08.05.2017
THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 10,1-10
Lời Chúa:
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11)
Câu chuyện minh họa:
Hai anh em nọ con của một mẹ goá, đã lớn lên và có địa vị trong xã hội, công việc kinh doanh rất phát đạt. Người mẹ già yếu đối với chúng là một gánh nặng và chúng phải hao tốn vì trang trải thuốc men cho bà.
Ngày kia, hai anh em cùng đến gặp một tổng giám thị một trại tế bần và yêu cầu ông ta nhận mẹ mình vào trong trại. Ông tổng giám thị chấp nhận nhưng trước khi chia tay ông nói:
Tôi có câu chuyện muốn kể cho cô và cậu nghe:
Mấy năm trước đây tại thành phố này có một người chết đi để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Bà mẹ ấy nghèo lắm. Khi đó tôi đã đề nghị với bà ta bỏ hai đứa con nhỏ vào cô nhi viện. Bà ta đã tỏ ra rất bất mãn với lời khuyên của tôi và tỏ vẻ tức bực: “Tôi có 2 tay, và khi nào tay tôi chưa mòn trơ xương thì không đời nào tôi để con tôi vào cô nhi viện”.
Hai anh em hỏi ông Tổng giám thị:
– Truyện này có dính líu gì đến chúng tôi đâu?
– Vì người đàn bà đó là thân mẫu của cô và cậu đó!
Suy niệm:
Tình yêu đã gắn kết người chăn chiên và đàn chiên. Chúa Giêsu đã tự ví mình là cửa, để làm nhiệm vụ bảo vệ, và đem lại sự sống cho đàn chiên. Không những thế, Ngài lại còn mang những con chiên lạc về. Thật là một tình yêu vĩ đại. Ngài cũng muốn chúng ta noi theo gương Ngài để chăm lo cho những con chiên là những người chúng ta có nhiệm vụ: bạn bè, những người trong gia đình, láng giềng… Chúng ta chăm lo cho họ không chỉ về vật chất, nhưng quan trọng hơn là chăm lo về đời sống tâm linh. Với trái tim yêu thương và lòng quảng đại như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thực hiện được điều đó.
Lạy Chúa, con đón nhận từ nơi Chúa rất nhiều những hồng ân, xin cho con biết quảng đại trao ban những hồng an ấy cho những người anh chị em con, để tình Mục tử của Chúa được nhiều người đón nhận.
09.05.2017
THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 10,22-30
Lời Chúa:
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27)
Câu chuyện minh họa:
Dương Ân Điển là đứa trẻ bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền nam đảo Đài Loan. Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.
Thế mà, 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng. Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ và Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.
Cuộc đời cô thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi. Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường. Ông đã nói với cô: “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”. Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.
Suy niệm:
Mỗi người chúng ta đều đặc biệt trước mặt Chúa, mỗi người đều có một địa vị quan trọng trong tình yêu của Ngài. Là đàn chiên của Ngài, chúng ta lắng nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo hội, giáo lý Hội Thánh,… và đi vào mối tương quan mật thiết với Chúa. Để nghe tiếng Chúa, chúng ta cần biết Chúa qua việc suy niệm Lời Chúa để có được sự hiểu biết sâu xa về Chúa. Khi đã nghe, biết về Chúa, chúng ta sẵn sàng theo Chúa. Theo Chúa để từ bỏ nếp sống cũ, từ bỏ ý riêng, tội lỗi… Theo Chúa, chúng ta không bị thiệt thòi, Người sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời, sự sống không ai cướp mất được.
Lạy Chúa, giữa một thế giới đầy dẫy ồn ào, náo nhiệt, xin cho con lắng nghe được tiếng Chúa, nhờ biết kết hiệp thâm sâu với Chúa.
10.05.2017
THỨ TƯ TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 12,44-50
Lời Chúa:
“Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi” (Ga 10,44)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể lại câu chuyện sau đây: Có ba tín hữu nọ, một ông nhà nghèo, một ông nhà giàu và người thứ ba là kẻ bất lương đều chết trong một giờ và sau đó phải ra tòa Chúa phán xét. Thiên Chúa hỏi ông nhà nghèo: – Vì lý do gì mà ngươi không lo tìm hiểu và tuân giữ Lời Chúa ghi trong sách Koran.
Anh nhà nghèo gãi tai và thưa: – Dạ! Lạy Chúa, vì con nghèo quá, nên phải đầu tắt mặt tối lo kiếm gạo nuôi thân, không còn gì cả.
Chúa trả lời: – Ông Hellen đã nghèo hơn ngươi rất nhiều thế mà có được chút tiền là ông để dành một nửa để học luật Chúa và khi nào không có tiền trả lệ phí thì ông nhịn đói, đứng ngoài trường học nghe lóm Rabbi Eliaza giảng giải Lời Chúa.
Và Thiên Chúa quay sang hỏi ông nhà giàu: – Còn ngươi. Tại sao con lại không tìm học hỏi và tuân giữ luật Chúa?
Ông nhà giàu thưa: – Dạ, tại vì con phải lo công việc quản trị của cải, tiền bạc và các dịch vụ làm ăn. Bận bịu tíu tít, còn giờ đâu mà học hỏi sự gì?
Thiên Chúa phán: – Ngươi đâu có giàu có bằng thầy Rabbi Eliaza, ông ấy có một trăm chiếc tàu buôn bán đủ mọi thứ hàng hóa và rất bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng Rabbi Eliaza vẫn tìm ra giờ để học hỏi luật Chúa.
Sau cùng, Chúa hỏi tên bất lương: – Còn ngươi, kẻ gian ác. Tại sao ngươi đã không học hỏi luật Chúa?
Tên bất lương tìm cách chữa lỗi: – Lạy Chúa, con bị các đam mê lôi cuốn quá, nên không còn nghĩ đến gì khác nữa.
Thiên Chúa bảo hắn: – Ngươi đâu có bị người ta cám dỗ và say mê như Giuse khi sống bên Ai Cập xưa kia. Ngày đêm bị vợ quan tổng quản Putipha níu kéo, rủ rê cám dỗ phạm tội với bà ta mà vẫn chống trả tới cùng.
Thế là cả ba người đều phải án phạt sống xa rời Thiên Chúa và chôn vùi trong nơi khổ ải của âm ty, âm phủ.
Suy niệm:
“Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi”. Chúng ta thấy được mối tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha. Chúa Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ hơn nữa: “Ta và Chúa Cha là một”. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, vì Ngài hằng luôn làm đẹp lòng Chúa Cha. Là người môn đệ Chúa, chúng ta cần trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua việc tuân giữ và thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin cho con luôn tìm thánh ý Chúa và thực hành trong đời sống, để đời sống con luôn phản ánh vẻ huy hoàng của Chúa.
11.05.2017
THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 13,16-20
Lời Chúa:
“Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)
Câu chuyện minh họa:
Một nhà ”thông thái” kia xin một em nhỏ về làm con nuôi, cấm em tiếp xúc với bất cứ ai, chẳng cho đến trường, mà chỉ dạy riêng ở nhà. Một hôm, khi đã được chừng mười lăm tuổi, ra vườn ngắm cảnh bình minh, cậu bé thốt lên: ”Ông Mặt Trời ôi, sao Ông đẹp quá! Chim chóc líu lo! Hoa muôn sắc! Gió mát! Không khí trong lành! Xin Ông mặt Trời chỉ cho tôi biết Ngài đã làm ra ông và cảnh vật quanh tôi.” Người cha nuôi giận dữ, mắng: ”Ai dạy con nói những điều vừa rồi?” Cậu bé trả lời: ”Thưa ba, con đâu được tiếp xúc với ai! Chính những gì con thấy đã dạy cho con hôm nay bài học rằng có Ngài nào đó làm nên tất cả mọi sự.”
Người cha nuôi vội vàng đến vuốt ve cậu bé, rưng rưng nước mắt và nói: ”Lạy Chúa, con tin có Chúa.”
Suy niệm:
Qua vạn vật, con người mà người ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa. Người Do Thái đã không nhận ra Chúa, dù Ngài làm nhiều phép lạ. Nhưng vì tính ích kỷ, kiêu căng, tự mãn… đã làm che mắt họ, khiến họ không nhận biết chính Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Ngày nay, vẫn còn đó những người từ khước Thiên Chúa, khi họ không nhìn nhận tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa. Họ tranh giành quyền lợi, đày đọa nhau, khích bác nhau…
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con luôn kết hiệp với Chúa, biết nuôi dưỡng hòa bình, và yêu thương tha nhân, để tư tưởng con luôn trong sáng, dễ dàng nhận ra Chúa khi đối xử với tha nhân.
12.05.2017
THỨ SÁU TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 14,1-6
Lời Chúa:
“Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Câu chuyện minh họa:
Đức Khổng Tử trong giờ phút lâm chung cho gọi thầy Tăng Tử là môn đệ mà Ngài đặt nhiều tin tưởng, đến bên giường bệnh và nói:
– Này Tăng Tử con ơi! Trước giờ thầy nhắm mắt lìa đời, con có điều gì thắc mắc về những lời ta đã cùng con thảo luận?
Thầy Tăng Tử đáp:
– Bạch Thầy, Thầy quả là bậc chí nhân quân tử. Những lời Thầy đã chỉ dạy làm cho chúng con thấy khó mà thực hiện cho trọn vẹn.
Đức Khổng Tử mới nói:
– Này Tăng Tử, trong các điều ta đã giáo huấn có điều đúng, có điều sai. Nhưng có một cái mà ta chắc chắn không bao giờ sai đó là điều ta không biết.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là con đường dẫn ta tới sự sống vĩnh cửu, nhưng trước tiên chúng ta phải đi qua đau thương khổ giá, là con đường mà Chúa đã đi. Con đường Ngài đã từng sống với các môn đệ là con đường phục vụ trong khiêm tốn, yêu thương tận tình, hy sinh… Đó cũng là con đường mà Chúa muốn người môn đệ Chúa bước theo.
Con đường của Chúa thật khó đi, nhưng với lòng yêu mến Chúa thật sự con mới thực hiện được. Xin cho con sức mạnh giúp con mạnh dạn chấp nhận những đau thương trong cuộc đời, để sống trọn vẹn con đường mà Chúa muốn con đi.
13.05.2017
THỨ BẢY TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 14,7-14
Lời Chúa:
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha…” (Ga 14,9)
Câu chuyện minh họa:
Lucia là một cô bé ngoan hiền và đạo hạnh sống tại thành Nana nước Ý, từ thuở nhỏ cô đã tỏ lòng yêu Chúa đặc biệt. Hồi 5 tuổi, một hôm bé tới nhà thờ, quì trước tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, Lucia nói với Đức Mẹ một cách chân thành. Mẹ ơi! con yêu mẹ lắm. Con cũng thương Chúa Hài Đồng lắm. Con ước ao được ẵm bế Chúa Hài Nhi trên tay con, cũng như Mẹ đang ẵm Chúa vậy. Mẹ ơi, Mẹ trao Chúa cho con đi. Sau đó, Lucia liền giơ đôi cánh tay nhỏ bé và nũng nịu nói với Đức Mẹ: Mẹ cho con bế Chúa một tí đi Mẹ. Đức tin và lời cầu nguyện đơn sơ của Lucia đã làm nên phép lạ: Mẹ đã bước xuống khỏi toà, đặt Chúa Hài Nhi thực thụ và sống động trong vòng tay nhỏ bé của Lucia. Phần bé thì sung sướng vô cùng, ôm ghì Chúa vào lòng, bé hôn lấy hôn để và thỏ thẻ với Chúa những lời yêu thương. Thế rồi Đức Mẹ phán: Lucia, mẹ cho con bế Chúa Hài nhi về nhà 3 ngày để con chiêm ngắm và tỏ lòng yêu thương đó. Lucia đã hớn hở bế Chúa về nhà, và trong 3 ngày, Lucia đã để hết tâm chăm sóc đến Chúa Hài Nhi.”
Suy niệm:
Giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha có một mối liên hệ mật thiết, gắn bó lạ lùng, vì toàn bộ lời nói, việc làm và hoạt động của Chúa Giêsu biểu lộ thánh ý Cha. Tâm trạng của Philipphê cũng chính là tâm trạng của mỗi người chúng ta. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn nhắc nhở Philipphê: nhìn lại mối tương quan của các môn đệ với Ngài. Vì chỉ trong mối tương quan thân tình, các môn đệ mới nhận ra Chúa Cha nơi Ngài mà thôi.
Trong cuộc sống có biết bao lần Chúa hiện diện trước mắt chúng ta chúng ta có nhận ra không? Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có kết hiệp sâu xa với Ngài khi rước Ngài không?.
Xin cho con biết tìm kiếm Chúa và nên một với Chúa trong tư tưởng, lời nói, và việc làm, để đời sống con luôn là phản ánh dung nhan Ngài trong thế giới hôm nay.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho