Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu -Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa

0
161

“Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu”

ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận viết: “Con muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’. Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349).

Phép Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ chung của Giáo Hội, trong đời sống toàn thể Giáo Hội và trong đời sống mỗi tín hữu.Thánh Lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh Lễ là một hy tế lặp lại hy tế Núi Sọ. Theo Công Ðồng Vaticanô II, hy tế này là “nguồn cội và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (LG 11). Là nguồi cội, vì tất cả đời sống Kitô hữu phát sinh từ đó; là chóp đỉnh, vì tất cả đời sống Kitô hữu phải qui về đó.

Vào đêm bị trao nộp trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ Ơn. Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14-19). Đây là hy tế của Giao Ước Mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô như một biến cố vượt qua của Người trên thập giá: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Đức Giêsu uỷ thác việc tưởng niệm biến cố này cho các Tông đồ, cũng như cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu. Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.Thánh Thể là chóp đỉnh của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất vì không chỉ trao ban ân sủng mà trao chính Tác giả của ân sủng, Đấng là Thiên Chúa muôn loài lại trao hiến bản thân phục vụ loài người.

Thánh Lễ là cao điểm của Phụng vụ Kitô giáo, nơi đó cộng đoàn tín hữu hiệp nhất để thờ phượng Thiên Chúa và tưởng niệm biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, cũng là để tái lập giao ước mà Con Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên thập giá.

Dọc dài lịch sử, Giáo Hội cử hành Thánh lễ Tạ ơn cùng thể thức và mục đích của Hy lễ Cứu độ xưa trên Núi Sọ, hiện tại hóa bữa tiệc cuối cùng của Chúa và hiến lễ thập giá.

Tham dự Thánh Lễ là tham dự bữa ăn của Chúa.Và khi rước Mình Máu Chúa hiện diện dưới hai hình bánh và rượu, chúng ta được ăn chính thịt và uống máu Chúa Kitô. Mình Máu Chúa Kitô là của ăn của uống cho ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa và được hiệp thông với nhau trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”.

Ông Effie Cordeiro chia sẻ kinh nghiệm sống Thánh Lễ thật tuyệt vời.

Tôi, Effie Cordeiro, 46 tuổi. Gia đình tôi sống nơi vùng phụ cận thành phố ở Québec nước Canada. Mỗi ngày tôi đều đặn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Lễ trở thành nguồn ơn vô giá đối với tôi sau khi tôi được hồng phúc nghe bài giảng trong Thánh Lễ có các Em Bé rước lễ lần đầu. Thánh Lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Luca. Vị chủ tế và giảng thuyết hôm ấy là Cha Roger Martineau. Cha đặc biệt nói với các Trẻ rước lễ lần đầu:

– Khi các con dùng bữa các con ăn thịt, rau, cá, trứng v.v. Các thức ăn sau đó trở thành máu nuôi sống các con. Cũng giống như thế, lúc các con ăn, hay nói đúng hơn, lúc các con nhận lãnh Đức Chúa Giêsu khi các con chịu lễ, các con trở thành phần tử của Ngài. Điều này không thể minh chứng bằng khoa học, nhưng sự thật là như thế. Mỗi khi các con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa với trọn lòng tin, các con được biến đổi trong Đức Chúa Giêsu Kitô cho tới một ngày, Đức Chúa Giêsu thật sự tỏ lộ qua lối cư xử của các con, qua lời các con nói và qua chính cuộc sống của các con.

Lời giải thích của Cha Roger Martineau gây xúc động sâu xa nơi tâm lòng tôi. Tôi làm theo lời khuyên của ngài. Tôi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Kể từ đó, cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi thay đổi trong lối phản ứng trước các sự việc. Tôi thay đổi trong cách thức tiếp nhận và giao tế với người khác. Tôi cũng thay đổi trong lề lối giải quyết các vấn đề. Nói tóm lại, trước mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, giao tế với ai và giải quyết vấn đề quan trọng nào, tôi đều cầu nguyện cùng Đức Chúa Giêsu. Tôi xin Ngài soi sáng cho tôi biết phải hành xử như thế nào cho đúng tư cách là tín hữu Công Giáo. Và Đức Chúa Giêsu luôn luôn đáp lời tôi cầu xin. Ngài đích thật là sức mạnh, là niềm vui và là gương mẫu cuộc sống của tôi. Đức Chúa Giêsu là Bạn Chí Thân dấu ái nhất đời tôi.

Nhờ sống kinh nghiệm sâu xa trên đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi được may mắn là tín hữu Công Giáo. Tôi cũng được ưu đãi vì sống gần nhà thờ Công Giáo có Linh Mục dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Nhờ thế tôi được diễm phúc xem lễ và rước lễ mỗi ngày.

Tôi còn được may mắn dành trọn thời giờ trong ngày để phụng sự Thiên Chúa với tư cách là thư ký của giáo xứ. Văn phòng giáo xứ chỉ cách nhà thờ vài chục thước. Trước khi bắt tay vào việc hoặc lúc rãnh rỗi tôi ghé vào nhà thờ, đến trước Nhà Tạm và thờ lạy Đức Chúa Giêsu Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm. Đối với những may mắn vừa kể, tôi cảm thấy đời tôi quả nhận lãnh nhiều hồng ân. Thiên Chúa cư xử thật nhân hậu đối với tôi. Suốt đời tôi mãi mãi tri ân Ngài.

Còn một hồng phúc khác tôi muốn viết ra nơi đây. Đó là sự kiện tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nối kết tất cả các tín hữu Công Giáo lại với nhau. Chúng tôi chú ý tới những người tham dự thánh lễ thường xuyên và có thói quen ngồi chỗ nhất định. Vì thế khi chỗ ngồi vắng bóng, chúng tôi liền nhớ đến và cầu nguyện cho người vắng mặt. Xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ họ cùng gia đình họ. Hoặc khi chúng tôi nhận thấy có người đến tham dự Thánh Lễ với nét mặt âu sầu phiền não, chúng tôi đoán họ có chuyện buồn. Chúng tôi kín đáo cầu nguyện cách riêng cho họ. Và khi hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hỏi thăm và san sẻ nỗi buồn của họ. Vâng, đúng thế. Bí tích Thánh Thể nối kết tất cả lại với nhau. Chúng tôi có cùng tâm tình vì chúng tôi cùng nhận lãnh Mình và Máu Thánh Đức Chúa Giêsu Kitô.

Điểm sau cùng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với Thiên Chúa là được hồng phúc sống trong đất nước tự do. Chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do đọc Kinh Thánh. Chúng tôi tự do đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho mỗi tín hữu Công Giáo sống trong các nước tự do hãy sử dụng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo của mình để sống đạo nghiêm chỉnh và chân thành. Đức Chúa Giêsu Thánh Thể chờ đợi mỗi tín hữu Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ và rước Ngài hầu Ngài có thể tuôn đổ muôn vạn ơn lành hồng phúc xuống trên từng người.

Tôi không quên cầu nguyện cách riêng cho các tín hữu Công Giáo kém may mắn, sống trong các nước không được thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôi xin Thiên Chúa cho họ mau chóng tới ngày hưởng mọi quyền tự do, dẫn đầu là tự do tôn giáo. Xin Thiên Chúa nhậm lời chúng con nài xin. Amen. (Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 47-48; Radio Vatican).

Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ có sức mạnh truyền giáo. Chúng ta đón nhận Thánh Thể để có sự sống thần linh của Chúa. Xác tín rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống người Công giáo, nên linh mục tìm mọi dịp dâng lễ cho bà con giáo dân.

Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.

Thánh lễ cần được nối dài trong cuộc sống thường ngày. Khi cánh cửa nhà thờ khép lại, thánh lễ giữa lòng cuộc đời mở ra. Sống đạo trong nhà thờ, thực hành đạo ngoài cuộc đời. Mỗi người tín hữu phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là thánh lễ nối dài. Bài hát quen thuộc của cha Thành Tâm: “Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân!”. Thánh lễ nào cũng kết thúc và mọi người ra về bình an, nhưng Thánh lễ sẽ không tạm biệt, không chia tay với cuộc sống đời sống. Hoa quả của Thánh Lễ, hoa quả của Bí Tích Thánh Thể chính là lối sống, hành vi, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của mỗi người tín hữu với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An