Suy niệm Lời Chúa hằng ngày-Tuần XXIII Thường Niên- A

0
69

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày-Tuần XXIII Thường Niên- A

Thứ Hai – Tuần XXIII Thường Niên

(Cl 1,24-2,3; Lc 6,6-11)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy và ở đó có một người bị khô bại tay hữu. Những người luật sĩ và biệt phái quan sát Chúa Giêsu có chữa lành người ấy trong ngày sabat không.

Tin mừng ghi lại Chúa Giêsu biết được ý tưởng của họ nên mới nói với họ: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, được cứu sống hay là giết chết?” Sau khi hỏi như thế thì Chúa Giêsu chữa lành cho người khô bại tay phải để cho họ biết rằng ngày sabat được phép làm điều lành, ngày sabat được phép cứu sống.

Chúng ta dừng lại ý tưởng Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat để cho người Do thái thấy được mục đích chính của ngày sabat là giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi sự chết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho con người.

Chúng ta tìm hiểu một ý tưởng khác đó là người mà Chúa Giêsu chữa bệnh là người bị bại tay hữu, thường trong Kinh thánh bên hữu là bên tốt lành, tay hữu là hình ảnh nói cánh tay làm nên những việc tốt lành.

Trong kinh năm dấu thánh Chúa Giêsu ở gẫm thứ 3 có nói: Khi quân dữ bắt tay tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá, mà lấy búa sắt đóng đinh nên đau lắm, bởi cả và mình Đức Chúa Giêsu nặng thì lấy tay xé ra càng đau hơn nữa.

Khi gẫm sự ấy thì nguyện năm kinh Đức Chúa Trời. Lạy ơn Cha cả chẳng tiếc mình vì con dữ, là chúng con; cùng nguyện một kinh Đức Bà, thương Đức mẹ phải khốn cùng con, xin cho chúng con chừa sự chẳng nên, cho ngày sau khỏi bên tay tả Đức Chúa Giêsu là bên kẻ dữ phải sa hỏa ngục. Amen!

Còn ở gẫm thứ 4: Khi quân dữ bắt tay hữu Đức Chúa Giêsu vào Thánh Gía, mà bởi chẳng đến lỗ sẵn, thì nó buộc cánh tay Đức Chúa Giêsu mà kéo ra cho vừa lỗ, liền giãn những xương ngực Đức Chúa Giêsu ra, cho nên đau lắm thì mới đóng đinh đặng.

Khi gẫm sự ấy thì nguyện năm kinh Đức Chúa Trời, thương Đức Chúa Giêsu lấy tay làm những sự cho thiên hạ, mà người ta lại trả công cho làm vậy; cùng nguyện một kinh Đức Bà, thương Đức Mẹ bởi yêu con hơn mình, thì thương xót con lắm; xin cho chúng con làm việc phước đức, cho ngày sau đặng ở bên tay hữu Đức Chúa Giêsu là bên kẻ lành đáng lên Thiên Đàng. Amen!

Nên tay hữu tay tả là hình ảnh tượng trưng một bên tốt lành, một bên không tốt lành. Vậy việc bại tay phải cũng có nghĩa là không thể làm được những việc tốt lành, không thể đưa tay ra để bắt tay, để xoa dịu, để nâng đỡ anh chị em của mình (theo thường tình chúng ta cũng thuận tay phải, làm gì cũng đưa tay phải ra trước, ít ai đưa tay trái, trừ khi thuận tay trái), nên việc Chúa Giêsu chữa lành cho anh bại tay hữu là muốn anh phục hồi lại, muốn anh hãy làm những việc tốt lành, để trong ngày sau hết được ở bên tay hữu Chúa Giêsu là bên kẻ lành đáng lên Thiên Đàng.

Mỗi người chúng ta được Chúa cho đôi bàn tay lành lặn, nhưng nhiều khi chúng ta cũng bị bại tay hữu theo một cách nào đó, đó là không đưa tay của mình ra để cứu giúp những mảnh đời, để làm những điều tốt lành, chúng ta cũng hãy xin Chúa chữa lành cho chúng ta, để chúng ta thoát khỏi tình trạng bại tay, mà làm việc lành phước đức, để trong ngày sau hết được ở bên tay hữu Chúa. Amen.

Thứ Ba – Tuần XXIII Thường Niên

(Gl 2,6-15; Lc 6,12-19)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ và chọn 12 vị làm tông đồ của Chúa. Nhưng trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu thức suốt đêm để cầu nguyện với Chúa Cha. Nhưng tại sao Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm mà không chọn những con người tốt lành, mà lại có chuyện Giuđa phản bội, tông đồ thì chối Chúa? Chúng ta biết, đó là suy nghĩ của chúng ta, khi chúng ta chọn lựa điều này, chọn lựa điều kia là phải tốt, nhưng con người của chúng ta không thể nào hiểu được thánh ý của Chúa.

Nếu đọc kỹ lại Kinh thánh chúng ta thấy, khi chọn 12 môn đệ làm tông đồ, thì Kinh thánh không nói Chúa Giêsu chọn những người tốt lành, mà chỉ nói là Chúa Giêsu gọi các môn đệ và chọn 12 người làm tông đồ.

Chúng ta thử suy nghĩ nếu Chúa chọn những con người tốt lành, thì tốt lành này theo tiêu chuẩn của ai, theo tiêu chuẩn của loài người, hay theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa? Nếu theo tiêu chuẩn của loài người thì có chắc là người đó tốt lành thật sự hay không, còn theo tiêu chuẩn của Chúa thì ai được gọi là tốt lành trước mặt Chúa? Không một ai tốt lành trước mặt Chúa cả, chính vì thế mà Chúa Giêsu mới kêu gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), nếu có ai hoàn thiện, tốt lành thì Chúa Giêsu đã không kêu gọi chúng ta hãy nên hoàn thiện, hãy nên tốt lành.

Khi phong chức phó tế hay linh mục, đức cha sẽ hỏi cha đặc trách chủng sinh có thấy các thầy này xứng đáng không, lúc đó cha đặc trách sẽ trả lời: sau khi đã tham khảo ý kiến giáo dân và những người hữu trách biểu quyết, con xác nhận những thầy này được coi là xứng đáng. Chỉ được coi là xứng đáng thôi, chứ không có ai xứng đáng trước mặt Chúa cả. Chính vì thế, mà có người phản bội, có người chối Chúa, có người bỏ Chúa là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là có biết ăn năn hối cải để trở về với Chúa hay không mà thôi.

Và chúng ta biết khi Chúa chọn các Tông đồ như vậy, mặc dù chỉ được coi là xứng đáng, nhưng Chúa không bỏ rơi các ông, mà Chúa vẫn dùng cách này cách khác để biến đổi các ông, để giúp các ông trở nên thánh thiện, giống như Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2).

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi đừng bao giờ thất vọng về chính mình, đừng bao giờ thất vọng về người khác, khi thấy mình không xứng đáng, khi thấy người khác không xứng đáng, nhưng Chúa chọn gọi để trao cho chúng ta trách nhiệm, thì Chúa có cách của Chúa, quan trọng là chúng ta có biết đón nhận sự huấn luyện của Chúa để thay đổi chính mình hay không.

Xin Chúa cho chúng ta hiểu được như vậy và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.

Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên
Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục Ts.HT. Lễ nhớ.

(Cl 3,1-11; Lc 6,20-26)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày 4 mối phúc và bốn mối không phúc. Chúng ta nhớ trong Tin mừng Matthêu trình bày cho chúng ta 8 mối phúc thật.

Chúng ta để ý 8 mối phúc thật thì nghiêng chiều về đời sống tinh thần, còn trong 4 mối phúc và 4 mối không phúc thì nói về tình trạng thực tế, theo nghĩa vật chất là nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị thù ghét.

Tại sao vậy, tại sao lại nghiêng về nghĩa vật chất quá, có phải là để ru ngủ con người, để chiêu dụ những người nghèo khổ, những người khóc lóc, những người đói khát, những người bị thù ghét? Thưa không, nhưng Chúa đang an ủi, đang xác nhận rằng Chúa đứng về phía người nghèo và bênh vực họ.

Chúng ta thử đặt mình vào trường hợp những người mà Chúa Giêsu nói là có phúc, đó là khi chúng ta nghèo khổ, khi chúng ta khóc lóc, khi chúng ta đói khát, khi chúng ta bị thù ghét, thì chúng ta cần điều gì nhất? Thưa đó là cần sự nâng đỡ, cần sự an ủi nhất.

Nhưng nếu bây giờ có người đến an ủi chúng ta, giúp đỡ chúng ta điều này điều kia, mà đưa ra điều kiện này, điều kiện kia, chúng ta có đồng ý hay không? Chưa chắc đã đồng ý, nhưng chúng ta sẽ nghĩ gì về người đó, thưa sẽ có ý nghĩ không tốt về người đó. Và nếu có đồng ý thì cũng không thật lòng, mà là giả dối để được điều này điều kia.

Và nếu đặt ngược lại trường hợp của chúng ta là người đi chiêu dụ người khác bằng của cải vật chất, bằng điều này điều kia, và chúng ta biết đựợc người khác theo chúng ta chỉ vì của cải vật chất mà không bằng tình cảm thật sự, vậy chúng ta có chấp nhận được điều đó hay không? Thưa cũng rất khó để mà chấp nhận, vì biết một ngày nào đó không thỏa mãn được nhu cầu vật chất thì sẽ mất người đó.

Nói một cách khác có ai cưới một cô vợ mà biết cô vợ đó vì tham tiền của mình, chứ không thương yêu gì mình hay không? Thưa không đâu, có chăng là vì nhan sắc của cô gái này mà thôi.

Chính vì thế, trong Kinh thánh có câu chuyện của ông Gióp, ma quỷ xin Thiên Chúa cho nó thử ông Gióp, xem ông tin Chúa thật sự, hay tin Chúa vì những của cải vật chất, tiền bạc, con cái mà Thiên Chúa đã ban cho ông.

Nên chúng ta thấy, nếu chúng ta chiêu dụ người khác, nếu người khác bị chúng ta chiêu dụ, ru ngủ, thì điều đó sẽ không bền vững, và ngay chính chúng ta cũng không thể chấp nhận được điều đó, thì làm sao mà Chúa có thể chấp nhận được điều đó, vì Thiên Chúa chỉ muốn con người tôn thờ một mình Ngài mà thôi.

Nên điều Chúa Giêsu dạy trong 4 mối phúc là để an ủi những người nghèo khổ, những người đói khát, những người khóc lóc, những người bị thù ghét mà thôi, vì họ cần được an ủi, chứ không phải là để chiêu dụ, và chúng ta là dụng cụ của Chúa, là cánh tay nối dài của Chúa, chúng ta hãy sống tinh thần đó trong cuộc đời của mình. Amen.

 Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên
Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính

(Ds 21,4b-9; (hay Pl 2,6-11); Ga 3,13-17)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách Dân số, kể cho chúng ta nghe câu chuyện dân Do thái trong hành trình vượt qua sa mạc, vì mất kiên nhẫn nên họ đã kêu trách Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân, khiến cho nhiều người Do thái phải chết. Dân chúng đến xin ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Môsê khẩn cầu cho dân. ĐỨC CHÚA liền nói với ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy không phải Chúa muốn hại dân, nhưng Chúa muốn đánh thức dân, để họ biết ăn năn sám hối, và việc ăn năn sám hối đó là hãy nhìn lên con rắn đồng, để thấy được tội lỗi của mình như thế nào, nhờ đó mà dân được cứu.

Trong Tin mừng hôm nay, thánh Gioan trình bày: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Ở đây cũng mời gọi con người nhìn lên Chúa Giêsu, để thấy Chúa Giêsu mang lấy tội lỗi của con người như thế nào, để con người tin vào Chúa, để con người ăn năn sám hối, nhờ đó mà được cứu độ.

Như vậy, với hình ảnh của Cựu Ước và Tân Ước là nhìn lên, cho chúng ta thấy được, sở dĩ con người được cứu không phải do công của con người nhìn lên, hay do công trạng của vật họ nhìn, nhưng chính là do ân sủng ban nhưng không của Thiên Chúa, trong sách Khôn ngoan cũng có nói đến điều này, đó là: “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,6-7).

Từ hình ảnh đó, hôm nay mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta được mời gọi hiểu rằng, không phải chúng ta suy tôn một cây gỗ vô tri vô giác, không có giá trị, bởi cây gỗ đó không đem lại ơn cứu độ cho con người, mà là suy tôn chính Đấng đã chết trên cây thập giá, nhờ Đấng ấy mà thập giá đó có giá trị.

Cũng như trong ngày thứ 6 tuần thánh chúng ta cử hành lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, nhưng việc tưởng niệm này không phải là để chúng ta tôn vinh đau khổ của Chúa, mà qua cuộc tưởng niệm đó cho chúng ta thấy được tình yêu của Chúa trên thập giá, nghĩa là hướng con người đến giá trị, đến cùng đích sau cùng.

Nói như vậy, không phải chúng ta quên đi những trung gian, những dụng cụ hữu dụng đưa chúng ta đến với Chúa, chẳng hạn như cây thánh giá, bản thân cây thánh giá không mang lại ơn cứu độ, nhưng chúng ta quý trọng cây thánh giá, vì cây thánh giá là biểu tượng của Kitô giáo, vì cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh chịu chết.

Nên nói theo kinh A rất Thánh Giá thì: “Vậy cây Thánh Giá nên giống báu lành vô lượng vô biên, lưỡi khen chẳng xiết, bút ngợi không cùng. Tài Thánh Giá ai dám ví bằng? Sức Thánh Giá vô số chẳng cùng. Rày con trông cậy Thánh Giá. Con nhớ Chúa con là Chúa Giê-su cực cao cực cả đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội con.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để mọi sự đều biết quy hướng về Chúa, cũng như biết yêu mến những dụng cụ hữu dụng mà Chúa đã dùng để cứu độ chúng ta. Amen.

Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên
Đức Mẹ Sầu Bi. Lễ nhớ

Dt 5,7-9; Ga 19,25-27 (hay Lc 2,33-35).

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay lễ Đức Mẹ sầu bi, Giáo hội cho chúng ta đọc lại bản văn Tin mừng theo thánh Gioan, nói về việc Đức mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa, để nói về sự đau khổ mà mẹ phải chịu khi chứng kiến cái chết của con Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Cũng có một bản văn khác đó là Tin mừng Luca chương 2 câu 33-35, nói về lời tiên tri của cụ già Simêon báo trước sự đau khổ của Đức Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34-35).

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là đau khổ của Đức Mẹ có gì đâu mà phải nhắc đến, người ta thường nhắc đến niềm vui thôi, chứ ai lại nhắc đến nỗi buồn, lại khơi dậy nỗi buồn của người khác, vậy mừng lễ Đức mẹ sầu bi có ý nghĩa gì?

Thưa mừng lễ Đức Mẹ sầu bi để cho chúng ta hiểu rằng, nhớ lại rằng Mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ, Mẹ đã có kinh nghiệm về đau khổ, chắc chắn Mẹ sẽ hiểu được những đau khổ của con cái của mẹ, nghĩa là khi chúng ta đau khổ hãy chạy đến với Mẹ, Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an chúng ta.

Có người nói mẹ Maria chỉ có 7 đau khổ: Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2,3435); Trốn sang Ai Cập (Mt 2,1315); Ba ngày đi tìm Chúa trong Đền Thờ (Lc 2,4152) Con đường lên Golgotha; Cuộc đóng đinh; Hạ xác Chúa xuống; Chôn xác Chúa trong mồ, còn con thì có cả 700 sự đau khổ, thì làm sao Mẹ Maria có thể hiểu được và thông cảm cho con.

Chúng ta biết con số 7 trong Kinh thánh là con số hoàn hảo, nghĩa là Đức mẹ nếm trải tất cả những đau khổ, vì mẹ là mẹ của chúng ta, đau khổ của con vẫn là đau khổ của mẹ.

Nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta thấy có người mẹ nào khi chứng kiến con mình đau khổ mà không đau khổ không? Nếu người mẹ nào không thương con của mình thì người đó không phải là mẹ thật.

Trong Cựu Ước có kể câu chuyện Vua Salomon xử án như thế này, đó là có hai người đàn bà ở cùng một nhà, cả hai cùng sinh được một đứa con cách nhau 3 ngày, nhưng người đàn bà kia vì vô ý đã nằm đè lên đứa con của mình, nên đứa con chết, và người đàn bà có con bị đè chết đã tráo đổi đứa con với người kia, và cả hai đều khăng khăng đứa bé còn sống là con của mình, nhưng không ai chịu nhường ai.

Chính vì thế mà họ đem sự việc trình lên vua Salomon, vua ra lệnh: “Đưa cho ta chiếc gươm.” Người ta đưa tới trước mặt vua một chiếc gươm. Và vua quyết định: “Phân đứa trẻ còn sống ra làm hai, và cho mỗi người một nửa!” Bấy giờ người mẹ của đứa trẻ còn sống, động lòng thương con mình, liền thưa với vua: “Ôi! thưa chúa thượng tôi, xin ngài cho chị ấy đứa trẻ còn sống; còn giết chết nó, thì xin đừng!” Người kia nói: “Chẳng phải con tôi, cũng chẳng phải con chị, cứ chia ra!” Bấy giờ vua lên tiếng nói: “Trao đứa trẻ còn sống cho người nói trước, và đừng giết nó, chính nàng mới là mẹ nó.” Toàn thể Ít-ra-en nghe biết vụ án vua đã xử, đều kính sợ vua, vì thấy rằng Thiên Chúa đã phú bẩm cho vua một sự khôn ngoan lạ lùng để người xét xử” (1V 3,16-28).

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, cũng là Mẹ của chúng ta, mà đã là mẹ chắc chắn mẹ không chỉ có chia sẻ đau khổ với con cái của mẹ, mà mẹ còn muốn gánh chịu đau khổ vì con cái của mẹ, như người mẹ trong câu chuyện trên, thà mất con vào tay người khác, chứ không muốn con phải chết, ôm lấy đau khổ về phần mình, đó là một tình yêu tuyệt vời, mà mẹ dành cho mỗi người chúng ta.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để sống tốt lành thánh thiện, đừng làm đau lòng mẹ, đừng để mẹ phải khổ vì chúng ta, có như thế chúng ta mới là người con hiếu thảo với Mẹ.

Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi noi gương mẹ, sẵn sàng chia sẻ đau khổ với người khác, sẵn sàng đón nhận những gian khổ, những khó khăn về mình, chứ không phải cục muối chia hai, cục đường ăn hết, không phải như vậy, có như thế chúng ta mới xứng đáng là con cái của Chúa, là con cái của Mẹ Maria. Amen.

Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên
Thánh cornêliô, giáo hoàng tử đạo và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo Lễ nhớ

(1Tm 1,15-17; Lc 6, 43-49)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

Nhưng chúng ta thử nghĩ vào thời đại ngày nay cây tốt có sinh quả sâu không? Thưa có, muốn không có quả sâu thì phải bao bọc, phải xịt thuốc sâu đủ các kiểu, nếu không sẽ không có mà ăn. Và ngày xưa chắc chắn cũng vậy thôi.

Vậy điều mà Chúa Giêsu muốn nói đến là gì? Thưa đó là hình ảnh của con người, và việc sinh trái tốt, sinh trái xấu đó là cái nhìn chung cuộc, chứ không phải chỉ là cái nhìn ở những đoạn đường.

Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan, sở dĩ chúng ta biết được khờ dại hay là khôn ngoan vì chúng ta nhìn theo cái nhìn chung cuộc, còn ngay lúc ban đầu các cô khờ dại cũng là khôn ngoan vậy, cũng đem đèn đi đón chàng rễ vậy, chứ đâu phải các cô không mang đèn, nhưng do thời gian quá lâu nên các cô trở nên khờ dại, vì không đem theo dầu dự trữ.

Như vậy, để cây tốt có thể sinh trái tốt, để một con người có thể trở nên tốt, cần phải đặt nền tảng vững chắc, nghĩa là ngay từ ban đầu phải chăm sóc thật kỹ càng.

Dụ ngôn người con hoang đàng là một minh họa cho chúng ta, khi người con thứ đồi chia gia tài, thì người cha chia cho anh ta, Kinh thánh ghi lại anh ta thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15, 12-20).

Câu chuyện dụ ngôn này cho chúng ta thấy sở dĩ người con thứ trở về với người cha, vì anh ta thấy được lòng nhân hậu của người cha, đòi chia gia tài, thì người cha liền chia, và anh ta thấy được người cha đối xử tốt với những người đầy tới: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói” trong khi đó đôi với ông chủ mà anh đi làm thuê thì ngược lại: “muống ăn đậu muồng heo ăn, nhưng chẳng ai cho”, chính vì lẽ đó mà đã đánh thức anh, để anh ăn năn sám hối trở về với cha.

Nên chúng ta thấy cái nền rất là quan trọng, một con người được giáo dục tốt ngay từ nhỏ, được gieo một mầm chủng tử trong con người, thì cho dù sóng gió trong cuộc đời có vùi dập, nhưng cái mầm đó vẫn còn, nếu có cơ hội thì mầm đó sẽ mọc lên, chúng ta phải xác tín điều đó, để cố gắng làm điều tốt lành, dù nhỏ nhoi thôi, nhưng với ơn Chúa cách này hay cách khác sẽ trổ sinh trái tốt. Amen.