Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1

0
19

Thánh lễ vừa mang ý nghĩa thần học vô cùng sâu xa, vừa là việc thờ phượng Thiên Chúa mà đa số các tín hữu thường xuyên cử hành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải mọi tín hữu đều hiểu ý nghĩa sâu xa của Thánh lễ. Vì thế, chúng tôi sẽ tuần tự giải thích ý nghĩa Thánh lễ dưới hình thức trả lời các câu hỏi liên quan tới bí tích cực trọng này. Nội dung các câu trả lời tập trung ở khía cạnh mục vụ, tuy nhiên, khi thấy cần thiết, chúng tôi cũng sẽ nhắc tới khía cạnh lịch sử và thần học.

1. Thánh lễ có mấy phần?

Thánh lễ có hai phần chính: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Đây là hai bàn tiệc, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa dọn ra cho dân của Ngài. Cùng với hai phần chính, Thánh lễ còn có hai phần phụ: các nghi thức mở đầu và các nghi thức kết thúc.

PHẦN I: CÁC NGHI THỨC MỞ ĐẦU

2. Ca nhập lễ ra đời khi nào?

Ca nhập lễ ra đời vào thế kỷ V. Đức Giáo Hoàng Celestinô I (422-432) thiết lập, phải hát 150 Thánh vịnh của vua Đa-vít trước Thánh Lễ, theo cách mọi người hiện diện cùng đối đáp (Antiphona). Đây là điều từ trước tới giờ chưa có, vì người ta chỉ đọc các thư của thánh Phaolô và Tin Mừng mà thôi.

3. Trong lịch sử, ca nhập lễ được hát như thế nào?

Trong lịch sử, ca nhập lễ được soạn thảo theo lối hát luân phiên, đối đáp, nghĩa là chia làm hai bè, do hai phần của ca đoàn, hay ca đoàn và dân chúng. Nó thường gồm một tiền xướng và một thánh vịnh. Tiền xướng được lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc sau mỗi triệt của thánh vịnh. Khi chủ tế tới bàn thờ thì người ta kết thúc bằng câu “Sáng danh Đức Chúa Cha …” rồi lại lặp lại tiền xướng (hình thức đáp ca đang sử dụng ngày nay).

Còn tiếp

Lm. Giuse Đào Hữu Thọ

NGUỒN: Web Tổng Giáo Phận Hà Nội