Thế là câu chuyện bàn luận quanh việc hóa bánh ra nhiều đang đi vào hồi kết.
Đám đông dân chúng đói khát cần bánh ăn để sống, họ muốn tiếp tục nhận được thứ bánh bình thường để ăn no bụng; và họ không quản ngại lùng kiếm Đức Giê-su. Động lực tìm kiếm này tương tự như trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp ngày nào, “Xin ông cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát và khỏi phải đến đây kín nước” (Ga 4:15). Phần Người, Người yêu cầu họ hãy đón nhận và ăn ‘bánh hằng sống’, chứ thứ bánh họ đang kiếm tìm không thỏa mãn được gì: “Bánh tổ tiên các ngươi đã ăn và họ đã chết… Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”. Tương tự như thế, về nước hằng sống Người cũng tự giới thiệu: “chính là tôi, người đang nói với chị đây!” Với đám dân chúng đang kiếm tìm bánh ăn, Đức Giê-su lại muốn trao tặng: “bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Trước lời mời gọi đó dĩ nhiên đám đông Do Thái tỏ ra nghi ngại. Họ khựng lại vì thứ bánh kỳ quái khó có thể chấp nhận: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Khó khăn sau này sẽ được giải quyết tương đối êm thấm bằng việc ‘bánh được bẻ ra và trao ban’, mà chúng ta quen gọi là ‘Bí Tích Thánh Thể’; “Người cầm lấy bành… rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Lúc ấy Đức Giê-su chỉ đơn giản kêu mời dân chúng làm điều mà họ tự nhiên cho là ghê tởm: ‘hãy ăn thịt và uống máu tôi!’ Và Người viện dẫn các lý lẽ sau đây:
– “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời… nếu không, sẽ không có sự sống nơi mình”
– “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”
– “Kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”
– “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”
‘Ăn bánh và uống rượu’ hay ‘ăn thịt và uống máu’ là những kiểu nói khác nhau để cùng diễn tả một nội dung là tin vào Đức Ki-tô, điều mà bất cứ tín hữu chân chính nào cũng đều phải thực hiện nếu mong đạt tới sự sống đời đời. Cũng tương tự như cách Người dùng để nói với người phụ nữ Sa-ma-ri-a : “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:13-14). ‘Ăn bánh tôi ban’ và ‘uống nước tôi cho’ là hai lối nói tượng hình về niềm tin thâm sâu đặt nơi Đức Ki-tô Giê-su. Niềm tin này sẽ đưa con người đạt tới sự sống vĩnh cửu; vì nước là ‘nước hằng sống’ và bánh là ‘bánh trường sinh’. Vĩnh cửu hay trường sinh không chỉ được hiểu là kéo dài bất tận trong thời gian, nhưng trong thực chất còn mang nội dung mang tính cá vị, đó là được ở lại cách bền vững trong bản thể và sức sống của Thiên Chúa: “Ai ăn thịt tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
Do đó tin vào Đức Ki-tô Giê-su đâu chỉ đơn thuần là chấp nhận các điều răn hay giáo huấn Người dạy, như tín hữu nhiều tôn giáo hay học thuyết khác vẫn thường làm. Niềm tin Ki-tô hữu thực ra phải rất phong phú và hiện sinh. Tin là đi vào trong Thiên Chúa – một Thiên Chúa tình yêu, là ở lại trong tình yêu vô biên ấy. Tin là hội nhập và lưu lại trong Chúa Cha và Chúa Con, là tham dự vào sức sống Thần Linh giữa Cha và Con. Chính vì nội dung tin là như thế mà Đức Giê-su đã sử dụng các hình ảnh táo bạo: tin là như uống nước hằng sống, là như ăn thịt – uống máu trường sinh Người trao tặng. Cách nói này nghe có vẻ sống sượng thật, nhưng lại diễn tả được cái thực tế siêu phàm mà không một lời lẽ bình thường nào có thể lột tả cho hết.
Hiểu được điều này ta mới khám phá ra nội dung đích thực của việc ‘ăn bánh – rước lễ’. Khi tiến lên ăn bánh Thánh Thể, tôi không chỉ đơn thuần rước Chúa vào lòng để Người ngụ lại trong tôi. Điều đó xem ra còn quá ít! Thực tế thật ra còn sâu xa và vĩ đại hơn thế nhiều…, đó là tôi được ‘ở lại trong Người’, được hội nhập vào Người, được sống chính sức sống của Đức Ki-tô Giê-su, hệt như Người đã sống nhờ Chúa Cha. Và niềm tin của tôi vào Thánh Thể cũng không chỉ là tin Chúa hiện diện thật trong bánh và rượu, đúng hơn là tin Người đã hiến tặng thịt và máu của mình để tôi ăn và uống, và qua đó được đem vào sự sống phong phú đầy yêu thương của Người. Cử hành Thánh Lễ và rước lễ trên hết là một biểu lộ thâm sâu và tuyệt hảo của niềm tin ấy; ta ăn Chúa Ki-tô để được trọn vẹn hội nhập vào sức sống Thần Linh phong phú nhất mà Thiên Chúa có thể trao tặng.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con không muốn mất hút trong tư tưởng Chúa hiện diện thật trong hình bánh và rượu. Mỗi khi ‘ăn thịt và uống máu Người’ xin cho con được kiện cường trong xác tín về hồng ân cao cả là được đưa vào, và được ở lại trong sức sống tình yêu vĩ đại như Đức Ki-tô liên kết bền chặt với Chúa Cha; và thế là con được bảo đảm vững chắc không chết, nhưng được sống muôn đời trong sức sống Thần Linh Chúa. A-men.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB