THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN CẦN THƠ

0
46

 Sáng nay ngày 01/12/2015, Đức cha chánh Stephano Tri Bửu Thiên cùng toàn thể quý cha trong linh mục đoàn Giáo phận, quý tu sĩ nam nữ thuộc các Dòng trong và ngoài Giáo phận và mọi thành phần Dân Chúa đã quy tụ về Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận để dâng lễ tạ ơn  mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận.

Tham dự thánh lễ tạ ơn hôm nay còn có rất đông quý Đức cha thuộc Giáo Tỉnh Sài Gòn đã đến Cần Thơ để cầu nguyện và chia vui với Giáo phận trong dịp trọng đại này. Đặc biệt là Đức hồng y GB. Phạm Minh Mẫn –chủ tế Thánh lễ và Đức cha Anton Vũ Huy Chương – người chia sẻ Tin mừng là 2 người con ưu tú của Giáo phận cũng đã trở về vùng đất đã ươm trồng ơn gọi của 2 đức cha.

Cách đây 60 năm, từ một Giáo phận chỉ có hơn 60 linh mục đến nay đã có hơn 200 linh mục. Số giáo dân lúc đó khoảng hơn 50 ngàn, đến nay đã lên đến hơn 180 ngàn. Từ một Giáo phận chưa có cơ sở hạ tầng để sinh hoạt thì nay bất cứ ai đến Giáo phận Cần Thơ cũng phải trầm trồ khen ngợi về các cơ sở phục vụ cho sinh hoạt thờ phượng và đào tạo. Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa ban cho Giáo phận trong 60 năm qua.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và chia vui với Giáo phận Cần Thơ trong dịp trọng đại này.

Bài giảng trong Thánh Lễ:

Anh chị em thân mến,

Là một người con của giáo phận Cần Thơ, “dù có đi xa vẫn mong quay về nhà”, nhất là hôm nay “cả nhà” dâng Thánh Lễ Tạ ơn mừng Kỷ niệm 60 năm Thành lập Giáo phận. Chủ yếu là tạ ơn Thiên Chúa. Nhưng đây cũng là dịp để cùng nhau biểu lộ lòng biết ơn đối với mọi thành phần dân Chúa đã xây dựng Giáo phận trong suốt 60 năm qua, bằng việc cầu nguyện cho những người còn sống cũng như đã qua đời, trong đó có những vị mục tử đã và đang phục vụ Giáo phận.

Sự hiện diện của Đức Hồng Y Gioan Baotixita, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Sàigòn, một người con ưu tú của giáo phận Cần Thơ, là một vinh dự cho cả nhà mình; Đức Hồng Y là người kế vị Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, giám mục tiên khởi giáo phận Cần Thơ (1955-1960). Sự hiện diện của Đức TGM Phaolô, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, và các Giám mục trong Giáo tỉnh, là một khích lệ lớn lao cho đại gia đình giáo phận Cần Thơ, nơi mà Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, giám mục thứ hai của giáo phận Cần Thơ, trước khi được bổ nhiệm làm TGM Huế, đã làm Phó Chủ tịch HĐGMVN ba nhiệm kỳ liên tiếp (1980-1989), và hai Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang và Emmanuel Lê Phong Thuận đã nhiều năm làm Tổng Thư ký của HĐGMVN. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, làm cho chúng ta cảm nhận được sự quan tâm gần gũi của Đức Thánh Cha đối với mọi biến cố trong Giáo hội tại Việt Nam.

Thiết tưởng, giờ đây cũng không cần làm một bản tổng kết về quá trình hình thành và phát triển Giáo phận, vì trong suốt một năm qua, mọi người trong Giáo phận đã có dịp ôn lại lịch sử Giáo phận, với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn tất cả những ai đã và đang góp phần xây dựng Giáo hội địa phương.

Trong phần Phụng vụ Lời Chúa này, tôi xin phép nhắc lại một ơn quan trọng nhất mà mỗi người chúng ta đã nhận được, và xét xem Chúa muốn chúng ta làm gì để đáp lại hồng ân đó.

Thánh Luca thuật rằng: “Khi ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21). Điều đó là điều nào ? Đức Giêsu cho biết: “Không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 11, 22). Như thế, mỗi người chúng ta nhận được ơn trọng đại nhất, là được Chúa Con tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha.

Có lần tông đồ Philipphê nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Chúa trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Có những người trong chúng ta đã được “Thầy ở với” 60 năm, hoặc lâu hơn, nhưng mỗi người có thể tự kiểm xem mình đã “thấy Chúa Cha” chưa ? và đã “biết Thầy” chưa ?

Đức Giêsu còn dạy về cách để “biết Thầy”“thấy Cha”: “Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, và Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy…” (Ga 14, 20-21). Thầy đã ban cho chúng ta một điều răn mới là: “Anh em hãy  yêu thương nhau như Thầy yêu thương” (Ga 13, 34).

Thầy đã yêu thương chúng ta thế nào ? Thánh Gioan Tông đồ viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Sống đời đời là được sống hạnh phúc vĩnh cửu trên Trời với Thiên Chúa: “Không ai lên Trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ Trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 13-15).

Trong 60 năm qua, chúng ta đã nhận được một ơn trọng đại mà còn rất nhiều người chưa nhận được. Trong “Niềm vui Tin Mừng”, chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận nỗ lực hơn nữa trong sứ vụ “Ad Gentes” (đến với muôn dân) như khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Stêphanô, vị chủ chăn đương nhiệm của Giáo phận.

Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp khai mạc, cũng là Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội, chúng ta cầu nguyện cho mọi người cảm nghiệm được Thiên Chúa đã thương xót chúng ta thế nào, để chúng ta thể hiện lòng “Thương xót như Chúa Cha” đối với mọi người như vậy. Hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa Cha là chính Chúa Con, mà Logo Năm Thánh diễn tả ý nghĩa là đấng vác trên vai mình người lầm lạc, mắt Chúa Con lẫn với mắt người lầm lạc.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông Sắc “Dung mạo Lòng Thương xót” đã đưa ra một số chỉ dẫn thực hành “để sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất”:

– Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, tránh tật nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, và đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ của tha thứ.

– Cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống; đối với những người đang sống trong tình trạng bấp bênh, đau khổ; đối với những anh chị em bị tước đoạt phẩm giá. Hãy phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ.

– Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, “để thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói” và đừng quên rằng “vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái” (lời Thánh Gioan Thánh Giá).

– Trong các giáo phận, ĐTC kêu gọi gia tăng sáng kiến cầu nguyện và sám hối. Đặc biệt ĐTC lưu ý rằng: đến với bí tích Hòa giải là bí tích “động chạm một cách cụ thể lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa”. ĐTC cầu mong rằng: “các vị giải tội hãy trở thành dấu chỉ đích thực về lòng thương xót của Chúa Cha” bằng cách trở thành “những hối nhân đầu tiên tìm ơn tha thứ”. Mỗi vị giải tội phải đón nhận các tín hữu “như một người cha chạy ra gặp con mình, dù người con ấy đã phung phí của cải của cha”. Vì thế, các vị giải tội “đừng đặt những câu hỏi không thích hợp”, nhưng “biết trở thành dấu chỉ tối thượng của lòng thương xót, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, dù thế nào đi nữa”.

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót, xin thương xót chúng con !

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con có lòng thương xót như Cha trên Trời !

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để chúng con có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo !

Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, xin cầu cho chúng con !

ĐGM Antôn Vũ Huy Chương

Xin xem thêm ảnh trong Album Picasa:

https://picasaweb.google.com/116460096455412281667/KyNiem60GPCT

nguồn:Web GPCT- GPLX