Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 12.09 đến ngày 17.09.2022

0
31

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 12.09 đến ngày 17.09.2022

12.09.2022

THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 7,1-10

Lời Chúa:

“Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” (Lc 7,9)

Câu chuyện minh họa:

         Một người, một đêm nọ, nằm chiêm bao thấy mình phải vác một cây Thập Giá rất dài và nặng, trên đường đi về với Chúa. Vì thấy cây Thập Giá quá dài như thế, nên người này đã cưa bớt đi cho đỡ dài và đỡ nặng.

Khi gần tới đích rồi, người này gặp một vực sâu. Cách duy nhất để có thể vượt qua vực sâu này, đó là dùng cây Thập Giá làm cây cầu. Nhưng vì đã lỡ cưa ngắn cây Thập Giá đi rồi, nên người này đã không thể nào qua vực sâu kia được. Lo sợ về tình trạng trên đây quá, đến nỗi đổ mồ hôi hột, vì thế người này đã tỉnh giấc chiêm bao.

Suy niệm:

Trong cuộc sống có rất nhiều khoảng cách: tuổi tác, học thức, giàu nghèo, văn hóa, niềm tin… nhưng chúng ta chỉ vượt qua những khoảng cách đó bằng thập giá, Thập Giá của Đức Kitô chịu Đóng Đinh. Khoảng cách trong Tin mừng hôm nay nhắc đến là khoảng cách giai cấp: chủ-tớ, khỏe mạnh-đau yếu, địa lý. Và niềm tin đã nối kết những khoảng cách đó. Chính niềm tin đã phá vỡ hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, giữa người với người, và giữa những hoàn cảnh với nhau. Đức tin mà chúng ta đề cập đến không chỉ trên môi miệng nhưng nó được thể hiện ra bằng hành động, bởi “đức tin không việc làm là đức tin chết”.

Mỗi người chúng ta cần duyệt xét lại chính mình xem những hố sâu nào đang ngăn cách tôi?

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con, để nơi con được dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách, và đến với Chúa, với anh chị em con mỗi ngày một gần hơn.

13.09.2022

THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, TSHT

Lc 7,11-17

Lời Chúa:

“Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa”. (Lc 7,16)

Câu chuyện minh họa:

Một gia đình nọ có một người con trai vừa học xong Trung học đã bị thiệt mạng vì tai nạn xe. Sau khi chôn cất người con, bà mẹ đã gửi cho một tờ báo địa phương một lá thư với những lời lẽ như sau: “Hôm nay chúng tôi đã mất đi người con trai 20 tuổi, nó đã thiệt mạng ngay trong một tai nạn xe gắn máy tối thứ sáu vừa qua. Phải chi tôi biết được điều đó xẩy ra, tôi đã nói chuyện với nó lần cuối; phải chi tôi biết trước điều đó, tôi đã dành thời giờ ôn lại biết bao điều tốt đẹp nó đã mang lại cho những ai yêu thương nó. Khi tôi đưa lên bàn cân những đức tính tốt và những khuyết điểm của nó, tôi thấy những khuyết điểm của nó chẳng là bao. Tôi không còn dịp để nói với con tôi những gì tôi muốn nó nghe nữa. Nhưng hỡi các bậc phụ huynh, quí vị còn có cơ may, quí vị hãy nói với con cái những gì quí vị muốn chúng nghe, nếu quí vị biết rằng đó là lần nói chuyện cuối cùng. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với con tôi chính là ngày nó chết. Nó gọi điện thoại cho tôi và nói: “Má, con gọi điện để nói với má rằng con thương má, thôi má đi làm, chào má”. Nó đã cho tôi một điều mà tôi phải trân trọng mãi mãi. Nếu cái chết của con tôi có một mục đích nào đó, thì đó có lẽ là để làm cho người khác trân trọng cuộc sống hơn, và để nói với người khác, cách riêng với các gia đình hãy dành thời giờ để nói với nhau rằng chúng ta quan tâm đến nhau. Có thể quí vị sẽ không có một dịp may nữa, hãy làm ngay ngày hôm nay đi. Người mẹ viết lá thư trên đây không có được cơ may của người mẹ thành Naim trong Tin mừng hôm nay. Thật ra vào thời Chúa Giêsu, không phải tất cả những người mẹ mất con đều được cơ may ấy.

Suy niệm:

Việc Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại mang đến cho chúng ta nhiều ý nghĩa: dù việc hồi sinh ấy rồi cũng sẽ chết, Ngài chứng tỏ quyền năng của Ngài và nhất là báo trước sự phục sinh của Ngài. Tin tưởng vào sự phục sinh của Chúa, giúp chúng ta tuân phục thánh ý Chúa và nhất là biết chỗi dậy sau những khi vấp ngã. Qua việc làm của Chúa, nêu gương cho mỗi người chúng ta biết quan tâm nhau để nhận ra những đau khổ của nhau và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Sự im lặng của bà góa thành Naim, gợi lên cho chúng ta dù bất lực nhưng bà vẫn hoàn toàn phó thác vào Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết giúp nhau gánh những gánh nặng cho nhau để chúng con cùng nhau đến với Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

14.09.2022

THỨ TƯ TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Suy tôn Thánh Giá

Ga 3,13-17

Lời Chúa:

“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. (Ga 3,14)

Câu chuyện minh họa:

Huyền thoại của một nước vùng Ấn Độ có câu chuyện này: Thời xưa, đất nước còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa. Thỏ Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không từ chối bao giờ. Một hôm có một cụ già lom khom chống gậy đi tới và nói:

– Già đói lắm, suốt mùa nước lũ già không có gì ăn. Chắc già sắp chết rồi, giờ đây già chỉ thèm một miếng thịt thỏ, Pôlixa có cho già được không?

Thỏ Pôlixa nhìn ông già hom hem yếu đuối, tội nghiệp quá. Thỏ Pôlixa bảo ông:

– Được rồi, ông chờ một lát.

Pôlixa đi kiếm củi xếp thành đống rồi nổi lửa, và nói:

– Ông chờ thịt cháu chín, ông lấy mà ăn.

Rồi thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông già biến mất. Thì ra đó là một vị thần được Thượng đế cho phép tới thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.

Suy niệm:

Chúa Giêsu quá yêu thế gian, nên đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta; hơn thế nữa, Ngài còn dùng chính cái chết để mang lại sự sống cho thế gian. Ngài đã tha thứ muôn vàn tội lỗi và tái sinh chúng ta để chúng ta được sống với Người. Khi xưa dân Do Thái đã không trung thành với Chúa, đúc bò vàng thờ lạy, nên Chúa đã cho rắn độc cắn để cảnh cáo họ. Thế nhưng, với tình yêu thương, Người đã cho ông Môsê làm con rắn đồng để ai nhìn lên nó sẽ được cứu. Đó cũng là dấu chỉ sau này Người sẽ phải chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta cần ăn năn sám hối về tội lỗi của mình, và cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, để được sống với Chúa trong ngày sau hết.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên thập giá Chúa, để chiêm ngắm tình yêu mà Chúa đã trao ban cho nhân loại và cho chính bản thân con, để nhờ đó con biết cải thiện đời sống, hoàn thiện con người hơn để xứng đáng với tình Chúa yêu thương. Amen.

15.09.2022

THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Đức Mẹ Sầu Bi

Ga 19,25-27

Lời Chúa:

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…”. (Ga 19,25)

Câu chuyện minh họa:

         Trong cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi sang phía đông. Napoléon Bonaparte e dè lưỡng lự trong quyết định tấn công một đồn quân Phổ nắm phía bên kia một con sông rộng, chỉ vì ông không biết tình hình đối phương ra thế nào.

Đêm đó ông gọi một thiếu úy trẻ và hỏi anh có sẵn sàng giúp ông bằng cách sang sông dò thám tình hình để ông dễ dàng quyết định trận chiến không? Vị thiếu úy trẻ tuổi hăng hái trả lời sẵn sàng, và nhờ tài tháo vát ngay nửa đêm hôm đó anh đã ở ngay trong lòng địch quan sát tình hình và tinh thần của họ.

Đến 3 giờ sáng nhiệm vụ đã xong, anh đã trên đường về. Nhưng chẳng may cho anh, khi anh đến được giữa dòng sông, đối phương đã phát giác và nã súng như mưa vào anh. Anh bị thương nặng và máu ra nhiều, đuối sức, chỉ còn muốn xuôi tay cho dòng nước cuốn đi.

Nhưng chợt một ánh đèn trên đồn canh của quân nhà rọi xuống dòng sông. Anh biết Napoléon đang sốt ruột chờ anh, đang lo lắng cho số phận của anh và đang ước mong biết được những lợi thế anh đã thu thập được.

Lập tức dường như ánh đèn đó truyền một sức sống mới vào con người của anh. Anh không buông tay phó mặc cho dòng nước nữa, mà nhìn lên ánh đèn cố gắng hết sức để lội vào bờ.

Anh đã đến nơi, và nhờ những lời báo cáo của anh, ngay sau đó Napoléon tấn công và quân Pháp đã thắng trận đó.

Suy niệm:

Trước những khó khăn của cuộc đời, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta, vì Mẹ đã cảm nhận được niềm đau khổ tột cùng. Mẹ đau khổ khi nhìn thấy Con Yêu bị hành hạ, bị giết, và chết trên Thập Giá… Mẹ đã ở bên cạnh Chúa trong lúc đau khổ. Chúa cũng muốn Mẹ cảm nhận niềm đau ấy khi Ngài chết lặng trên thập giá. Mẹ như Vị thượng tế dâng của lễ lên Chúa Cha. Trên Thập Giá Con của Mẹ đã chết trong thân xác, nhưng Mẹ đứng dưới chân thập giá cũng chết lịm trong tâm hồn.

Chúa Giêsu đã chấp nhận đau khổ ấy vì ơn cứu độ con người. Và Ngài cũng muốn mỗi người chúng ta biết chấp nhận đau khổ trong cuộc đời như là điều kiện để làm môn đệ Chúa. Và trong những đau khổ ấy, Ngài không muốn chúng ta buông xuôi trong thất vọng nhưng hãy đến với Mẹ Sầu Bi, Người sẽ nâng đỡ ta.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chấp nhận thập giá trong cuộc đời để con luôn can đảm đón nhận trong tin yêu và phó thác như Mẹ.

16.09.2022

THỨ SÁU TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Thánh Cornêliô, Giáo hoàng, tử đạo

và thánh Cyprianô, Gm., tử đạo

Lc 8,1-3

Lời Chúa:

“Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.” (Lc 8,1)

Câu chuyện minh họa:

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này đang hấp hối… có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.

Người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:

– “Tại sao bà lại làm như vậy?”

Mẹ Têrêxa trả lời:

– “Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”

Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.

– “Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!”

– “Tôi rất yêu mến bà”. Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.

– “Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà”.

Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời…

Suy niệm:

Mẹ Têrêsa Calcutta đã đóng một vai trò quan trọng trong Giáo hội. Đồng thời, Mẹ là nhân chứng sống động của Chúa Giêsu. Trong thời Giáo hội sơ khai, Đức Maria đã đồng hành với các môn đệ, và cùng đi với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường. Ngày nay Chúa cũng muốn có sự hiện diện của người phụ nữ trong việc loan báo Tin mừng. Qua đó, đối với Chúa dù là nam hay nữ, mỗi người đều có giá trị trước mặt Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm của mình và thực thi bản chất của Giáo hội, là loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

17.09.2022

THỨ BẢY TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 8,4-15

Lời Chúa:

“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình.” (Lc 8,5)

Câu chuyện minh họa:

Ermann Coen được mệnh danh là thánh Augustino của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giầu có. Thời trai trẻ Ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong buổi giảng mùa Vọng tại đền thờ Đức Bà ở Ba lê, ngài nói:

– “Tôi đã đi khắp cả mặt đất, tôi đã yêu thế gian, tôi đã biết thế giới và tôi đã học được môt điều: không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác, đã sa vào tìm nó nơi không có. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng nó có: ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở những nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp… Ôi lạy Chúa, điều con mơ ước mọi giờ mọi ngày con đã tìm ở đâu? Và con đã chỉ tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa.

Suy niệm:

Thiên Chúa luôn quảng đại với con người, Ngài không hề có một chút tính toán gì khi ban phát, nhưng Ngài đặt niềm hy vọng nơi con người. Ngài gieo hạt giống trên mọi mảnh đất: lề đường, sỏi đá, bụi gai, và đất tốt. Cũng vậy, Ngài gieo vào lòng mỗi con người ân sủng và tình yêu, để con người làm cho hạt giống ấy nảy mầm và sinh hoa kết trái. Hạt giống ấy chính là Lời Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần làm cho mảnh đất trở nên phì nhiêu qua việc hoán cải đời sống, lắng nghe, thực hành Lời Chúa, và đem Lời Chúa đến cho người khác.

Lạy Chúa, xin làm cho mảnh đất tâm hồn cằn cỏi của con trở nên phì nhiêu, đừng để những đam mê làm bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa, nhưng sinh nhiều hoa trái tốt lành.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho