GIÁO PHẬN NHA TRANG – Từ ngày 17 tháng Bảy 2017, Hiệp hội Kinh thánh Đông Nam Á (CBF-SEA) thuộc Liên hiệp Kinh thánh toàn cầu (CBF) đã khai mạc Hội nghị Kinh thánh tại giáo phận Nha Trang với chủ đề “Biến đổi gia đình qua sức mạnh của Lời Chúa”. Diễn ra mỗi ba năm một lần, năm nay Hội nghị CBF-SEA quy tụ các Uỷ ban Kinh thánh của 7 quốc gia: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Kampuchea, với 33 tham dự viên.
Ngoài Đức Tổng giám mục Leopoldo Grirelli – Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, thành phần tham dự chính thức của Việt Nam gồm có Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội; quý Đức cha: Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho, Tổng thư ký HĐGMVN; Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang, Chủ tịch Uỷ ban Kinh thánh; Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục Bùi Chu, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái xã hội; Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Ban Mê Thuột, Chủ tịch Uỷ ban Thánh nhạc; Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Cần Thơ; Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Phó giáo phận Đà Lạt; Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Phụ tá Long Xuyên, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân.
Ngoài ra còn có các tham dự viên dự thính là các linh mục, tu sĩ, giáo dân đại biểu của Uỷ ban Kinh thánh của HĐGMVN cũng như đại biểu của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (thành viên liên kết của CBF-SEA); và một số linh mục, tu sĩ thuộc các Hội Dòng ở Nha Trang.
Đặc biệt có 3 gia đình công giáo ở Nha Trang và Sài Gòn cũng hiện diện tại Hội nghị để làm chứng về tác động tích cực của Lời Chúa trong đời sống gia đình.
Hội nghị khai mạc với Thánh lễ lúc 18g00 do Đức cha Giuse Võ Đức Minh chủ tế. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm cho biết đây là lần đầu tiên Hội nghị Kinh thánh tổ chức tại Nha Trang, và Đức giám mục giáo phận cũng là Chủ tịch Uỷ ban Kinh thánh của HĐGM. Nhắc đến tác phẩm nổi tiếng “Đường Hy Vọng” của Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được ngài viết ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt, Đức cha Phêrô nói: Thời gian đầu, khi mới bị cầm tù, Đức hồng y Phanxicô đã đặt cho mình câu hỏi: Tại sao trong lúc người giáo dân và cộng đoàn đang cần đến con mà con lại ở đây? Thế rồi ngài nhận ra, “tôi chọn Chúa chứ không phải tôi chọn công việc của Chúa”, nghĩa là dù ở đâu, Chúa vẫn ở với tôi, và ngài bắt đầu có cái nhìn khác. Lời Chúa đã biến đổi cách suy nghĩ của Đức hồng y Phanxicô và biến đổi chính bản thân ngài, để rồi từ đó ngài xác tín hơn và dấn thân để trở nên chứng nhân cho niềm Hy Vọng ở mọi hoàn cảnh.
Một điều trùng hợp là Hội nghị năm nay diễn ra tromg bối cảnh Giáo hội Việt Nam đang cử hành Năm Mục vụ gia đình: Giáo hội luôn tìm cách thực thi sứ vụ của mình trong thế giới, đưa niềm vui Tin Mừng vào mọi nơi, mọi thành phần của xã hội, làm cho Lời Chúa nhập thể trong thế giới loài người, vào ngôn ngữ, văn hoá, bối cảnh xã hội, đem Lời Chúa vào trong tâm hồn, cũng như lối sống của mỗi gia đình.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Tổng giám mục Girelli chia sẻ tâm tình với các tham dự viên Hội nghị:
Kinh thánh dành cho lời nói một phẩm giá thật lớn lao. Thánh Gioan Tông đồ khởi đầu Tin mừng như sau: Từ thuở ban đầu đã có Ngôi Lời. Hiển nhiên cách nói của Thiên Chúa khác cách nói của loài người. Thiên Chúa không có môi miệng hay hơi thở; ngôn sứ là môi miệng của Thiên Chúa, Thánh Thần là hơi thở của Ngài và Thiên Chúa nói vào tai của tâm lòng chúng ta.
Tuy nhiên khi Đức Kitô đến, Thiên Chúa cũng nói bằng tiếng nói của nhân loại và chúng ta cám ơn Chúa về món quà Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô. Lời nói là phương tiện chuyển tải ý tưởng và tình cảm của chúng ta vào trí khôn vào tâm lòng của người khác, còn Lời Chúa là cách thế để chân lý và tình thương của Thiên Chúa chạm đến trí khôn và tâm lòng chúng ta.
Vì lời nói có một chỗ đứng quan trọng đối với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải để ý đến sức mạnh lời chúng ta nói; phải luôn luôn nói những lời tốt lành. Việc lợi dụng lời nói có thể biến cuộc sống thành hoả ngục, nhất là trong gia đình. Phải khuyến khích người công giáo chú ý đến lời mình nói và biết tha thứ những lời không tốt thốt ra từ miệng lưỡi.
Lời nói của chúng ta có thể mạnh bạo, nhưng Lời Chúa thì luôn luôn là một uy quyền biến đổi mang ơn cứu độ cho nhân loại và củng cố sự hợp nhất trong đời sống gia đình.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên, mỗi gia đình công giáo tại Việt Nam cũng như tại các nước khác hãy có cuốn Kinh thánh hay ít nhất cuốn Phúc âm trong nhà và mở ra đọc mỗi ngày.
Từ cửa sổ các phòng chúng ta đang ở tại Trung tâm mục vụ giáo phận Nha Trang có thể chiêm ngắm cảnh mặt trời mọc trên khung cảnh tuyệt đẹp của vùng biển Nha Trang. Thực vậy, Thiên Chúa là vầng đông viếng thăm chúng ta từ trên cao. Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa, đến với chúng ta tựa mặt trời đang mọc lên từ phương Đông để xoá tan mọi tối tăm.
Tôi xin chuyển đến quý vị, thành viên và khách tham dự, lời chào và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cầu chúc Hội nghi đạt nhiều thành quả cho mỗi cá nhân tham dự cũng như cho Giáo hội tại Á Châu. Xin Chúa chúc lành cho tất cả quý vị.
Sau thánh lễ, các tham dự viên quy tụ trong phòng hội, thưởng thức các tiết mục văn nghệ của Việt Nam do hai Hội dòng Khiết Tâm Nha Trang và Mến Thánh Giá Nha Trang trình diễn; tiếp theo, Ban tổ chức giới thiệu thành phần tham dự Hội nghị và cuối cùng là bữa ăn thân mật.
Các tham dự viên sẽ tiếp tục làm việc trong suốt tuần và Hội nghị sẽ kết thúc vào Chúa nhật 23 tháng Bảy.
(Theo giaophannhatrang.org)
Ban Truyền thông giáo phận Nha Trang