Mục đích cuộc đời – Suy niệm lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên C
Con người sinh ra ở đời, đã có ngày sinh ắt có ngày tử. Nếu sống là bước đi trong một cuộc hành trình, thì hành trình ấy, nếu đã có ngày khởi đầu, ắt có ngày kết thúc. Người ta sinh ra, rồi lớn lên, trưởng thành, tạo lập sự nghiệp. Khi đạt tới đỉnh vinh quang, rồi cũng đến ngày sức lực suy tàn, và cái chết ập đến. Sinh lão bệnh tử, đó là chu kỳ của đời người, chẳng ai cưỡng lại được. Nhưng, chết rồi sẽ ra sao? Đó là câu hỏi luôn ám ảnh con người, dù ở thời hoang dã hay hiện đại, dù người nghèo hay người giàu, dù người lớn tuổi hay người còn trẻ. Các tôn giáo đều nhằm đi tìm câu trả lời cho hậu vận tương lai của kiếp người. Các tác giả Thánh kinh cũng theo chiều hướng ấy. Với ơn soi sáng của Chúa, từ rất sớm, người Do thái đã tin vào đời sau và khẳng định: chết không phải là hết. Con người vẫn tồn tại bên kia sự chết. Vào lúc một người chết, một cuộc sống mới khởi đầu.
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Đại thi hào Nguyễn Du đã đặt vào môi miệng nàng Kiều câu khẳng định này, khi nàng Kiều đứng trước ngôi mộ của Đạm Tiên. Đây cũng là quan niệm thể hiện nhân sinh quan của người Á Đông. Chết chỉ là thể xác, phần hồn, hay phần tinh anh vẫn tồn tại. Giáo lý Kitô giáo gặp gỡ văn hoá Á Đông ở điểm này, và khẳng định thêm: linh hồn con người, vào ngày tận thế, sẽ được hoà nhập với thân xác, để rồi những ai sống công chính sẽ được hạnh phúc với Chúa.
Khi xác tín vào hạnh phúc tương lai, người ta không còn sợ chết. Nói đúng hơn, người ta sẵn sàng chết để làm chứng cho Chân lý. Bà mẹ người Do thái cùng với bảy người con được sách Macabê ghi lại là bằng chứng cho niềm hy vọng thâm sâu ấy. Bà là người mẹ phi thường. Bà can đảm chứng kiến bảy người con chết trong một ngày, trước gươm đao của nhà vua Hy Lạp. Những lời tuyên bố mạnh mẽ cho thấy bà mẹ và các con đã thấm đượm giáo huấn của Kinh thánh về linh hồn bất tử. Cuộc tử đạo của bà và các con đã được lưu truyền cho mọi thế hệ của dân tộc Do thái, cũng như mọi thế hệ Kitô hữu.
Mục đích cuộc đời dưới lăng kính Kitô giáo là tìm hạnh phúc ở đời này và hạnh phúc ở đời sau. Khi hạnh phúc đời này có nguy cơ ngăn cản hành trình hướng tới hạnh phúc đời sau, thì người tin Chúa sẵn sàng gạt bỏ hạnh phúc chóng qua, để chọn hạnh phúc bất diệt. Những ai tin vào Chúa đều xác tín rằng, Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai trung thành.
Mục đích của chúng ta là hướng tới vĩnh cửu. Tuy vậy, từ thời Chúa Giêsu, đã có những người không tin điều đó và họ chủ trương ngược lại. Những người này thuộc phái Xađốc, hay còn gọi là phái Sadusêô. Cũng giống như những người vô thần duy vật ngày nay, họ chỉ tin vào những gì mà họ cảm nhận được bằng giác quan. Họ cũng chủ trương con người chỉ có sự sống đời này, sau khi chết sẽ trở về với hư vô. Nhóm người này đã trưng dẫn một khoản luật Môisen để giăng bẫy thử thách Chúa Giêsu. Luật này được gọi là Lêvira (Lévirat), cho phép người em trai lấy vợ của anh mình, trong trường hợp người anh đã chết mà không có con. Câu chuyện giả định là trường hợp một người phụ nữ cưới lần lượt bảy đời chồng là bảy anh em để lưu giữ người nối dòng cho người chồng đầu tiên là anh cả. Chúa Giêsu đã trả lời dứt khoát: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng”. Qua những lời này, Chúa mặc khải cho chúng ta về tương lai sau sự chết. Mục đích của đời người là để chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa và để ca tụng Chúa đến muôn đời. Đó cũng là hạnh phúc vô biên Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến và kính sợ Ngài.
“Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài cũng là nguồn mạch của sự sống muôn loài. Những ai trung tín theo Chúa sẽ được sống với Ngài mãi mãi. Đức Giêsu đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa, khi Người bước ra khỏi nấm mồ tối tăm, phục sinh huy hoàng. Sự phục sinh của Đức Giêsu là bảo đảm cho người tín hữu rằng: những ai đã cùng chết với Đức Kitô, chắc chắn sẽ được sống lại với Người.
Chúng ta đã bước sang tháng 11 dương lịch, được gọi là “Tháng cầu hồn”. Đây là thời gian nghĩ đến những người đã khuất, qua việc sửa sang phần mộ và nhất là cầu nguyện cho những người thân đã qua đời. Những nấm mộ không phải đống đất vô tri vô giác. Mỗi ngôi mộ đang bao bọc một cuộc đời. Bên dưới những nấm mộ, có những người đã từng thành công hay thất bại, có những người đã sống rất thánh thiện hay tội lỗi. Tất cả đều đang chờ được Chúa phán xét. Ngôi mộ chính là một “phòng chờ” của những người đã chết, trước khi sống lại vinh quang vào ngày tận thế để hưởng thánh nhan Chúa. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ và gian nan nghiệt ngã. Ai kiên trì và trung tín sẽ được Chúa thưởng công. Ai vội vàng và bất nghĩa sẽ phải muôn đời bất hạnh.
Giữa biết bao bộn bề lo toan của cuộc sống, thánh Phaolô khuyên chúng ta trong bài đọc II: “Thiên Chúa là Đấng trung tín. Ngài sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần”. Như thế, với ơn phù trợ của Chúa, điều không thể, sẽ trở thành điều có thể. Nhờ Ngài, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn và gian nan thử thách. Ý thức được giới hạn của bản thân, vị thánh Tông đồ dân ngoại ngỏ lời với anh chị em tín hữu: “Anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin”. Quả vậy, không ai tự tin đến nỗi nói rằng mình chắc chắn đứng vững mà không cần ơn Chúa.
“Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. Đó là lời của một bài thánh ca. Lời này đem cho chúng ta niềm hy vọng, vào thời điểm bi đát nhất của cuộc đời. Dừng chân suy niệm nơi nấm mộ của người thân, chúng ta hãy thinh lặng để lắng nghe những tâm tình của người đã khuất. Chắc chắn những người đã ra đi có rất nhiều điều tâm sự với chúng ta, là những người đang sống. Một trong những điều tâm sự đó, lời ước muốn cho chúng ta sống lành thánh để cùng với những người thân hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên