Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành- Suy niệm Chúa nhật IV Phục Sinh Năm C

0
64

CN4PSC-001

Trong số các giám mục nổi tiếng can đảm của Giáo Hội Châu Mỹ La tinh phải kể đến Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô San Salvador. Trong các bài giảng, Đức Cha thường mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực, bất công và nghèo đói do chính quyền gây ra. Ngài thẳng thắn tố cáo các vụ vi phạm nhân quyền và những cuộc bắt bớ đàn áp dân của chính quyền. Tiếng nói của Đức Cha làm chính quyền quân đội El Salvador tức bực. Sau nhiều lần hăm dọa mà không có kết quả, những kẻ thù ghét Đức Cha đã quyết định giết ngài.

Sáng ngày 24/3/1980, Đức Tổng Giám mục Romero đến dâng thánh lễ cho các bệnh nhân tại bệnh viện thủ đô. Đức Tổng giám mục có linh cảm mình sắp đổ máu như hiến tế dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện hòa bình cho dân tộc El Salvador. Trong bài giảng, Đức Cha nói : “Như chủ chăn sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên, tôi cũng sẵn sàng chết miễn là nước nhà được hòa bình, nhân dân được sống trong ấm no thịnh vượng”. Đức Cha rời tòa giảng tiến lên bàn thờ, thì ngay lúc đó, kẻ sát nhân tiến lên rút súng bắn ngài.

Đức Tổng Romero gục ngã trước bàn thờ, máu chảy lênh láng. Thánh lễ cuối cùng của vị chủ chăn hôm ấy dang dở nhưng là thánh lễ đẹp nhất vì vị chủ tế đã trở thành con chiên hiến tế như Chúa Giêsu trên thánh giá ngày xưa.

Đẹp thay hình ảnh vị chủ chăn gục ngã trước bàn thờ, trở thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Đẹp thay hình ảnh người mục tử chết giữa đoàn chiên để bảo vệ và dẫn đưa đoàn chiên đến cánh đồng cỏ hòa bình, thịnh vượng. Đức Tổng giám mục Romero đã hoạ lại hình ảnh đẹp nhất của Chúa Giêsu : Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã chết để chúng ta được sống đời đời.

Chỉ bằng vài nét chấm phá, Tin Mừng theo Thánh Gioan đã phác họa chân dung Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời”.

Người chăn chiên tốt, mỗi buổi sáng cất tiếng gọi đoàn chiên, dẫn chúng đến cánh đồng cỏ xanh tươi và suối nước ngọt ngào. Đoàn chiên không nghe tiếng người lạ. Người mục tử cũng còn biết nghe tiếng chiên mình và hiểu được “ngôn ngữ” qua những tiếng kêu của chúng.

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành cất tiếng mời gọi chúng ta theo Ngài. Ngài ban Lời Hằng Sống cho chúng ta. Hôm nay, Ngài tiếp tục bẻ tấm bánh lời Chúa và trao cho chúng ta mỗi ngày. Nhưng hôm nay, tiếng Chúa Giêsu có thể đang bị lấn át bởi những lời mời gọi của những đam mê trần thế, khiến chúng ta không nghe được lời Chúa. Tuy thế, Chúa vẫn tiếp tục nói với chúng ta và lắng nghe tiếng nguyện cầu của mỗi người.

Người chăn chiên tốt biết rõ từng con chiên và hiểu được con chiên đang cần gì. Ngược lại, con chiên cũng biết rõ người chủ chăn qua vóc dáng, lời nói và cử chỉ.

Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành biết rõ từng người chúng ta và thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm sâu kín trong lòng mỗi người. Ngài hiểu rõ những ước mơ, hoài bão của chúng ta. Ngài cũng tường tận những đắng cay khổ sầu của cuộc đời chúng ta. Nhưng đáng tiếc thay, chúng ta biết Ngài quá ít, vì chúng ta ít gặp gỡ và học hiểu về Ngài.

Người chăn chiên tốt là người luôn đi trước đoàn chiên và đoàn chiên theo sau. Theo sau đoàn chiên chỉ có thể là những “đồ tể” lùa đoàn chiên đến lò sát sinh.

Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân lành luôn đi trước để dẫn đưa chúng ta đến cánh đồng cỏ ân sủng. Ngài chăm sóc chúng ta bằng đôi tay bị đinh đóng, đồng hành với chúng ta bằng đôi chân mang thương tích, dưỡng nuôi chúng ta bằng sự sống tuôn trào từ cạnh sườn. Nhưng đáng tiếc thay, chúng ta lại mải mê đi theo thần tượng của danh lợi thú, đi theo lời mời gọi của niềm vui thế trần.

Người chăn chiên tốt là người dám thí mạng vì đoàn chiên, sẵn sàng bảo vệ đoàn chiên trước sự tấn công của thú dữ hay kẻ cướp, sẵn sàng chết để đoàn chiên được sống.

Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành đã thí mạng vì chúng ta. Ngài không những nuôi dưỡng chúng ta bằng lương thực vật chất, Ngài còn nuôi dưỡng chúng ta bằng lương thực thần linh qua bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Ngài hy sinh mạng sống để chúng ta được sống và sống đời đời. Nhưng đáng tiếc thay, chúng ta không biết đón nhận sự sống tuyệt diệu ấy, nhưng đi tìm sự sống mau qua ở trần thế nơi vật chất, tiền tài, của cải. Chúng ta chưa biết “chết” với Chúa và “sống” cho tha nhân.

Hôm nay, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm nhiều vị mục tử tốt lành trên cánh đồng cỏ Hội Thánh. Những mục tử sống theo mẫu gương của Mục Tử Giêsu. Chúng ta hãy xin Chúa đánh thức những ơn gọi linh mục và tu sĩ còn đang ngủ quên trong cộng đoàn. Chúng ta hãy xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh biết hy sinh nhiều hơn trên con đường phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó.

Vào năm 1970, có một sự kiện lớn lao : Đức giáo hoàng Phaolô VI thực hiện chuyến tông du dài 46.400 cây số, thăm viếng một số nước Á Châu. Cuộc du hành bắt đầu từ ngày 26/11/1970 đi Manila thủ đô nước Phi luật tân.

Trong ba ngày tại Manila, một trong những việc trọng đại của Đức giáo hoàng là truyền chức linh mục cho 300 tân chức thuộc 5 nước Á Châu, trong đó có Việt Nam.

Thật là vinh dự cho 30 tân chức Việt Nam, được truyền chức linh mục do chính bàn tay Đức giáo hoàng.

Các tân chức vui mừng chuẩn bị hành lý để lên máy bay thì một tin buồn được đưa đến cho một tân chức : bà cố của tân chức ấy từ trần.

Tâm hồn của vị tân chức vừa đau khổ, vừa bị giằng co giữa hai chọn lựa : lên máy bay theo lời mời gọi của Chúa để lãnh nhận chức linh mục; hay ở lại quê nhà theo tiếng gọi của chữ hiếu để an táng mẹ già ?

Sau khi bàn hỏi với bề trên, vị tân chức quyết định lên máy bay đi chịu chức linh mục, còn việc an táng mẹ già để cho gia đình thu xếp. Ngài đã đau lòng để “kẻ chết chôn kẻ chết” và can đảm đi theo tiếng Chúa gọi.

Một tuần lễ sau, khi trở về Việt Nam, tân linh mục dâng thánh lễ tạ ơn cũng là thánh lễ ngài mang trang phục tím với dải khăn tang màu trắng, cầu nguyện cho người mẹ mới qua đời như sự báo hiếu.

Tân linh mục ấy chính là cha JB. Trần Thanh Cao hiện đang phục vụ tại giáo xứ Đồng Tiến, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ trên cánh đồng truyền giáo của Hội Thánh hôm nay, để “đồng lúa chín vàng” có thêm nhiều thợ gặt nhiệt thành, can đảm và thánh thiện trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

trích Logos năm C