THỨ HAI
BÀI ĐỌC I: Bài Ðọc I: 1 V 21, 1-16
Khi ấy, ông Naboth, người Giêrahel, có một vườn nho, sát cạnh đền của Acáp vua xứ Samaria. Acáp nói với Naboth rằng: “Hãy nhượng vườn nho cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương”. Nhưng Naboth thưa lại rằng: “Xin Chúa đừng để tôi nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Acáp tức giận bỏ về nhà, và căm hờn vì lời ông Naboth, người Giêrahel đã nói: “Tôi sẽ không nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Vua nằm lăn xuống giường, quay mặt vào vách và không ăn uống gì.
Giêzabel, vợ vua, đến cùng vua và nói rằng: “Tại sao đức vua buồn phiền, và không ăn uống gì?” Vua đáp: “Tôi đã nói với Naboth người Giêrahel rằng: “Hãy bán vườn nho lại cho ta, hoặc nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho vườn nho khác tốt hơn”. Nó lại nói: “Tôi không thể nhượng vườn nho tôi cho đức vua”. Giêzabel vợ vua liền nói với vua rằng: “Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị nước Israel khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà vua vườn nho của Naboth người Giêrahel”.
Bà ta nhân danh Acáp mà viết thơ, lấy ấn vua đóng vào, và gởi cho các bậc kỳ lão và chức sắc ở cùng thành với Naboth. Nội dung bức thư như thế này: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh, và đặt Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Hãy xúi hai đứa gian ác thuộc phường Bêlial đến trước mặt nó và cáo gian nó thế này: “Nó đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Các ngươi hãy điệu nó đi mà ném đá cho nó chết”. Vậy dân chúng ở cùng thành với Naboth, các kỳ lão và chức sắc cùng ở một thành với ông, làm như Giêzabel đã truyền, đúng như đã viết trong thư bà gởi cho họ. Họ công bố một thời kỳ chay tịnh, đặt ông Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Họ dẫn đến hai thằng con cái ma quỷ, đặt chúng ngồi đối diện với ông. Và hai đứa này, đúng là hạng quỷ sứ, đã cáo trước mặt dân chúng rằng: “Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Nghe thế, họ liền điệu ông ra khỏi thành, và ném đá hạ sát ông. Rồi họ sai người đi nói với Giêzabel rằng: “Naboth đã bị ném đá chết rồi”.
Khi nghe tin Naboth đã bị ném đá chết, Giêzabel liền nói với Acáp rằng: “Nhà vua hãy chỗi dậy và chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel, kẻ đã không muốn theo ý nhà vua nhượng lại vườn nho mà lấy tiền: Naboth không còn sống nữa, nhưng đã chết rồi”. Khi hay tin Naboth đã chết, Acáp chỗi dậy và xuống chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel.
TIN MỪNG: Mt 5, 38-42
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.
SUY NIỆM
Lời Chúa hôm nay cho con thấy theo Chúa quả là một thách đố, một sự phấn đấu không ngơi nghỉ, đúng như lời Chúa đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Mt16,24). Vì vậy trên con đường theo Chúa phải là một sự nổ lực liên lỉ làm cho con người được thăng hoa, chứ không phải chỉ là một sự cố gắng, dù là cố gắng đến kiệt sức trong một thời gian là đủ.
Trong tinh thần đó, con thấy bài Tin Mừng hôm nay là một thách đố, vì điều Chúa muốn không chỉ đơn giản là một sự công bằng, mà còn là một tình bác ái Kitô giáo. Nếu công bằng thì ai đối xử với con làm sao thì con đối xử với họ lại như vậy. Ai thương con thì con thương lại, ai ghét con thì con ghét lại, cố gắng lắm để giữ được mức không ghét là may rồi. Ai làm hại con thì con có quyền làm hại lại; nhưng vì hãm hại người khác là có tội nên con không hãm hại, nhưng con được quyền xa lánh họ, loại trừ họ… vì họ đã hãm hại con.
Tuy nhiên Chúa đòi buộc con phải vượt lên trên con người tự nhiên của con để có thể sống tình bác ái Kitô giáo. Cách đối xử của con với người khác phải thể hiện được một tình yêu thương. Những điều Chúa nêu lên trong bài Tin Mừng chỉ là những ví dụ và mời gọi con hãy có tinh thần giống như vậy: “Đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái… Nếu ái kiện anh để lấy áo trong thì hãy đưa cả áo ngoài… Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi hai dặm…” (Mt5,39-41). Có nghĩa là Chúa muốn con phải sống cao hơn những gì người khác đối xử với con. Điều cao hơn đó chính là tình yêu mà Chúa muốn nhắm đến.
“Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan”. Thực vậy, nếu người ta chỉ đối xử với nhau theo những gì người khác đối xử với mình thì cuộc sống này vẫn còn tràn ngập những hận thù, những ghen ghét, những bất công… Nhưng Chúa đã đến để phá tan nguyên tắc đó và loan báo một thế giới mới, thế giới của tình yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho con một tình yêu thương sâu thẳm từ trái tim của Chúa, để cách sống của con phản chiếu được tình yêu đó; không sống theo những gì tầm thường của thế gian, nhưng sống theo những giá trị cao siêu của Nước Trời. Amen.
THỨ BA
BÀI ĐỌC I: 1 V 21, 17-29
(Sau khi Naboth chết), có lời Chúa phán cùng ông Êlia, người miền Thesbê rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy, xuống gặp Acáp, vua Israel, ở thành Samaria: này Acáp đang xuống vườn nho của Naboth để chiếm lấy. Ngươi sẽ nói với ông ấy rằng: “Ðây lời Chúa phán: Ngươi đã giết, lại còn chiếm đoạt”. Sau đó ngươi nói tiếp: “Ðây là lời Chúa phán: Những con chó đã liếm máu Naboth tại đâu, thì cũng sẽ liếm máu ngươi tại đó”. Acáp liền nói với Êlia: “Ông coi tôi là thù địch của ông sao?” Êlia đáp: “Ðúng thế, vì vua đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa. Này Ta sẽ giáng hoạ trên ngươi, sẽ làm cho ngươi tuyệt tự; Ta sẽ giết tất cả con trai của nhà Acáp, bất kể sang hèn trong dân Israel. Ta sẽ cho dòng dõi ngươi ra giống như dòng dõi Giêroboam, con của Nabat, và như dòng dõi của Baasa con của Ahia, vì ngươi đã hành động để chọc giận Ta, và làm cho Israel phạm tội”. Còn về Giêzabel, Chúa phán rằng: “Chó sẽ ăn thịt Giêzabel ở cánh đồng Giêzrơel. Acáp chết trong thành, sẽ bị chó ăn thịt; nếu chết ngoài đồng, thì sẽ bị chim trời rỉa ăn”. Chẳng có ai giống như Acáp, đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa, bởi vì Giêzabel, vợ vua đã xúi giục. Vua đã trở nên quái gở, đến nỗi chạy theo các tà thần mà người Amorrhe đã làm ra, họ là những người Chúa đã tiêu diệt trước mặt con cái Israel.
Khi Acáp nghe những lời này, mặc áo nhặm, ăn chay, vấn bao bố mà ngủ và ăn ở khiêm nhường. Có lời Chúa phán với Êlia người Thesbê rằng: “Ngươi có thấy Acáp hạ mình trước mặt Ta không? Vì Acáp đã hạ mình trước mặt Ta, Ta sẽ không giáng hoạ xuống trong đời ông ta, nhưng trong đời con ông ta, Ta sẽ giáng hoạ trên nhà ông ấy”.
TIN MỪNG: Mt 5,43-48
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù”. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo”.
SUY NIỆM
Lời Chúa hôm nay cho con thấy sự thật về Chúa. Chúa là Đấng yêu thương mọi người, và tình thương của Chúa chan hòa vũ trụ. Vì vậy cách sống của con cũng phải thể hiện được tình yêu thương dành cho hết mọi người: “Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt5,45).
Cách sống này đòi hỏi con phải vượt qua con người tự nhiên ích kỷ, hẹp hòi của con. Không phải Chúa khuyên con sống như vậy, mà đó là cách sống của những con người thuộc về gia đình của Chúa: “Người cho mặt trời của người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa rơi xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt5,45).
Thói thường, những người tự nhiên con cảm thấy thương mến, những người đem đến lợi ích cho con, những người cho con cảm giác an toàn… thì con sẽ dễ dàng thương mến họ hơn cả những gì Chúa đòi hỏi nữa. Còn đối với những người không đem đến lợi ích cho con, những người gây phiền phức cho con, những người con không có cảm tình… thì con chẳng những không yêu thương, mà còn xa lánh, loại trừ. Nhưng Chúa không chấp nhận cách sống như vậy. Vì cách sống như vậy không phù hợp với Nước Trời. Nước Trời không phải là rạp hát, ai có vé thì vào, nhưng đó là nơi dành cho những người nỗ lực sống theo những gì Chúa đã dạy. Con đường theo Chúa không phải là con đường trãi thảm, nhưng đó là con đường thập giá. Vì vậy những ai tìm kiếm những sự dễ dãi, thoải mái thì không thích hợp với con đường này.
Yêu thương kẻ yêu thương mình, đó là chuyện tự nhiên. Chào hỏi những người chào hỏi mình, đó là chuyện tự nhiên. Chúa nói: “Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”(Mt5,46). Có nghĩa là khi con làm một việc mà không có sự cố gắng nỗ lực thì chẳng có giá trị gì.
Con cố gắng yêu thương những người con không thích, nhưng sao vẫn còn một sự ngượng ngùng nào đó. Con cố gắng chào đón những người làm phiền con, nhưng sao vẫn còn một sự e dè nào đó. Con cố gắng bắt tay với những kẻ không có cảm tình, nhưng sao vòng tay con vẫn còn lạnh nhạt… Không sao! Chúa không cần những kết quả con đạt được, Chúa chỉ muốn xem con đã nỗ lực đến mức nào, có nghĩa là con đã đi trên con đường thập giá được bao nhiêu. Để rồi từ nhữ cố gắng, những nỗ lực của con, Chúa sẽ ghi nhận và tiếp tục đổ tràn hồng ân của Ngài và biến đổi con cũng như những người con gặp gỡ.
Lạy Chúa, xin cho con một tình yêu thương như Chúa để con có thể yêu thương hết mọi người con gặp gỡ. Tuy nhiên con biết bản tính yếu hèn của con chắc chắn không có được sự hoàn hảo như Chúa, nên con xin thêm cho con một sự nỗ lực mỗi ngày không biết mệt mỏi để sống tình yêu thương như Chúa dạy. Amen.
THỨ TƯ
BÀI ĐỌC I: 2V 2, 1.6-14
Khi Thiên Chúa muốn đem Êlia lên trời trong cơn gió lốc, Êlia và Êlisê đang rời bỏ đất Galgala. Khi cả hai đến thành Giêricô, Êlia nói với Êlisê rằng: “Con cứ ngồi đây, Chúa sai thầy đến sông Giođan”. Êlisê đáp: “Nhân danh Chúa hằng sống và lấy mạng sống của Thầy, con xin thề rằng: Con sẽ không rời thầy”. Thế rồi cả hai cùng đi xuống Bêthel. Có năm mươi người đồ đệ của tiên tri cũng đi theo hai vị, và đứng xa xa, còn hai vị thì đứng trên bờ sông Giođan. Êlia lấy áo choàng cuốn lại, đập xuống nước. Nước liền rẽ làm hai, và hai vị cứ lối ráo mà qua sông.
Khi đã qua rồi, Êlia nói với Êlisê rằng: “Con muốn gì thì cứ xin, để thầy làm cho, trước khi thầy được cất đi khỏi con”. Êlisê đáp: “Con muốn được gấp đôi thần trí của thầy”. Êlia nói: “Con xin điều khó quá, nhưng nếu con thấy được thầy trong lúc thầy được cất đi khỏi con, thì con sẽ được như ý; nhưng nếu con không xem thấy, thì không được”. Hai ông tiếp tục đi và nói chuyện, thì này đây có một xe bằng lửa và ngựa cũng bằng lửa phân rẽ hai người; và trong cơn gió lốc, Êlia lên trời. Êlisê thấy vậy kêu lên: “Cha ơi, cha ơi, cha là xe và là người đánh xe Israel”. Và Êlisê không thấy thầy mình nữa, người liền lấy áo mình và xé ra làm đôi, và lượm chiếc áo choàng Êlia đã thả xuống, rồi lui về, và đứng lại ở bờ sông Giođan, lấy áo choàng Êlia đã thả xuống, đập xuống nước mà nước lại không rẽ ra. Người kêu lên: “Thiên Chúa của Êlia bây giờ ở đâu?” Người lại đập xuống nước, và nước rẽ làm đôi, và Êlisê đi qua.
TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.
SUY NIỆM
Ba việc làm thường xuyên của một người đạo đức là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa đã chỉnh đốn lại những việc đó cho đúng với nội dung, tâm tình mà Chúa muốn gởi gấm vào đó.
Chúa Giêsu đã từng chỉnh đốn thái độ ăn chay của những người biệt phái và Pharisêu khi họ nói rằng: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 5,33). Chúa Giêsu đã nói: “Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó họ mới ăn chay”(Lc 5,35). Điều đó có nghĩa mục đích của việc ăn chay là để tập khổ chế trong khi đón chờ chàng rể đến. Chúa sợ người ta sẽ lơ là trong khi đón chờ Chúa đến, vì vậy việc ăn chay là giúp cho mình bỏ đi những thứ vướng bận, hầu có thể thanh thoát cõi lòng mà mong chờ Chúa.
Chúa cũng đã từng dạy: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,41). Cầu nguyện như Chúa đã làm gương chính là thái độ kết hợp với Chúa Cha một cách liên lỉ.
Việc bố thí mà Chúa đã noi gương chính là thái độ cho đi không biết mệt mỏi, cho đi những gì mình có, và nhất là cho đi những gì người khác cần.
Nhìn lại ý nghĩa của ba việc đạo đức đó, con thấy hành động của những người biệt phái quả là đi ngược lại với những gì Chúa đã dạy, họ không đi vào cốt lõi của vấn đề, mà chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài.
Trong ba việc làm đó, không có việc nào quy về mình, nhưng là trở lại cõi lòng mình để đến với Chúa và đến với anh em. Mục đích của việc ăn chay là để quên mình đi, hãm dẹp những thói hư tật xấu để lo đón chờ Chúa. Còn “bọn đạo đức giả” sử dụng việc ăn chay như để đánh bóng tên tuổi của mình, làm cho người khác thấy mình đạo đức thánh thiện, biết đến mình nhiều hơn. Cho nên đó không phải là mục đích của việc ăn chay.
Cầu nguyện chính là gặp gỡ Chúa nơi sâu thẳm cõi lòng mình. Vì vậy người ta chỉ có thể gặp được Chúa khi trở về với cõi lòng mình. “Bọn đạo đức giả” thì cầu nguyện mà không trở về với cõi lòng mình, mà lại “đứng ở ngã ba, ngã tư cho người ta thấy”. Đó thực sự ra không phải là việc cầu nguyện, mà giống như các nghệ sĩ làm những chương trình để đánh bóng tên tuổi của mình. Vì vậy đó không phải là y nghĩa của việc cầu nguyện.
Mục đích của việc bố thí là san sẻ tình yêu thương với người khác, nhất là những người nghèo khổ, kém may mắn hơn chúng ta. Có nghĩa là tình yêu thương của chúng ta lan tỏa đến với người khác. “Bọn đạo đức giả” khi bố thí lại không thể hiện tình yêu thương của mình, mà lại thể hiện sự ích kỷ, mượn người khác làm bàn đạp cho mình; người khác đây lại là những người nghèo khổ, kém may mắn. Do đó, việc bố thí của họ không được Thiên Chúa ghi nhận.
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho con xem xét lại những hành động của con, nhất là những hành động được xem là đạo đức. Con làm những việc đó vì mục đích gì? Khi những việc đạo đức con làm không quy hướng về con, mà để tôn vinh Chúa và hướng đến người khác thì những việc làm đó là đúng. Còn ngược lại thì con đang là một trong số “bọn đạo đức giả”.
THỨ NĂM
BÀI ĐỌC I: Hc 48, 1-14
Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu.
TIN MỪNG: Mt 6, 7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
SUY NIỆM
Hôm qua Chúa nói đến 3 hành động của một người đạo đức: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa muốn nói cách riêng đến việc cầu nguyện.
Ngay từ đầu Chúa đã cảnh báo: “Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại” (Mt 5, 7a). Tại sao họ lại “lải nhải”? Thưa bởi vì: “Họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời” (Mt 5, 7b). “Dân ngoại” tưởng rằng Chúa không biết gì nên phải nói nhiều, thật nhiều, càng nhiều càng tốt thì Chúa mới biết, Chúa mới nhận lời, Chúa mới ban ơn cho. Còn Chúa thì nói rằng: “Đừng bắt chước họ vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 5,8). Vì vậy điều quan trọng trong việc cầu nguyện trước tiên phải là việc nhận biết sự thật về Thiên Chúa.
Tiếp đến Chúa dạy cho các môn đệ lời kinh Lạy Cha. Đây là một điều hết sức đặc biệt vì chính Chúa dạy cho chúng con phải cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Từ lời kinh này Chúa muốn cho chúng con một cách thức cầu nguyện. Khởi đầu của việc cầu nguyện phải là việc chúc tụng ngợi khen Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt5, 9). Kế đến là lời cầu nguyện xin ơn, xin cho những nhu cầu vật chất: “Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt5, 11). Sau nữa là xin lỗi: “Xin tha tội cho chúng con” (Mt5,12). Cuối cùng là xin Chúa gìn giữ cho các môn đệ khỏi phải sa vào những cám dỗ của trần gian. Đây có thể được xem là lời nguyện thánh hiến: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt5,13).
Từ lời Chúa hôm nay cho con thấy rằng việc nhận biết Chúa là căn nguyên cho đời sống đức tin của con. Vì con nhận biết Chúa thế nào con sẽ sống và cầu nguyện như vậy. Nếu con nhận biết Chúa là Đấng quyền năng, là chủ tể muôn vật muôn loài, là Cha yêu thương của con thì con sẽ sống trong sự tin tưởng phó thác. Và việc cầu nguyện của con sẽ là hành động của một đứa con chạy đến với vòng tay yêu thương của Cha mình. Còn nếu con chỉ nhìn ra Chúa như một trong số những thần minh của dân ngoại, thì cách sống của con sẽ là chạy tới chạy lui, lăng xăng để tìm cho mình một vì thần nào có thể đem đến lợi ích cho mình. Từ đó thái độ cầu nguyện của con sẽ là nói nhiều cho Chúa biết những nhu cầu của con để Chúa có thể cạnh tranh với những thần minh khác.
Nếu con nhận ra Chúa là Chúa chân thật và duy nhất, Thiên Chúa yêu thương, thì thái độ cầu nguyện của con sẽ theo sự chỉ dạy của Chúa. Trước hết là chúc tụng ngợi khen Chúa vì Chúa là Đấng đáng chúc tụng, sau nữa là xin lỗi về cách sống bất xứng của con; cũng như hứa sẽ tha thứ những lỗi lầm cho người khác xúc phạm đến con. Sau cùng là xin những ơn lành cần thiết cho đời sống tâm linh cũng như vật chất, nhưng quan trọng nhất là xin cho phần hồn, phần rỗi của con.
Khi con nói lên những điều đó không phải để cho Chúa biết, nhưng để con y thức con cần đến Chúa, để con biết chạy đến Chúa thường xuyên, để con biết mở lòng mình ra mà đón nhận ơn Chúa; vì nếu con cứ khép kín lòng mình lại thì ơn Chúa trở nên vô ích cho con.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự thật về Chúa để con có thể an tâm phó thác cuộc đời mình trong vòng tay yêu thương của Chúa. Và xin cho con biết cách cầu nguyện sao cho đẹp lòng Chúa. Nhưng trên hết mọi sự, xin cho con biết làm theo thánh ý Chúa.
THỨ SÁU
BÀI ĐỌC I: 2 V 11, 1-4. 9-18. 20
Trong những ngày ấy, khi bà Athalia, mẹ vua Ocôsia, thấy con mình chết, nên đứng lên giết tất cả dòng dõi nhà vua. Nhưng Giô-saba, con gái của vua Giôram và là chị của Ocôsia, cứu được Gioas, con của Ocôsia khỏi số các con của vua bị sát hại, và giấu nó trong phòng ngủ làm một với bà vú, để bà Athalia không thấy nó và nó khỏi bị giết. Nó ở trong đền thờ Chúa với bà Giôsaba cách bí mật được sáu năm, thời gian bà Athalia cai trị đất nước.
Năm thứ bảy, ông Gioiađa sai người đi tìm các sĩ quan và quân lính, ông đưa họ đi với ông vào đền thờ Chúa. Người ký giao ước với họ, bảo họ thề trong đền thờ Chúa và cho họ thấy con của nhà vua.
Các sĩ quan làm tất cả những điều tư tế Gioiađa truyền dạy: Mỗi người đem các thuộc hạ theo mình, những người lính vào canh ngày Sabbat cũng như kẻ ra canh, đều đến cùng tư tế Gioiađa. Ông trao cho họ giáo mác và khí giới của Ðavít để trong đền thờ Chúa. Mỗi người cầm khí giới đứng từ bên tả đến bên hữu đền thờ và bàn thờ, hộ vệ chung quanh đức vua. Tư tế Gioiađa dẫn hoàng tử ra, đặt triều thiên lên đầu người và trao cho người quyển giao ước. Người ta phong người làm vua và xức dầu cho người. Họ vỗ tay reo lên: “Vạn tuế đức vua!”
Athalia nghe tiếng dân chúng chạy đến, thì đi với dân vào đền thờ Chúa. Bà Athalia thấy vua đứng trên toà như thói thường, có ca sĩ và đội kèn đứng kề bên, và toàn dân trong xứ hân hoan kèn hát, bà liền xé áo mình, kêu lên rằng: “Mưu phản! Mưu phản!” Nhưng Gioiađa truyền cho các sĩ quan đang cầm đầu toán binh lính rằng: “Các ngươi hãy đuổi bà ấy ra khỏi đền thờ, và hễ ai theo bà, thì chém luôn”. Vị tư tế nói: “Ðừng giết bà trong đền thờ Chúa”. Họ ra tay bắt và lôi bà đi theo đường ngựa vào đến gần cung điện và giết bà tại đó.
Gioiađa ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với vua và dân, để họ trở nên dân Chúa; và ký giao ước giữa vua và dân. Toàn dân trong xứ đều ùa vào chùa Baal, phá huỷ các đền thờ, đập tan các bức tượng, và giết luôn thầy cả Mathan trước bàn thờ. Tư tế Gioiađa đặt các toán canh giữ đền thờ Chúa. Toàn dân trong xứ hân hoan, và thành đô được bằng yên: vì bà Athalia bị giết trong đền vua.
TIN MỪNG : Mt 6, 19 – 23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?”
SUY NIỆM
Lời Chúa hôm nay cho con thấy được cùng đích cuộc đời và đâu là sự lựa chọn đúng đắn, khôn ngoan.
Chúa đã nói: “Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời” (Mt6,20a). Điều đó cho con biết hạnh phúc vĩnh cửu, quê hương đích thực của con là ở trên trời, vì nơi đó: “Mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt6,20b).
Quả thực tất cả những gì ở đời này đều chỉ là tạm bợ, chóng qua, dù cho đó là giá trị tinh thần đi nữa. Niềm vui, hạnh phúc không thể là mãi mãi ở đời này, nó chỉ có ngần, có hạn mà thôi. Danh vọng, quyền lực không thể tồn tại mãi, nó sẽ có thời có buổi. Tiền bạc, vật chất không thể có hoài, đến lúc nó sẽ hết.
Chỉ nơi Chúa mới có niềm vui bất tận, có hạnh phúc vô biên. Con muốn có được niềm vui, hạnh phúc đó thì con phải biết “góp vốn” vào kho tàng đó. Vốn liếng con góp vào chắc chắn không thể là những giá trị vật chất, mà chỉ là giá trị tương ứng với Nước Trời. Đó chính là tình yêu, là sự thật, là công bằng, là bác ái, là hy sinh, là khổ cực…
Con chỉ lo sống cho thực tại chóng qua ở đời này. Con chẳng lo xây đắp hạnh phúc mai sau là bởi vì con chưa cảm nghiệm được hạnh phúc Nước Trời. Con chỉ thấy được sự hấp dẫn của tiền bạc, của danh vọng, của lạc thú ngay trước mắt con, chứ con có thấy hạnh phúc thiên đàng đâu! Con có thấy niềm vui bất tận gì đâu! Vì vậy điều Chúa nói là đúng: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt6,21). Làm sao để có thể thấy được kho tàng đích thực của con là ở trên trời?
Có một người giàu có kia trước khi chết nói với các con mình rằng: “Hãy làm một cái quan tài đặc biệt để chôn mẹ”. Những đứa con tưởng mẹ mình muốn được chôn trong một quan tài gỗ quy, hoặc quan tài được cẩn ngọc dát vàng. Điều đó đối với họ quá dễ dàng. Nhưng không, người mẹ muốn được chôn trong quan tài được khoét hai cái lỗ hai bên. Những đứa con thắc mắc tại sao vậy? Người mẹ trả lời: “Để khi liệm mẹ, người ta đưa hai bàn tay trắng của mẹ ra cho chúng con thấy rằng, dù mẹ giàu có nhưng khi chết chẳng mang theo được gì”.
Câu chuyện đó nói lên một thực tế: Con người khi còn sống dù có tất cả, nhưng khi chết chẳng mang theo được gì hết. Đó là những thứ kho tàng dưới đất. Còn kho tàng ở trên trời dù chưa thấy nhưng con vẫn tin vì đó là điều Chúa Giêsu đã hứa. Mà lời hứa của Chúa thì chắc chắn là sự thật, vì Chúa “là đường, là sự thật và là sự sống” mà. Hơn nữa, còn có biết bao nhiêu người đã sống và nhất là đã dám chết để bảo vệ kho tàng thiêng liêng đó.
Lạy Chúa, con nhận ra hạnh phúc đích thực của con là ở trên trời. Vì vậy con phải lo xây dựng quê hương trên trời bằng cách nỗ lực sống ở trần gian này nhưng không bám víu vào những giá trị chóng qua của nó. Nhưng con phải xây đắp giá trị nước trời ngay trần thế này bằng tình yêu thương, sự công bằng, những hy sinh khổ cực trong cuộc sống hằng ngày. Sống được như vậy là con đang tích trữ cho mình kho tàng ở trên trời.
THỨ BẢY
BÀI ĐỌC I: 2 Sb 24, 17-25
Sau khi Gioiađa qua đời, các thủ lãnh Giuđa vào lạy vua. Vì họ dua nịnh, nên vua xiêu lòng nghe theo họ. Họ bỏ phế đền thờ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, để tôn thờ những cây cọc thiêng và các tượng thần. Vì tội ấy, cơn thịnh nộ Chúa giáng trên Giuđa và Giêrusalem. Chúa sai các tiên tri đến cùng họ để họ quay về với Chúa. Các vị này tuyên chứng, nhưng họ chẳng muốn nghe. Thần trí Thiên Chúa đổ xuống trên ông Dacaria, con vị tư tế Gioiađa. Ông đứng trước mặt dân chúng và bảo họ rằng: “Ðây lời Chúa là Thiên Chúa phán: Tại sao các ngươi lỗi phạm giới răn Chúa? Ðó là điều bất lợi cho các ngươi. Các ngươi đã bỏ Chúa thì Chúa sẽ bỏ các ngươi”. Họ liền họp nhau chống lại người, và theo lệnh vua, họ ném đá người ở hành lang đền thờ Chúa. Vua Gioas không nhớ lòng nhân từ mà Gioiađa, cha người, đã đối xử với nhà vua, mà lại giết con của Gioiađa. Khi sắp chết, người nói rằng: “Xin Chúa hãy nhìn xem và xét xử họ”.
Hết năm ấy, quân đội Syria tiến lên đánh vua Gioas: họ đến xứ Giuđa và thành Giêrusalem, giết hết các thủ lãnh trong dân, và cướp lấy của cải đem về cho vua ở Ðamas. Dù số người Syria chẳng bao nhiêu, nhưng Chúa đã trao vào tay họ dân đông vô số, vì chúng đã bỏ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ mình. Quân Syria cũng làm sỉ nhục vua Gioas. Khi họ bỏ vua mà đi, thì vua lâm trọng bệnh. Thần dân nổi dậy chống lại vua, để báo thù giòng máu của con tư tế Gioiađa. Họ giết vua ngay trên giường, và ông đã chết. Họ mai táng ông trong thành Ðavít, nhưng không chôn ông trong mồ các vua.
TIN MỪNG: Mt 6, 24-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?
“Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
SUY NIỆM
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay có chỗ Chúa đã khiển trách các môn đệ: “Ôi những kẻ kém tin!” (Mt6,30). Lời khiển trách đó cũng là lời nhắc nhở cho chính bản thân con.
Chúa khiển trách các môn đệ kém tin về điều gì? Chúa khiển trách họ vì còn băn khoăn lo lắng nhiều thứ quá, nhất là những thứ không đáng lo: cơm, áo, gạo, tiền. Những thứ đáng lo như là phần rỗi linh hồn, làm sao đẹp lòng Chúa, làm cách nào để xây dựng Nước Thiên Chúa thì lại không lo. Khi mà con còn lo lắng những thứ chóng qua, ví dụ như là: “lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc” (Mt6,25a) có nghĩa là con chưa có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa.
Khi thấy niềm tin của mình còn yêu kém như vậy, nhưng con lại an lòng vì Chúa không chê ghét con, ngược lại Chúa còn dạy dỗ con rất từ tốn. Chúa cho con thấy giữa mạng sống và cơm ăn, điều nào quan trọng hơn? Chắc chắn là mạng sống rồi. Vậy một khi Chúa dựng nên điều quan trọng là mạng sống, chẳng lẽ Chúa lại không biết cách để lo liệu cho chuyện phụ thuộc là cơm ăn sao?: “ Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt6,25b).
Chúa còn đưa ra những ví dụ hết sức cụ thể qua hình ảnh của con chim, của hoa huệ ngoài đồng. Nó đâu cần phải gieo gặt, trồng tỉa; hoặc lo dệt vải gì đâu, mà nó cũng có của ăn, vẫn được mặc những màu sắc sặc sỡ. Nhiệm vụ của nó là lo hót líu lo trên bầu trời, là lo tỏa hương thơm cho đời, lo làm hết sức mình. Nó chỉ chóng qua, sớm nở tối tàn, vậy mà Thiên Chúa còn lo lắng cho nó một cách hoàn hảo như vậy, thì huống hồ chi là con người của chúng ta: “Nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn mai đã quẳng vào lò mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em” (Mt6,30).
Chúa cho con biết sự lo lắng không cần thiết như vậy chỉ có nơi những dân ngoại, vì dân ngoại là những người không có ai để nương tựa. Còn con, cuộc đời của con nằm trong vòng tay Chúa, Ngài dựng nên con, nên chắc chắn Ngài sẽ biết cách để lo cho con: “Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần những thứ đó” (Mt6,32).
Điều Chúa muốn con quan tâm, lo lắng là gì? Là “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”( Mt6,33). Có nghĩa là biết quan tâm để lo giữ những lời Chúa dạy, quan tâm để làm cho mình mỗi ngày một sống tốt lành thánh thiện, giống Chúa hơn… Khi con biết quan tâm đến những điều đó, chắc chắn Chúa sẽ rất vui lòng.
Hiểu như thế để con an tâm sống giữa cuộc đời này mà không lo tìm kiếm những thứ chóng qua, nhưng chỉ biết làm sao cho đẹp lòng Chúa. Khi con quan tâm đến những điều chính đáng như vậy thì con không có thời gian để gian để lo cho những chuyện thứ yếu. Con sống mỗi ngày, mỗi giây phút trong niềm vui hạnh phúc được Chúa yêu thương. Những chuyện ngang trái, những trắc trở, những dở dang trong cuộc đời có đến cũng không làm cho lòng con nao núng, vì con tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn