ĐỜI NGƯỜI NHƯ ĐỜI HOA- Suy niệm THỨ TƯ LỄ TRO

0
44

Những ngày gần Tết, hoa tươi và cây cảnh được bày bán khắp mọi nẻo đường phố thị. Đủ mọi loại hoa kiểng, lắm màu hương sắc. Gia đình nào cũng mua hoa chưng Tết. Tôi cũng mua cây mai nhiều nụ và mấy chậu hoa hồng hoa cúc để làm đẹp phòng khách. Nâng niu, chăm sóc thật kỹ lưỡng. Mồng Ba Tết, hoa đã héo rụng đầy phòng. Phải quét rác thôi, gom cả mai cả hồng cả cúc đi đốt. Ôi Hương sắc của hoa! Hôm qua tươi đẹp, hôm nay héo tàn rụng úa. Hôm qua “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hôm nay quét bỏ như rác rưởi.

Mùa Chay khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro, nghĩ về hoa và rác như nghĩ về thân phận tro bụi của kiếp người theo lời Thánh Vịnh 102:

 Đời sống con người giống như hoa cỏ

 Như bông hoa nở trên cách đồng

 Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi

 Nơi nó mọc không còn mang vết tích.

Đời người cũng tựa đời hoa. Khi tươi nở, hoa rực rỡ khoe sắc, hoa ngào ngạt toả hương, ai cũng yêu cũng quý. Khi ủ rũ héo tàn, hương sắc của hoa rụng úa tàn tạ, chỉ mau vứt vào thùng rác. Hôm trước nâng niu, hôm sau vứt bỏ. Một đời hoa chóng tàn phai như lời sách Giảng viên:  “Phù hoa nối tiếp phù hoa, chi chi chăng nữa cũng là phù hoa” (Gv 1,2).

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Thừa tác viên đọc “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi nguyên tổ vừa phạm tội. Giáo Hội cũng lặp lại những lời ấy trong phần xức tro để nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.

Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

Trong lúc quân đội của Assyria do Tướng hùng hổ Holoferno chỉ huy tiến vào Israel, mọi người dân Giêrusalem, cả phụ nữ và trẻ em, phủ phục xuống đất trước Ðền Thánh và bỏ tro trên đầu, giang tay lên trời, khẩn cầu Thiên Chúa (Judit 4,11). Ông Gióp, sau khi tha thiết kêu cầu Thiên Chúa cứu mình trong cơn cực khổ, hoạn nạn, bị mọi người từ bỏ, trở về với Chúa với tất cả niềm tin tưởng và thề hứa: “Lạy Chúa, con xin rút lời than phiền, trách móc, con đau đớn bỏ tro bụi trên con” (Job 42, 6). Bị đe dọa tàn phá, sau khi nghe tiên tri Giona giảng, toàn dân thành Ninivê, từ Vua đến dân thường và cả loài vật nữa, bỏ tro trên đầu, mặc áo nhặm, xin ơn tha thứ và đã được Thiên Chúa thương đến (Jona 3,5).

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

Sách Giảng Viên viết rằng :”Tất cả chỉ là phù vân“. Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Văn chương Việt nam khi nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, thường dùng hình ảnh bọt bèo:  “Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” (Nguyễn Du).

Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định :

 ”Lênh đênh duyên nổi phận bèo.

 Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi” (Ca dao).

 “Bèo dạt, mây trôi đành với phận” (Chu Mạnh Trinh)

Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến ?

Cuộc đời tuy có là bèo bọt. Phận người dù phù hoa, mau chóng tàn phai trở về bụi đất. Con người bởi đất nhưng con người không bằng đất, con người có sinh khí, có hơi thở. Con người là hoạ ảnh và hình ảnh của Đấng dựng nên mình. Sự cao cả của con người là bắt nguồn từ chính Đấng là Sự Sống, Đấng Hằng Sống, con người là hình ảnh và hoạ ảnh của Đấng vô thuỷ vô chung, nên sự sống con người mang hình thái bất diệt, vượt xa các loài được tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không dựng nên con người, theo cái bên ngoài của Thiên Chúa, nhưng cho con người mang hoạ ảnh và hình ảnh của Người. Theo quan niệm của Nho Giáo, con người là sự tích tụ của tinh thần và khí chất nên con người có sự sáng suốt để hiểu các sự vật. Là hoạ ảnh và hình ảnh của Thiên Chúa, con người có một phẩm giá trổi vượt trên các loài được tạo dựng, con người một phần giống Thiên Chúa bởi quyền cai quản trên vạn vật và bởi con người có trí khôn, tự do.

Ba việc đạo đức được nhắc nhở rất nhiều trong mùa chay là: Bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Đây là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình; không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa. (x.Mt 6,1-6).

Ăn chay và kiêng thịt, chịu tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của mùa chay. Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn. Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, nói xấu, lười biếng việc đạo đức là điều phải thực hành.

Nói một cách hình tượng, thì con người của Mùa Vọng là một con người ÐI, con người hành hương, lòng tràn trề hy vọng đang tiến về cùng đích tối hậu của cuộc đời; con người của Mùa Phục Sinh là một con người ÐỨNG, tự do, chủ động và tự tín đối diện với thế giới, còn con người của Mùa Chay thì NGỒI trong thái độ chiêm nghiệm, trầm tư. (Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống).

Ngay đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”. Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy anh lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui…, anh nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng… nhưng khi chết đến, anh mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho anh? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời anh?

Có ba quan niệm sống có thể tạo ra một thái độ tiêu cực trước cuộc đời.

Một là cho rằng chết là hết, không còn gì tồn tại. Nếu quả thực mọi sự sẽ chấm dứt với cái chết, nếu số phận người tốt kẻ xấu đều sẽ như nhau sau khi chết, thì người ta sẽ có lý mà lập luận rằng: Ta hãy ăn uống, vui chơi, hãy hưởng thụ giây phút hiện tại cho thoả thích, vì chết rồi sẽ chẳng còn gì !

Hai là tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là tin rằng mọi sự đã được an bài sẵn và số phận của mỗi người đã được thần thánh định đoạt. Nếu thế thì con người chẳng cần và chẳng có thể làm gì nữa, mọi cố gắng đều vô ích.

Ba là tin vào thuyết luân hồi, cuộc sống là một vòng luân chuyển, hết kiếp này qua kiếp khác. Nếu kiếp này chưa đạt cõi phúc thì sẽ chờ kiếp sau, khi được đầu thai lại, luân hồi theo vòng nghiệp chướng. Dĩ nhiên thuyết luân hồi không đương nhiên dẫn tới tiêu cực, nhưng dù sao cũng không dành cho cuộc sống hiện tại một giá trị và tầm quan trọng quyết định đối với số phận mỗi người.

Khác với ba quan niệm trên, Kitô giáo dạy rằng : Thiên Chúa thực sự giao cho ta chịu trách nhiệm về thế giới này và về sự thành công của cuộc đời chúng ta. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Chúa Giêsu khuyên chúng ta “phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách “ Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức của Mùa Chay.

Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về : tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Tỉnh thức để đợi chủ về. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

Dụ ngôn người quản gia trung thành. Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ , sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa .Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa.Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn.Vì thế người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử.

Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường.

Biết mình đang đi về đâu, người có lòng tin không vì thế mà đương nhiên hết còn cảm nhận tính bi đát của cuộc đời “ phù vân, bèo bọt” vì họ vẫn là con người như mọi người, nhưng họ có một niềm hy vọng giúp họ giữ được thái độ lạc quan và an bình. Nhận chút tro trên đầu và hát lên lời Thánh vịnh “Lạy Chúa, xin thương xót con vì tình yêu thương và lòng nhân hậu của Chúa. Xin xóa sạch mọi tội lỗi con, để linh hồn con trở nên trắng như tuyết ” (TV 50,1).

Biết rằng mình được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Kitô, người Kitô hữu luôn có đựơc điểm tựa an toàn cho hạnh phúc đích thực.

Con người là “hoa” và cũng là “rác”, nhưng với tình yêu Chúa Kitô, con người không còn là bèo bọt, không là phù hoa mà là con người của thần khí, trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Một trong những hoa trái của Thánh Linh là đức ái.

Chủ đề của sứ điệp Mùa Chay năm 2013: “Tin vào đức ái thúc đẩy lòng bác ái“, được Đức Thánh Cha trích trong Thư thứ nhất của Thánh Gioan (4,16): “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó“. Trong khuôn khổ của Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha dành sứ điệp Mùa Chay cho mối tương quan giữa đức tin và đức ái. Ngài viết: “Tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người làm việc bác ái, cần có đức tin, là sự gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa trong Đức Kitô và cảm nghiệm được tình yêu của Người… Kitô hữu là những người đã được tình yêu Thiên Chúa chinh phục và do đó, dưới ảnh hưởng của tình yêu này, họ hoàn toàn cởi mở cho việc yêu thương tha nhân bằng những phương cách cụ thể.“. Đức Thánh Cha nhận xét: “Đời sống Kitô hệ tại liên tục tiến lên núi gặp gỡ Thiên Chúa để rời hạ sơn, mang tình thiêng và sức mạnh từ cuộc gặp gỡ ấy, phục vụ anh chị em với cùng tình yêu thương của Thiên Chúa”. Người Kitô hữu hoạt động bác ái biết rằng, không phải những cố gắng riêng của mình mang lại hoa trái, nhưng đúng hơn là “sáng kiến cứu độ” đến từ Thiên Chúa, từ ân sủng của Ngài. Ân sủng không giới hạn tự do và trách nhiệm của con người, nhưng quí hướng chúng về những hoạt động bác ái. Đỉnh cao của đức ái là chia sẻ Tin Mừng cho anh em: “Thực vậy, Phúc Âm Hoá là hình thức cao cả nhất của đức ái và là phương cách tốt nhất để cổ võ cho con ngườiKhông có hành động nào tốt đẹp hơn, và bác ái hơn đối với tha nhân, là cùng chia xẻ tấm bánh của Lời Chúa, là chia sẻ với họ Tin Mừng của Phúc Âm, và giới thiệu họ vào một mối tương quan với Thiên Chúa“.

Đức bác ái Kitô giáo là tình yêu đối với Thiên Chúa giáu lòng xót thương được cụ thể hóa bằng hành động yêu thương phục vụ tha nhân. Trong sứ điệp Mùa chay 2016, Đức Thánh Cha Phanxicôđề nghị mọi tín hữu “Hãy sống Mùa Chay trong Năm Thánh này một cách mạnh mẽ hơn như là khoảng thời gian đặt biệt để cử hành và cảm nghiệm Lòng Thương Xót Chúa“. Ngài mời gọi chúng ta thực thi lòng thương xót cách cụ thể: “Kỳ diệu thay, lòng thương xót Chúa chiếu tỏa nơi cuộc sống chúng ta, giúp chúng ta cũng biết yêu người lân cận và hiến thân mình cho những gì mà truyền thống Giáo Hội gọi là những việc bác ái phần xác cũng như phần hồn. Những việc làm này nhắc nhớ chúng ta rằng đức tin phải được diễn tả cách cụ thể trong mọihành động thường ngày, có nghĩa là giúp đỡ người thân cận của chúng ta về phần xác cũng như phần hồn: bằng cách cho họ ăn uống, viếng thăm, an ủi và hướng dẫn họ. Chúng ta sẽ được phán xét dựa trên những việc làm như thế. Vì thế, tôi hy vọng là đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những việc bác ái, về phần xác cũng như phần hồn”.

Làm việc bác ái, chúng ta sẽ sống một Mùa Chay thánh thiện.

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An