Niềm tin mạnh nhất

0
289

“Im lặng là vàng, nói là bạc”, chẳng phải ngẫu nhiên mà những câu nói quen thuộc được thốt lên trên môi miệng chúng ta, nhưng sự thực chúng chính là kết quả của sự đúc kết từ những kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống. Không phải lúc nào cũng cần phải có câu trả lời, đôi khi trong đời, im lặng lại là câu trả lời hay nhất. Tuy nhiên, về phía người trả lời đã đành, nhưng về phương diện người hỏi thì để chấp nhận nó không phải dễ dàng gì.

Sự im lặng con người trao cho nhau đã khó, ở đây Thiên Chúa im lặng trước tiếng kêu cứu của con người thì càng khó hơn. Vì đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vì tin vào quyền năng và lòng thương xót của Ngài nên con người mới kêu xin. Sự kêu nài càng tha thiết thế nào, mà sự đáp trả càng im lặng thế ấy thì sẽ khiến cho người kêu cầu rất đau khổ và tuyệt vọng. Ai đã từng một lần kêu cầu, ai đã từng một lần nài xin mà không được mới thấu hiểu sự tuyệt vọng tột cùng ấy.

Vấn đề ở đây, không phải Thiên Chúa thinh lặng trước con người, chẳng phải Ngài không nghe, không hiểu, thế nhưng Ngài biết điều gì cần cho họ. Nếu có để cho nhân loại đau khổ hơn, khốn khó hơn cũng là vì muốn nên tốt cho họ. Bởi điều Thiên Chúa cần chính là linh hồn của họ, chứ không phải những thứ kéo theo họ trong cuộc sống này.

Ý muốn của Thiên Chúa không giống với ý muốn nhân loại, cho nên làm sao mà con người không xa rời Thiên Chúa. Đôi khi kệu mãi, cầu mãi mà không được đáp lời, con người đâm ra tuyệt vọng, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và ngày càng xa tránh Ngài.

Người đàn bà Canaan trong Tin mừng hôm nay là một thí dụ điển hình cho niềm tin bị thử thách. Bà đã kêu cầu Đức Giêsu chữa trị cho đứa con gái của bà: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ ám khổ sở lắm.”(Mt 15, 22) Đức Giêsu: “Người không đáp một lời.” (Mt 15, 23)

Tại sao Thiên Chúa lại thinh lặng? Có phải vì Ngài không yêu thương con người. Việc thinh lặng của Thiên Chúa hoàn toàn có mục đích. Trước tiên là để thử thách niềm tin: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” (Mt 15, 26) Sau nữa là để củng cố niềm tin cho tất cả những ai đang nghi vấn Ngài: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy.” (Mt 15, 28)

Không gì khó chịu cho bằng người mình yêu thương không tin tưởng mình. Không gì khó chịu cho bằng sống cùng với những người luôn nghi hoặc mình. Thiên Chúa quả rất khó chịu khi tình thương của Ngài dành cho nhân loại trọn vẹn đến thế nào mà họ cũng không thể tin nhận.

Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài biết cần phải làm gì cho họ được cứu độ, bởi Ngài là Cha, là Thiên Chúa nhân lành và hay thương xót, Ngài là Đấng quyền năng và chí thánh. Vấn đề là ở tại chúng ta, chúng ta không tin đủ vào Ngài. Niềm tin của ai xem chừng cũng nửa vời, không trọn vẹn, thiếu trước hụt sau. Cho nên mỗi khi gặp thử thách, gian nan, ai ai cũng dễ dàng bỏ cuộc và xa rời Thiên Chúa, hoài nghi quyền năng Ngài.

Thiên Chúa thì muôn đời vẫn vậy, lúc nào mà Ngài chả yêu thương, khi nào mà Ngài không quyền phép. Vấn đề hệ tại mỗi chúng ta, đến khi nào mới đặt đủ niềm tin tưởng, phó thác vào Ngài đây?

Lạy Chúa, nào có phải con không tin tưởng nơi Ngài, nào có phải con hồ nghi quyền năng Thiên Chúa, nhưng khổ nỗi điều Ngài muốn lại là điều đôi khi con không muốn. Vì ý muốn của con khác xa lòng muốn của Ngài, cho nên lấy gì điều con xin được thực hiện. Và cứ vậy, con với Ngài ngày càng cách xa vì kẻ xin không được, Người lại không ban. Chính sự im lặng của Thiên Chúa đôi khi khiến con mất niềm tin tưởng, phó thác. Sự im lặng mà tưởng chừng như dài vô tận. Có những khi đêm nào con cũng xin, ngày nào con cũng khấn mà không vẫn hoàn không. Mặc dầu hiểu rất rõ điều mình xin có lẽ không vừa ý Chúa,  nhưng thực tế đó khiến con thấy bẽ bàng rồi ra tuyệt vọng, chai lỳ, buông xuôi. Không ít người nói con không có niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng dường như không phải vậy, mà chính là vì con biết ý Ngài muốn không theo ý con xin. Xin giúp con can đảm đón nhận thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, cứ nhắm mắt để Ngài dắt đi, đến bất cứ nơi đâu Ngài muốn. Ấy chả phải là niềm tin mạnh nhất  hay sao?

M. Hoàng Thị Thùy Trang