Tôn trọng sự thật

0
50

Tuần qua, việc tung tin thất thiệt qua hai clip “Hai thiếu nữ hiếp dâm một chàng trai cho tới chết” (ở Bình Thuận) và “Chủ quán trà đá lấy nước rửa chân pha trà” (ở Hà Nội) đã làm xôn xao dư luận. Cơ quan điều tra đã vào cuộc và đã kết luận đó là những thông tin bịa đặt và những hình ảnh cắt ghép. Theo thông tin từ những bài viết trên mạng, những thủ phạm cũng đã bị phát giác và đã trình diện trước pháp luật. Giải trình về hành động này, họ chỉ đưa lý do hết sức đơn giản: “làm vậy cho vui”. Những sự việc này gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận. Một vấn đề không mới lại được đặt ra: làm sao để tôn trọng sự thật và sống theo sự thật?

Nếu những người chủ ý đăng tải những thông tin thất thiệt chỉ để “câu like” và “cho vui”, thì hậu quả hành vi của họ lại nghiêm trọng khôn lường. Một trong hai cô gái là nạn nhân của clip được đăng tải với thông tin “hiếp dâm” trên đây đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, tới mức đã có ý định tự tử. Quán trà đá với hình ảnh lấy nước rửa chân pha trà đã bị chính quyền dẹp bỏ. Tương lai của cô nữ sinh vốn hồn nhiên yêu đời, sau khi bị đăng hình ảnh bỗng trở thành tối tăm mù mịt. Kế sinh nhai của chị bán nước, từ sau khi lên mạng, bỗng đến hồi chấm dứt. Có thể nỗi đau của thiếu nữ sẽ nguôi ngoai khi được thanh minh giải tỏa, có thể sự thiệt thòi của người phụ nữ chủ quán trà sẽ được bồi đắp (nghe đâu đã được bồi thường 15 triệu), nhưng vết thương do sự ác ý của con người gây ra thì còn lâu mới được chữa lành. Có người đặt câu hỏi: tại sao người ta nỡ tâm lấy sinh mạng và danh dự người khác ra làm trò đùa?

Đã có nhiều nghiên cứu chuyên môn nói về sự ác ý của những người bình luận trên mạng internet đối với một nhân vật hay một sự kiện. Họ là những người giấu mặt, những “anh hùng bàn phím”. Họ thả sức bình luận vô trách nhiệm, có khi chỉ thỏa chí tò mò, hoặc chỉ vui đùa, nhưng cũng có lúc để trút giận không thương tiếc trên những người mà họ không quen biết, cũng không thù oán. Những lời lẽ vô trách nhiệm ấy đã đấy nhiều số phận đến cùng cực và tạo sức ép ghê gớm, thậm chí làm cho một người hết đường sống.

Thiếu tôn trọng sự thật là nguyên nhân của biết bao đổ vỡ và xung đột. Khi không sống theo sự thật, người ta dối trá lẫn nhau. Mối tương quan gia đình, xã hội chỉ dừng lại ở những vỏ bọc bên ngoài, tuy hào nhoáng, nhưng vô nghĩa và giả tạo. Quả vậy, khi không tôn trọng sự thật, thì hậu quả sẽ là sự phản bội trong hôn nhân, lừa đảo trong thương trường, mánh mung trong tình bạn và thủ đoạn trong lối xóm. Khi người ta lấy lợi nhuận làm tiêu chí tối ưu cho cuộc đời, thì bạo lực và lừa đảo sẽ lên ngôi. Cuộc sống xung quanh chúng ta đã chứng minh điều đó.

Nguyên nhân nào dẫn con người đến tình trạng thiếu tôn trọng sự thật? Có nhiều lý do, nhưng trước hết là vì người ta chối bỏ tiếng nói của lương tâm. Ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta có những cách diễn tả “táng tận lương tâm”, hay “lương tâm chai đá” để chỉ một người làm điều thất đức. Vâng, một khi chối bỏ tiếng nói của lương tâm, con người sẽ bị lạc đường, trở nên như một con thú hoang, hung hăng phá phách và hủy diệt. Trong mỗi con người, ai cũng có lương tâm. Quan niệm Kitô giáo cho rằng, dù con người thuộc nền văn hóa hay tôn giáo tín ngưỡng nào đi nữa, thì Chúa cũng đặt để nơi họ những tiêu chí xét đoán và lượng giá tốt xấu cho mọi hành vi của bản thân cũng như của người khác. “Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thẳm sâu lòng họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 16). Lương tâm cũng là một tòa án công minh, xét xử những hành vi, lời nói và suy tư của mỗi người. Lương tâm khen ngợi khi chúng ta làm điều tốt. Lương tâm trách móc khi chúng ta làm điều xấu. Kẻ “táng tận lương tâm” là người chai lỳ, khước từ mọi lời khuyên của lương tâm.

Một nguyên nhân quan trọng hơn dẫn tới việc con người không tôn trọng sự thật, đó là họ phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế trong cuộc sống này. Nhiều khuynh hướng chủ quan cho rằng, lý trí con người có thể phân định tốt xấu và có thể làm chủ được vận mệnh của mình. Nhiều người khác lại quá lệ thuộc vào những phát minh khoa học và tin tưởng tuyệt đối vào một nền “kỹ trị”, đến nỗi họ coi đó như một thứ tôn giáo mới. Những người lập luận như trên muốn khước từ Thượng Đế và những giá trị tâm linh. Họ coi Thượng Đế như sẳn phẩm của trí tưởng tượng và như nhân vật của một câu chuyện cổ tích lỗi thời. Họ chỉ tin vào những gì họ kiểm nghiệm được bằng lý trí và khoa học. Vì không tin vào thần linh, họ nghĩ rằng những hành động khuất tất mà người khác không biết, là họ mặc sức thi hành, dù đó là những hành động trái với lương tâm và làm tổn hại đến người khác. Hằng ngày, chúng ta đọc những thông tin về những cán bộ biến chất tham nhũng, lấy công quỹ làm của riêng. Số tiền thất thoát toàn tính bằng ngàn tỷ. Những người này làm nghèo đất nước mà họ vẫn ngang nhiên tại chức sau khi “rút kinh nghiệm”, hoặc bị “cảnh cáo phê bình”. Không tin vào Thượng Đế và khước bỏ những giá trị tâm linh, con người càng trượt sâu trên làn dốc sa đọa và tham lam ích kỷ. Ông Bà ta đã dạy: “Của thiên trả địa”. Tài sản không do mồ hôi sức lực mà có, nhưng do chiếm đoạt bất công, sẽ có lúc không cánh mà bay, một đi không trở lại. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh điều đó.

Một nửa cái bánh là cái bánh, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhiều người thông tin hoặc bình luận một cách cố ý, chỉ nói một nửa sự thật về một nhân vật hay một sự kiện. Đôi khi một nửa sự thật lại là điều dối trá. Vì mục đích nào đó, một số nhà báo cũng uốn ngòi bút để viết lách sai sự thật, hoặc bằng phương pháp đánh lận con đen, lập lờ vàng thau lẫn lộn. Một khi nói dối, người ta càng chìm sâu trong sự dối trá, tiếp tục bao biện và dối trá lại chồng chất dối trá. “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, chẳng có sự dối trá nào mà không bị lôi ra sánh sáng.

“Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự toà xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi con… Người xét xử thế giới theo lẽ công minh, cai trị muôn dân theo đường chính trực.” (Tv 9,5.9). Người tín hữu tin rằng, mọi hành vi và cử chỉ của mình đều được Chúa quan sát và lượng giá. Hơn nữa, những tư tưởng thầm kín con người cũng được Thiên Chúa thấu hiểu trước khi chúng được thể hiện qua hành động và lời nói. Tin có Chúa hiện diện trong đời sống, sẽ giúp chúng ta cẩn trọng hơn trong lời nói và việc làm. “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống theo sự thật để tâm hồn được bình an. Người cũng quả quyết: nếu chúng ta tôn trọng sự thật, dù có phải phiền lụy gian nan, thì tâm hồn chúng ta sẽ được tự do thanh thản và Thiên Chúa sẽ can thiệp minh xử cho chúng ta.

Để góp phần xây dựng một xã hội công bằng đạo đức, điều kiện cần thiết là mỗi người chúng ta phải tôn trọng sự thật trong đời sống hằng ngày. Hãy tin vào Thiên Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài sẽ giải thoát chúng ta vì chúng ta thành tâm tin vào Ngài. Hãy tin vào cuộc đời vì còn có nhiều người yêu mến sự thật và đang thiện chí đi tìm Chân lý. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32).

Tháng 7-2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên