“Trở nên phi thường trong cuộc sống đời thường” – Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật VII thường niên – C

0
58

“Trở nên phi thường trong cuộc sống đời thường”

– Suy niệm Chúa nhật VII thường niên – năm C

Bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta cảm xúc ngỡ ngàng, thậm chí hoảng sợ. Nhiều người tín hữu, nhất là người không cùng tôn giáo với chúng ta cho rằng những tiêu chí mà Chúa Giêsu đề nghị là những ảo tưởng, vì những thực hành Chúa muốn chúng ta thực hiện hoàn toàn đối nghịch với quan niệm thông thường, ví dụ như chúc lành cho người nguyền rủa mình, ai vả má bên này thì giơ má bên kia nữa, ai muốn chiếm đoạt áo ngoài thì cho người ấy cả áo trong. Chúng ta có lý khi ngạc nhiên trước lời khuyên của Chúa Giêsu. Tuy vậy, đó chính là điểm độc đáo của Kitô giáo. Những thực hành này làm cho chúng ta trở nên những người phi thường trong cuộc sống đời thường.

Thông điệp thứ nhất mà Lời Chúa muốn gửi đến chúng ta, đó là Tình yêu. Thông thường, chúng ta yêu những người quý mến mình. Đó cũng là điều bình thường và hợp lệ, theo lẽ công bằng. Người ta yêu mình thì mình quý mến người ta. Người ta làm điều tốt cho mình, thì mình làm điều tốt cho người ta. Tình yêu Chúa Giêsu rao giảng được gọi là “bác ái” tức là lòng yêu mến rộng rãi đối với hết thảy mọi người, không phân biệt người tốt hay người xấu. Theo quan niệm Kitô giáo, bác ái không phải chỉ là một cảm xúc hay tình trạng tâm lý nơi con người, mà đó còn là một nhân đức đối thần. Đức Ái được Chúa ban cho chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy. Nhờ Đức Ái, chúng ta yêu mến Chúa với tình yêu trọn vẹn và yêu mến tha nhân với lòng vị tha. Chính Đức Ái thúc đẩy chúng ta, nhờ đó mà chúng ta có những nghĩa cử cao cả mạnh mẽ tới mức anh hùng, như yêu mến kẻ thù, chúc phúc cho người nguyền rủa mình. Đức Ái cũng giúp chúng ta kiên nhẫn trước những vu khống, mưu mô của những người ghen ghét chúng ta.

Đương nhiên, chúng ta phải xác định rõ, giáo huấn của Chúa Giêsu hoặc Đức Ái Kitô giáo không nhằm ủng hộ một lối sống nhẫn nhịn cam chịu và hèn nhát. Chính Chúa Giêsu, khi một người lính vả vào mặt, Người đã vặn hỏi: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem tôi sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Chúa Giêsu và hôm nay là Giáo Hội của Người không cổ võ cho bất cứ hình thức bất công nào trong xã hội. Trái lại, Giáo Hội luôn bênh vực những người nghèo và là tiếng nói của những người không có tiếng nói trong cuộc sống.

Thông điệp thứ hai của Lời Chúa hôm nay, đó là lòng bao dung. Mọi mâu thuẫn đổ vỡ từ gia đình đến xã hội đều do tính ích kỷ và cố chấp của con người. Vì thiếu bao dung mà một người vốn hiền lành bỗng dưng trở thành kẻ sát nhân, rồi khi hối hận và phải vào tù thì đã quá muộn. Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy bao dung, vì mỗi người cũng có những lầm lỗi. Không ai là người hoàn hảo trong cuộc đời. Hơn nữ, theo nhãn quan Kitô giáo, những ai tha thứ, sẽ được Chúa thứ tha. Chúng ta thường đọc điều này trong kinh Lạy Cha.

Bài trích sách Samuen nói với chúng ta một gương mẫu của lòng bao dung, đó là vua Đavít (Bài đọc I). Ông đang bị vua Sa-un truy bắt, vì vua cho rằng Đavít có ý định chiếm ngôi vua. Trong cuộc truy bắt này, có một thời điểm mà Đavít có thể giết vua dễ dàng, nhưng ông không làm thế, vì ông tôn trọng vua là người được xức dầu. Đavít đã thể hiện lòng nhân hậu của mình, khi ông tuyên bố: “Hôm nay, Đức Chúa đã nộp vua vào tay tôi, nhưng tôi không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong”.

Cuối cùng, Lời Chúa dạy chúng ta về tình liên đới. Không dừng lại ở tình yêu mến và sự bao dung, Đức Ái Kitô giáo còn thúc đẩy chúng ta chia sẻ với tha nhân về tinh thần và vật chất. Ai trong chúng ta cũng muốn người khác làm cho mình những điều tốt đẹp. Vậy thì mỗi chúng ta hãy làm những điều tốt đẹp cho người khác. Mỗi chúng ta hãy trở nên người thân cận đối với tha nhân. Chúa dạy chúng ta: đong đấu nào, sẽ nhận lại đấu ấy. Hơn thế, đấu nhận lại còn dồi dào phong phú hơn nhiều. Đấu mà chúng ta nhận lại, là chính phần thưởng Chúa ban cho chúng ta, vì Chúa là Đấng nhân hậu và quảng đại.

Hành trình Đức tin của người Kitô hữu cũng là hành trình nên hoàn thiện. Theo Thánh Phaolô, con người vừa mang hình ảnh ông Ađam từ đất mà ra, đồng thời cũng mang hình ảnh Đức Kitô từ trời mà đến. Nên hoàn thiện, chính là tiến trình luyện lọc mỗi ngày, để giảm thiểu điều bất xứng và làm tăng thêm những nhân đức, làm cho hình ảnh Đức Kitô sống động nơi hành vi cử chỉ và lời nói của mình.

Đức tin không bứng người tín hữu khỏi cuộc sống đời thường, nhưng thêm sức mạnh để họ tuân giữ giáo huấn của Chúa. Nhờ việc tuân giữ những điều Chúa dạy, Kitô hữu trở nên những người phi thường trong cuộc sống đời thường. Chúng ta có lý để xác tín điều đó, vì đối với Chúa, nhưng điều không có thể, sẽ trở thành những điều có thể.

“Người đầu tiên biết nói lời xin lỗi là người dũng cảm nhất. Người đầu tiên biết cách tha thứ là người mạnh mẽ nhất. Và người đầu tiên biết cách quên đi quá khứ đau buồn là người hạnh phúc nhất” (Sưu tầm).

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên