Các bài suy niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ

0
58

Các bài suy niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ

1. Nên thánh giữa đời thường – Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay, chúng ta hân hoan mừng đại lễ các Thánh Nam Nữ. Quả thật, việc mừng lễ Các Thánh mang lại cho chúng ta không chỉ niềm vui mừng, nhưng còn là niềm hy vọng về một đời sống vĩnh cửu ở sau cái chết.

Chúng ta vui, vì có biết bao người đã đi hết chặng đường của cuộc đời con người, các ngài đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp và ngày nay, các ngài đang được hưởng vinh phúc trên Thiên quốc cùng với Con Chiên tinh tuyền là Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta hy vọng, vì các ngài tuy là những con người, nhưng với sự trợ giúp của ơn Chúa, các ngài đã vượt qua chính bản thân mình, chiến thắng những sự cám dỗ của trần thế này, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ chiến đấu và chiến thắng để cũng được hưởng hạnh phúc trên Nước trời như các ngài.

Các Thánh Nam Nữ là ai ?

Chúng ta biết rằng, các Thánh trên trời không chỉ gồm những người đã được Giáo Hội tôn phong, mà là tất cả những ai ngày hôm nay đang được hưởng nhan thánh Chúa trên thiên quốc.

Họ là ai vậy ? Đây cũng là câu hỏi mà thánh Gioan Tông Đồ đặt ra cho “vị trưởng lão”, khi trong một thị kiến, ngài được đưa lên trên các tầng trời. Tác giả đã thuật lại trong sách Khải Huyền rằng: “Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7,9-10).

Vì các ngài là những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” nên chắc chắn, trong số đó có những người bà con thân thuộc của chúng ta. Họ là ông bà cha mẹ, anh chị em ruột thịt; họ là những người chúng ta đã từng quen biết, và có khi họ là những người hàng xóm láng giềng, những người hàng ngày đã từng sống bên cạnh chúng ta.

Không phải tự nhiên mà họ được đứng trong hàng ngũ các thánh, nhưng theo lời của sách Khải Huyền, sở dĩ họ được như vậy, là vì họ đã phải trải qua đau khổ lớn lao, họ đã giặt và tẩy áo mình trong Máu Con Chiên là Đức Giêsu.

“Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.” (Kh 7,15-17).

Con đường nên thánh của các Thánh Nam Nữ

Các thánh trong cuộc sống thường ngày cũng giống như chúng ta. Không phải các ngài là những người thần thông quảng đại, có khả năng biến hóa khôn lường, hay làm một điều gì đó phi thường, nhưng đúng hơn, các ngài đã làm những điều bình thường một cách phi thường. “Bí quyết” hay “con đường nên thánh” của các ngài chính là con đường Tám Mối Phúc mà Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay đã đưa ra cho chúng ta.

Các ngài nên thánh là vì các ngài đã biết sống khó nghèo, sống một đời hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, thương xót người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình… và sau cùng là bị bách hại vì đã sống công chính.

Tất nhiên, không phải các thánh đều thực hành một cách xuất sắc tất cả các mối phúc nói trên, nhưng các ngài đã sống triệt để một trong các mối phúc đó. Sống khó nghèo đến không còn gì như thánh Phanxicô Assisi, sống trong sạch như thánh nữ Maria Gorétti, sống công chính như thánh Giuse, có lòng yêu người như thánh Maximilianô Kolbê, …

Đến con đường nên thánh của mỗi chúng ta

Nên thánh không phải là một đặc quyền đặc lợi của các linh mục, tu sĩ nam nữ hay chỉ dành cho một số ít người, nhưng là bổn phận và nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Bởi vì nên thánh là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên trong chương trình cứu độ của Ngài: “Điều Thiên Chúa muốn là anh em được cứu độ”. Việc nên thánh, không chỉ là một lời mời gọi, nhưng còn là một lệnh truyền: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”.  Thế nên, không có gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh.

Nhưng để có thể trở nên những vị thánh, chúng ta không có con đường nào khác, ngoài con đường mà Đức Giêsu Kitô và các thánh đã đi, đó chính là con đường Tám Mối Phúc thật.

Ðức Kitô mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa. Ngài dạy chúng ta hãy có lòng khát khao sự công chính và chỉ mong làm trọn ý Ngài. Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta có lòng thương xót, biết đồng cảm và chia sẻ với những người bất hạnh, biết đau nỗi đau của người khác. Giữa một thế giới đầy dẫy những lọc lừa, toan tính, Ngài dạy chúng ta hãy có tâm hồn trong sạch, nghĩa là hãy sống một đời sống ngay thẳng, chân thành. Sau cùng, Đức Giêsu dạy chúng ta hãy có tinh thần xây dựng hòa bình nghĩa là chăm lo cho sự phát triển của con người và đấu tranh cho công bằng xã hội.

Nên thánh còn là để cho ánh sáng của Chúa chiếu qua cuộc đời của chúng ta. Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao, là thuộc trọn về Chúa, là để Chúa chiếm lấy cuộc đời mình.

Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay, chúng ta cùng nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết tận dụng mọi cơ hội, mọi khả năng để nên thánh theo lời mời gọi của Chúa, dẫu rằng, mỗi chúng ta vẫn còn nhiều những bất toàn và khiếm khuyết, với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại.

Lạy các Thánh Nam Nữ! Xin cầu cho chúng con. Amen.

2. Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện – Lm G.B. Trần Văn Hào SDB.

Nếu có dịp viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh quan rất ngoạn mục với nhiều tượng ảnh các thánh do các nghệ nhân nổi tiếng điêu khắc. Đặc biệt ở các ô cửa phía trên cao, có rất nhiều hình các thánh được lắp ghép bằng những mảnh kính mầu rất ấn tượng. Khi mặt trời lên cao và được ánh sáng chiếu qua, chân dung các thánh được hiện lộ và tỏa sáng. Có một đứa bé khi được cha xứ hỏi trong giờ giáo lý: “ Các thánh là ai ?”, em đã đơn sơ trả lời: “ Thưa Cha, các thánh là những vị được ánh sáng mặt trời chiếu qua”. Câu trả lời của đứa bé gợi nhắc chúng ta về ý nghĩa của ngày lễ hôm nay khi Giáo hội mừng kính các thánh nam nữ. Đúng như em bé nói, các thánh chính là những con người được ánh sáng Đức Kitô soi dọi và chiếu sáng. Ngài chính là mặt trời công chính, chiếu ánh quang vào tâm hồn mọi người. Các vị thánh là những con người vốn mỏng dòn yếu đuối, nhưng đã đạt đến sự hoàn thiện, vì đã để ánh sáng Đức Kitô thẩm thấu và ngấm sâu vào trong cuộc đời mình.

Có bao nhiêu vị thánh trên trời?

Không khó để trả lời câu hỏi này. Trong cái nhìn thần học của Thánh Gioan, con số đó nhiều vô kể. Sách Khải Huyền đã ghi lại thị kiến : “Tôi thấy một đoàn người đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ (Kh 7, 9). Con số 144 ngàn (Kh 7, 4), bội số của 12 chi tộc Israel nhân lên 12 và nhân lên gấp ngàn lần nữa, chỉ mang tính biểu tượng, ám thị một con số khổng lồ. Bởi lẽ ơn cứu độ của Đức Giêsu bao trùm toàn thể vũ trụ, và phủ bóng trên tất cả mọi người không loại trừ ai. Không chỉ những ai được Giáo hội tuyên phong mới là thánh, nhưng tất cả những người được ân sủng Đức Kitô biến đổi nên công chính, đều là những vị thánh. Trong thư gởi các giáo đoàn, như thư Rôma, 2 lá thư Côrinthô, thư Êphêsô, thư Côlôssê.., Thánh Phaolô vẫn thường gọi các tín hữu là những vị thánh. Hằng tuần chúng ta tuyên tín khi đọc kinh tin kính: ‘Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền’. Giáo hội tự bản chất là thánh thiện, và những ai sống hiệp thông trong Hội thánh đều được thông phần vào sự thánh thiện của Giáo hội phát nguồn từ chính Đức Kitô, đấng Thánh của Thiên Chúa, bởi vì, Giáo hội chính là thân thể mầu nhiệm của Ngài.

Ơn gọi nên thánh

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta :“ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Việc nên thánh không phải là một ơn gọi chuyên biệt chỉ dành riêng cho một số người, nhưng đó là ơn gọi phổ quát mà Chúa Giêsu ngỏ trao đến tất cả chúng ta. Giáo hội đã tuyên thánh (canonize) rất nhiều vị thuộc đủ thành phần, từ các Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục, tu sĩ và cả giáo dân. Ngày 18 tháng Mười năm 2015, giữa lúc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đang nhóm họp bàn về gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô với quyền bất khả ngộ đã long trọng công bố ông bà Martin Guérin, song thân của Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux được ghi tên vào sổ bộ các thánh. Cả hai vị cũng là giáo dân giống như rất nhiều người trong chúng ta, với biết bao lo toan trong cuộc sống đời thường giữa một gia đình khá đông con cái. Bí quyết nên thánh của các Ngài rất giản đơn, đó là hoàn thiện ơn gọi tình yêu trong những bổn phận hằng ngày với niềm đam mê cháy bỏng dành cho Thiên Chúa. Cho dù trong cuộc sống, các Ngài có những khiếm khuyết, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã lấp đầy những lỗ hổng của thiếu sót, và biến trở cuộc đời các Ngài nên hoàn thiện.

Trong các dịp lễ Giáng sinh, Thánh Gioan Bosco vẫn có thói quen cho các em học sinh mỗi người một món quà, tùy sở thích mỗi người. Đaminh Saviô đã viết trên một mảnh giấy nhỏ ước muốn đơn sơ của mình và trao cho Don Bosco: ‘ Con xin Cha hãy giúp con nên thánh’. Ước muốn này đã được thực hiện và Don Bosco không những là một vị thánh, Ngài còn là một nhà giáo dục, là thầy dạy đường nên thánh cho các con cái mình. Không ai trong chúng ta lên thiên đàng một mình cũng như không ai xuống hỏa ngục một mình. Chúng ta nên thánh cũng bằng cách giúp người khác vươn đạt đến sự thánh thiện.

Đức Giêsu, mẫu gương trọn hảo về sự thánh thiện

Trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay, Thánh Gioan tông đồ mời gọi chúng ta quy chiếu về Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa. “ Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1Ga 3, 2 ). “Ai đặt hy vọng vào Đức Kitô, thì làm cho mình nên thanh sạch” (1Ga 3,3). Đức Kitô Đấng thanh sạch, là Con Chiên tinh tuyền, chính là chuẩn mẫu về sự thánh thiện để chúng ta noi theo. Ngài đã sống tận căn mầu nhiệm yêu thương để quảng diễn sự thánh thiện nơi Ngài. Vì thế Đức Giêsu mời gọi các môn sinh phải sao chép lại tình yêu mà Ngài đã diễn bày. “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12) . Thập giá và cái chết của Đức Giêsu là nguyên mẫu về sự thánh thiện mà chúng ta luôn phải học hỏi, phải đào sâu, phải khám phá không ngừng nhằm tìm ra con đường thánh thiện để dấn bước. Vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội đọc lại cho chúng ta bản Hiến chương Nước Trời, đó là tám mối phúc Đức Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi. Đây chính là nẻo đường dẫn chúng ta đi dần vào mầu nhiệm Thập giá. Sống tinh thần khó nghèo, sống hiền lành khiêm tốn, sống nhẫn nhục trong lao nhọc, sống quảng đại với tấm lòng xót thương, sống như là những sứ giả hòa bình… Tất cả đều là những sắc nét của mầu nhiệm Thập giá, con đường dẫn đưa chúng ta đến sự trọn lành.

Tuy nhiên, chúng ta thường hay nghĩ rằng tôi chỉ là một con người tầm thường với biết bao tội lỗi và yếu đuối, làm sao tôi có thể nên thánh được. Chúng ta đừng quên rằng, vị thánh đầu tiên được Chúa Giêsu ‘tấn phong’ và mở cửa Thiên Đàng đón đưa vào, không ai khác chính là một tên trộm khét tiếng. Một nhà tu đức đã dí dỏm nói rằng, đây là một tay trộm cắp chuyên nghiệp vì cánh cửa nào anh ta cũng có thể mở ra được. Anh ta dùng một chiếc chìa khóa vạn năng để mở các loại cửa, kể cả cửa Thiên Đàng. Chiếc chìa khóa vạn năng đó chính là tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Mức độ trộm cắp chuyên nghiệp của anh ta đạt đến đỉnh điểm, vì trước khi chết anh ta còn ăn trộm được cả nước Thiên Đàng. Trong bộ sách Confessio, Thánh Augustinô cũng viết một câu chuyện tưởng tượng. Ngài gặp tên trộm và hỏi anh ta: “ Thưa anh, anh không phải là người Công giáo, anh chưa từng bước chân vào nhà thờ, anh cũng chưa hề học giáo lý và cũng chưa biết Đức Giêsu là ai, vậy tại sao anh lại đựơc Đức Giêsu mở cửa Thiên Đàng cho vào?”. Người trộm trả lời “ Ông nói đúng, tôi chỉ là một tên cướp với quá khứ đặc kín tội ác. Tôi chưa từng học giáo lý, chưa được rửa tội, cũng chưa biết Đức Giêsu là ai. Nhưng trên thập giá, tôi đã nhìn vào Ngài. Cặp mắt Đức Giêsu đã hắt dọi vào tâm hồn tôi một luồng sáng kỳ diệu, đó là ánh sáng của lòng thương xót. Tâm hồn tôi đã bị khuất phục hoàn toàn trước ánh mắt đầy trìu mến và thân thương ấy. Cuối cùng, tôi đã tin. Tôi đã vào Thiên Đàng không phải do công cán của tôi, nhưng tất cả là hồng ân của lòng thương xót Chúa.

Kết luận

Ngày 05 tháng Chín năm 1997, ông Kofi Anan lúc bấy giờ là Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã viết một bản cáo phó gửi đi khắp thế giới với nội dung: ‘ Một người giàu quyền lực nhất vừa mới vĩnh viễn rời bỏ chúng ta’. Nhưng người giầu quyền lực đó là ai? Thưa, đó chỉ là một phụ nữ già nua ốm yếu, 87 tuổi, trong tay không có lấy một tấc sắt làm vũ khí để bảo vệ mình. Người giàu quyền lực đó đã chết với gia sản không một xu dính túi, đã phải ngửa tay xin từng cái giường cũ của những người nhà giàu đem phân chia cho người nghèo. Người giàu quyền lực đó đã can đảm vượt qua mọi rào cản của các luồng ý thức hệ để đến tận Liên Xô, Cuba, Trung Quốc hầu giang rộng vòng tay ôm đón những con người khốn khổ nhất bị vất ra bên lề xã hội. Người giầu quyền lực đó chính là Mẹ Têrêsa Calcutta.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã tuyên phong Chân phước cho Mẹ, chỉ 6 năm sau khi Mẹ qua đời, và vào ngày mùng 4 tháng 9 năm 2016, Mẹ đã được tôn phong Hiển Thánh. Đó là một vị thánh của đời thường với cuộc sống dung dị, một con người rất con người nhưng cũng là một vị thánh rất là thánh. Mẹ đã nghe được tiếng Chúa Giêsu thét gào trên Thập giá: “ Ta khát”. Lời gào thét đó vẫn đang vang vọng nơi khuôn mặt những con người khốn khổ của xã hội ngày hôm nay. Mẹ đã nên thánh bằng việc cảm nghiệm sâu xa tình yêu Chúa và đã trải rộng tình yêu đó đến những người cùng khổ một cách cụ thể. Đó là một dung mạo rất gần gũi và thân quen trong muôn vàn vị thánh, để chúng ta suy nghiệm và chiêm ngắm trong ngày lễ mừng kính các thánh hôm nay.

3. Các con hãy nên thánh _ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lòng tôn kính đặc biệt đối với các Thánh, nhất là các Thánh tử đạo. Ngài là vị Giáo hoàng đạt kỷ lục trong việc tôn phong các Thánh và Chân phước. Ngài tôn phong 1.322 Chân phước và 457 vị Hiển thánh, trong đó có 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam và 120 vị thánh tử đạo Trung Hoa. Con số vị Thánh và Chân phước được Ngài tôn phong hơn tổng số các vị mà các Giáo hoàng tiền nhiệm của Ngài tôn phong trong vòng 400 năm trước đó.

Trong dọc dài lịch sử, Giáo hội đã tôn phong rất nhiều vị Thánh.Thế nhưng, so với vô vàn các thánh trên trời, thì những người được Giáo Hội tuyên phong Chân phước và hiển Thánh chỉ là con số rất nhỏ. Theo lời Sách Khải Huyền, các thánh trên trời là “một đoàn người đông đúc, không sao đếm nổi”, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ. Các Ngài đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa.

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Các Thánh. Đây là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô : “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”. Lời Kinh Tiền Tụng trong sách lễ Rôma cầu nguyện như sau:Vinh quang Cha rạng ngời nơi cộng đoàn các thánh. Và khi tuyên dương công trạng các ngài là Cha biểu dương chính hồng ân Cha ban. Cha dùng đời sống các ngài làm gương cho chúng con học đòi, bắt chước; Cha cho chúng con được chung phần gia nghiệp nhờ hiệp thông với các ngài; Cha phù trợ chúng con nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp.

Như thế việc tuyên phong các thánh có mục đích:

– Tôn vinh Thiên Chúa: nếu các thánh là “thánh thiện”, “quyền năng” … thì Thiên Chúa càng quyền năng thánh thiện hơn biết chừng nào! Ðời sống các ngài phản ánh đời sống của chính Chúa, cho dù chỉ là một cách mờ nhạt.

– Nêu gương mẫu mực cho người Kitô hữu.

– Củng cố niềm hy vọng của chúng ta. Nếu các thánh là những con người cũng đầu đen máu đỏ như ta và cũng yếu đuối như bất cứ ai, nhưng nhờ biết cộng tác với ơn Chúa mà đã được hưởng một gia nghiệp vinh quang như thế, thì tại sao ta lại không thể được?

– Ðể các thánh cầu bầu cho ta trước mặt Chúa,và chắc chắn lời cầu bầu đó là rất hiệu nghiệm.

Lễ Các Thánh hằng năm nhắc nhở chúng ta rằng, lý tưởng làm thánh không dành riêng cho thành phần nào trong dân Chúa, nhưng hết thảy mọi người Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh như nhau.Nhiều người quen nghĩ rằng làm thánh là việc dành riêng cho các nhà tu hành, còn giáo dân thì làm sao có thể mơ tới lý tưởng cao cả ấy được? Quả thực, có một thời người ta đã lấy các vị đan sĩ, tu sĩ làm mẫu mực cho lý tưởng Kitô giáo, và ai ai trong Giáo hội, từ các giáo sĩ đến giáo dân cũng phải gắng sức xích lại gần mẫu mực ấy được chừng nào hay chừng ấy.Công đồng Vatican II đã nhắc lại rằng, tất cả mọi thành phần Giáo Hội đều được mời gọi nên thánh, nhưng mỗi người tùy theo đấng bậc, tùy theo khả năng và hoàn cảnh riêng mà mang một vẻ thánh thiện riêng, khiến cho Giáo Hội được trau dồi bằng những vẻ đẹp muôn màu muôn sắc. Mẫu mực thánh thiện chỉ có một nhưng cách “hoạ lại” mẫu mực ấy thì thiên hình vạn trạng.Thánh Phanxicô đệ Salê đã nói một câu rất đẹp theo ý ấy: “Bất kỳ Chúa trồng bạn ở đâu, bạn hãy trổ những bông hoa đẹp nhất cho Người ở đó”.

Mỗi nơi có những điều kiện riêng, nơi ẩm nơi khô, nơi phì nhiêu nơi sỏi đá, nơi thấp nơi cao… mỗi đấng bậc, mỗi hoàn cảnh, mỗi tính tình cũng tương tự như thế. Chúa chỉ đòi hỏi ta ở chỗ nào thì tuỳ theo điều kiện cụ thể chỗ ấy mà trổ bông đẹp tức là nên thánh (Cố Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm).

Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc hiển thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta noi theo và bắt chước.

Lễ Các Thánh là lễ của niềm vui. Chúng ta vui mừng vì các thánh chính là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, những người thân yêu của chúng ta đã được hưởng nhan thánh Chúa. Lễ Các Thánh là lễ của niềm hy vọng. Các Thánh là những con người bình thường như chúng ta nhưng các ngài đã đạt tới hạnh phúc Nước Trời.

Con đường nên thánh được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là con đường Tám Mối Phúc Thật. Có thể quy tất cả tám đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, không ăn thua hơn thiệt đời này; chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa.Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của người kitô hữu là từ bỏ hết những gì mình có để được lấp đầy bằng chính Chúa.Một cuộc sống khó nghèo đến tận cùng của Thánh Phanxicô Assisi đã làm cho thế giới hiểu được thế nào là phúc cho những người nghèo khó. Một cái chết thay cho người bạn tù mà Thánh Kolbe đã tự nguyện đón nhận đã trở thành một chứng từ hùng hồn về giới răn yêu thương của Đức Giêsu. Nhân loại mãi mãi trân trọng Mẹ thánh Têrêxa Calcutta cũng như những ai sống nhiệt thành phục vụ, dấn thân sống Tin Mừng, bao dung hy sinh, xây dựng tình thương cho tha thân, nhất là người cùng khổ.

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11.3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.

Trong Năm Phụng Vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Giáo hội tôn kính tất cả các vị Thánh, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo hội tuyên phong.

Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta hân hoan chúc tụng các Thánh hạnh phúc trên Thiên đàng và xin các ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta nhận biết mình cũng được Chúa mời gọi nên thánh như các ngài, và cố gắng vươn lên giống như các ngài.

Nguyện xin các Thánh Nam Nữ giúp chúng con tập sống mỗi ngày,thăng tiến trên con đường trọn lành như lời mời gọi của Chúa Giêsu : các con hãy nên thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh.Amen.

 4. Chúng ta có nên thánh được không? – Jos. Vinc. Ngọc Biển

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể lễ các thánh nam nữ. Qua thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy biểu lộ niềm vui mừng, hãnh diện và hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta là những người cùng chung niềm tin vào Chúa như các thánh.

Tuy nhiên, hẳn mỗi người chúng ta nhiều khi tưởng tượng ra sự xuất sắc của các thánh như là những vĩ nhân, những người siêu quần bạt chúng, hay các ngài như là những người có một cuộc sống đặc biệt, khác thường nên mới trở nên những vị thánh! Còn chúng ta, những người tầm thường, có lẽ niềm hy vọng nên thánh là điều khó có thể xảy ra!

Suy nghĩ như thế có đúng hay sai? Và chúng ta có trở nên thánh trong thời đại hôm nay được hay không?

Giờ đây, chúng ta cùng nhau suy niệm về cuộc đời của các thánh, và từ đó, rút ra một giải đáp cho thắc mắc trên.

Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem: các thánh là ai? Và các ngài đã sống như thế nào?

  1. Các thánh là ai?

Khi đặt câu hỏi như thế, chúng ta có thể trả lời ngay rằng: các ngài là những Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân. Các ngài là những người tri thức, nhưng cũng không thiếu những đấng bình dân học vụ. Các ngài là những người có địa vị trong Giáo Hội và xã hội, nhưng cũng không thiếu những đấng thường dân. Các ngài là những người được sinh ra nơi thành phố phồn hoa đô hội, nhưng cũng có vị hiện hữu nơi cuộc đời này trong cảnh màn trời chiếu đất, nơi thôn quê hẻo lánh… Các ngài là những bác sĩ, kỹ sư, là những người giàu, nhưng cũng rất nhiều đấng suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, là những người nghèo, cảnh mẹ góa con côi… Các ngài cũng là những người thánh thiện, tốt lành ngay từ nhỏ, nhưng cũng không thiếu đấng trước đó là kẻ rối đạo, chối đạo, sống cuộc đời bê tha và trác táng, nhưng chỉ được ơn sám hối, canh tân, tin tưởng, phó thác nơi Chúa trước khi nhắm mắt rời bỏ thế gian mà thôi…

Như vậy, các thánh thật đông đảo và các ngài từ mọi nơi, mọi miền và đủ mọi thành phần. Chính thánh Gioan khi được thị kiến đã thốt lên: “… kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9); và: “Một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Itraen” (Kh 7, 4); các ngài “… là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14).

Nói chung, thế giới của các thành gồm đủ mọi thành phần, và số lượng các thánh không ai đếm xuể. Công việc của các ngài là tôn vinh, thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Các ngài đang được sống một sự sống hạnh phúc nơi quê thật là Nước Trời.

Việc chúng ta ngưỡng mộ tài cao đức rộng, cuộc sống phi thường của các thánh hẳn không sai, nhưng không phải là tuyệt đối đúng, vì thực tế, trong số các thánh, nhiều đấng cũng không hơn gì chúng ta. Có khi các ngài cũng là nhưng người tội lỗi một thời như Maria Mađalêna, Phêrô, người trộm lành, Phaolô, Augustinô…

Điều đáng nói ở đây chính là: các ngài thuộc những người đã trải qua kinh nghiệm về yếu đuối, sa ngã và tội lỗi, nhưng các ngài đã sám hối, ăn năm, canh tân đời sống theo ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Các ngài là những người 99  lần ngã, nhưng lần thứ 100 thì đứng dạy và đứng luôn trong ân sủng.

Thật vậy, sau khi sa ngã, các ngài đã nhận được ân sủng và tình thương lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình, nên các ngài đã tin tưởng, phó thác và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, yêu thương anh chị em tha thiết. Như thế, có thể nói: các thánh đều là những người đã nếm mùi đau khổ thử thách ở trần gian như chúng ta, xong, các ngài vẫn giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa và kiên trì tuân giữ Giới Luật của Người cũng như thi hành xuất sắc Tám Mối Phúc Thật.

Cuộc đời hy sinh, đòn vọt, bắt bớ vì Chúa và tâm tình sám hối, canh tân để trở nên ngày càng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nơi các thánh được ví như một cuộc thanh luyện và cố gắng liên lỷ.

  1. Các thánh là những người trung thành với Hiến Chương Nước Trời

Tất cả các thánh, không ai là người sống ngoài bản Hiến Chương Nước Trời mà Tin Mừng hôm này thuật lại. Các ngài luôn coi bản Hiến Chương Nước Trời như là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời mình. Qua bản Hiến Chương này, các ngài đã sống tinh thần nghèo khó, không bị lệ thuộc vào vật chất, sống hiền lành và bao dung, quảng đại, tha thứ. Cuộc đời các ngài luôn khao khát sự sống công chính, mong muốn sống trong sạch, yêu thương, chăm sóc những người đau khổ, luôn kiến tạo hòa bình và khước từ hận thù, xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất, yêu thương. Các thánh còn là những người vì yêu mến Chúa trên hết mọi sự, nên chấp nhận mọi sự hiểu lầm, đòn vọt, bắt bớ, gươm đao và ngay cả cái chết để được mối lợi tuyệt đối là Đức Kitô, vì người, các ngài đành mất hết (x. Pl 3, 8). Các ngài được ví như những người lái buôn, đã đánh đổi tất cả một khi đã tìm được Kho Tàng, Viên Ngọc Quý. Vì thế, đối với các ngài: “…sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21), nên không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.

Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta có niềm an ủi thật lớn lao, đó là: các thánh không phải là người xa lạ với chúng ta. Các ngài là những người có cùng niềm tin, là tổ tiên, là cha ông, là những người thân của chúng ta.

Có những vị thánh nổi tiếng, nhưng cũng không thiếu những vị thánh bình thường, vô danh.

Đường lối nên thánh cũng không phải chỉ có một con đường độc điệu, mà là nhiều con đường khác nhau…

Như thế, các thánh là những người rất gần gũi với cuộc sống thực tế của chúng ta. Bởi vậy, mỗi người đều có quyền hy vọng rằng: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?” (Thánh Augustino).

  1. Hãy trở nên thánh vì ta là Đấng Thánh

Lời mời gọi nên thánh vẫn luôn là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn đối với chúng ta. Tuy nhiên, để sống được lời mời gọi này, chúng ta phải lội ngược dòng, phải lột xác và chấp nhận sự nghịch lý của Tin Mừng, bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một xã hội thực dụng, thỏa mãn xác thịt, ham muốn điều bất chính, gây bất hòa, chia rẽ, vô cảm, dửng dưng với đau khổ của anh chị em, gây nên những bạo lực, đau khổ, sống dối trá, giả hình, bóc lột, bất công…! Trong khi đó, Lời Chúa và những giá trị của Chân Lý luôn nhắc nhở và mời gọi chúng ta ý thức rằng: hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Thiên Chúa và quê hương chúng ta ở Trên Trời, chứ không phải ở những thứ chóng tàn, mau qua sớm hết nơi trần gian này… Vì thế, muốn đạt được Nước Trời làm gia nghiệp, chúng ta phải chiến đấu liên lỷ để biện phân và lựa chọn giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác, giữa cuộc sống tạm bợ và cuộc sống vĩnh cửu. Chấp nhận đi theo con đường hẹp của Tin Mừng. Được hạnh phúc hay bất hạnh là do sự lựa chọn của chúng ta.

Mừng kính lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những gương sáng ngang qua cuộc đời của các thánh, từ đó trở thành động lực cho mỗi chúng ta phấn đấu trên con đường nên thánh. Đồng thời, mỗi khi mừng kính các thánh, chúng ta cũng tạ ơn Chúa đã ban nhiều ơn thánh trợ giúp, để: con cháu, anh chị em, cha mẹ, ông bà, tổ tiên… chúng ta đã thành công trên con đường tiến đức và nay đang diện kiến tôn nhan Chúa.

Mặt khác, qua việc mừng lễ này, sứ điệp Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo Hội mời gọi chúng ta tái khám phá và làm mới lại sự quyết tâm trong việc: nghĩ thánh, hành động thánh và sống thánh trong cuộc sống thực tại hôm nay.

Lạy các thánh nam nữ trên trời, xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.

5. Hòn sỏi và lời nói – Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Có một định lý trong cuộc sống là:

Thả một hòn sỏi vào trong nước: một miếng nước bắn toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn xoay tròn. Lan toả từ trọng tâm, tràn ra biển cả.

Thả một hòn sỏi vào trong nước: trong phút chốc bạn lãng quên. Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn, hoà vào con sóng lớn. Bạn đã xáo động một đại dương hùng vĩ chỉ bằng một hòn sỏi mà thôi! Thả một lời nói không tốt, không cẩn trọng: trong phút chốc bay đi. Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn xoay tròn, lan toả… Và không có cách nào lấy lại một khi bạn đã nói ra.

Thả một lời nói không tốt: trong phút chốc bạn lãng quên.

Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn mãi… Có thể bạn đã làm ứa một dòng nước mắt trên con tim buồn. Bạn đã xáo động một cuộc đời hạnh phúc chỉ vì những lời nói kia.Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng: chỉ trong giây lát chúng bay đi.

Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn, xoay tròn mãi. Mang hy vọng, niềm vui, an ủi trong mỗi con sóng xô bờ. Bạn sẽ không ngờ được sức mạnh của một lời nói tốt bạn cho đi.

Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng: trong giây lát bạn lãng quên;

Nhưng niềm vui dâng tràn, và những gợn sóng reo vui xoay tròn mãi. Bạn đã làm cho con sóng được vỗ về trong điệu nhạc êm ái.

(Sưu tầm)

Xem ra từng hành vi, từng lời nói của chúng ta không vô nghĩa bao giờ. Nó có thể để lại cho đời niềm vui và cũng có thể thể xoáy vào tha nhân nỗi đau tột cùng. Nếu chúng ta biết thả vào đời những lời nói yêu thương, những việc làm bác ái, những thái độ bao dung nhân từ thì chắc chắn chúng ta đang làm cho những con sóng cuộc đời trào dâng tình người nồng ấm. Nếu chúng ta thả vào dòng đời những thù hận, những ghen tương, đố kỵ là chúng ta đang làm gợn lên những làn sóng của bạo lực và chiến tranh.

Cuộc sống gia đình thật hạnh phúc biết bao khi mỗi thành viên biết thả vào đó những hy sinh, những nhịn nhục và sự quan tâm săn sóc, thì có lẽ gia đình sẽ không thiếu niềm vui và tiếng cười.

Giữa dòng cuộc đời mà ai đi qua cũng thả vào đó tinh thần xây dựng, hiệp nhất yêu thương thì có lẽ sẽ không có chiến tranh hận thù. Cuộc sống sẽ là thiên đường tại thế thật hạnh phúc, bình yên.

Các thánh nam nữ là những người đã bước qua cuộc đời này và để lại cho đời những gợn sóng của tình yêu dâng hiến, của tình người vị tha phục vụ quên mình. Họ đã thả vào dòng đời này một tình yêu hiến dâng, một tình yêu cao vời dành cho Thiên Chúa, một con tim rộng mở đến cho tha nhân. Họ là những người nam, người nữ đã cống hiến cuộc đời để đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Họ có thể là những con người biết tận dụng khả năng Chúa ban để làm đẹp cho cuộc đời bằng biết bao nghĩa cử yêu thương. Họ có thể là những con người kém may mắn nhưng đã âm thâm gieo vào đời những lời kinh nguyện, những hy sinh cho những người thân yêu. Họ đã biết tôn vinh Chúa qua dòng đời đầy trái ngang bể dâu này.

Hôm nay chúng ta mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không có thể.

Nếu nên thánh là để lại cho đời những gương sáng, những hy sinh, những khước từ ham muốn tầm thường. Con đường nên thánh không khó. Vì nên thánh chỉ đơn giản là làm theo ý Chúa. Ý Chúa dạy chúng ta phải trung thành với bổn phận. Ý Chúa dạy chúng ta đừng để danh lợi thú sai khiến mình làm hại tha nhân. Ý Chúa bảo chúng ta đón nhận mọi sự với niềm tín thác nơi Chúa. Ý Chúa mời gọi chúng ta vui sống với phận mình. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của tám mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.

Như thế, mừng lễ các thánh nam nữ là mừng mọi tín hữu đã đi qua dòng đời này và đã thả vào dòng đời biết bao gương sáng của yêu thương, của phục vụ, của dâng hiến. Họ là những người sống giữa đầm lầy của sự dữ nhưng vẫn giữ được nét thanh cao của con cái Thiên Chúa. Họ không để dòng đời làm vẩn đục tâm hồn họ bởi tham sân si. Họ đã vượt thắng tất cả để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ước gì cuộc đời chúng ta luôn biết chiến thắng những ham muốn tầm thường, những cám dỗ của hưởng thụ ích kỷ để sống thanh cao trong cuộc sống. Xin cho từng bước chân của chúng ta luôn để lại cho đời những dấu ấn của tình yêu nồng say. Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Xin cho những lời ta nói, việc ta làm luôn tạo lên những gợn sóng yêu thương mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Amen