Suy niệm tuần 21 thường niên-B

0
71

Lời Chúa

Ga 1,45-51

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Ðấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Suy niệm

Tin mừng hôm nay tường thuật việc ông Philipphê giới thiệu Đấng Mêsia cho ông Nathanael, cũng gọi là Bartôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanael không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ Nadarét, nhưng sau khi gặp Đức Giêsu ông đã thay đổi cách nghĩ. Tại sao niềm tin của ông lại thay đổi như thế?

Thời Đức Giêsu, dân Do thái hiểu cách nói “vua Israel” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng dân Israel khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1,49 ông Nathanael cũng không hiểu xa. Ông Nathanael nghĩ vua Israel phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái trong một thành đô rộng lớn. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng muôn dân mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét, Nathanael đã không tin. Ông phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Nhưng sau đó, ông lại nói “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”. Tuy ông tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này cách mập mờ, hay nói đúng hơn, tước hiệu ấy ám chỉ đấng được Thiên Chúa xức dầu, nói lên sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, người được Thiên Chúa chọn. Có lẽ sau ngày Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.

Như thánh Philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa tôn giáo, chúng ta có sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Chúng ta đã giới thiệu như thế nào về Đức Giêsu: làm cho Ngài được nổi bật hay là đánh bóng bản thân mình?

Sau khi gặp Chúa Giêsu, thánh Bartôlômêô đã thay đổi cách suy nghĩ và biến đổi cuộc đời: trở nên môn đệ và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta? Hằng ngày nghe Lời Chúa, chúng ta đã để cho Lời Chúa tác động, và thực hành như ý Ngài muốn không, và ta đã thay đổi đời sống như thế nào? Khi rước lấy Thánh Thể chúng ta đã biến đổi cuộc đời chưa?

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con còn non yếu và chính bản thân con cũng chưa xác tín niềm tin vào Chúa nên thường dễ xa ngã trước những cám dỗ. Xin thêm niềm tin cho con để mỗi ngày con một hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Xin Chúa biến đổi con mỗi khi con gặp được Chúa, xin canh tân đời sống của con khi con lắng nghe Lời Chúa.

Thứ ba

Lời Chúa

Mt 23, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

“Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch”.

Suy niệm

Chúa Giêsu tiếp tục quở trách các luật sĩ và biệt phái. Đoạn Tin mừng này gồm có hai lời trách:

Trước hết, Chúa Giêsu quở trách họ chu toàn cách chu đáo việc  “nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là“. Đây là những loại thu nhập rất nhỏ mà theo luật chẳng cần phải đóng thuế thập phân (một phần mười thu nhập). Trong khi đó, họ lại bỏ sót bổn phận hết sức quan trọng, đó là “sống công bình, lòng nhân từ và lòng tin“. Điều quan trọng trong lề luật là tin và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời phải biết sống công bình và có lòng nhân từ với tha nhân. Thế mà, các luật sĩ và biệt phái lại bỏ qua những điều này.

Kế đến, Chúa Giêsu quở trách họ rất quan tâm đến việc sạch và nhơ bên ngoài qua việc rửa chén đĩa, trong khi đó, một nơi đáng cho người ta lo gìn giữ sạch sẽ là tâm hồn thì họ lại lãng quên. Tâm hồn họ đầy nhơ bẩn với những kiêu căng, tham lam và ích kỷ, thế mà họ chẳng quan tâm để “lau chùi“.

Không ít lần chúng ta cũng rất chú tâm đến việc nhỏ nhặt, nhất là lo giữ luật chi li, chu chu chấm chấm qua việc ăn chay, kiêng thịt… mà chẳng quan tâm đến điều cốt yếu trong đời sống đức tin là tin cậy vào Chúa, sống công bình và yêu mến tha nhân. Sống đạo tốt không chỉ là giữ cho mình khỏi những điều xấu, mà còn phải làm việc tốt nữa. Tội không hẳn là khi chúng ta làm điều xấu, mà còn là khi chúng ta không làm việc tốt. Hãy chú tâm sống điều cốt yếu của lề luật là tin cậy Thiên Chúa, sống công bình và yêu mến tha nhân.

Cũng không ít lần chúng ta lo cái bên ngoài khi chăm chút cho đầu tóc, trang phục… mà không để ý đến tâm hồn chúng ta. Có khi bên ngoài chúng ta rất bảnh bao, đẹp đẽ nhưng tâm hồn chúng ta lại chất đầy những tham lam, ích kỷ, mưu mô…

Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức điều cốt yếu trong đời sống đạo là mến Chúa và yêu thương tha nhân. Xin cũng giúp chúng con luôn biết trang điểm cho tâm hồn mình bằng cách loại trừ những điều xấu và trang điểm bằng những việc tốt. Amen.

Thứ tư

Lời Chúa

Mt 23,27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác.

Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: “Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri”. Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi”.

Suy niệm

Tiếp tục, đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách các luật sĩ và biệt phái hai điều:

Thứ nhất, gần giống như lời quở trách trong đoạn ngày hôm qua là Chúa quở trách họ chỉ lo bên ngoài mà che đậy những xấu xa bên trong. Chúa Giêsu dùng hình ảnh mồ mả được tô sơn bên ngoài rất đẹp, nhưng bên trong lại đầy hôi thối vì xác chết. Đó là hình ảnh của luật sĩ và biệt phái. Họ ra vẻ bên ngoài rất đạo đức như cầu nguyện lâu giờ, cầu nguyện ở ngả ba đường, ăn chay mặt mày nhăn nhó, đeo túi kinh thật lớn, tua áo thật dài… nhưng trong lòng họ đầy những xấu xa.

Họ kiêu ngạo với Thiên Chúa, kể những công đức cho Chúa nghe và đôi khi còn dựa vào những công đức của mình mà khinh thường tha nhân. Anh biệt phái cầu nguyện trong đền thờ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho họ.

Thứ hai, Chúa Giêsu quở trách họ không nhận ra sự thật về họ. Họ lo xây đắp các mồ mả của các tiên tri như là sự bù đắp cho những lỗi lầm của cha ông họ, là những người từng từ chối và bách hại các tiên tri. Qua hành động “xây mộ“, cách nào đó họ cho rằng việc cha ông họ đã từ chối và sát hại các tiên tri là sai trái. Trong khi đó, ngay trong hiện tại, họ cũng đang phạm lỗi giống như cha ông của họ thậm chí còn nặng hơn nữa, đó là họ đã từ chối và giết hại không chỉ vị tiên tri mà là Đấng Kitô của Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hai điều sau:

Trước hết, sống đạo đức thánh thiện qua việc đọc kinh, lần chuỗi, tham gia các hội đoàn, đóng góp cho họ đạo, cho Giáo Hội là điều đáng khen ngợi. Nhưng không ít người dựa vào những công đức của mình mà kể công với Chúa, với Giáo Hội, thậm chí còn kiêu hãnh và khinh dễ người khác. Đó là điều đáng trách.

Thánh Mônica mà chúng ta mừng kính hôm nay luôn cậy dựa vào Chúa, nhất là qua việc cầu nguyện. Ngài cậy vào ơn Chúa để giúp cho gia đình của mình, nhất là người chồng và người con đang sống trong tình trạng tội lỗi. Vì nương tựa vào Chúa, ngài đã cầu nguyện suốt 20 năm trời. Và cuối cùng Chúa cũng nâng đỡ và giúp sức cho ngài bằng cách cho chồng và con của ngài được hoán cải.

Kế đến, rất nhiều lần chúng ta rất sáng suốt về người khác nhưng lại không biết rõ mình hoặc không muốn thấy rõ mình. Chúng ta phê phán người khác làm những việc sai trái trong khi đó chính chúng ta cũng đang rơi vào sai trái đó. Chúa nhắc nhở chúng ta, hãy nhìn lại mình và thật lòng chấp nhận những sai trái của mình để sửa đổi.

Lạy Chúa, con rất thích chỉ trích những sai trái của người khác nhưng không thích hoặc không muốn thấy những sai trái của mình. Xin cho con thật lòng đón nhận những yếu hèn của mình và can đảm sửa đổi để mỗi ngày con nên hoàn thiện hơn. Amen.

Thứ năm

Ngày 27 tháng 08

Thánh Mônica

Lời Chúa

Mt 24,42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

“Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Suy niệm

Sau khi quở trách sự giả hình của nhóm luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu hướng sang dạy dỗ các môn đệ. Bài học mà Ngài dạy dỗ chúng ta hôm nay là tỉnh thức và sẵn sàng.

Tỉnh thức và sẵn sàng với điều gì?

Tỉnh thức và sẵn sàng với “ngày Con Người đến“. “Ngày của Con Người” thường được hiểu là ngày cánh chung nhưng cũng được hiểu là ngày chúng ta lìa cõi thế trở về với Chúa.

Tại sao phải tỉnh thức và sẵn sàng?

– Phải tỉnh thức và sẵn sàng vì “ngày Con Người đến” rất bất ngờ, bất ngờ như kẻ trộm. Chúng đến vào lúc chủ nhà không ngờ đến. Cái chết đến với chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ.

– Phải tỉnh thức và sẵn sàng để khi “ngày Con Người đến” chúng ta như người đầy tớ trung tín đợi chủ, được vào hưởng hạnh phúc chứ không bị ném vào nơi phải khóc lóc nghiến răng.

Tỉnh thức và sẵn sàng thế nào?

Tỉnh thức và sẵn sàng được nhìn trong hai mối tương quan.

Tỉnh thức và sẵn sàng trong bổn phận đối với Chúa. Chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống đức tin. Ngọn đèn đức tin của chúng ta phải luôn cháy sáng chờ đợi Chúa, để khi Chúa đến ta ra đón Chúa với ngọn nến cháy sáng trong tay.

Tỉnh thức và sẵn sàng trong bổn phận đối với tha nhân.

Một người tỉnh thức trong bổn phận này là người biết chu toàn bổn phận chủ giao: coi sóc và phân phát lương thực cho tha nhân. “Coi sóc” là phải biết sống quan tâm đến tha nhân. “Phân phát lương thực” là biết yêu thương và giúp đỡ tha nhân, nghĩa là luôn quan tâm và phục vụ tha nhân.

Ngược lại, một người không tỉnh thức và sẵn sàng là người chỉ biết lo cho mình, tìm thoả mãn cho mình, thờ ơ với tha nhân, thậm chí còn bóc lột và hà hiếp tha nhân.

Chúng ta không biết “ngày Chúa đến” với chúng ta khi nào, ở đâu và cách nào, nhưng chắc chắn ngày ấy sẽ đến, thậm chí đến cách bất ngờ. Vì vậy, cách tốt nhất là phải biết sống tỉnh thức và sẵn sàng.

– Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách chúng ta luôn sống gắn bó, tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa qua việc chúng ta đến với Ngài trong kinh nguyện, Thánh Thể và các Bí tích.

– Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách chúng ta luôn sống quan tâm và sẵn sàng phục vụ tha nhân trong hoàn cảnh và khả năng của chúng ta. Có như thế, chúng ta mới mong trở thành người đầy tớ trung tín của Chúa và mới hy vọng được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

Lạy Chúa, con đang sống trong một xã hội đầy những lo lắng, nhất là những lo lắng cho cuộc sống đời này. Xin đừng để những lo lắng đời này làm cho con không còn sống tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống thiêng liêng. Xin cho con biết tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách sống gắn bó với Chúa, quan tâm và phục vụ tha nhân. Amen.

Thứ sáu

Ngày 28 tháng 08

Thánh Augustinô

Lời Chúa

Mt 25,1-13

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các đệ rằng: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể; trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” Ðang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Suy niệm

Đoạn Tin mừng hôm nay thường được người ta chọn để suy niệm trong các thánh lễ an táng, nhằm nhắc nhau thái độ tỉnh thức. Ai cũng mong số phận mình là “năm cô khôn ngoan”. Chẳng ai muốn mình trở nên “năm cô khờ dại”.

Đức Giêsu dùng hình ảnh mười cô phù dâu đi đón chàng rể, trong bối cảnh tiệc cưới của người Do Thái. Với ngọn đèn trên tay, trong y phục đẹp, các cô có nhiệm vụ đón chàng rể đến, sau đó tất cả vào dự tiệc. Nhưng tiếc thay, chàng rể và nhà trai đến chậm, nên cả mười cô đều thiếp ngủ. Nhưng đến khi có tin báo chàng rể đến, lúc sửa soạn đèn, thì hoàn cảnh của các cô lại khác nhau: năm cô hân hoan đi đón chàng rể với đèn sáng trên tay; còn năm cô thì không, với lý do đèn của các cô đã tàn và các cô đã không dự trữ dầu.

Chuyện của mười cô phù dâu nhắc tôi rằng: trong cuộc sống, có những cô dại và những cô khôn, có những cô luôn sẵn sàng và những cô không sẵn sàng.

Chuyện của mười cô phù dâu nhắc tôi sự cần thiết của sự tỉnh thức, bằng việc luôn chuẩn bị cho dầu đèn đời mình.

Mong sao, qua thánh lễ và các bí tích, qua những việc lành và nghĩa cử yêu thương, tôi chuyên cần châm dầu cho ngọn đèn đời mình.

Mong sao, trong giờ Chúa đến, Chúa thấy tôi ra đón Người với ngọn đèn sáng trên tay.

Thứ bảy

Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Lời Chúa

Mc 6,17-29

Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.

Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gio-an Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Suy niệm

Mỗi nhân vật hôm trong đoạn Tin mừng hôm nay đều để lại cho chúng ta bài học quý giá, tiêu cực lẫn tích cực.

Hêrôđê và Hêrôđia, những con người độc ác và dâm loạn.

Hêrôđê, là vua, ông nắm quyền trong tay. Ông muốn bao nhiêu người đẹp mà chẳng được. Thế nhưng, ông lại lấy Hêrôđia, người chị dâu của mình. Rồi ông lại làm ngơ trước lời khuyến cáo của Gioan Tẩy Giả. Cuối cùng, ông sẵn sàng hy sinh người vô tội vì lòng ham muốn của mình.

Hêrôđia, vì lòng ước muốn xác thịt, bà sẵn sàng từ bỏ chồng để lấy người em chồng. Để thoả lòng ước muốn ấy, bà căm ghét và trừ khử những ai cản đường bà. Cụ thể là Gioan Tẩy Giả. Cơ hội đến, bà không ngại ra tay để giết Gioan. Lòng ước muốn xác thịt đưa bà đến chỗ sát nhân.

Cô con gái của Hêrôđia, người ta thường gọi với cái tên là Salômê. Một cô gái thích nhảy múa mua vui cho người khác. Điều đáng trách hơn nữa là cô sẵn sàng cộng tác với mẹ cô để trừ khử Gioan Tẩy Giả.

– Cuối cùng là Gioan Tẩy Giả, một con người can đảm. Ông không ngại lên án vị vua đầy uy quyền: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình“. Dẫu biết rằng lời lên án này sẽ mang đến cho ông nhiều phiền toái, thậm chí cái chết, nhưng ông không sợ. Và quả thật, Gioan đã chết vì bênh vực sự thật.

Ngày nay, vẫn còn đâu đó những Hêrôđê lạm dụng uy quyền để làm những điều xấu xa. Họ làm ngơ trước những lời phê bình để thoả mãn những dục vọng của mình.

Vẫn còn rất nhiều Hêrôđia, những con người chỉ biết sống theo xác thịt, tìm thoả mãn bản thân. Họ chạy theo hưởng thụ cách điên cuồng và sẵn sàng làm những việc động trời khử trừ những ai ngăn cản mình.

Cũng vẫn còn đâu đó những Salômê, những con người sẵn sàng cộng tác với cái xấu để thực hiện những hành động điên rồ.

Nhưng trong xã hội chạy theo hưởng thụ xác thịt và vật chất, vẫn còn những Gioan Tẩy Giả, những người không ngừng lên tiếng để vạch mặt những xấu xa của xã hội, không ngừng kêu gọi con người làm việc thiện và họ sẵn sàng đón nhận những rủi ro và phiền toái vì đã nói lên sự thật.

Tôi là hạng người nào trong những người trên đây?

– Có phải là Hêrôđê hay Hêrôđia. Tôi luôn tìm hưởng thụ lạc thú bất chấp đời sống đạo đức?

– Có phải tôi là Salômê, một người luôn sẵn sàng cộng tác với người khác để thực hiện những mưu đồ xấu xa tội lỗi?

– Hay tôi là Gioan Tẩy Giả, luôn sống theo sự thật và sẵn sàng lên tiếng chống lại cái xấu và bênh vực cái tốt?

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết nhìn ngắm và sống theo gương của Gioan Tẩy Giả. Amen.