung cách klỹ thuật có thể lên khuôn cho tương lai một cách tích cực.

Cổ vũ một thế giới hòa bình cũng là một chủ đề cốt yếu đối với Đức Phanxicô và tuy từng khuyên trẻ em không nên dành quá nhiều thì giờ cho điện thoại di động và cảnh cáo các bậc cha mẹ về nguy cơ khiêu dâm trên internet, ngài vẫn gọi Internet là một “hồng ân của Thiên Chúa” như trên đã nói.

Phúc trình video của Rome Reports cho thấy Schmidt thưa với Đức Phanxicô rằng “tôi muốn làm việc với ngài để thực hiện các điểm đó… Chúng ta sẽ làm nó diễn ra”.

Không rõ Schmidt muốn ám chỉ điều gì. Đức Phanxicô chỉ gật gật đầu và nói: “Xin cầu nguyện cho tôi. Đừng quên đó”.
Phúc trình video trên cũng cho thấy Cohen yêu cầu Đức Phanxicô viết “mấy lời khuyên” cho đứa con gái 22 tháng của ông tên Zelda, và Đức PHanxicô đã chiều ý ông.

Dù ít sử dụng kỹ thuật máy tính, nhưng Đức Phanxicô rất thành công trên các phương tiện truyền thông xã hội: trên “Hót Trường” (Tweeter) ngài được kể là nhà lãnh đạo thế giới có ảnh hưởng hơn hết, với hơn 26 triệu người theo dõi trên 9 trương mục thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Cuộc gặp gỡ ngoại thường

Rocco Palmo có nhận định khác về cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ mà ông coi là “ngoại thường”. Theo blogger này, các nhà chấp hành các công ty thế tục khi tới Rôma thường chỉ được gặp Đức Giáo Hoàng bằng hai cách: ở hàngbacimano trên khán đài lúc Tiếp Kiến Chung, dĩ nhiên chỉ bắt tay rất vắn vỏi sau cuộc Tiếp Kiến; hay được tiếp kiến riêng nhưng phải trong một nhóm. Đàng này, Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng Schmidt.

Rocco Palmo cũng thuật lại nhiều biến cố của Đức Phanxicô liên quan tới kỹ thuật truyền thông: phổ biến ý cầu nguyện hàng tháng bằng video trên internet và thăng chức giám mục cho vị giáo sĩ đứng đầu ngành truyền thông xã hội của Tòa Thánh.

Vũ Văn An