Đêm Kinh Ngạc và Sợ Hãi – Đêm Vọng Phục Sinh năm C
Lc 24, 1-12
Đêm nay là Đêm Kinh Ngạc và Sợ Hãi. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca thuật lại tâm trạng của các bà ra viếng mộ Chúa. Khi thấy các sự lạ, các bà đi từ cảm giác “ngơ ngác” đến “sợ hãi” (Lc 24,4-5). Khi trở về nhà, các bà kể lại tất cả những gì đã diễn ra cho các môn đệ nghe. Nhưng đối với các môn đệ, chuyện của các bà cũng chỉ là “chuyện vớ vẩn” (Lc 24,11). Khi các ông ra thực địa ngôi mộ, các ông đã “ngạc nhiên”. Làm sao mà các ông các bà không kinh ngạc, không sợ hãi, không ngạc nhiên khi mà: Đức Giêsu đã chết và đã sống lại.
Người ta có thể kinh hoàng và sợ hãi trước những biến cố khủng khiếp đổ ập đến cho mình. Người ta có thể kinh hoàng và sợ hãi khi đứng trước một biến cố tưởng chừng như chẳng còn gì nhưng lại được lại tất cả.
Việc Đức Giêsu chịu đóng đanh và chết trên cây thập tự là một dấu chấm hết. Mọi lời giảng, mọi minh chứng của ngài chẳng còn giá trị gì, tất cả bị chôn vùi cùng với thân xác của ngài trong nấm mồ. Các môn đệ của Giêsu tan tác hết, các ông trở về với cuộc sống vốn có của mình. Việc các bà đem thuốc thơm ra xức xác thầy mình cho thấy trong não trạng của các bà: Giêsu đã chết.
Việc một người đã chết và rồi lại sống lại là điều không tưởng. Nó là điều phi lý và nực cười. Chính các bà là những người hoàn toàn không nghĩ đến khả thể ấy. Việc Đức Giêsu đã chết và sống lại là một điều phi lý, không thể hiểu được. Ấy thế nhưng đó lại là sự thật. Một sự thật hiển nhiên đến không thể chối cãi. Đứng trước sự thật ấy, các bà run rẩy và sợ hãi, một sự run rẩy và sợ hãi thánh thiện. Các bà đứng trước quyền năng bao la của Thiên Chúa, đứng trước tình yêu cao cả vô bờ của Thiên Chúa, đứng trước một cơn sóng thần của tình yêu đang bao trùm lên thế gian, phủ lấp mọi tội lỗi và gieo mầm hy vọng. Các bà run rẩy, sợ hãi.
Giêsu đã chết và đã sống lại. Điều ấy được các môn đệ của Giêsu lặp đi lặp lại trên môi miệng của mình. Các ông ra đi khắp nơi để loan truyền cho thiên hạ rằng: Giêsu đã chết và đã sống lại. Cho dù gặp bao khó khăn vì bị chống đối, bị phủ nhận, cho dù người ta kề gươm vào cổ cấm các ông không được nói về điều ấy. Nhưng sự thật là thế, nên dù phải chết các ông vẫn thốt lên: Giêsu đã chết và đã sống lại.
Nếu như đêm lễ Giáng Sinh được chào đón bằng ánh sáng rực rỡ cộng với lời ca vui mừng cả tuần trước, thì đêm đại lễ Phục Sinh hôm nay khác hẳn. Đêm nay đã được chuẩn bị bằng một thời gian dài của mùa chay sống trong tâm tình ăn năn sám hối. Tuần thánh là thời gian chúng ta suy niệm về cuộc tử nạn và cái chết của Đức Giêsu. Ngày thứ sáu vừa qua chúng ta chìm trong tâm tình của cuộc thương khó với lòng chay tịnh. Bước vào Thánh lễ đêm nay, chúng thinh lặng trong u tối. Tất cả như được gột bỏ dần và dẫn chúng ta đến cảm nghiệm sự trống rỗng và vô vọng của con người.
Chính trong u tối, một đốm lửa đã bùng lên. Một ngọn nến bừng cháy, ngọn nến Giêsu. Ánh sáng đã bùng lên ấy không phải là ánh sáng từ bên ngoài chiếu dọi vào thế gian. Nhưng là ánh sáng bùng lên từ trong thế gian. Ngọn lửa ấy giờ đây bùng lên trong trái tim của mỗi người: ngọn lửa Giêsu, ngọn lửa Phục Sinh, ngọn lửa tình yêu và hy vọng. Cho dù thế nào, ngọn lửa Giêsu vẫn rực cháy trong tâm hồn mỗi chúng ta, soi chiếu vào mọi nơi tăm tối của cuộc đời chúng ta, sưởi ấm cõi lòng lạnh giá của chúng ta.
Càng thấy mình tội lỗi, chúng ta càng cảm thấy bàng hoàng sợ hãy trước tình yêu bao la của Thiên Chúa. Đêm nay cả Giáo hội hô lên: Ôi tội hồng phúc! Cái tội mà nguyên tổ loài người đã vấp phạm, đã từ chối Thiên Chúa, đã không còn chấp nhận có Thiên Chúa ở trên đầu mình nữa khi quyết định ăn trái cấm để mong được bằng Thiên Chúa. Người ta tưởng rằng với cái tội tày trời ấy, với việc bị trục xuất khỏi vườn địa đàng ấy, con người không còn cách chi quay trở lại. Nhưng chính Thiên Chúa đã biến hoàn cảnh bi đát ấy thành dịp để Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài với con người. Chính trong đổ nát ấy, Thiên Chúa đã đến đồng cam cộng khổ với chúng ta, vực chúng ta dậy, đưa chúng ta trở lại sống trong tình nghĩa với Ngài. Chúng ta kinh ngạc trước tình yêu bao la của Thiên Chúa. Quả thật, ấy là tội hồng phúc. Nhờ nó mà ta cảm được nỗi lòng của Trời với ta.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Trước nhan Thiên Chúa hằng sống, chúng ta chỉ còn biết mượn lời Thánh vịnh mà ca lên:
“Việc Chúa làm cho ta, ôi thật vĩ đại
Ta thấy mình chứa chan niềm vui”.
Lm. Giuse Lê Danh Tường