Hội Dòng Xitô Thánh Gia Khai Mạc Năm Thánh Mừng Kỷ Niệm 100 Năm Thành Lập Dòng (1918 – 15/8 – 2018)

0
253

Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia phát xuất từ việc sáng lập đan tu tại Việt Nam, do cha Henri Denis Biển Đức Thuận(1880-1933), thuộc Hội Truyền Giáo Paris. Ngài đến Đà Nẵng ngày 31 tháng 5 năm 1903 và truyền giáo ở Giáo phận Huế đầu thế kỷ 20. Ngài là một linh mục trí khôn sắc sảo và đạo đức(x. thư Đức Cha Eugène Allys, Giám mục Tông Tòa Huế gửi Tòa Thánh ngày 15.4.1918), luôn thao thức lập một Dòng chiêm niệm cho nam giới ở Việt Nam. Được sự chấp thuận của đấng bản quyền, vào ngày 15-08-1918 ngài dâng lễ khai sinh nếp sống Đan tu tại Phước Sơn, Quảng Trị, Việt Nam. Lúc đầu được gọi là Dòng Đức Bà Việt Nam, sau được sáp nhập vào Dòng Xi-tô thế giới qua quyết nghị của Tòa Thánh ngày 24-5-1934; rồi được chính thức nâng lên bậc Hội Dòng do quyết định của Thánh Bộ Tu sĩ và Tu hội đời ngày 6-10-1964 (x. Hiến pháp và Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 1). Hội Dòng có tên gọi là: Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, bổn mạng Thánh Gia Thất.

Như vậy, sang năm vào ngày 15.08.1918, Hội Dòng sẽ tròn 100 tuổi. Để chuẩn bị mừng biến cố trọng đại này Quý Bề Trên trong Hội Dòng đã phác thảo những chương trình sinh hoạt đặt biệt để giúp các thành viên trong Hội Dòng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, nhớ về cội nguồn, học hỏi những giáo huấn của đấng sáng lập. Một cách cụ thể, chủ đề năm 2016: “Các Đan sĩ Xitô Thánh Gia noi gương Cha Tổ phụ Sống Say Mê Thiên Chúa”, năm 2017: “Các Đan sĩ Xitô Thánh Gia noi gương Cha Tổ phụ Sống Huyền Nhiệm Hiệp Thông”, năm 2018: “Từ Cội Nguồn Phước Sơn Quảng Trị, Đến Việc Thành Lập Hội Dòng và Hướng Tới Tương Lai”. Các vị hữu trách cũng đã tổ chức những cuộc tĩnh huấn cho các thành phần trong Hội Dòng ở nhiều địa điểm khác nhau như: tại Đức Mẹ Lavang Quảng Trị, tại các cộng đoàn trong Hội Dòng. Đồng thời xin Tòa Thánh ban phép mở Năm Thánh cho Hội Dòng và từng Cộng đoàn trong Hội Dòng. 

Và hôm nay, ngày 15.08.2017 được chọn làm Ngày Khai Mạc Năm Thánh Mừng Bách Chu Niên Thành Lập Dòng. Quý Viện phụ, Viện Mẫu, quý Bề Trên và toàn thể anh chị em trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia qui tụ về Nhà Tổ: Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Sơn, Tân Lộc, Phước Hòa, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàuthuộc Giáo Phận Bà Rịa-Vũng Tàu để cùng nhau chung lời tạ ơn Thiên Chúa, ngợi khen Đức Trinh Nữ Maria, tri ân các bậc tiền nhân qua những nghi thức và nhất là Thánh lễ Trọng Thể Khai Mạc Mừng Bách Chu Niên Ngày Cha Henri Denis Biển Đức Thuận Lập Dòng (1918-15.08 -2018).

8g30 Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám Mục Giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện Phụ Hội Trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn chủ sử nghi thức khánh thành nhà truyền thống. Nơi đây trình bày những kỷ vật của cha Tổ phụ Henri Denis Biển Đức Thuận. Nơi để gặp gỡ của quá khứ, hiện tại, tương lai và như chiếc cầu nối kết giữa các cộng đoàn trong Hội Dòng. Và nơi đây cũng là nơi để các cộng đoàn trong Hội Dòng trình bày những sinh hoạt chính yếu của cộng đoàn mình.

 

 

Sau đó Đức Cha Emmanuel, quý Viện Phụ, Viện Mẫu, Quý Bề trên và Anh chị em trong Hội Dòng tiến ra lăng mộ cha Tổ phụ Cha Henri Denis Biển Đức Thuận, đấng sáng lập để tưởng niệm, thắp những nén hương bày tỏ lòng biết ơn và lắng nghe những lời huấn đức của ngài để lại.

9g00: Nghi thức Khai Mạc Năm Thánh. Trước cửa Thánh Đường, Viện phụ Hội Trưởng M. Gioan Thánh Giá cho biết lý do và những ước mong của việc mở Năm Thánh cho Hội Dòng. Kế đó thầy Phó tế đọc Tin mừng, cha Đominicô Phạm Văn Hiền nguyên Viện phụ Hội Trưởng đọc Sắc lệnh Tòa Thánh cho phép mở Năm Thánh. Tiếp theo Đức Cha chủ sự, Viện phụ Hội Trưởng M. Gioan Thánh Giá mở cửa Thánh Đường như một biểu tượng cho việc Khai Mở Năm Thánh và kho tàng ân sủng của Thiên Chúa cho mọi người trong năm hồng phúc này.

Với bài ca: Nào Về  Đây, Một Điềm Lớn (Nhập lễ về Đức Mẹ Lên Trời), ca đoàn tổng hợp của Hội Dòng đã đưa cộng đoàn phụng vụ vào Thánh Lễ một cách phấn khởi, trầm hùng, sốt sáng. 

Đức Cha Emmanuel chủ tế Thánh Lễ, cùng đồng tế có các Viện phụ, Nguyên Viện phụ, quý Bề trên và khoảng 600 thành viên trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

Khởi đầu lễ Đức Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn ăn năn thống hối để mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đồng thời chuẩn bị tâm hồn để cuối Thánh Lễ lãnh nhận ơn toàn xá. Viện phụ Hội Trưởng M. Gioan  Thánh Giá Giảng Lễ. Dựa vào các bài đọc phụng vụ về Đức Mẹ Hồn Xác lên trời ngài chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ như sau:

Chủ Đề Bài Giảng: THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN

Anh chị em thân mến,

Chúng ta thường tuyên xưng: “tất cả là hồng ân”, để diễn tả rằng mọi sự xảy ra đều là hồng ân tình yêu của Chúa. Nếu như vậy, mọi biến cố đều là hồng ân, và mọi thời điểm đều là thời điểm hồng ân, ngay cả những biến cố đau buồn nhất, những nẻo đường tăm tối nhất.

Dầu vậy, có những thời điểm mang nhiều ý nghĩa hơn những thời điểm khác, có những biến cố lịch sử mang đậm dấu ấn hơn vì có tầm ảnh hưởng đến vận mạng của nhiều người và trở thành một định hướng cho cuộc sống của họ.

Hôm nay, Hội dòng Xitô Thánh Gia long trọng khai mạc Năm Thánh mừng bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng, ngày 15 tháng 8 năm 1918. Đây là THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN, vì đánh dấu một quãng đường dài một trăm năm của đan viện đầu tiên ngài thành lập mang tên Đức Bà An-nam trên đất Phước Sơn và là chiếc nôi của Hội dòng Xitô Thánh Gia chúng ta.

Các bài đọc Kinh Thánh gợi nên ba khía cạnh của thời điểm hồng ân: trước hết là thời điểm quặn đau sinh hạ, tiếp đến là thời điểm của cuộc sống mới, và cuối cùng là thời điểm của niềm tri ân cảm tạ.

1. THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN CỦA QUẶN ĐAU SINH HẠ

Trong bài đọc thứ nhất, trích sách Khải Huyền, thánh Gioan tông đồ đã trình thuật lại sự kiện một người nữ có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Bà đã sinh được một người con trai. Thị kiến trên như cho chúng ta nhìn thấy niềm hy vọng của một người mẹ cưu mang một bào thai và cả nỗi đau khi bà sinh hạ người con trai. Ở tầng sâu hơn, đó là mối tình mạnh mẽ hơn sự chết mà bà dành cho người con của bà.

Thánh Gioan cũng trình thuật một thị kiến đồng thời: xuất hiện con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Nó hung tợn và đứng chực sẵn trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Thị kiến này cho phép chúng ta tưởng tượng cảnh kinh hoàng đang đe doạ tình cảnh hai mẹ con. Nguy hiểm luôn là điều đi theo niềm hy vọng. Sự ác như đồng hành để cản lối tình yêu.

Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trích đoạn sách Khải Huyền trong dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, để giúp chúng ta cảm thấm nỗi đau của Giáo Hội – cũng như nỗi đau của Mẹ Maria – trong việc sinh hạ những người con cho Thiên Chúa, để kinh nghiệm rằng niềm hạnh phúc của trời cao luôn phải trả bằng cái giá của hy sinh và khổ đau.

Trong ý nghĩa đó, là thành viên của Hội dòng Xitô Thánh Gia, mỗi chúng ta hiểu thế nào là thời điểm hồng ân của quặn đau sinh hạ và sống sự sinh hạ trong quặn đau như thế nào?

Khi mừng bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng vào ngày 15 tháng 8 năm 1918, ngày cha đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời để khai mạc một nếp sống mới, đó là đời sống đan tu. Phải chăng việc cưu mang và sinh hạ này là dễ dàng, không khổ đau?

Như chúng ta đã biết, cha Tổ Phụ đã phải chờ đợi chín năm trường để có thể được phép Đức cha Allys cho đi lập dòng và sống đời đan tu. Cha cưu mang chín năm trường: một thời gian dài. Trong thời gian chờ đợi đó, cha luôn khao khát thời điểm hồng ân mau đến. Ngài viết thư cho đức cha vào năm 1917:

“Thưa Đức cha, khi ông bố đuổi đứa con ra khỏi cửa này, thì nó chỉ có một việc là quay trở vào bằng cửa khác. Từ ngày con trở về đây (Tiểu chủng viện An Ninh), con luôn nghĩ tới mảnh đất mà con có thể đến ở, nếu Đức cha cho phép… Đáng lẽ con phải trình bày với Đức cha về các đan sĩ của con. Con tự trách mình là đã không trình bày, nên hôm nay con bạo dạn kính đến Đức cha đôi dòng này để thưa với Đức cha là con liên tục nghĩ tới việc thành lập dòng, và lúc này hơn bao giờ hết. Xin Đức cha miễn thứ cho con, vì con đã thường xuyên khẩn khoản nài xin Đức cha như thế, qua bao nhiêu thư từ và cầu xin từ tám năm nay! Con nghĩ đến người bạn quấy rầy trong Phúc Âm quyết xin cho bằng được chiếc bánh, con cũng liều lĩnh như thế và dám hy vọng cũng đạt kết quả như thế”.

Chúng ta hỏi tại sao Cha Tổ Phụ lại khao khát sống đời đan tu như vậy? Nơi đây, chúng ta đụng chạm đến một huyền nhiệm ơn gọi và cuộc sống của Cha Tổ Phụ. Có thể có nhiều cách lý giải, nhưng đó chỉ là những giải thích bên ngoài không sao chạm đến được vùng sâu thẳm của tâm hồn ngài. Nỗi khao khát khôn nguôi của ngài diễn tả niềm hy vọng chất chứa trong trái tim ngài: hy vọng một sự hạ sinh con người mới, cuộc sống mới, nếp sống mới. Điều ngài cưu mang có một giá trị tuyệt vời, vì thế mà ngài kiên trì. Nhưng để có thể hiện thực giấc mơ này, ngài đã phải chiến đấu gay go, chắc chắn với chính bản thân để vượt qua những chướng ngại. Nhiều người nghi ngờ công việc ngài đang âm thầm thực hiện và ngay khi bắt đầu hiện thực, nhiều ánh mắt quan ngại vẫn theo dõi ngài. Ngài đau khổ chiến đấu với người khác. Ngài còn như thể chiến đấu với chính Thiên Chúa, vật nhau với Thiên Chúa, như Tổ Phụ Giacóp đã đánh vật với Thiên Chúa suốt đem tối khi ông ở một mình. Cha Tổ Phụ không bao giờ đặt lại vấn đề con đường đã chọn và định hướng cuộc đời; nhưng ngài đã phải khổ đau để điều cưu mang được hiện thực. Chúng ta có thể nói Ngài đã quặn đau sinh hạ cuộc sống đan tu, đã quặn đau sinh hạ đan viện đầu tiên dành cho những người Viêt Nam muốn hiến thân trong cuộc đời chiêm niệm. Chính nỗi quặn đau đó nơi Cha Tổ Phụ – và những nỗi quặn đau khác mà chúng ta không thể hiểu thấu được – lại là diễn tả đẹp nhất của tình yêu ngài dành cho đứa con mới được hạ sinh này. Và những nỗi đau đó đã giúp ngài vượt thắng tất cả trong tương lai, khi bất cứ chướng ngại nào cản lối, ngay cả mưu mô của ma quỉ như ngài viết trong thư: “xem ra ma quỉ nó không thích chúng con cho lắm!” Chính nỗi quặn đau sinh hạ Dòng “Đức Bà An Nam” trên Núi Phước luôn là THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN. Và nếu là hồng ân, thì đó cũng là NIỀM VUI, HẠNH PHÚC. Nỗi quặn đau đã biến thành niềm vui.

Anh chị em thân mến,

Nếu nói quặn đau sinh hạ là thời điểm hồng ân đối với Cha Tổ Phụ và cho cả các thế hệ cha anh tiếp bước ngài, thì đối với chúng ta khi kỷ niệm bách chu niên ngày cha lập dòng, chúng ta có cảm thấm nỗi quặn đau khi chính chúng ta đang sống trong thời điểm hồng ân này? Và làm sao để nỗi quặn đau như là hồng ân?

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Có thể nói, chúng ta đã sinh hạ chính mình trong ơn gọi đan tu này, trong lòng Hội dòng Xitô Thánh Gia, để trở thành một con người mới với nếp sống mới. Những gian nan là đương nhiên, nhưng chúng ta có nghiệm thấy niềm vui dạt dào của đời sống này, có cảm nghiệm hạnh phúc của người được sống trong đan viện, trong Nhà Chúa? Và đâu là điều chúng ta trao cho nhau trong thời điểm hồng ân này? Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Galát, đã viết: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gal 4,19). Như vậy, cùng sống thời điểm hồng ân này, chúng ta cùng quặn đau để cưu mang và hạ sinh nhau để Đức Kitô thành hình nơi mỗi chúng ta. Nỗi quặn đau thành niềm vui và hạnh phúc. Phải chịu khó và vui mới bền đổ trong nhà dòng này, như Cha Tổ Phụ thường nhắc đi nhắc lại.

2. THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN CỦA CUỘC SỐNG MỚI

Trong bài đọc thứ hai, trích thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrinthô, thánh Phaolô đề cập đến sự phục sinh cho một cuộc sống mới, nơi đó Đức Kitô phải nắm vương quyền; nghĩa là Chúa Kitô là nơi qui tụ mọi sự, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô.

Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trích đoạn lá thư này trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời để nhấn mạnh rằng sự sống lại cần thiết để hưởng vinh quang trên trời, và vinh quang đó là sống với Chúa Kitô. Mẹ Maria được rước lên trời như là kết quả của chính việc Chúa Kitô được vinh quang và nắm vương quyền; để nơi đâu có Chúa Kitô, nơi đó cũng có Mẹ Maria. Thánh Phaolô cũng đã quả quyết là chúng ta đã được sống lại với Đức Kitô rồi (Col 3,1), và vì thế hãy sống một đời sống mới.

Khi chúng ta kỷ niệm bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng, chúng ta được mời gọi có một nhãn quan mới về cuộc sống. Trước hết, ánh nhìn mới về quê hương, đồng bào. Đức cha Allys (Lý), giám mục tông toà Huế, khi viết thư đệ trình hồng y T ổng trưởng Bộ Truyền Giáo; trong thỉnh nguyện thư này, Đức giám mục Tông toà Huế cung cấp tất cả những dữ liệu liên quan đến nhà dòng sẽ được thành lập và ngài kết luận:

“Phải chăng người Việt Nam không được quyền ưu đãi nên đành chịu thiệt thòi là không được phúc sống đời đan tu như người Hoa, người Nhật? Thiết tưởng không! Vậy tôi dám mong ngài chiếu tình cho người Việt Nam cũng được thông công hạnh phúc của đời đan tu. Tôi dám hy vọng rằng cây non do vị linh mục thừa sai này khởi trồng, nhờ sương sa mát mẻ của Dòng Trappe hay Dòng nào khác, sau này sẽ trở thành cây đại thọ xanh tốt, ai nào biết được…”

Chúng ta cũng biết rằng chính Cha Tổ Phụ, trước khi lập dòng, đã vâng lời Đức cha viết thư cho các bề trên các dòng đan tu ở Âu châu để đến thành lập một đan viện tại Việt Nam, và ngài đã luôn nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không thể lập dòng ở Đông Dương, khí hậu ở đấy không cho phép tuân giữ trọn vẹn luật Dòng chúng tôi”. Việc từ chối này còn dựa trên nhiều lý lẽ khác như: “Đan viện chúng tôi đang thiếu nhân sự; còn nếu tuyển sinh tại chỗ, liệu có thể tin tưởng vào những người Việt Nam bé nhỏ, bề ngoài có vẻ mảnh khảnh, thể chất ốm yếu, tâm thức không mấy kiên trì? Liệu họ có thích hợp với một tu luật không thể thay đổi chăng, và việc tuân giữ chay tịnh, thức khuya dậy sớm, lao động khổ cực, mà thường thì không thể nào miễn trừ điều gì…”

Nhận định của các bề trên Âu châu không chính xác, vì họ đã không có cơ may tiếp xúc, tiếp cận để hiểu rõ con người Việt Nam như Cha Tổ Phụ. Bao nhiêu năm sống giữa những người Việt Nam, trong môi trường chủng viện, giáo xứ hay qua cuộc sống thường nhật, Cha Tổ Phụ đã khám phá phẩm chất con người Việt Nam và nhận định rằng dân tộc này không những có khả năng mà còn sống phong phú ơn gọi đan tu. Chính vì thế mà ngài khao khát lập dòng đan tu, chuyên về chiêm niệm cho người Việt Nam. Ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15 tháng 8 năm 1918 là cột mốc quan trọng cho Giáo Hội Việt Nam và dân tộc Việt Nam, vì là ngày khai mạc đời sống đan tu Xitô, để những người Việt Nam được hưởng hồng ân đời chiêm niệm, một cuộc sống ẩn kín nhưng phong nhiêu.

Nếu chúng ta nói ngày khai mạc đời đan tu trên Núi Phước với việc thành lập dòng Đức Bà An Nam vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15 tháng 8 năm 1918 là một thời điểm quan trọng cho dân tộc Việt Nam, theo ý nghĩa chúng ta vừa nói trên, điều đó dẫn chúng ta đến một nhãn quan, một ánh nhìn tích cực về dân tộc mình, về quê hương đất nước mình. Nơi đây, không phải là thể chế chính trị hay các chiến lược kinh tế, mà là những con người, những con người có khả năng sống một đời đan tu chiêm niệm phong phú. Đây là ánh nhìn của chiều sâu, của chiêm niệm, của việc đi vào chính hồn sống của dân tộc. Và điều đó cũng mời gọi chúng ta định hướng cho việc đóng góp của chúng ta cho quê hương mình. Đâu là phần đóng góp giá trị và cụ thể của đời đan tu Xitô Thánh Gia? Đâu là mối tương tác giữa hồn sống dân tộc và linh đạo Xitô Thánh Gia?

Thiết tưởng bằng cách chúng ta sống đúng phẩm chất con người mới trong Chúa Kitô, và con người mới đó, không gì khác hơn là điều Cha Tổ Phụ hằng mong ước, đó là trở nên những đan sĩ thật, đan sĩ thánh. Chỉ khi ấy chúng ta mới hoạ lại trong chính mình hình ảnh của Chúa Kitô, như Cha Tổ Phụ diễn tả, để họ nhìn thấy chúng ta là Giêsu, Giêsu thay thảy. Chính qua con đường này mà chúng ta đóng góp phần độc đáo của mình cho quê hương Việt Nam, quê hương mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận hằng yêu mến tha thiết và muốn mang lại cho đồng bào Việt Nam điều cao quí nhất, đó là đời sống đan tu chiêm niệm. Là những người Việt Nam đang thừa hưởng hồng ân cao quí đó, chúng ta cũng phải ước muốn cho nhiều anh chị em đồng bào mình được biết Chúa, phụng sự Chúa, và hưởng nếm niềm hạnh phúc của đời đan tu chiêm niệm.

3. THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN CỦA NIỀM TRI ÂN CẢM TẠ

Trong ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Giáo Hội mời gọi chúng ta hoà tâm tình và giọng hát với Mẹ trong bài ca cảm tạ Magniílcat. Khi còn ở thế, Mẹ đã hát bài ca cảm tạ. khi được rước về trời, Mẹ còn nâng cao giọng hát để cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã làm bao nhiêu việc kỳ diệu và luôn độ trì bao thế hệ của dân Chúa.

Mừng kỷ niệm bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, chúng ta cũng muốn diễn tả niềm tri ân, hát lên bài ca cảm tạ, và hơn thế nữa, trở thành lời cảm tạ sống động, lời ca ngợi cho vinh quang Thiên Chúa.

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã làm những điều kỳ diệu nơi các bậc chính nhân, mà đường lối Người không sao hiểu thấu. Chúng ta chỉ được nghe thuật lại những gì đã diễn tiến trong quá khứ, trong thời gian Cha Tổ Phụ bắt tay vào việc thiết lập đan viện đầu tiên; nhưng chúng ta không thể hiểu biết những gì xảy ra trong sâu thẳm tâm hồn ngài và các môn sinh của thế hệ thứ nhất, thế hệ được chung sống với ngài. Chúng ta đứng trước huyền nhiệm sức mạnh của ơn thánh, chính nhờ đó mà hạt giống chiêm niệm được gieo trên miền Núi Phước nay trở thành một cây đại thụ xanh tươi, đầy hoa trái. Lòng tri ân của chúng ta dâng lên Chúa phải được diễn tả một cách cụ thể qua đời sống thánh thiện, đạo đức, để mỗi chúng ta trở thành lời tri ân cảm tạ sống động. Đâu là điều mà Cha Tổ Phụ tri ân Chúa? Cha nhắc cho chúng ta điều cha đã sống, đó là cám ơn Chúa đã gọi chúng ta vào dòng. Ngài cảnh tỉnh rằng lúc mới vào đời tu, còn nhớ, sống lâu rồi, quên mất. Và sự biết ơn đó được diễn tả bằng sự say mê Chúa, hằng sống kết hiệp với Chúa, chuyện vãn với Chúa. Đây cũng là cách diễn tả đẹp nhất tâm tình cảm tạ của chúng ta với Chúa, đặc biệt khi cử hành Năm Thánh mừng bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng.

Trước khi ra đi lập dòng, Cha Tổ Phụ đã đến thánh địa La Vang để trao phó cho Mẹ công cuộc quan trọng này. Thánh lễ đầu tiên cha dâng trên Núi Phước vào ngày 5 tháng 8, lễ Đức Mẹ xuống tuyết; cha đã chọn ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời để dâng thánh lễ khai mạc đời đan tu. Và khi chọn danh hiệu đan viện là “Dòng Đức Bà An Nam”, cha muốn Mẹ Maria và cuộc đời của Mẹ in đậm dấu ấn trong nếp sống đan tu. Chúng ta cảm tạ Mẹ với tất cả tâm tình hiếu thảo. Vậy đâu là lòng tri ân chúng ta có đối với Mẹ Maria? Cha Tổ Phụ khuyên: Đó là noi gương Mẹ luôn có Chúa Giêsu sống với, và sung mãn ơn phúc. Xin Mẹ cho chúng ta được thêm lòng kính mến Chúa.

Cử hành Năm Thánh mừng bách chu niên Cha Tổ Phụ lập dòng, chúng ta muốn tri ân Cha Tổ Phụ cũng như bao cha anh của những thế hệ kế tiếp nhau. Cha Tổ Phụ đã gieo hạt giống chiêm niệm và dầy công chăm sóc với tất cả tình yêu và nhiệt tâm của một con tim bừng cháy tình yêu Chúa và tình thương tha nhân. Thể xác cha đã hao mòn vì đại cuộc này. Cha đã ra đi trong bình an. Bên Chúa, cha luôn phù hộ cho con cái cha được huấn luyện và sống như những đan sĩ thật, đan sĩ thánh. Chúng ta cũng tri ân cha Bernard Mendiboure và bao cha anh đã góp công sức, tình yêu, sáng kiến, để xây dựng nên một lịch sử của Hội dòng, mà chúng ta dám nói rằng đó là một lịch sử thánh. Là những người thừa hưởng gia tài cao quí do Cha Tổ Phụ và quí cha anh để lại, chúng ta phải sống trung tín với chính ơn gọi đan tu chiêm niệm, luôn phát huy gia bảo thừa hưởng và sống tốt đẹp nét gia phong trong nếp sống hằng ngày. Lịch sử thánh các ngài đã viết trên những trang dành cho thời đại các ngài; còn chúng ta, cũng hãy can đảm viết lên với chính ngòi bút của Chúa Thánh Thần lịch sử dành cho thời đại chúng ta. Chúng ta hãy là những con người trung thành trong sáng tạo.

Chúng ta cũng không quên tri ân Giáo Hội qua các vị đại diện như các Đức Giáo Hoàng, các Tổng Phụ Xitô, những đấng có những quyết định quan trọng trong hành trình của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta. Đặc biệt chúng ta tri ân Đức Cha Allys (Lý), giám mục Huế, đã đồng hành với Cha Tổ Phụ trong quá trình thành lập và phát triển dòng Đức Bà An Nam. Tri ân cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài – mà người ta thường gọi một cách thân thương là cụ Phước Môn – đã hiến dâng tặng đất lập dòng và cùng với bao nhiêu vị ân nhân đạo đời giúp đỡ dòng phát triển. Thiên Chúa ban phát ơn lành của Người qua trung gian nhân loại. Một trăm năm qua là dấu chứng của phước lành đó. Chúng ta ghi khắc với tâm tình tri ân sâu xa. Vậy đâu là cách tri ân sống động dành cho Giáo Hội? Vào thời Cha Tổ Phụ, những hạn từ như đoàn sủng, đặc sủng Đấng Sáng lập chưa được sử dụng. Nhưng thay vào đó là trí ý, là tinh thần. Lòng biết ơn của chúng ta đối với Giáo Hội là sống căn tính của đời đan tu Xitô Thánh Gia, được Cha Tổ Phụ diễn đạt trong Hiến Pháp và trong cách nói của ngài là “sự kín nhiệm của các thầy dồng contemplativi”, đó là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa. Đó là người khi gặp được Chúa như vậy, hằng khao khát linh hồn người ta, yêu thương anh em mình lắm lắm. Đó là điều Giáo Hội ao ước nơi chúng ta, và cũng là điều chúng ta góp phần xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, xây dựng xã hội, thế giới hôm nay.

Kính thưa anh chị em,

Ngày Cha Tổ Phụ khai mạc đời đan tu chiêm niệm trên Núi Phước vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là một THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN. Và hôm nay chúng ta khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm một trăm năm cũng vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Đây cũng là một THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN. Hồng ân Thiên Chúa, hồng ân đời đan tu chiêm niệm, đã và đang nối kết những thời điểm khác nhau của một lịch sử, một lịch sử thánh. Quá khứ đã là hồng ân, và chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng hiện tại là hồng ân, và tương lai cũng là hồng ân. Hồng ân có đó, nhưng chúng ta đã, đang và sẽ sống thời điểm hồng ân như thế nào? Những cử hành rồi sẽ qua đi, nhưng hồn sống còn hiện diện và năng động hoá cuộc sống và nhịp sống. Ước gì mỗi người trong chúng ta và toàn thể Hội Dòng cử hành và sống Năm Thánh này với trái tim say mê Thiên Chúa, đi sâu vào huyền nhiệm hiệp thông, để từ cội nguồn Phước Sơn Quảng Trị – Dòng Đức Bà An Nam – chúng ta được tăng tiến trong lý tưởng đan tu chiêm niệm. Ước chi việc quặn đau trong sinh hạ mang đến cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc của con người mới, để trở thành lời ca ngợi tri ân Thiên Chúa. Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.

Trước khi Đức Cha ban phép lành toàn xá, Viện phụ Hội Trưởng Gioan Thánh Gia, thay mặt Hội Dòng cảm ơn Đức Cha đã thương đến để chủ sự các nghi thức và chủ tế Thánh Lễ hôm nay cho Hội Dòng. Đáp lại, Đức Cha hiệp ý với Hội Dòng tạ ơn Chúa trong dịp trọng đại này. Ngài mời gọi mỗi anh chị em trong Hội Dòng hãy mở của lòng, mở con tim để cho ân sủng Chúa vào, để cũng được như Đức Maria vào của Thiên Đàng mà cộng đoàn thấy qua những hình ảnh từ sáng đến giờ(mở của truyền nhà truyền thống, mở của Năm Thánh). Tiếp theo Viện Phụ Hội trưởng thông báo ngày mở Năm Thánh cho các Cộng đoàn trong Hội Dòng.

Thánh Lễ kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa, ngợi khen Đức Mẹ Maria, cám ơn cha Tổ phụ, quý cha anh đi trước đã hy sinh vất vả làm nên Hội Dòng như ngày hôm nay. Từ một vài môn đệ năm 1918 đến hôm nay Hội Dòng đã có 12 Đan viện (11 tại Việt Nam, 1 tại Thụy Sĩ), và trên một ngàn thành viên.

Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, thành lập 1918(Giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu). Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, thành lập 1936(Giáo phận Phận Phát Diệm). Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương, thành lập 1936 (Giáo phận Đàlạt), Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý,thành lập 1950 (Giáo phận Xuân Lộc). Đan Viện Thánh Mẫu Châu Thủy, thành lập 1971(Giáo phận Phan Thiết). Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước thành lập 1972(Giáo phận Xuân Lộc). Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước, thành lập 1975(Giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu). Đan Viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh, thành lập 1975 (Giáo phận Vĩnh Long). Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Phước Hải, thành lập 1976(Giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu). Đan Viện Thánh Mẫu Fatima, thành lập 1979 (ở Orsonnes, Thụy Sĩ), , Đan Viện Thánh Mẫu An Phước thành lập 1978(Giáo phận Xuân Lộc), Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Mẫu Phước Thiên, thành lập 1988(Bà Rịa Vũng Tàu).

Đan sĩ Lm. Hoàng Luật

nguồn: WGPPT