Vào ngày 18.10.2015 vừa qua, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ phong thánh cho 4 vị, trong đó có ông Ludovico Martin và bà Maria Azelia Guérin, là cha mẹ của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Hai ông bà không phải là tu sĩ, cũng không phải là các quý tộc. Cả hai vị cũng không phải là những người đã đổ máu mình để làm chứng cho đức tin. Hai ông bà được Giáo Hội tuyên dương vì cả hai ông bà đã chu toàn bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ của mình trong gia đình cách tốt đẹp. Điều đó, cho thấy việc nên thánh không phải là của riêng ai nhưng là của tất cả mọi người chúng ta.
Do đó, trong giờ này tôi muốn được cùng quý ông bà anh chị em cùng nhìn lại con đường nên thánh của chúng ta.
- Con đường dành cho mọi người
Không biết từ bao giờ, khi nói đến hai chữ “làm thánh”, chúng ta thường nghĩ đó là việc của một tầng lớp ưu tuyển nào đó, hay cụ thể hơn, đó là việc của “nhà tu”, chẳng liên quan gì đến chúng ta, vì chúng ta chỉ là “người trần tục”. Hằng ngày, chúng ta phải đối mặt với biết bao là lo toan trong cuộc sống: từ chuyện gia đình, cho tới chuyện xã hội. Lắm khi, chúng ta còn tự nhủ thầm rằng: chỉ nguyên một việc lo cơm áo gạo tiền đầy đủ cho gia đình, cho con cái ăn học tới nơi tới chốn, đã là mệt lắm rồi, tôi chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện làm thánh.
Thế nhưng, đọc lại suốt cả cuốn Kinh Thánh, chúng ta sẽ chẳng thấy có chỗ nào Chúa nói chúng ta không thể làm thánh. Trái lại, từ những trang đầu của sách Sáng Thế, ngay lúc tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dựng nên con người “giống hình ảnh Ngài”. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng ba lần Thánh, nghĩa là từ bản chất, tất cả chúng ta đều được mời gọi để thực sự trở nên thánh (x. Is 6, 3). Đó cũng là kinh nghiệm của cha ông chúng ta khi nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Và ngay trong những ngày đầu của đời sống công khai, Đức Giêsu cũng đã lên tiếng mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48).
Như thế, việc nên thánh không phải là việc của riêng ai, nhưng là của từng người chúng ta. Được sinh ra trên cõi đời này, mỗi người chúng ta đều được mời gọi ngày càng trở nên hoàn thiện giống Cha chúng ta ở trên trời, như lời thánh Gioan trong bài sách Khải huyền mà chúng ta vừa nghe: “Tôi thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế”. Trong bài đọc hai, thánh nhân còn khẳng định: “Hiện nay chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh”.
Tuy nhiên, kể từ khi Nguyên tổ phạm tội, con người đã làm mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người ngày càng bị phai mờ. Con người không còn làm chủ được các đam mê, dục vọng của mình, dễ dàng hướng chiều về điều xấu. Do đó, việc nên thánh đúng ra là một điều tự nhiên, thì giờ đây lại trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là quá sức con người.
Thế nhưng, Thiên Chúa, Người Cha đầy lòng nhân hậu đã không bỏ mặc chúng ta. Ngài đã sai Con của Ngài đến để chỉ cho chúng ta một con đường để chúng ta có thể phục hồi lại phẩm vị là con Thiên Chúa, đó là con đường của tình yêu.
- Con đường của tình yêu:
Trước hết, đó chính là con đường của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Một tình yêu bao la, cao vời đến mức thật đơn giản, đó là nhận chúng ta, những con người thụ tạo thấp hèn làm con của Ngài, như lời thánh Gioan “Các con hãy coi tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta là thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và sự thực là thế”. Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con, để chúng ta có thể mở miệng kêu lên hai tiếng thật thân thương “Abba, Cha ơi!” (x. Rm 8, 15b).
Tình yêu đó còn được diễn tả qua hình ảnh người Cha nhân hậu, chiều chiều vẫn ra đứng trước ngõ ngóng chờ đứa con đi hoang trở về (x. Lc 15, 11-31). Đó còn là tình yêu êm đềm, tha thiết của người mẹ hằng mở rộng đôi bàn tay và cõi lòng chờ đón những đứa con đang mệt mỏi vì gánh nặng của cuộc sống, như lời Đức Giêsu trong câu xướng trước bài Tin mừng: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó khọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi”.
Tình yêu cần được đáp trả bằng tình yêu. Do đó, con đường nên thánh còn phải là con đường tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa không chỉ là một lời nói: “Tôi yêu Chúa” là đủ, nhưng còn phải được thể hiện trong từng phút giây của cuộc sống, như Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Cũng chính trong tình yêu đó, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường, để nhờ đó, chúng ta có thể sống xứng đáng là con Thiên Chúa, đó là con đường Bát Phúc mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng. Đó là con đường của một “tinh thần nghèo khó,hiền lành”; đó còn là con đường của những tâm hồn luôn “khao khát điều công chính”, “hay thương xót người”, và luôn yêu mến hoà bình. Một lòng khao khát hoà bình và thương xót người, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng cần được thể hiện bằng cả một cuộc sống dấn thân sẵn sàng chấp nhận bị người đời “ghen ghét, bách hại vì sự công chính”, hay nói theo sách Khải huyền, đó là con đường của “những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Những đau khổ mà các thánh đã trải qua, không chỉ là một lần đổ máu nơi pháp trường, nhưng còn là việc trung thành chu toàn bổn phận hàng ngày ngay trong gia đình của mình cách trọn vẹn.
Trong bài giảng lễ phong thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về cha mẹ của thánh Têrêxa Hài Đồng như sau: “Vợ chồng thánh Ludovico Martin và Maria Azelia Guérin đã sống sự phục vụ Kitô giáo trong gia đình, kiến tạo ngày qua ngày một môi trường đầy niềm tin và tình thương; và chính trong bầu khí này đã trổ sinh ơn gọi của những người con gái, mà một trong số đó là thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng lễ phong thánh ngày 18/10/2015)
Như thế, con đường nên thánh không chỉ là do làm những việc lớn lao, nhưng là chu toàn các bổn phận hàng ngày cách chu đáo với trọn vẹn tình yêu thương. Các thánh đã thực sự chứng tỏ được tình yêu của mình và đã nhận được phần thưởng trọng đại ở trên trời như lời Đức Giêsu đã hứa.
Cuối cùng, nhân ngày lễ các thánh hôm nay, tôi xin được có lời chúc mừng quý ông bà anh chị em, vì đây cũng là ngày lễ bổn mạng của mỗi người chúng ta. Ước gì nhờ lời bầu cử của các thánh, tất cả chúng ta đủ can đảm đi trọn con đường Tình yêu mà Đức Giêsu đã dạy qua các mối Phúc. Nhờ đó, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta cũng được đoàn tụ với nhau và cùng với các thánh mà ca ngợi Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn