Bông lúa cúi đầu- Suy niệm Chúa Nhật XXX Thường niên C

0
457

Bông lúa cúi đầu
Suy niệm Tin mừng Lu-ca Lc 18, 9-14

Một người cha dẫn đứa con nhỏ ra thăm đồng lúa đang độ chín vàng chờ ngày thu hoạch. Lần đầu tiên được tung tăng giữa cánh đồng bao la và được nhìn tận mắt những bông lúa mà bé chỉ được nghe kể bằng lời, cháu bé tỏ ra thích thú và lên tiếng hỏi ba:
-Bố ơi! Tại sao có những bông lúa cúi đầu xuống và cũng có những bông lúa khác vểnh đầu lên?
Người cha đáp:
– Những bông lúa cúi đầu là những bông lúa no đầy, chắc hạt, sẽ trở thành những hạt gạo ngon lành; còn những bông vểnh đầu lên là những bông lúa lép, chẳng có gì bên trong, chỉ còn là vỏ trấu.

Hình ảnh bông lúa cúi đầu đã in sâu vào tâm trí người dân Nhật từ rất xa xưa. Người Nhật xem bông lúa cúi đầu là biểu tượng cho những người khiêm tốn, chín chắn, có phẩm chất cao đẹp; còn bông lúa vểnh đầu lên là biểu tượng cho những người huênh hoang, rỗng tuếch.
Thế là từ đó, người Nhật rút ra một câu phương ngôn nhớ đời, in sâu vào tim óc các thế hệ về sau, đó là câu “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu.” hoặc: “Bông lúa cúi đầu là bông lúa chín.”
Qua phương ngôn này, những bậc tiền bối người Nhật muốn dạy con cháu: “Hãy khiêm tốn cúi đầu” trước mọi người, để chứng tỏ mình là người đức hạnh.
Thế là nền văn hóa cúi đầu ăn sâu vào máu thịt người Nhật cũng như người Hàn quốc. Khi gặp nhau, họ chào nhau bằng cách gập người cúi đầu cách khiêm tốn; ông chủ cúi đầu trước khách hàng vì xem khách hàng là ân nhân; nhân viên phục vụ trên sân ga cúi đầu chào khách khi đoàn tàu chuyển bánh; cô trực thang máy cúi đầu chào khi có người đi vào, đi ra cửa thang máy… Đâu đâu cũng đầy dẫy những người chào nhau bằng cách gập người cúi đầu cung kính. Bản sắc của người Nhật là như thế và đó cũng là yếu tố làm cho thế giới càng nể phục họ hơn.

Bài Tin mừng hôm nay cũng đề cập đến hai nhân vật, một người cúi đầu và một người huênh hoang ngẩng đầu cao.
Người biệt phái được Chúa Giê-su đề cập trong Tin mừng hôm nay thuộc dạng bông lúa vểnh đầu cao. Ông ta là người đầy tự phụ, huênh hoang, phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác. Ông cầu nguyện với Chúa bằng những lời lẽ trịch thượng như sau: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như tên thu thuế kia!”
Rồi ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”
Còn người thu thuế thuộc dạng bông lúa cúi đầu. Ông ta vốn biết thân, biết phận thấp hèn, tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 9-14).

Thái độ khiêm tốn của người thu thuế làm đẹp lòng Thiên Chúa, nên cho dù ông mang nhiều tội, ông cũng được Chúa Giê-su tuyên dương và chúc phúc; trái lại, thái độ tự phụ tự cao của người biệt phái bị Chúa Giê-su chê trách và lên án.
Tại sao vậy? Chúa Giê-su cho biết lý do: “Vì hễ ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).
Ngoài ra, vì khiêm tốn là đức tính cao đẹp và cần thiết nên Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).

Ngoài ra, Mẹ Maria cũng răn dạy chúng ta phải coi chừng hậu quả của thói kiêu căng, qua câu nói: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.” và Mẹ khuyến khích chúng ta sống khiêm nhường, qua lời dạy: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao những kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52).

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa dạy chúng con chớ dại dột nâng mình lên vì “hễ ai nâng mình lên sẽ phải bị hạ xuống” như người biệt phái trong câu chuyện trên đây, cũng đừng tranh dành chỗ quan trọng (như trong dụ ngôn bữa tiệc) kẻo có ngày chủ nhà sẽ mời xuống chỗ cuối (Luca 14, 7-11).
Xin cho chúng con biết cư xử khiêm nhường như Chúa để được Chúa rót đầy ân sủng và đổ đầy tình yêu thương.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà