Sống có ý nghĩa- Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XVIII Thường niên- C

0
112

Sống có ý nghĩa- Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XVIII Thường niên- C

Sống trong đời, ta là thân lữ khách, bởi lẽ cuộc sống là một cuộc hành trình dài. Có những lúc dừng lại để hồi tâm suy nghĩ, những câu hỏi làm ta giật mình: ta sống để làm gì? Vất vả ngược xuôi, bon chen tính toán, để cuối đời ta được gì, vì lúc vào đời, ta có hai bàn tay trắng, và lúc ra đi, ta cũng trắng tay? Đặt những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta nhìn lại đường đời mình đang đi, vừa để tận hưởng những hạnh phúc nho nhỏ ta có bên đời, vừa để kịp thời điều chỉnh những sai phạm lầm lỡ, nhờ đó uốn nắn cuộc đời nên hoàn thiện hơn.

Tác giả sách Giảng viên đã ghi lại lời giảng của ông Cô-hê-lét. Đây là suy tư của một người đã từng trải. Chắc ông đã qua nhiều thăng trầm trôi nổi của cuộc sống, để rồi cuối cùng đúc rút ra một bài học: tất cả chỉ là phù vân. Phù vân là mây bị gió thổi, ý nói mọi sự đều chóng qua và vô nghĩa. Một văn sĩ Việt Nam, khi cảm nhận được sự chóng qua của đời người đã thốt lên: Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật, Thế cho nên tất bật đến bây giờ!” (Bùi giáng). Một tác giả khác lại suy tư: “Phú quý vinh hoa như mộng ảo,Sắc tài danh lợi tựa phù du”. Ý tưởng về sự mong manh của kiếp người cũng thường thấy trong Thánh vịnh: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15-16). Vì cuộc sống chóng qua như thế, chúng ta phải sống sao cho có ý nghĩa trước mặt Chúa và tha nhân.

Nhân dịp có người đến nhờ giải quyết tranh chấp gia tài, Chúa Giêsu nói về việc sử dụng của cải. Tiền vàng bạc bể trên thế giới, chỉ có Chúa là chủ sở hữu chính thức. Con người ở đời chỉ là “lưng cơm giá áo” như người xưa vẫn nói. Ai may mắn có được của cải, cũng chỉ là Chúa trao cho quản lý và sinh lời. Dụ ngôn người phú hộ chúng ta đọc hôm nay và dụ ngôn 3 người đầy tớ được trao những nén bạc (x. Mt 25,14-30), cũng mang một giáo huấn tương tự. Được trao nhiều hay trao ít, mọi đầy tớ phải lo làm cho số vốn đã nhận sinh lợi. Người phú hộ không đáng trách vì anh ta giàu, nhưng Chúa trách anh ta và quở anh là “ngốc”, vì anh ta chỉ bo bo giữ cho mình số của cải có được. Những lời tự nhủ của anh ta cho thấy anh là một người giàu có nhưng ích kỷ và kiêu ngạo, chỉ lo hưởng thụ mà quên lãng tha nhân. “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Lời kết thúc của bài Tin Mừng là giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta. Trước mặt thế gian, người phú hộ rất giàu có, nhưng trước mặt Thiên Chúa, anh lại rất nghèo nàn. Sự giàu có và nghèo nàn trong giáo huấn của Chúa Giêsu lại khác với quan niệm thông thường trong cuộc sống chúng ta. Kết cục bi thảm của cuộc đời người phú hộ cho thấy điều ông tưởng là chắc chắn và đặt để niềm hy vọng, thì đó chỉ là đám bèo trôi, nay hợp mai tan, nay còn mai mất. Đang là người tưởng mình hạnh phúc, ông trở thành bất hạnh, vì công lao khó nhọc bao năm tích cóp mà chẳng được hưởng dùng, cũng chẳng mang đi được. Mỗi ngày sống, chúng ta cần “làm giàu” trước mặt Chúa và cần tích trữ cho mình của cải thiêng liêng. Một đời sống đạo hạnh, bao dung, nhân từ, khiêm tốn trung thực… sẽ là tạo nên nhiều của cải thiêng liêng cho bản thân. Lòng quảng đại sẻ chia tinh thần vật chất cho người bất hạnh, sẽ được Chúa ghi nhận, vì “cho đi là còn mãi”, hoặc “chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Sống ngay lành trước mặt Chúa, thân thiện và quảng đại đối với anh chị em, sẽ làm cho cuộc sống thêm đẹp và có ý nghĩa, nhờ đó ta tìm được hạnh phúc ngay chính ở đời này, vì người ta chỉ hạnh phúc đích thực khi đem lại hạnh phúc cho người khác.

Mỗi người đều cần có vật chất để bảo đảm đời sống của mình và giúp đỡ tha nhân. Qua dụ ngôn người phú hộ, Chúa Giêsu nhắc chúng ta: đừng quá lệ thuộc vào vật chất. Vật chất chỉ là phương tiện, chứ không phải đích điểm của đời người. Kinh nghiệm thực tế dạy chúng ta: không phải lúc nào vật chất cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Thánh Phaolô dạy các tín hữu hãy sống cao thượng, can đảm từ bỏ những thói hư tật xấu. Khi từ bỏ tội lỗi, là chúng ta chấp nhận chết với Chúa Giêsu để vươn tới cuộc sống mới, cuộc sống trong ân sủng và niềm vui của Đấng phục sinh. Thánh nhân liệt kê những gì được coi là “hạ giới”, như gian dâm, ô uế, ước muốn xấu và tham lam. Kết hợp với Đấng phục sinh, chúng ta đã nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng ngay khi còn ở đời này.

Xin kết thúc bằng những vần thơ, cũng của thi sĩ Bùi Giáng, suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta hãy cùng với ông “hướng về nơi cao xanh”:

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen

Ta là Cát ta sẽ về với Bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai.

+TGM Vũ Văn Thiên