WHĐ (04.04.2016) – “Tin Mừng về lòng thương xót luôn là một cuốn sách mở”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở như trên trong Thánh lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật 03-04 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy “trở thành những người viết Phúc Âm một cách sinh động, trở thành những người đưa Tin Mừng”. Một lời kêu gọi bước theo chân Đức Kitô, làm chứng bằng “những cử chỉ cụ thể của tình yêu, vốn là chứng tá tốt nhất của lòng thương xót”.
Trong bài giảng Chúa nhật kính lòng Chúa thương xót vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cổ vũ mọi người thực thi“điều Chúa Giêsu đã làm trong ngày phục sinh, khi Người đổ vào lòng trí các môn đệ đang trong cơn hoảng sợ, lòng thương xót của Chúa Cha, Chúa Thánh Linh Đấng tha thứ tội lỗi và đem lại niềm vui”. Điều này đòi hỏi phải có một“tấm lòng kiên nhẫn và mở rộng”, phải là những “kẻ phục vụ quảng đại và vui vẻ, yêu thương một cách vô vị lợi, không đòi hỏi phải được đền đáp”. Và đôi khi phải đương đầu với “cuộc đấu tranh nội tâm giữa việc đóng kín cửa lòng và tiếng gọi mở cửa của tình yêu”.
Thiên Chúa đến với mọi thứ nghèo khổ
“Đức Kitô, Đấng vì yêu thương, đã bước qua các cửa đóng kín của tội lỗi, của sự chết và hỏa ngục (…), đã chỉ cho chúng ta một con đường một chiều, dẫn chúng ta đi theo một chiều duy nhất: ra khỏi chính mình, để làm chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu thương đã chinh phục chúng ta”. Trước “một nhân loại thường bị tổn thương và sợ sệt, mang những vết sẹo của những đớn đau và của tâm trạng bất ổn”, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “mỗi thương tật đều có thể tìm thấy nơi lòng thương xót của Chúa một sự trợ giúp hữu hiệu”. Thiên Chúa “muốn đến với mọi nỗi nghèo khổ và giải thoát khỏi tình trạng nô lệ dưới vô vàn hình thức đang đè nặng trên thế giới chúng ta”. Ngài “muốn đến với những vết thương của từng người để chữa trị”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Là tông đồ của lòng thương xót có nghĩa là đụng đến và xoa dịu những vết thương của Người, ngày nay còn tồn tại nơi thân xác và trong tâm hồn của bao anh chị em của Người. Có biết bao con người đang cầu xin để được lắng nghe và thấu hiểu, khao khát được ở trong sự bình an của Đức Kitô”.
Đức Thánh Cha giải thích: “Đây không phải là một thứ bình an hay hoà bình do thương lượng, không phải sự chấm dứt của một cái gì đó không ổn: mà là sự bình an của Người, sự bình an đến từ lòng của Đấng Phục sinh. Đó là sự hoà bình không chia cắt, mà kết hợp; đó là hoà bình không để người ta cô độc, nhưng làm người ta cảm nhận thấy mình được tiếp nhận và được yêu thương”. Đức Thánh Cha muốn gửi đến các tín hữu một thông điệp về lòng cậy trông khi nhắc nhở rằng “Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời, không hề dứt, không suy giảm, không đầu hàng trước những cánh cửa đóng kín và chẳng biết mệt mỏi. Thiên Chúa không bỏ chúng ta: Ngài ở với chúng ta luôn mãi”.
Mai Tâm