Đọc lại lịch sử thế giới, chúng ta thấy các vị vua, các nhà lãnh đạo các nước khi lên nắm quyền bính đều có chung một tham vọng, đó là bành trướng nước của mình và kéo dài triều đại của mình đến vô tận. Và để đạt được điều đó, những người này đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn kể cả việc giết hại những người vô tội. Thế nhưng, cuối cùng, các bạo chúa như Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng của Trung Quốc, hay các nhà độc tài như Hitle của Đức Quốc Xã, hoặc gần đây hơn là tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi Giáo (ISIS)… rồi cũng phải ra đi cách nhục nhã, trong sự oán hận của dân chúng và để lại ngai vàng, địa vị mình cho người khác.
Đọc lại lịch sử Việt Nam kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân lập nên nước Đại Cồ Việt vào năm 968 cho đến nay, chúng ta cũng thấy ngai vàng nước Việt cũng đã không biết bao nhiều lần thay ngôi đổi chủ. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh chết, ngai vàng của ông đã được trao vào tay Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn, để lập nên nhà Tiền Lê, kế đó là nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, rồi với vị anh hùng áo vải Lê Lợi, nhà Hậu Lê ra đời, và sau đó là cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài 46 năm, và cuối cùng Chúa Nguyễn Phúc Ánh đã lập nên nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19[1].
Điều đó cho thấy trên thế giới này không có một triều đại nào vững bền mãi mãi. Con người giới hạn, các triều đại cũng giới hạn cho dù người đó là ai, tài giỏi hay độc ác, thủ đoạn đến đâu thì cũng phải ra đi. Tuy nhiên, trong Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội lại giới thiệu cho chúng ta một vị Vua có tên là Giêsu. Thế thì vị vua này và vương quyền của Ngài có gì khác với những vị vua và những triều đại khác trên thế giới? Chúng ta cùng tìm hiểu điều đó qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay.
- Vương quyền phổ quát và vĩnh cửu:
Trước hết, chúng ta cùng nghe lại lời của ngôn sứ Daniel, ông kể lại rằng: “Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão…Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ”. Với thị kiến này, Daniel báo trước cho chúng ta biết rằng: cho dù thế giới có thay đổi, các thế hệ có qua đi, nhưng sẽ có một Đấng như “Con Người” đến trong vinh quang để nhận vương quyền từ nơi “vị Bô Lão”, tức là Thiên Chúa. Và đây là một vương quyền vĩnh cửu, và vương quốc của Ngài không bao giờ bị tiêu diệt.
Lời loan báo này đã hoàn toàn được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã dùng chính cái chết và phục sinh của mình để chiến thắng thế lực mạnh nhất trong trần gian là sự chết và lập nên vương quốc của sự sống, một vương quốc vĩnh cửu không bao giờ bị phá huỷ (x. 1 Cr 15, 20. 23-26). Chính vì thế, khi nghe Philatô hỏi: “Ông là vua ư?”, Đức Giêsu đã thẳng thắn trả lời: “Quan nói đúng: Tôi là Vua”. Đức Giêsu thực sự là Vua trên các vua, là Chúa trên các chúa, nhưng có một điều khác biệt là Ngài không phải là vua theo nghĩa chính trị. Chức vị làm vua của Ngài không phải để bắt người khác hầu hạ và phục vụ, nhưng là để phục vụ và hầu hạ đến hiến mạng mình cho người khác (x. Mt 20, 25-28). Do đó, để tránh hiểu lầm, Đức Giêsu đã nói rõ cùng quan Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp vào tay người Do thái”. Và quả thực, Đức Giêsu đã chết và chết trên thập giá để làm chứng về Chân lý, nhưng vương quyền của Ngài không vì thế mà chấm dứt, Ngài đã Phục Sinh và trở nên Vua các vua, như lời tuyên bố của thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe trong bài sách Khải huyền: “Chúa Giêsu Kitô là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế”.
Kế đó, thánh Gioan trong thị kiến của mình cũng đã nhìn thấy: “Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người”. Đấng bị đâm thâu mà thánh Gioan nhìn thấy đó còn ai khác ngoài chính Đức Giêsu, Đấng từng bị treo trên thập giá (x. Ga 19, 30). Như thế, vương quyền của Đức Giêsu không bị giới hạn do bởi ý muốn của chúng ta, nhưng còn bao trùm lên toàn thế giới, và tất cả mọi người, cho dù người đó muốn hay không muốn, và kể cả kẻ đã từng làm hại Người.
Tắt một lời, Đức Giêsu chính là vị vua của tình yêu, của Chân lý. Vương quốc của Ngài không bị giới hạn bởi một vị trí địa lý, và vương quyền của Ngài là một vương quyền trường tồn không bao giờ chấm dứt.
- Vương quyền của Đức Kitô và chúng ta hôm nay:
Đức Giêsu không chỉ làm vua trên chúng ta, nhưng với cái chết của Ngài trên thập giá, và nhờ phép Rửa tội, Đức Giêsu còn cho chúng ta thông phần vào chức vụ vương đế của Ngài, như lời thánh Gioan trong bài sách Khải huyền: “Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người”. Vì được thông phần vào vương quyền của Đức Kitô, nên mỗi người chúng ta cũng có bổn phận làm cho Nước Đức Kitô ngày càng mở rộng và được nhiều người nhận biết. Chúng ta mở rộng Nước Chúa không bằng tiền bạc, vũ lực, chính trị hay bất cứ sự khôn ngoan nào của con người, nhưng bằng chính cuộc sống công chính của chúng ta. Chính qua đời sống chân thật của chúng ta, mọi người sẽ nhận ra sự hiện diện của Nước Chúa, như lời Đức Giêsu nói với quan Philatô: “Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”.
Để có thể sống theo Sự thật, thì điều đầu tiên mỗi người chúng ta phải làm là khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối của mình. Chúng ta cần ý thức rằng mình còn rất nhiều sai lỗi, còn nhiều điều bất toàn, còn nhiều giới hạn. Nếu chúng ta không nhận ra điều này, thì chúng ta chưa ở trong Sự thật, như lời thánh Gioan: “Nếu ta nói: ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong chúng ta” (1 Ga 1, 8).
Việc nhận ra lỗi lầm này không chỉ là một lời nói suông ngoài môi miệng, hay chỉ là vài cái đấm ngực khi đọc kinh Cáo mình trong Thánh lễ, nhưng cần được thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta cần dẹp bỏ tính tự ái, để sẵn sàng đón nhận Chân lý qua những lời góp ý của tất cả mọi người cho dù đó là ai. Những lời góp ý này có thể là của những người bề trên như cha mẹ, thầy cô hay những người có trách nhiệm, nhưng cũng có thể là của những người cộng sự viên, hay cũng có thể đó là lời của con cái, của những em nhỏ, những cấp dưới của chúng ta. Thậm chí, sự thật cũng có thể đến với chúng ta từ những người mà chúng ta không thích. Sống theo đòi hỏi của Chân lý như thế không phải dễ, vì nó đụng chạm đến chính con người của chúng ta, nhưng nếu muốn làm dân của Đức Kitô, chúng ta vẫn phải thi hành, vì chính Vua của chúng ta cũng đã phải đổ chính máu mình ra trên thập giá để làm chứng cho Chân lý.
Giờ đây, trong niềm hân hoan mừng lễ Đức Kitô, Vua Vũ Trụ, Đấng đang đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng dọn lòng sốt sắng để đón rước Ngài. Và nhờ sức mạnh của Ngài, từng người chúng ta sẽ đủ sức để bước đi trong ánh sáng của Chân lý. Nhờ đó, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta cùng được hiển trị với Ngài trong Nước của Cha Ngài. Amen.
[1] Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, tập 1, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 1994, trang 76-95.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn