Chuyện tình Emmanuel- Suy niệm Lễ Giáng Sinh
Một Trinh Nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Kitô giáo. Đức Maria nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần.Vì thế Đấng Mẹ sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa. Ngôi Hai làm người là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa viên mãn chưa từng có.
Chúa Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa; Ngài là Lời của Thiên Chúa (x.Ga 1,1-18). Ngài đã nhập thể làm người, trở thành xác thịt và ở giữa loài người. Thánh sử Matthêu đã trích dẫn sách Ngôn sứ Isaia (7,14) để cho biết tên Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. EL (Thiên Chúa) và NU (chúng ta) trở nên một. Thiên Chúa làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa: “Mầu nhiệm về con người thực sự được sáng tỏ qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (CĐ Vatican II, GS 22).
Thiên Chúa xuống thế làm người “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”( Kinh Tin Kính Công đồng Nicêa năm 325). Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã đưa ra 4 lý do : là để cứu độ chúng ta, là để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, là để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta và là để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (GLCG số 457-460).
Thánh Phanxicô Assissi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh, ngài tự hỏi: tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thốt lên lời thán phục: “Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người”.
Thiên Chúa siêu việt đã trở thành một con người.Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ.Thiên Chúa làm người vì yêu thương con người, một tình yêu thật lạ lùng vượt quá trí hiểu.
Nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ chiêm niệm tình yêu kỳ diệu ấy và viết ca khúc thật trữ tình ‘Chuyện tình Emmanuel’: “Emmanuel, một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế, một chuyện tình say đắm muôn thế hệ, làm nhỏ bao châu lệ, làm đui mù muôn lý trí. Emmanuel, một cuộc tình chẳng môn đăng hộ đối, một cuộc tình gây chấn động đất trời: Thiên Chúa yêu con người, hạ sinh xuống cõi đời”. Mời quý vị nghe ca sĩ Như Ý hát với trọn tâm hồn yêu mến (https://www.youtube.com/watch?v=hP-g3WGEJu0).
Các Thiên thần báo tin cho các Mục đồng tại Bêlem: “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, cũng là tin mừng cho cả toàn dân : hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11). Thánh Gioan tông đồ viết : “Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu Độ thế gian” (1Ga 4,14).
Từ nay,Thiên Chúa không còn đến với con người qua trung gian mà là Con Một được tặng ban cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là lời hứa mà bằng chính nghĩa cử cao đẹp Ngôi Lời nhập thể. Từ nay, lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Một Hài Nhi đã sinh ra. Lời hứa ngọt ngào từ thưở địa đàng khi Nguyên Tổ sa ngã đánh rơi khỏi tầm tay trái táo hạnh phúc (St 3,15). Rồi trải qua hàng ngàn năm bằng sự loan báo của các Ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn mãi lời hứa tình yêu cứu độ.
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được và do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh Gioan viết tiếp : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).
Nếu tội tổ tông gây tác hại là làm mất tình trạng ơn phúc và để cho tội lỗi lẻn vào thế giới, từ đó đau khổ và sự chết mặc sức hoành hành. Hài Nhi Giêsu sinh đến trong xác phàm lại là khởi đầu một mùa giải thoát. Khi xuống thế, Thiên Chúa đã đem thiên đàng vào cõi trần gian, để mối tình trời đất bị cắt đứt bao đời lại được kết nối một cách mầu nhiệm cho vinh danh trời cao và cho an bình dưới thế.
Tình yêu Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha (Ga 14,10). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.
“Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri” (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa “Ai thấy Thầy là thấy Cha“. Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha nhân hậu giàu lòng xót thương.
Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chúa Giêsu đã dạy con người phải sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Chúa Giêsu, một con người thánh thiện không có một dấu vết tội lỗi nào. Chính Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống đã làm người, giống chúng ta mọi phần, chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15). Ngài dạy cho nhân loại con đường thánh thiện, và nêu gương thánh thiện. Vì thế, Ngài đã có thể nói : “Hãy học cùng tôi” (Mt 11,29). Khuôn mẫu thánh thiện mà Ngài để lại cho chúng ta được biểu lộ một cách rõ ràng qua tình yêu của Ngài đối với chúng ta, vì tình yêu là cốt lõi của lề luật. Vì thế Ngài dạy rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Nơi Thiên Chúa, tình yêu và sự thánh thiện là một, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và đồng thời cũng là Đấng Thánh.
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11,3).Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu.
Trước Máng Cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Thiên Chúa tỏ bày tình thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại.Thánh Phaolô diễn tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Ngôi Lời làm người mang lấy bản tính nhân loại và làm cho bản tính ấy được thông phần bản tính Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện sinh ra làm con loài người để loài người trở thành con Thiên Chúa nhờ kết hợp với Ngài. Từ khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với mỗi người trong nhân loại. Từ đây, phẩm giá của con người được nhìn nhận không chỉ vì họ là con người vượt trên mọi loài, nhưng còn vì họ là con Thiên Chúa.
Tin Mừng Giáng Sinh nâng cao phẩm giá con người ngay từ khi được cưu mang trong dạ mẹ và vừa mới sinh ra. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta sẽ học được nhiều bài học về Sự Thật, Tự Do, Công Lý, Hoà Bình và Tình Thương. Hài Nhi Giêsu đã mở ra triều đại của Công Lý Tình Thương trên “nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,5-6). Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại.
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ, câu chuyện tình Emmanuel. Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An