Các Bài Suy Niệm Lời Chúa Trong Tuần 5 Phục Sinh-A

0
71

Các Bài Suy Niệm Lời Chúa Trong Tuần 5 Phục Sinh-A

Thứ hai tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 14, 21-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.

Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

SUY NIỆM 1: Những giới hạn

Hôm nay, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc là những lời tâm sự của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong một khung cảnh hết sức quan trọng là bữa tiệc ly của Chúa với các môn đệ trước khi thực hiện biến cố vượt qua. Cấu trúc của toàn chương 14 này của Phúc Âm thánh Gioan được xoay quanh ba câu hỏi của các tông đồ. Câu hỏi thứ nhất là của tông đồ Thomas: “Thầy đi đâu chúng con không biết thì làm sao chúng con biết đường đi?” Và câu hỏi thứ hai của tông đồ Philípphê: “Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con nhìn thấy Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi.”

Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu trả lời cho hai câu hỏi trên và từ đó chúng ta được Chúa cho biết mục đích của đời sống con người là gì và đâu là con đường để đạt tới mục đích đó. Con đường đó không là gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha cho con người và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ với các tông đồ: “Thầy là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, và hôm nay chúng ta đọc và suy niệm những câu kế tiếp, trong đó chúng ta sẽ nghe thấy những câu Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi thứ ba của tông đồ Giuđa Tadeo: “Lạy Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Xem ra như Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của Giuđa Tađeo nhưng Chúa nhắc tới thái độ tự nguyện tự quyết của kẻ muốn theo Chúa: “Ai lắng nghe lời Thầy, ai yêu mến và tuân giữ lời Thầy thì người đó là kẻ yêu mến Thầy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”.

Qua câu trả lời này chúng ta hiểu về những giới hạn trong mạc khải của Chúa và từ phía con người chấp nhận hay không chứ không phải từ Thiên Chúa, là Ðấng muốn cứu rỗi tất cả mọi người. Con người chúng ta có tự do khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, giới hạn tác động cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của sự tự do con người và sự hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Con người cần được trợ giúp để quyết định cho đúng và nguồn trợ lực đến từ Chúa Thánh Thần là Ðấng tiếp tục soi sáng cho các tông đồ, hướng dẫn họ đến sự thật trọn vẹn mỗi ngày một hơn. Và cũng qua đoạn Phúc Âm trên chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai yêu mến Người là một sự hiện diện Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình thương của Chúa. Xin cho con luôn sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để mọi nơi và mọi lúc con luôn được lớn lên trong tình yêu Chúa và anh chị em chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Muốn lòng mến tồn tại

Chúng ta không xét đến những bất trung của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta phạm pháp, phạm giới luật nhiều và cũng không thấy một thứ trung thành với Thiên Chúa, chỉ có bề ngoài, thứ trung thành lắt léo khi giữ luật: luật nói gì thì tôi làm thế, luật cấm gì thì tôi không thể dám làm, nếu không tôi mắc lỗi nặng.

Nếu chúng ta trở về với trọng tâm của Tin mừng, chúng ta sẽ thấy một hướng khác, điều quan trọng nhất là cần liên đới với Thiên Chúa như điều răn nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chính tình yêu là trung tâm sự liên kết với Thiên Chúa. Không có tình yêu này, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa sẽ bất chính, như thấy Thiên Chúa là Đấng báo oán quá trớn và công thẳng quá độ.

Quá nhiều Kitô hữu còn sợ Thiên Chúa theo lối giữ lời Chúa vì sợ Thiên Chúa báo thù, chứ không vì yêu mến Chúa. Không có lòng yêu mến, những đòi hỏi thánh thiện trở thành gánh nặng không thể chịu nổi: Đó là ách quá nặng làm cho tâm thần bấn loạn.

Trái lại, nếu những liên kết với Chúa được xây dựng trên tình yêu, tình yêu này sẽ thúc đẩy sống trung thành bền vững. Thiên Chúa sẽ đáp lại lòng trung thành này bằng ở lại với người ấy: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Thiên Chúa không áp đặt sự hiện diện của Ngài. Ngài không đến như kẻ đi nghỉ mát. Nhưng Ngài đến ở với tấm lòng ưu ái nồng nàn, đó là nơi tình yêu và lòng trung tín gặp nhau, sống với nhau.

Một đứa trẻ sẽ cảm thấy bị áp đặt sống trong một gia đình khi nó không có lòng yêu mến, cũng thế, chúng ta sẽ thấy bị bó lòng phải giữ giới răn Chúa, khi chúng ta chưa yêu mến Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta biết đáp lại bằng một tình yêu cụ thể trước khi Ngài đến. Như vậy, khi chúng ta tin tưởng yêu mến và trông cậy Ngài, Ngài đã ở trong chúng ta rồi. Thực vậy, đức tin, đức cậy và đức ái là ba nhân đức đối thần, là của cải của Thiên Chúa ban cho chúng ta, cho chúng ta thấy hình ảnh Ngài trong chúng ta.

C.G

SUY NIỆM 3: Để được ở với Chúa

Một tu sĩ Dòng Tên đã chia sẻ kinh nghiệm:

Sau những ngày bố ráp căng thẳng, ông và một số anh em bị bắt giữ. Một viên công an nói với các tu sĩ bằng một giọng đắc thắng: “Trong những ngày qua chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay chúng tôi. Nhưng các ông thấy đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”. Nghe thế, vị tu sĩ điềm nhiên trả lời: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”.

Để được ở trong tay Chúa, để được ở với Chúa, để được Chúa cư ngụ trong tâm hồn, đó là mục đích của cuộc sống đức tin mà người Kitô hữu phải không ngừng theo đuổi. Đó cũng là một trong những ý tưởng nổi bật trong Tin mừng Gioan. Những môn đệ đầu tiên đã đến xem nơi Chua Giêsu cư ngụ và đã ở lại với Ngài. Chúa Giêsu đã kêu gọi họ trước tiên là đến và ở với Ngài.

Bài Tin mừng hôm nay cũng muốn đào sâu ý tưởng ấy. “Ai yêu mến Ta, Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Trong Cựu ước, Đền thờ vốn được quan niệm như nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đền thờ Thiên Chúa từ nay sẽ là tâm hồn con người; từ nay nhờ phép rửa, người Kitô hữu trở thành đền thờ của Chúa. Nhưng sự hiện diện ấy của Thiên Chúa, người Kitô hữu chỉ cảm nhận được khi họ yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ giới răn của Ngài. Sự hiện diện ấy, người Kitô hữu chỉ có thể làm lan tỏa chung quanh bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là sống theo Ngài, sống với Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở người Kitô hữu về sứ mệnh làm chứng cho sự hiện diện của Chua trong trần thế. Người ta không thể cho đi điều mình không có. Nguyên tắc này càng đúng hơn trong đời sống đức tin: người Kitô hữu sẽ không là chứng nhân sự hiện diện của Chúa, nếu cuộc sống của họ không có sức tỏa lan sự hiện diện ấy. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là tuân giữ các giới răn của Ngài. Khi những người ngoài nhìn vào cộng đoàn Kitô tiên khởi, họ đã phải thốt lên: “Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào! Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho người tín hữu chúng ta: chúng ta phải sống thế nào để sự hiện diện của Chua không chỉ giới hạn trong nơi thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống chúng ta nữa.

“Chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”. Ước gì, qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện yêu thương của Chúa, và đáp trả tình yêu ấy bằng những cố gắng sống yêu thương, quảng đại để sự hiện diện và tình yêu của Chúa cũng được người khác cảm nhận.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: HÃY LÀM MỚI LẠI TÌNH YÊU“YÊU SẼ GIỮ LỜI” (Ga 14, 21-26)

Trong tình yêu, hẳn ai cũng hiểu rằng: “Yêu ai thì đều muốn cho người mình yêu được hạnh phúc và tìm mọi cách để cho người yêu của mình được hài lòng…”.

Đây là tình yêu tự nhiên của con người dành cho nhau. Nhưng tình yêu giữa ta và Chúa thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ: nếu ta nói mình yêu Chúa, thì Lời Chúa phải ở trong ta và sẽ chi phối mọi lời nói, hành động và việc làm của ta.

Vì thế, Đức Giêsu nói: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Như vậy, yêu mến Chúa là giữ lời Chúa truyền, và người yêu mến Thiên Chúa thì sẽ được: “Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của người con đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm mới lại tình yêu của mình với Chúa. Tức là lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm định luật và tiêu chuẩn để ta yêu và yêu bằng tình yêu của chính Chúa. Sống và giữ Lời Chúa cách trung thành, không bóp méo và ngụy biện hay lấy Lời Chúa làm bình phong cho những hành động đen tối của mình.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa đem lại cho chúng con niềm vui và bình an đích thực. Xin Chúa ban cho chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, để Lời Chúa trở thành lẽ sống và lý tưởng vươn tới sự hoàn thiện của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5: Yêu mến, đến và ở lại

Suy niệm:

“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng.”

Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.

Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.

Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.

Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.

Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,

nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,

nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông

giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).

Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,

trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,

thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.

Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.

Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).

Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh :

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).

Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại

giữa người môn đệ với Cha và Con.

Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.

Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,

tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.

Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi

trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.

Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,

Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).

Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).

Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ

nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).

Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!

Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại,

cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.

Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.

và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.

Cầu nguyện :

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,

xin cho con chỉ tập trung

vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con,

xin cho con bước vào nhà

là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,

xin cho con biết ngồi yên

ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con,

xin cho con biết chìm sâu

xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con,

xin cho con biết xóa mình

khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài,

không còn con và Ngài nữa.

Con chẳng là gì cả,

và Ngài là tất cả. Amen. (Theo Swami Abhisiktananda)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thứ ba tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 14, 27-31a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.

Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con.

Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

SUY NIỆM 1: Hiệp nhất và bình an

Các môn đệ ngày xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình của Ngài khi Ngài cùng với các ông ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc ly. Chúng ta cũng đã nghe lại những lời thân thương đó mỗi khi chúng ta cùng với Ngài và với nhau dâng Thánh Lễ. Giáo Hội đặt để những lời thân thương ấy sau kinh Lạy Cha và trước khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh được bao bọc trong bình an của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đã dọn lòng mình đủ để có Chúa ngự trong lòng chúng ta.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu thực sự tin rằng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô không chấp nhất gì tội lỗi của chúng ta mà dựa trên đức tin của Giáo Hội, của cộng đoàn dân Chúa đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp nhất và bình an. Chắc chắn là Giáo Hội rất rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”. Và chúng ta cũng phải hiểu được điều đó để hân hoan với bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế gian là gì trong nhãn quan của thánh Gioan.

Thế gian là ma quỉ, là mãnh lực của ma quỉ, là thế giới của ma quỉ, là tất cả những con người và những sinh hoạt đồng lõa với ma quỉ. Bình an của thế gian này ban tặng là bình an có được do vũ lực, do đàn áp, do chiến tranh, do mưu mô xảo quyệt, do tội ác, do chiếm đoạt và đe dọa, mong manh biết bao sự bình an tạm bợ này, chỉ cần một vài thay đổi rất ư là đơn giản thì cũng đủ để cho người ta mất đi bình an và lại rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt. Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ vốn dĩ rất quen thuộc với chiến lược trở mặt như trở bàn tay, và vì thế không ít những người trở thành nạn nhân của sự bình an do chúng tạo nên. Còn bình an của Chúa ban cho lại là sự bình an của những người được tha thứ tất cả. Bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Bình an của một cuộc đời có Thiên Chúa. Sự bình an bất chấp những khó khăn, bất chấp mọi thử thách. Sự bình an của một con người không thấy hổ thẹn gì khi ngước mắt nhìn lên trời, đưa mắt nhìn chung quanh và nhắm mắt lại nhìn vào chính mình.

Lạy Cha chí thánh, là con người ai cũng khao khát bình an và có rất nhiều người thấy hãnh diện vì sự an toàn nhất thời họ có được ở trần gian này, khi họ dựa cậy vào quyền lực hoặc là do một con người hay của một nhóm người, thực tế cho thấy bình an ấy quá mong manh. Các con cảm tạ Cha vì sự bình an ban cho chúng con qua Chúa Giêsu và với tác động của Chúa Thánh Thần. Sự bình an của Ðấng bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ mặc, bị coi là điên khùng và bị treo lên giữa những tử tội trộm cướp, ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Chúng ta thật hạnh phúc vì có được sự bình an ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Thầy để lại bình an

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Các bạn hãy suy nghĩ xem những lời chúc đó có ý nghĩa gì? Có phải như những lời chúc đầu năm mới, chúc Giáng sinh, chúc Phục sinh hay những ngày lễ kỷ niệm? Đó là kiểu chào, không còn gì hơn nữa sao? Nếu như thế, chúng ta chưa hiểu rõ những lời của Chúa. Ơn bình an của Chúa không phải như món quà gói gọn im lìm. Ơn bình an là sức mạnh hoạt động mạnh mẽ, nghĩa là: Thầy ban cho anh em sức mạnh bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em sức hoạt động bình an của Thầy. Anh em sẽ làm chứng và sống thực hiện sự hòa giải, hòa hợp để đem lại bình an. “Phúc cho ai hoạt động cho bình an”.

Nhưng người ta có thể trách Chúa rằng: Ngài trao trách nhiệm hòa bình cho chúng tôi, Ngài bắt chúng tôi thừa kế và ban phát hòa bình, còn Ngài lại ra đi, Ngài để lại cho chúng tôi lời cam kết ban hòa bình. “Thầy sẽ ra đi”.

Sự ra đi của Đức Giêsu, sự xa cách của Người là để thực hiện một sự hiện diện thiêng liêng có mặt ở khắp mọi nơi, cho hết mọi người. Ơn bình an của Người là một cách Đức Giêsu tiếp tục với chúng ta thực hiện công cuộc cứu độ của Người.

Ngài ở với chúng ta bằng cách hiện diện thiêng liêng này, còn có ý tôn trọng tự do của chúng ta. Người hành động nơi chúng ta như cha mẹ đối với con cái, từ từ trao trách nhiệm và tự do cho con cái. Chúng xa cha mẹ mà vẫn được cha mẹ nâng đỡ, chở che và yêu mến.

Mỗi buổi họp các tín hữu, mỗi lúc dự Thánh lễ, Đức Giêsu đều ban bình an cho chúng ta. Người không áp đặt chúng ta nhận bình an, nhưng Người chỉ cho chúng ta thấy rằng sự hiện diện của Người ở trần gian tùy thuộc vào sự nhiệt tâm hăng hái của chúng ta, ra công xây đắp hòa bình. Sự biểu dương của hoàng tử hòa bình được chiếu sáng qua những cuộc hòa giải tốt của chúng ta, và qua những tấm lòng khoan dung tha thứ mau lẹ của chúng ta.

C.G

SUY NIỆM 3: Hòa bình của Đức Kitô

“Bất thần tôi cảm thấy xao xuyến lo âu khi nghĩ đến những người Công giáo Đức. Tôi không biết họ cảm nghĩ thế nào, khi chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Tôi cảm thấy nhu cầu cần phải dâng việc rước lễ để cầu nguyện cho nước Đức. Tôi hiểu rằng chúng ta cần phải cầu nguyện cho sự canh tân luân lý và tinh thần của xứ sở đã từng sống dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã”.

Những dòng tâm sự trên đây được trích từ Nhật ký thiêng liêng của một người đàn bà Pháp được xem là người đã khởi xướng phong trào Pax christi – Hòa bình của Chúa Kitô. Sinh trưởng trong một gia đình trưởng giả, nhưng bà Marc đã có một đức tin sốn động và nhiệt thành. Trong thời Đức Quốc Xã chiếm đóng Pháp, dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng, bà đã bắt đầu viết nhật ký thiêng liêng và chính những trang nhật ký này đã làm phát sinh một phong trào về sau được gọi là “Hòa bình của Chúa Kitô”. Cuối năm 1944, vào giữa lúc thế chiến thứ hai còn sôi động, bà xác tín rằng cần phải cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Đức. Ý tưởng này không được nhiều người đón nhận, bởi vì chiến tranh vẫn còn sôi sục và người ta khó chấp nhận tinh thần hòa giải. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì trong việc thành lập một phong trào cầu nguyện cho nước Đức được ơn trở lại. Sau khi nước Đức đầu hàng, phong trào đã lan rộng tại nhiều nước Âu châu. Ngoài mục đích cầu nguyện và gây ý thức về hòa bình, phong trào còn đưa ra những sáng kiến về hòa bình. Từ 50 năm qua, đóng góp lớn lao nhất của phong trào này không chỉ là cổ võ cho hòa bình thế giới, mà thiết yếu là làm cho thế giới hiểu được hòa bình mà Chúa Kitô mang lại cho con người.

“Hòa bình của Chúa Kitô”. Quả thực chỉ có Chua Kitô mới đem lại hòa bình đích thực cho con người. “Ta để lại bình an cho các con, Ta ban bình an của Ta cho các con”. Sự bình an mà Chua Kitô đem lại cho con người không giống như bình an hay hòa bình mà thế gian hứa hẹn. Sau thế chiến thứ II quả thực ở quy mô thế giới tiếng súng đã hầu như im bặt. Tuy nhiên lịch sử cho thấy: sau thế chiến thứ II, nhân loại vẫn chưa có hòa bình đích thực, lò thuốc súng vẫn còn đó, chiến tranh bằng những súng đạn không diễn ra giữa hai khối kình chống nhau nhưng lửa hận thù lại bùng nổ ở những nơi khác.

Hòa bình mà Chúa Kitô đem lại cho con người trước tiên và thiết yếu là bình an trong tâm hồn. Hòa bình đó, bình an đó chỉ có khi con người chiến thắng được kẻ thù khủng khiếp nhất là tính tham lam, ích kỷ, hận thù. Bom đạn có im tiếng, nhưng bao lâu lòng tham lam, ích kỷ, hận thù vẫn còn sôi sục trong tâm hồn con người, thì bấy lâu chiến tranh vẫn còn đó.

Chúa Giêsu là nguyên ủy của hòa bình. Ngài đã thực sự chiến thắng được kẻ thù căn cội và khủng khiếp ấy bằng cả cuộc sống hiến thân và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Chỉ Ngài mới có thể đem lại hòa bình đích thực cho nhân loại. Người kitô hữu tin như thế và họ đón nhận sức sống thần linh của Ngài để nhờ đó cũng chiến thắng được kẻ thù căn cội của hòa bình là ích kỷ, tham lam, hận thù.

Hòa bình của Chúa Kitô, đó là hồng ân cao cả mà chúng ta phải không ngừng cầu xin và đó là hòa bình mà chúng ta luôn được mời gọi thể hiện bằng cuộc sống quảng đại, yêu thương và tha thứ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: BÌNH AN LÀ ÂN BAN CỦA ĐỨC TIN (Ga14, 27-31a)

Bình an là thứ mà con người mọi thời, mọi nơi, từ già đến trẻ, từ người có quyền lẫn người bình dân, ai ai cũng mong muốn và khao khát chiếm hữu cho kỳ được.

Tuy nhiên, bình an mà con người tìm kiếm ở đây, chính là thứ bình an trong trạng thái: không chiến tranh; không bị áp bức, bóc lột; không ốm đau bệnh tật; không tai nạn rủi ro…

Nhưng điều con người ước mong đó chỉ là thứ bình an bề ngoài, nó không có chiều sâu và không chi phối hạnh phúc vĩnh cửu. Nó cũng không thể thiết thực và tồn tại với thời gian. Bởi vì, sự bất ổn trong xã hội cũng như tâm lý bất an của con người luôn hiện diện và đeo bám chúng ta cách song song.

Vì thế, chiến tranh vẫn còn đó từ thời Đức Giêsu cho tới ngày nay. Con người vẫn phải chịu cảnh đau khổ, tai ương, đối xử bất công… Nhân loại cũng luôn phải đối diện với những căn bệnh thế kỷ mới của thời đại, gây nên sự chết chóc, tang thương…

Như vậy, nếu chỉ mong được bình an hòng tránh khỏi những điều bất trắc trên thì nó không đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta. Còn bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ:

Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Bởi lẽ: bình an của Đức Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau thương, bách hại, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công… Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an tâm, đảm bảo phần xác.

Sự điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tình trạng bình an của Chúa ngay trong những trái ngang của cuộc đời và xã hội. Tức là, cho dù cuộc sống có bất công, con người có tàn nhẫn, đâu khổ có dồn dập, kẻ thù có lộng hành, sự ác có chiến thắng, thì với chúng ta, những người tin Chúa, chúng ta hãy nhìn tất cả chiều kích đó dưới con mắt đức tin và tâm niệm rằng: tất cả đều sinh ích cho người có lòng yêu mến Chúa, và với ân sủng của Chúa, thì Ngài có thể biến từ sự dữ trở nên sự lành.

Có được tâm tình đó, chắc chắn chúng ta có được sự an bình thư thái, và bình an của Chúa sẽ ngự trị nơi tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, ơn ban bình an của Chúa là quà tặng vô giá Chúa ban cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn được ở trong sự bình an đó hôm nay và mãi mãi. Amen.

Ngọc Biển SSP

Thứ tư tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

SUY NIỆM 1: Sự kết hiệp thâm sâu

Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.

Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.

Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.

Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, “sống” là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho mọi người trong giai đoạn hiện nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Để sinh nhiều hoa trái

Dụ ngôn cây nho là một phần của bài nói sau bữa tiệc ly. Tin mừng thánh Gio-an đã ngăn chặn sự xa lìa của những kẻ theo Người, có thể vì cái chết trên thập giá của Người hay khi Người lên trời. Người cho họ thấy về sự sống của Người là sự sống cho những kẻ còn hiệp thông với Người, như nhựa cây là sức sống từ thân cây tới những cành, sự sống đó sinh nhiều hoa trái. Điều kiện “ở lại trong Thầy” không phải hiểu như trong hộp kín, dưới sự che chở cô độc, nhưng ở trong một năng lực lớn mạnh. Những cành từ chối không tiếp nhận phát triển, không đáp ứng với nhựa sống vươn lên, sẽ gặp nguy cơ chết khô. Cuộc tranh đấu để sống chỉ nguy hiểm đối với những cành tự tách mình lìa khỏi cây. Người ta gọi nó là tội.

Bao lâu còn nhựa sống lưu thông, bấy lâu sự chết vẫn không đột nhập được.

Trong thời đại chúng ta, thuyết đa dạng là một gương mù thường xuyên. Người ta dễ dàng theo lối sống khô khan, tà giáo và cả vô tín ngưỡng. Phụng vụ khác nhau biết bao từ xứ này qua xứ khác, một linh mục tự diễn cách tự do một số công thức đã xưa rồi. Biết bao tín hữu cố chấp phản đối những cơ cấu tổ chức, đi tới chỗ chỉ trích gay gắt và bi quan, như nói: “Giáo hội đi theo quỷ”.

Không, Giáo hội sẽ tiến theo đường lối của mình băng qua một thế giới và một thời đại đầy khó khăn, như cành cây nho bò leo xoắn xít để đeo bám những đường quanh co của lâu đài và phát sinh ra những đường nét trang trí cho ngôi nhà khô khan bằng những mầu sắc xanh tươi sống động. Đức tin không bảo thủ như những chùm nho đông đặc khô cứng, nhưng sống động nhờ giá trị chiến đấu, nơi người quyết chí hiệp nhất với Đức Kitô. “Ở lại trong Thầy” không phải ẩn mình, khép kín, che thân, nhưng chính là biểu dương sức sống Người đã thông ban cho chúng ta để sinh nhiều hoa trái. Những cây nho sẽ bị ném vào lửa là những cành sợ khô không tiến lên, không leo lên …

Cây nho dẫn chúng ta đến trước chén rượu nho mà linh mục dâng lên và thánh hiến trên bàn thờ. Nó đã bằng lòng đổ nước ra khi chịu gieo xuống đất, chịu cắt tỉa, chịu gặt hái, chịu ép nén đến cùng cực để cho chúng ta có rượu lễ hôm nay. Người tín hữu chúng ta đã sẵn sàng mạo hiểm bắt tay vào việc, liều mạng tới đâu? Chúng ta xum họp quanh bàn thờ để uống với tâm tình ích kỷ hay đón nhận nhựa sống làm cho mình và mọi người lớn lên trong nước trời không?

L.P

SUY NIỆM 3: Hệ quả của sự cắt tỉa

Xem thêm ps5 cn B

Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mần non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.

Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt: ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo: thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chua Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài. Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chua Giêsu được diễn ta trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần túy của con người, mà chính là lòng thủy chung của Con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mới mang lại những trái trăng xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa: cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn ngành thừa thãi của ích kỷ.

Giáo Hội – Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo Hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo Hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo Hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo Hội: sức sống của Giáo Hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu giương bên ngoài, hoa trái của Giáo Hội có khi không phải là một chút dễ dãi đạt được do một sự thỏa hiệp nào đó. Giáo Hội chỉ có thể mang lại hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tư do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt: đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo Hội trổ sinh hoa trái dồi dào.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào Giáo Hội và cuộc sống đức tin của chúng ta với một cái nhìn bình thản và tin tưởng. Mỗi kitô hữu là một ngành nho gắn liền với cây nho là chính Chua Giêsu. Để được gắn liền với Ngài và trổ sinh hoa trái chúng ta không thể không chịu cắt tỉa khỏi những gì nghịch với Tin mừng và cốt lõi của Tin mừng là tình yêu. Sự cắt tỉa nào cũng làm chúng ta đau đớn, mất mát nào cũng làm chúng ta tiếc xót, nhưng vì đã được sống theo Tin mừng, chúng ta hãy xem như một lợi lộc cao quí nhất khi bị cắt tỉa và mất mát. Hoa trái phát sinh từ những cắt tỉa và mất mát ấy sẽ mãi  mãi tồn tại. Vả lại ngay trong cuộc sống này, giá trị của con người không được đo lường bằng những gì nó thu tích, mà bằng chính những gì nó hy sinh và cho đi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI (Ga, 15,1-8)

Khi nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần sùi, èo ọt…

Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và cành nho.

Cây nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giêsu. Cây nho còn là biểu trưng của chính dân Iraenl. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội của dân với Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho, chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo, gian dối, bất công…, để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5: Thầy là cây nho

Suy niệm :

Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.

Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.

Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.

Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.

“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).

Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.

Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.

Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),

người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).

Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.

Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).

“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.

Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,

vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).

Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.

Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.

Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.

Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.

Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.

Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.

Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).

Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.

Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.

Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.

Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,

mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.

Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.

Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.

Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.

Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.

Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).

Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.

Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.

Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa

qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.

Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.

“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).

Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.

Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.

Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.

Cầu nguyện :

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần có Chúa hiện diện

để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con yếu đuối,

con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,

con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,

cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh

để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,

chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con

vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa

và không đòi phần thưởng nào khác

ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen. (Cha Piô)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thứ năm tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người.

Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

SUY NIỆM 1: Niềm vui được trọn vẹn

Chúng ta tiếp tục những tâm sự của Chúa Giêsu trao gửi cho chúng ta sau khi đã cùng nhau suy nghĩ về hình ảnh cây nho và cành nho mà Ngài đã dùng để kêu gọi chúng ta gắn bó với Ngài nơi Tin Mừng hôm qua. Hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta noi gương Ngài như Ngài đã giữ luật truyền của Chúa Cha và ở lại trong Chúa Cha, thì chúng ta cũng hãy giữ luật truyền của Ngài để được ở trong Ngài. Chính vì được ở trong nhau như thế đã làm nên niềm vui và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn vì tất cả chúng ta đều có Thiên Chúa ở với mình. Thiên Chúa có niềm vui hoàn hảo, niềm vui viên mãn, niềm vui tràn đầy cho tất cả những ai yêu mến và ở trong Ngài.

Những lời của Chúa Giêsu mời gọi các đồ đệ hãy suy nghĩ nghiêm chỉnh về thái độ sống của mình. Mỗi đồ đệ Chúa đã được chọn, được huấn luyện sống tình thương theo mẫu gương của Chúa. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, lời Chúa luôn mời gọi, khuyến khích, và ân sủng không thiếu cho những ai cầu xin để được nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin thương giúp mỗi người chúng con chừa bỏ khuyết điểm của mình. Xin cho chúng con mỗi ngày một sống tình yêu thương của Chúa nhiều hơn. Xin thương ban cho toàn thể Giáo Hội Chúa ơn hiệp nhất và bình an.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Yêu mến và vâng phục

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thế chiến thứ II chấm dứt, Đức Gioan Phaolô đã mạnh mẽ kết án các ý thức hệ độc tài và kêu gọi thế giới rút ra bài học từ cuộc chiến dã man ấy. Ngài mời gọi mọi người hướng nhìn về bao nhiêu trại tập trung trên thế giới, đó là biểu trưng của những hậu quả tàn khốc do các ý thức hệ độc tài.

Nhân loại có lẽ vẫn chưa học được bài học từ thế chiến thứ hai. Ngày nay nhiều cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn xâu xé nhiều miền trên thế giới. Đức thánh cha đặc biệt kêu gọi giới trẻ hãy từ bỏ những ý thức hệ bạo động, những hình thức chủ nghĩa quốc gia quá khích và những hình thức bất khoan dung, vì đó là con đường dẫn đến chiến tranh. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tựu trung là một lời kêu gọi học sống yêu thương.

Tin mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con, Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chua Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Xét cho cùng, một tình yêu đích thực đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung. Khi không chấp nhận để người khác có một suy nghĩ khác với mình, một niềm tin và một cách sống khác với mình, người ta sẽ tìm cách hạn chế tự do hoặc loại trừ người khác.

Hãy thay đổi tâm lòng, hãy mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, đó là điều  mà chúng ta phải cầu xin trong cuộc sống mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Vui lên: Thiên Chúa yêu anh em

Những lời của Đức Giêsu là một mặc khải đem lại vui mừng cho chúng ta: “Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được đầy tràn”. Thường thường mặc khải cho thấy chúng ta là bạn của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, không phải để mang hạnh phúc đến cho chúng ta. Tin mừng chỉ trao cho ta một tấm vé nhỏ in câu: “Cười đi Chúa yêu bạn đấy”, rồi lại để cho chúng ta rơi vào buồn chán, buồn tủi.

Thế là khiến ta mỉm cười … một nụ cười chế diễu, ngây ngô, vô hạn. Tình yêu Thiên Chúa đem lại cho chúng ta có vẻ vô ích, hư thực, dường như tình yêu trong tiểu thuyết nực mùi nước hoa hồng.

Chúng ta bị cản trở khi tìm hiểu thực chất của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không thấu triệt được, không kết hợp được với tình yêu Thiên Chúa, dù có cố gắng tìm tòi với bao mồ hôi, với những lý sự vụn vặt và công sức mạo hiểm. Cho dù có những ông bác học, ông Mỹ, ông Pháp tài giỏi đến đâu muốn giúp chúng ta hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, thì tình yêu đó vẫn quá xa ta, vẫn vô nghĩa và chẳng giúp được gì.

Tình yêu của Thiên Chúa được thấu hiểu tường tận, tình yêu mà Chúa Cha ban cho ta, sẽ trở nên nguồn vui vô tận. Bởi vì đây là tình yêu bác ái giúp chúng ta đi tới kết hợp với Thiên Chúa trong sự toàn thiện bản tính loài người chúng ta, dẫn chúng ta đến kết quả mỹ mãn, làm chúng ta hoàn hảo trọn vẹn.

Nếu chúng ta hiểu được mặc khải mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta nên bạn hữu của Ngài, tham dự vào gia nghiệp của Ngài, chúng ta sẽ càng hy vọng trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, lúc đó chúng ta sẽ trung thành hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Tới lúc đó, những khô khan và nghi ngờ sẽ chấm dứt và chúng ta sẽ vui mừng xưng hô lên rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu này trở thành sinh lực dồi dào và gắn bó chặt chẽ Thiên Chúa với chúng ta. Lúc đó niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.

C.G

SUY NIỆM 4: NẾU… THÌ SẼ…! (Ga, 15, 9-11)

Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi hành.

Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng: lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình… Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là hành động.

Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có, quyền lực và thực dụng… đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế, người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót… Lời trăn trối của Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?

Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu, mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!

Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5: Niềm vui trọn vẹn

Kitô giáo gắn liền với thánh giá.

Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá.

Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh,

mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu,

từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang.

Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát,

nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn.

Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.

Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình:

“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,

để niềm vui của Thầy ở trong anh em,

và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11).

Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn.

“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian

để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13).

Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy:

“Cứ xin đi, anh em sẽ được,

để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).

Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ.

Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.

Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình,

và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này,

bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ.

Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến,

“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).

Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn,

vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy.

Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy,

Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b).

Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy,

để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a).

Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha,

nên ai giữ lệnh Thầy truyền

cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.

Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn.

Và con người tưởng mình có thể tìm được

bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình.

Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ.

Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu!

Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!

Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.

Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc

ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ sáu tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 12-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.

Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con.

Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”.

SUY NIỆM 1: Yêu thương và phục vụ.

Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.

Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.

Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.

Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Hãy sống yêu thương

Cách đây không lâu, Soko Asara, thủ lãnh giáo phái “Chân lý tối thượng” đã bị bắt giữ vì can tội chủ mưu phóng hơi ngạt giết hại 11 người và làm bị thương trên 5.000 người trong một hệ thống đường ngầm tại Tokyo, Nhật Bản. Vị thủ lãnh giáo phái này thường xuất hiện trong một chiếc xe mầu trắng sang trọng. Mười ngàn tín hữu tại Nhật Bản và một số nước khác đã sụp lạy khi ông đi qua, họ uống cả nước tắm gội của ông. Tại một trung tâm của giáo phái nằm dưới chân núi Phú Sĩ vốn là biểu trưng của thanh bình, cảnh sát đã khám phá cả một kho vũ khí hóa học có khả năng sát hại hàng chục triệu người. Đó là sự thật mà cảnh sát Nhật đã nắm bắt được từ giáo phái vốn tự xưng là “Chân lý tối thượng”. Tựu trung, sát hại là khẩu hiệu hàng đầu do vị thủ lãnh giáo phái này truyền đi và được các tín đồ của ông răm rắp tuân theo.

Con người vốn khao khát đi tìm chân lý: nơi nào có người dấy lên tự xưng được giác ngộ và tìm thấy chân lý, nơi đó có những tín đồ chạy theo. Trong lịch sử nhân loại đã có biết bao người tự xưng là bậc thày như thế. Đã có những bậc thày xoa dịu được nỗi khổ đau của nhân loại, nhưng cũng không thiếu những bậc thầy mà sự xuất hiện chỉ là cơn ác mộng cho nhiều người.

Chúa Giêsu cũng xuất hiện như một bậc thày. Ngài cũng quy tụ một số môn đệ. Thế nhưng trong lịch sử nhân loại chưa từng có một bậc thày nào đã có cuộc sống và cung cách hành xử như Ngài, cũng như chưa từng có một bậc thày nào đã tự xưng mình là chân lý như Ngài; chân lý ấy được mạc khải qua cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài chính là tình yêu.

Tin mừng hôm nay cũng như bao trang Tin mừng khác bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc thày này. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con”. Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật đã yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả nhất của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.

Cái chết của Chua Giêsu trên Thập giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.

Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng”. Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên CHúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.

Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.

SUY NIỆM 3: “YÊU NHƯ THẦY” (Ga15, 12-17)

Yêu và muốn được yêu chính là nhu cầu của con người. Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật. Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.

Thấy được tầm quan trọng của tình yêu giữa người với người, và cũng thấy được sự cao quý của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hơn thế nữa, cần phải làm cho bản chất của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của người môn đệ, nên Đức Giêsu đã truyền và dạy cho các ông bài học yêu thương khi nói: “Anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn cho những ai tin và tiếp bước thì cũng được hòa vào và đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để được hạnh phúc. Đồng thời cũng cần sống và diễn tả tình yêu ấy cho người khác.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như một người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.

Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa, chúng con hiểu cả! Nhưng sống điều mình hiểu thật là không dễ chút nào! Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa, để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin, lòng mến và sự phó thác. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 4: Yêu thương nhau như Thầy

Suy niệm :

Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.

Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo.

Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền.

Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:

“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).

Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.

Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo.

Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,

khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ:

“Không ai có tình yêu lớn hơn

tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13).

Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.

Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng.

Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó.

Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó.

“Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.

Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).

Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu,

và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.

Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,

qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau.

Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp.

Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,

mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14).

Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.

Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm,

và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15).

Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở.

Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ.

Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau.

Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau.

Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực,

các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14).

Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau.

Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.

Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.

Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác,

như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…

Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói.

Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).

Cầu nguyện :

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thứ bảy tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con.

Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ.

Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy”.

SUY NIỆM 1: Chấp nhận lội ngược dòng.

Với cuộc thăm viếng các nước Hy Lạp, Siri và Malta (từ ngày 4 đến 5/05/2001), Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn đi lại cuộc hành trình của thánh Phaolô tông đồ. Ðặc biệt tại Siri, Ðức Thánh Cha đã sống lại một trong những cảnh sống động nhất trong lịch sử Giáo Hội là cuộc trở lại của thánh Phaolô.

Sách Tông Ðồ Công Vụ thuật lại rằng: “Lúc ấy, Saolô vẫn còn hằm hằm giết các môn đệ của Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco để, nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. Vậy, đang khi ông đi đường đến gần Damasco, thì bỗng nhiên có một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại ta?” Ông hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại”. Kinh nghiệm này cho thánh Phaolô xác tín lại chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu Kitô bị bách hại. “Nếu thế gian có ghét các con, thì hãy biết ra họ đã ghét Thầy trước”. Nếu Chúa Giêsu là đối tượng của những chống đối, loại trừ, và cuối cùng là thập giá, thì bị bách hại là phần số tất yếu của các tín hữu Kitô. Những hình thức và cường độ bách hại có khác nhau qua những thời đại và xã hội, nhưng lý do bị bách hại vẫn không thay đổi. Chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu bị bách hại. Nơi họ, mầu nhiệm bách hại của Chúa Kitô vẫn tiếp tục tái diễn. Nếu các thủ lãnh Do Thái Giáo nhân danh đạo giáo và cấu kết quyền lực của đế quốc để loại trừ Chúa Giêsu, thì qua các thời đại và ở bất cứ nơi đâu Giáo Hội có mặt, bản án dành cho Giáo Hội vẫn luôn mang tính tôn giáo. Hoàng đế Nêron của đế quốc Lamã đã ra lệnh tàn sát các tín hữu Kitô bởi vì niềm tin của họ là một đối đầu và thách thức cho thứ tôn giáo đang được áp đặt trên toàn đế quốc.

Nếu giáo huấn và cuộc sống của Chúa Giêsu là một đe dọa cho trật tự mà Do Thái Giáo đã thiết lập, thì niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng là một đe dọa không kém cho quốc giáo của đế quốc Lamã. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, người ta thấy rằng lý do của những cuộc bách hại cũng tương tự. Những vua chúa Việt Nam cũng ban hành các dấu chỉ cấm đạo và bách hại các tín hữu Kitô, là bởi vì họ xem Kitô giáo như một tà đạo, nguy hại cho đạo giáo vốn đang được thực hành trên đất nước.

Tựu trung, nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô luôn là thách đố và tra vấn cho lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo Hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác. Năm 1968, khi Ðức Phaolô VI công bố thông điệp Sự Sống Con Người, trong đó ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con ngườ thời đại, người ta đã có lý để gọi ngài là một người dám chống lại cả thế giới.

Sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy chay, bị loại trừ, bị bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một chế độ xây dựng trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung thành với Chúa Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không bị bách hại.

Xét cho cùng, sống đạo, dù trong xã hội và hoàn cảnh nào cũng đều chấp nhận lội ngược dòng. Và lội ngược dòng có nghĩa là sẵn sàng mất tất cả, ngay cả mạng sống của mình để không đánh mất chính bản thân.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Thuộc về đâu.

Tin mừng Đức Giêsu Kitô gây ra nhiều chia rẽ, nhiều xâu xé. Người đã loan báo sự chia rẽ trong cùng một gia đình như anh sẽ nộp em vì danh Ngài. Nhưng sự xâu xé sâu xa nhất ở trong nội tâm mỗi người chúng ta khi chúng ta cảm xúc trước lời Ngài. Lời Ngài gây ra sự chia rẽ giữa những thành phần yêu đương nhất trong gia đình, nghề nghiệp, xã hội, đức tin, chúng ta thử cố gắng giải quyết để duy trì quân bình giữa các thành phần này.

Nhưng có lúc dù cố gắng giải mã thế nào, chúng ta vẫn có thể phản bội đối với phe này hoặc phe kia. Lời Chúa tuyên bố hôm nay cảnh giác chúng ta và mời gọi chúng ta biết phán đoán sáng suốt về tương quan của chúng ta với thế gian.

Một điều làm tôi càng ngày càng bức xúc là: Làm thế nào những Kitô hữu không khó chịu về mình không còn là Kitô hữu nữa? Sao những người Kitô hữu không biết hàn gắn sự đổ vỡ trong xã hội.

Có thể do hoàn cảnh của chúng ta quá lệ thuộc vào thế gian hơn vào Đức Giêsu Kitô, quá chú ý theo lối suy nghĩ của xã hội hơn những chân lý của lời Chúa.

Chúng ta là hạng người bị quay theo chiều gió, trôi theo giòng nước. Chúng ta để bao nhiêu giờ đi tìm kiếm những lệ thuộc và những cổ động ủng hộ của những người khác. Đây có lẽ có một cơn khủng hoảng tôn giáo tận gốc mà Giáo hội phải vượt qua do những tín hữu chủ trương lối sống vô thưởng vô phạt. Ai cũng biết rằng chính lẽ ra Kitô hữu mỗi ngày phải nên mới: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”.

Chúng ta cần cân nhắc những giá trị này: Nếu tôi thuộc về thế gian, tôi được thế gian yêu thích, tôi sẽ không là kiểu người ngoại lệ. Trái lại, nếu tôi thuộc về Đức Kitô, thì ngay lập tức, lời Đức Kitô sẽ áp dụng cho tôi: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”, vì anh em đảo ngược những tư tưởng và lối sống thế gian của họ.

C.G

SUY NIỆM 3: Thế gian thù ghét

Tác giả Tacitus của Đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất, trong tập sử ký của ông có ghi lại cuộc bách hại đầu tiên mà Giáo Hội phải trải qua như sau: “Rôma năm 64, Hoàng đế Néron, để dẹp bỏ tiếng đồn tố cáo ông là người đã nổi lửa đốt thành Rôma, đã ra lệnh lùng bắt những người mà dân chúng gọi là Kitô hữu. Một đám đông vô kể bị bắt giữ vì bị tố cáo không những đã gây ra cuộc hỏa hoạn, mà lại còn thù nghịch với các thần minh và nhân loại. Tất cả đã bị đem ra chế diễu và bị hành hạ cho đến chết: một số bị gói trong những mảnh da thú và quăng cho chó cắn xé; một số khác bị thiêu sống, như thế khi màn đêm vừa buông xuống, người ta dùng họ như những bó đuốc để soi sáng ban đêm; nhiều người khác bị đóng đinh cách dã man. Cảnh tượng ấy diễn ra trong các vườn thượng uyển cuả Néron cũng như tại Hí trường, nó dã man đến nỗi đã làm cho dân chúng xúc động và thêm bất mãn.

Trên đây là trang sử đầu tiên trong lịch sử các cuộc bách hại Giáo Hội đã trải qua từ 2.000 năm nay. Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có bách hại. Thánh Gioan khi ghi lại đoạn Tin mừng hôm nay cũng nhìn thấy trước mắt cảnh tàn sát dã man mà các tín hữu tiên khởi đã trải qua dưới thời Néron. Cũng như các tín hữu tiên khởi, chúng ta được Giáo Hội cho lắng nghe chính những lời loan báo của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bị bách hại cho đến chết, do đó tất cả những ai làm môn đệ Ngài cũng không thể không đi con đường ấy. Đó là một tất yếu: dù sống trong hoàn cảnh hay xã hội nào, bị thế gian thù ghét là phần số của người Kitô hữu. Điều đó không nên làm cho người Kitô hữu phải ngạc nhiên, bởi vì cuộc sống của họ là một cuộc sống đi ngược dòng. Bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với thân phận làm kitô hữu; cái bất thường trong thân phận Kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, chạy theo dòng thác của thế tục.

Một sử gia khác của Đế quốc Rôma vào thế kỷ 1 là Plinus cũng phải ngạc nhiên không hiểu tại sao các Kitô hữu phải bị ghen ghét và bách hại. Trong một lá thư thỉnh ý trình lên Hoàng đế Trajanus, với tư cách là toàn quyền Bithinia, ông đã viết: “Tâu bệ hạ, thần thấy có nhiệm vụ phải thỉnh ý bệ hạ, bởi vì vấn đề của các người Kitô hữu đang lan rộng, thần phải xử trí thế nào. Cho đến nay thần tưởng đã làm đúng khi tha bổng những người đã chối bỏ mình là Kitô hữu, nếu sau khi được xét xử, họ cầu khẩn với các thần mình, dâng hương và rượu trước ảnh của bệ hạ mà thần cho đặt vào giữa các thần minh, và nhất là phỉ báng ông Kitô. Không thể cưỡng bách những người Kitô hữu đích thực làm một điều như thế. Qua  những cuộc tra hỏi, sai lầm duy nhất của các Kitô hữu là tụ họp lại trong một ngày nào đó khi mặt trời vừa lên để ca hát chúc tụng ông Kitô như một Thiên Chúa. Trong những cuộc tụ họp như thế dường như họ thề quyết không làm điều ác, mà trái lại trở thành những công dân tốt, thanh liêm và đáng trọng nể”.

Quả là “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Chứng từ trên đây của Plinus cho thấy cho dẫu có quyết tâm sống như những công dân tốt, các Kitô hữu vẫn bị nghi ngờ và bị bách hại. Tình trạng này dường như xảy ra trong bất cứ thời đại  và xã hội nào. Lý do duy nhất để các Kitô hữu hiểu được tại sao họ bị bách hại chính là lời của Chúa Giêsu: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước”. Đó là chìa khóa để chúng ta hiểu được vị thế của Giáo Hội trong thế gian, một thế gian được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Con Một Ngài, nhưng cũng là một thế gian đang bị sức mạnh của tăm tối lôi kéo. Sứ mệnh của Giaó Hội và của mỗi kitô hữu là chống lại sức mạnh tăm tối ấy và do đó bị ghen ghét, bách hại là điều không thể tránh khỏi.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô của chúng ta. Mang danh hiệu Kitô là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Thập giá của Chúa Kitô, nhưng chúng ta tin chắc rằng nhờ tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và Thập giá ấy mà chúng ta góp phần vào việc cứu rỗi và canh tân thế giới. Khổ đau mà các Kitô hữu đang phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu là hạt giống trổ sinh những hoa trái của niềm tin.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: XIN CHO ĐƯỢC XỨNG ĐÁNG (Ga 15,18-21)

Người Công Giáo mọi thời, mọi nơi luôn gặp phải những thử thách, bắt bớ. Thực trạng này càng rõ rệt hơn nữa trong những năm gần đây: nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt, giết chết cách tàn nhẫn ác ôn…!

Tại sao vậy? Thưa, chỉ vì người Kitô hữu mãi mãi là khách lạ trên cuộc đời này khi không chịu khuất phục những điều gian dối, bất nhân trái với luân lý và giá trị Tin Mừng… Vì thế, việc bắt bớ, loại trừ là điều mà những kẻ chống đối Giáo Hội luôn nhắm tới chúng ta.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng cảnh báo cho các môn đệ biết trước những đau khổ mà các ông sẽ phải chịu vì danh Ngài. Đồng thời, Ngài cũng đưa ra một quy luật: “Tôi tớ không trọng hơn chủ được”; “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”; “Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng bắt bớ anh em”.

Tuy nhiên, mỗi người chúng ta khi đứng trước thử thách, đau khổ, bách hại… cần phải có thái độ:

Thứ nhất: Thiên Chúa luôn thanh luyện con người bằng thử thách để xứng với vinh quang mà Ngài sẽ ban cho sau những khổ đau ấy. Bởi vì: nếu ta cùng lao khổ với Người thì cũng được  vinh hiển với Người (x. Rm 8,17). Những bất hạnh, mất mát và thiệt thòi ở đời này không đáng là gì so với vinh quang sẽ tỏ hiện mai sau (x. Rm 8,18).

Thứ hai: chỉ những ai bền đỗ đến cùng trong thử thách mới được cứu độ (x. Mt 10,22). Triều thiên sự sống chỉ có thể trao ban ở cuối đường cho những ai trung thành (x. Kh 2,10).

Thứ ba: cần có thái độ như thánh Phaolô: mọi sự đều mưu ích cho con cái Chúa (x. Rm 8,28) và Ngài không thử thách quá sức chịu đựng của con người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô hữu của mình. Khi mang danh hiệu này, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Ngài và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế: những trái khuấy dồn dập tư bề; những đau khổ về tinh thần lẫn thể xác như: bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái chết… chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ, lúc đó, chúng ta được trở nên giống Đức Giêsu hơn bao giờ hết và thật vinh hạnh vì được thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.

Lạy Chúa Giêsu, vì danh Chúa, nhiều khi chúng con bị khổ cực đắng cay. Xin Chúa ban sức mạnh, để chúng con trung thành vác thập giá hằng ngày cho nên. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5: Thế gian ghét anh em

Suy niệm:

Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,

chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.

Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.

Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,

và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu

về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.

Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,

vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).

Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.

Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống

cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).

Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).

Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.

Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.

Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.

Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,

và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.

Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.

Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.

“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).

“Nếu thế gian ghét anh em,

hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).

Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,

và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.

Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,

lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).

Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),

mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).

Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:

vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,

vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,

đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.

Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,

có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.

Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.

Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,

nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.