Sứ điệp Hoà bình 2017: Lắng nghe và suy nghĩ

0
68

Nếu bạo lực hay hoà bình đều bắt nguồn từ bên trong, và vì thế, phải gieo vãi và vun trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn từ tấm bé, vậy còn nơi nào lý tưởng hơn môi trường gia đình…

1. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày đầu năm dương lịch, Đức Giáo hoàng lại ban hành Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới. Điều đặc biệt của Sứ điệp năm 2017: đây là dịp kỷ niệm 50 năm Hội Thánh Công giáo cử hành Ngày Hoà bình Thế giới, và Sứ điệp Hoà bình năm nay là Sứ điệp lần thứ 50.

Năm mươi năm trôi qua nhưng nội dung của Sứ điệp đầu tiên, năm 1967 của Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, vẫn còn nguyên tính thời sự: “Hoà bình là hướng đi duy nhất đích thực của sự phát triển con người – chứ không phải là những căng thẳng tạo ra do những thứ chủ nghĩa quốc gia đầy tham vọng, cũng như những cuộc chinh phục bằng bạo lực, hoặc những cuộc đàn áp nhân danh trật tự xã hội giả tạo” (Sứ điệp, số 1). Có lẽ được gợi hứng từ khẳng định căn bản này cũng như từ thực tế mà thế giới đang đối diện, chủ đề của Sứ điệp năm 2017 là: Bất bạo động, kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình.

2. Nói đến bất bạo động, người ta dễ nghĩ đến những khuôn mặt nổi bật như Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong công cuộc giải phóng Ấn Độ, hoặc mục sư Martin Luther King trong phong trào chống phân biệt và kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Đúng thế, nhưng đừng quên rằng chính Đức Giêsu Kitô mới là đấng khơi nguồn cho chủ trương bất bạo động: “Khi Người ngăn cản những kẻ tố cáo định ném đá người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11), và trong đêm Người bị bắt, khi Người ra lệnh cho Phêrô xỏ gươm vào bao (x. Mt 26,52), Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)” (Sứ điệp, số 3).

Chính vì thế, tất cả những ai mang danh Kitô hữu phải là người thực hành bất bạo động: “Ngày nay, để là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, phải ôm ấp giáo huấn của Chúa về bất bạo động… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).

Cũng vì thế, trong thời điểm hiện nay, khi đang có những cuộc khủng bố được dán nhãn tôn giáo, Đức Giáo hoàng Phanxicô có những khẳng định thật mạnh mẽ trước toàn thế giới: “Không có tôn giáo nào là khủng bố cả”; “Không thể lấy Danh Chúa để biện minh cho bạo lực. Chỉ có hoà bình là thánh thiện. Chỉ có hoà bình mới được gọi là thánh, không có chiến tranh nào là thánh cả!” (Diễn văn tại Assisi, ngày 20-10-2016)

3. Vì Chúa Giêsu là đấng khơi nguồn lối sống bất bạo động, nên để sống tinh thần bất bạo động cách đích thực, hãy lắng nghe giáo huấn và chiêm ngắm cách hành xử của Người. Theo Chúa Giêsu, bạo động hay hoà bình đều bắt nguồn từ trong lòng người: “Chính từ bên trong, từ lòng người, mà những ý định xấu xuất hiện” (Mc 7,21). Thế nên, phải bắt đầu xây dựng hoà bình từ bên trong. Phải gieo vãi và ươm trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn. Những phát minh và tiến bộ kỹ thuật, dù tinh vi đến đâu, cũng chỉ là phương tiện. Cội rễ chiến tranh hay hoà bình là ở trong lòng người: “Thật khó để biết rằng thế giới chúng ta hiện nay có nhiều hay ít bạo lực hơn quá khứ, hoặc những phương tiện truyền thông hiện đại và sự năng động ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực không, hay ngược lại, còn làm gia tăng bạo lực” (Sứ điệp, số 2). Người ta vẫn nhắc đến câu châm ngôn “Muốn có hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Sẽ thật tuyệt vời nếu hiểu câu nói này từ góc nhìn nội tâm: hãy chiến đấu và chiến thắng những mầm mống tội lỗi trong tâm hồn, hoà bình sẽ xuất hiện trong mọi tương quan của đời sống xã hội.

Nếu bạo lực hay hoà bình đều bắt nguồn từ bên trong, và vì thế, phải gieo vãi và vun trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn từ tấm bé, vậy còn nơi nào lý tưởng hơn môi trường gia đình để làm công việc này? Vì gia đình là nơi vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, học biết chia sẻ và quan tâm đến nhau. Gia đình là nơi những va chạm, kể cả xung đột, được giải quyết không phải bằng bạo lực nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, thương xót và tha thứ (x. Sứ điệp, số 5). Một khi đã cảm nhận được tình yêu thương, mối quan tâm, lòng quảng đại và sự tha thứ trong bầu khí gia đình, người ta cũng sẽ bước vào đời với tâm hồn rộng mở, biết sẻ chia và nâng đỡ tha nhân hơn là chỉ hành động theo bản năng bạo lực.

Trong suốt ba năm 2017-2019, người Công giáo Việt Nam được mời gọi quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình. Ước gì mỗi gia đình Công giáo thực sự là cái nôi bình an và cống hiến cho đời những sứ giả hoà bình: “Trong gia đình, chúng ta không cần đến bom đạn để hủy hoại hay phục vụ hoà bình – chỉ cần ở với nhau, yêu thương nhau… Và chúng ta sẽ vượt qua mọi cái ác trong thế gian” (Mẹ Têrêxa Calcutta, Diễn văn nhận giải Nobel, 1979).

29/12/2016

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm