Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.06 đến ngày 22.06.2019

0
106

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.06 đến ngày 22.06.2019

17.06.2019

THỨ HAI TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 5,38-4

 

Lời Chúa:

“Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,42)

Câu chuyện minh họa:

Thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), là vị sáng lập Dòng Bác ái, có xây dựng ở tỉnh Grenade một bệnh viện. Một hôm, có một vị bá tước gởi đến cho ngài số tiền 25 đồng vàng Ducats để Ngài giúp các bệnh nhân đau khổ nghèo khó. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến tận bệnh viện kêu gọi sự bố thí của thánh nhân. Thấy tình trạng thê thảm của người hành khất, thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 ducats đem cho người ấy với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến và thú nhận tất cả. Ông xin lỗi thánh nhân vì đã dám thử lòng bác ái của ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 ducats ngoài số 25 ducats xin hoàn trả lại. Từ đó, cứ mỗi tuần, ông lại gởi tới bệnh viện một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo.”

Suy niệm:

Chúa Giêsu trích dẫn luật Cựu Ước là luật báo trả: mắt đền mắt, răng đền răng. Chúa Giêsu đã xóa bỏ luật cũ ấy và thay vào đó là lòng thương xót, đưa vào luật một tinh thần mới là không báo oán, không báo thù. Người Kitô hữu được mời gọi quên đi quyền lợi riêng tư nhưng nghĩ đến bổn phận và trách nhiệm của mình.

Chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa những ân huệ nhưng không; vì thế, chúng ta cũng hãy trao ban một cách nhưng không. Trao ban không chỉ là những của cải vật chất, nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta cần trao ban tình thương, sự chia sẻ, cảm thông… Nhờ đó, ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục sinh luôn được lan tỏa khắp nơi.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con dễ dàng cho đi, dễ dàng trao ban cho những anh chị em đang cần đến chúng con; nhất là cho chúng con biết vượt qua mọi rào cản của sự kỳ thị và thành kiến, để chúng con đến với những người không cùng quan điểm với chúng con. Amen

  

18.06.2019

THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 5,43-48

 

Lời Chúa:

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,48)

Câu chuyện minh họa:

Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.

Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ.

Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Suy niệm:

Chỉ trong sự tha thứ, chúng ta mới có thể họa lại hình ảnh nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài không dừng lại ở chỗ tha thứ nhưng còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi mặc cảm tội lỗi, và tha thứ tuyệt đối.

Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ phải yêu kẻ thù; và Người hướng họ về Nguồn mạch tình yêu sáng tạo. Người khơi gợi nơi họ căn tính sâu xa của một người làm con Chúa: “Hãy yêu kẻ thù; như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.”

Lạy Chúa, xin cho con có trái tim của Chúa để yêu thương những người bách hại con; xin cho con có cái nhìn của Chúa để tha thứ cho những người gây bất lợi cho con, và xin cho con biết nhận ra mình đầy khuyết điểm để nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

  

19.06.2019

THỨ TƯ TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 6,1-6.16-18

 

Lời Chúa:

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,18b)

Câu chuyện minh họa:

Từ ngày vào thu đến nay, khu vườn của bà cụ già góa bụa trước đã ngổn ngang nay càng thêm ngập rác. Mỗi lần gió thu lùa đến, là từng đợt lá vàng rơi ào ạt, chất chồng ngoài sân, trên thềm nhà bà cụ. Mỗi trận mưa thu lại làm cho cỏ dại mọc thêm lởm chởm. Trông thật thê lương! 

Thế rồi, một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, vị linh mục chính xứ tập họp hết các em trong đoàn thanh niên Công Giáo. Ngài hăng say khuyến khích các em dấn thân cho công bằng xã hội, phục vụ cộng đồng, ưu tiên chọn giới nghèo, đứng về phía người cô thế cô thân như tinh thần của Năm Thánh. Ngài khuyên các em hy sinh trọn ngày nghỉ cuối tuần để đi giúp các người nghèo, các cô nhi quả phụ, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng dấn thân hầu hạ người khác và hiến thân làm giá cứu chuộc loài người ( Mc 10, 45 ).

Các cậu thanh niên, các cô thiếu nữ, sau khi nghe linh mục giảng xong, hăng hái vác cuốc, xẻng, chổi đến tận nhà bà cụ gìa góa bụa để xin làm cỏ, quét dọn, hốt rác cho nhà bà từ trong nhà ra tận cửa ngõ.  Họ vui vẻ phục vụ. Thỉnh thoảng bà cụ lụm khụm mang nước ra cho các cô cậu uống, nhưng ai cũng lễ phép kiếu từ, xin bà cụ cho các em được phục vụ hoàn toàn không lấy công, ngay cả một lon nước ngọt cũng không dám nhận. Bà cụ hết sức mến phục các em…

Sau một ngày làm việc cực nhọc, mồ hôi nhễ nhãi, mặt mày lem luốc, nhưng trong lòng thật hạnh phúc, các em trở về nhà xứ để báo cáo công tác lên cha Sở và Hội Đồng Giáo Xứ.

“Kính thưa Cha, kính thưa quý vị trong Hội Đồng Giáo Xứ, chúng con hôm nay đã được gởi đến và đã hoàn tất công tác dọn dẹp sạch sẽ vườn nhà bà cụ già ở bên cạnh chùa…”

Cả hội trường vang tiếng vỗ tay. Anh đại diện kể tiếp: “Bà cụ rất cảm động, bà có cho chúng con nước ngọt, nhưng chúng con xin phép kiếu từ…” Cha Sở lên tiếng khen ngợi: “Các con giỏi quá! Thật đúng là phục vụ không lấy công, chỉ vì yêu người mà thôi.” Lại một tràng pháo tay nổ dòn trong hội trường.

Một bạn trẻ khác khoe thêm: “Bà cụ còn khen chúng con làm việc rất hăng say. Bà bảo chúng con là mỗi ngày bà nhờ nghe tiếng chuông chùa bên cạnh, tiếng gõ mõ tụng kinh bên chùa vọng sang, khiến tâm hồn bà rất siêu thoát, và hạnh phúc. Nay lại thấy bên nhà chùa gởi thanh niên thiếu nữ sang giúp dọn sạch sẽ, khiến bà thấy rõ được ánh quang từ bi của phật pháp…”

Nghe đến đây, một vị trong Hội Đồng Giáo Xứ hỏi ngay: “Thế thì các bạn có đính chính không?” Anh đại diện trả lời: “Dạ thưa không ạ”

Ông chủ tịch bật thốt lên: “Thế thì hỏng bét! Bà cụ hiểu lầm rồi!” Anh bạn trẻ gãi đầu: “Dạ thưa, bà còn khen đạo Phật và nhà chùa thật là biết thương đến kẻ cô thế cô thân như bà, khi gởi mấy phật tử trẻ như chúng con đây sang quét dọn giúp bà”.

Cả Hội Đồng Giáo Xứ nhao nhao lên: “Thật là dọn cỗ cho người khác xơi! Không ai mở miệng đính chính à?” Anh bạn trẻ cố gắng trình bày vấn đề: “Dạ thưa chúng con chỉ biết im lặng phục vụ…”

Ông chủ tịch nhăn nhó trách cứ: “Thì chỉ cần thưa với bà cụ là các bạn thuộc đoàn thanh niên Công Giáo của Giáo Xứ chúng ta đang đi phục vụ cộng đồng là đủ rồi. Có phải là bà sẽ phục đạo Công Giáo mình không chứ! Có tốn hơi mất sức gì đâu. Tại sao các bạn lại không chịu nói?”

Một bạn gái trong đoàn công tác đứng lên, nhìn sang phía cha Sở đang cười tủm tỉm ra vẻ rất hài lòng, rồi cô bé nhỏ nhẹ lên tiếng: “Dạ thưa bác, tại vì sáng nay cha Sở bảo chúng con phải phục vụ giống y như Chúa Giêsu đã phục vụ ạ!”

Suy niệm:

Lòng đạo đức đích thực của người Do Thái được biểu lộ qua ba yếu tố: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Nhưng điều quan trọng và cốt yếu là con người sống thật trước mặt Thiên Chúa với ý hướng ngay lành, chứ không phải làm mọi việc để người khác biết đến danh mình. Ăn chay là dấu chỉ sự ăn năn; thực thi bác ái là đáp trả lòng thuong xót của Thiên Chúa và cầu nguyện để mỗi ngày Chúa thanh luyện bản thân mình hơn.

Thật vậy, sự kín đáo của một người không phải là những gì người ấy giấu đi không cho người khác biết, nhưng là những gì trong cuộc đời người ấy được thực hiện trong một sự thinh lặng sâu xa. Đó là những gì được trao tặng trong sự thân mật của trái tim, để rồi không còn chỗ cho ngôn từ nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đắm mình trong cầu nguyện, để chúng con được tan chảy trong Ngài; từ đó, chúng con sẽ được hòa chung nhịp đập với trái tim Chúa, nhịp đập của sự yêu thương, tha thứ và cảm thông.

   

20.06.2019

THỨ NĂM TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 6,7-15

 

Lời Chúa:

“Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại.” (Mt 6,7)

Câu chuyện minh họa:

Ngày kia khi cỡi ngựa đi ngang qua một ngôi làng, thánh Benardo giúp một nông dân đang đi bộ trên đường. Thấy ngài, người nông dân nói:

– Ông đã chọn một nghề thật an nhàn. Tại sao tôi lại không trở nên một người tối ngày chỉ biết cầu nguyện để cũng có một con ngựa để cỡi?

Nghe nói vậy, thánh Benardo bình tĩnh hỏi:

– Thế anh tưởng cầu nguyện dễ lắm sao? Này, tôi đánh cược với anh, nếu anh đọc được một kinh lạy cha từ đầu đến cuối mà không lo ra, tôi sẽ tặng anh con ngựa này.

Người nông dân tỏ vẻ ngạc nhiên đến tột độ, và hỏi:

– Thật không?

Thấy thánh Benardo gật đầu tái xác nhận lời hứa, người nông dân vội vàng nhắm mắt chắp tay đọc to:

– Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước  Cha trị đến…

Vừa đọc đến đây, bỗng anh ta chia trí, ngừng lại và hỏi:

…Vậy là tôi có thể lấy cả yên ngựa và dây cương nữa chứ?

Chẳng  có ngựa cũng chẳng có cương cho anh, anh chia trí rồi đấy!

Suy niệm:

Lời cầu nguyện để chúng ta mong được vinh danh Chúa và xin Ngài ban ơn giúp sức để chúng ta chu toàn bổn phận cũng vì danh Chúa. Khu chúng ta cầu nguyện, chúng ta ý thức mình là một trong thành phần của Giáo hội, và phải đặt ý Chúa trên hết chứ không phải những nhu cầu của chúng ta cần Chúa đáp ứng. Và cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, vì thế chúng ta cần thực hiện một cách riêng tư, kín đáo, và củng cố mối tương quan với Người.

Thiên Chúa không cần chúng ta phải cầu nguyện theo một công thức, bài bản, nhưng Người muốn chúng ta dâng lên Người những tâm tình thật đơn sơ chân thành xuất phát từ trái tim. Nơi đó, chúng ta có thể lắng nghe, đối thoại và hiệp thông với Thiên Chúa.

Trong thực tế, chúng ta đã thực hành việc cầu nguyện như thế nào?

Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại với Chúa để cảm nhận được những tình yêu của Ngài, và để con sống trọn vẹn tình yêu ấy vì đó là sức mạnh giúp con vươn lên trong cuộc sống này.

  

21.06.2019

THỨ SÁU TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Thánh Luy Gônzaga, tu sĩ

Mt 6,19-23

 

Lời Chúa:

“Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,21)

Câu chuyện minh họa:

Cha Gioan Tauler, một vị linh mục đạo đức vẫn luôn cầu xin để được gặp một người chỉ dẫn cho ngài thiên đàng ở đâu. Một ngày kia, có tiếng lương tâm giục ngài ra trước cửa nhà thờ để gặp vị quân sư đó. Nhìn trước nhìn sau, cha chẳng thấy ai, ngoại trừ một người ăn mày, quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu, hôi thối. Cha đến gần chào người hành khất:

– Chào ông, chúc ông may mắn.

Người ăn mày thản nhiên trả lời:

– Chào cha, tôi có bị rủi ro bao giờ đâu.

– Vậy thì xin Thiên Chúa ban cho ông mọi điều sung sướng.

– Ồ, thưa cha, đời tôi chưa bao giờ thấy khổ cả.

Cha Tauler rất ngạc nhiên về cách nói năng của người này. Cha hỏi tiếp:

– Nếu Chúa bắt ông xuống hỏa ngục, ông có buồn khổ không?

Người hành khất trả lời không cần suy nghĩ:

– Nếu Chúa làm như vậy thì tôi sẽ ôm ghì lấy Chúa và đưa Chúa xuống hỏa ngục luôn. Tôi thà ở hỏa ngục với Chúa còn hơn ở Thiên Đàng mà không có Ngài.

Vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa. Cha hạch hỏi:

– Này ông, ông có thể cho tôi biết ông từ đâu tới đây?

– Thưa Cha, tôi từ Thiên Chúa mà đến.

– Nhưng ông tìm thấy Thiên Chúa ở đâu?

– Ở ngay khúc quẹo, chỗ mà tôi từ bỏ mọi của cải vật chất trên đời này.

Tới đây, Cha Tauler không thể chờ đợi thêm được nữa. Ngài hỏi nhanh:

– Thế thì, ông là ai?

Người ăn mày nói một cách trịnh trọng:

– Tôi là Vua.

Cha Tauler quỳ xuống trước mặt người ăn mày:

– Tâu Đức Vua, Ngài có thể cho con biết vương quốc ngài ở đâu không?

– Vương quốc của Ta ở ngay trong tâm hồn Ta.

Suy niệm:

Kho tàng Chúa Giêsu muốn nói đến chắc chắn nơi đó không có tiền của, vàng bạc hay kim cương nhưng kho tàng ấy là lòng tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, Ngài luôn mưu cầu lợi ích cho chúng ta, lòng tin tưởng ấy giúp chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà sẵn sàng ấn thân vì tha nhân, hy sinh sức khỏe, thời gian, tiền bạc… để mong mang lại hạnh phúc cho người khác.

Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm kho tàng vô tận nơi Chúa, vì nơi ấy không gì đục khoét hay mối mọt ăn mòn. Trong Người, chúng ta mới cảm được hạnh phúc và tình yêu vĩnh cửu mà không ai có thể cướp mất được. Và nhờ đó chúng ta mới có cái để trao ban.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa là điểm tựa và là cùng đích của cuộc đời, để chúng con không còn tìm kiếm hạnh phúc nơi nào khác nữa, vì có Chúa là tất cả của cuộc đời chúng con. Amen

  

22.06.2019

THỨ BẢY TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 6,24-34

 

Lời Chúa:

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6,24b)

Câu chuyện minh họa:

Một con chó sống trên một cù lao giữa sông, bên bờ sông phía đông có một ngôi chùa, bên bờ phía tây cũng có một ngôi chùa. Chuông chùa bên nào vang lên chó cứ bơi đến là được bữa ăn ngon.

Một lần kia, cả hai chùa cùng nện chuông một lượt, chó ta liền nhào xuống sông bơi đi kiếm ăn. Nhưng muốn qua chùa bên này lại sợ chùa bên kia có thức ăn ngon hơn. Chó ta lưỡng lự mãi, cuối cùng bơi một quãng về bên đông, lại quay trở lại, bơi một quãng về bên tây; cứ thế mà chơi vơi giữa sông cho đến khi đuối sức, không vào được bến nào cả, và chìm nghỉm dưới dòng nước.

Suy niệm:

Trong thế giới hưởng thụ này, thật không dễ để chúng ta chọn lựa. Chúng ta luôn bị giằng co bởi thế lực của vật chất và Thiên Chúa, giữa thiện và ác. Chúng ta dễ bị những lo lắng vật chất bóp nghẹt niềm tin. Là Kitô hữu, chúng ta “đừng tìm kiếm những sự dưới đất, nhưng hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”(Cl 3,1), nơi đó chúng ta “có một gia tài không thể hư nát, không bị vẩn đục và tàn phai”.

Lạy Chúa, xin hướng tâm hồn con về với Chúa, và xin cho con biết chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời con.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho