Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Thánh Giá và Lòng Thương Xót

0
140

THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN

Thánh Giá Và Lòng Thương Xót

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Lịch Phụng Vụ tháng 9 mời gọi chúng ta cử hành hai Thánh Lễ liên hệ mật thiết với nhau. Đó là lễ Suy tôn Thánh Giá và lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Trong khi lễ Suy tôn Thánh Giá dẫn chúng ta tới tận suối nguồn lòng Chúa xót thương nhân loại tội lỗi, lễ Đức Mẹ Sầu Bi mời chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đồng hành với Chúa Giêsu trong công trình thương xót và cứu chuộc nhân loại. Đức Mẹ chính là mẫu gương cho chúng ta trong sứ mệnh tưới mát nhân loại bằng lòng thương xót cứu độ của Chúa Cứu Thế.

Mừng hai Lễ này, chúng ta ôn lại một số tâm tình và hành động thương xót của Chúa và suy ngắm để noi gương Đức Mẹ, cộng tác với Chúa, đem lòng thương xót đến cho tha nhân, làm cho tình yêu thương xót thấm nhuần vào lòng mọi người trong Giáo phận. Nhờ đó, tất cả sẽ lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau trong đời sống thường ngày, trong các mối tương quan và trong mọi hoạt động, làm cho lòng thương xót trở thành đặc tính của Giáo phận. Trong viễn tượng này, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi ý tưởng và tâm tình thiêng liêng qua đề tài “Thánh Giá và Lòng Thương Xót”.

  1. Đức Giêsu Kitô bị treo trên Thập giá…

Đức Giêsu Kitô là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha.[1]Tình yêu thương xót được Chúa Giêsu diễn tả qua nhiều thái độ và thực hiện bằng nhiều cách. Trước tiên, các sách Tin Mừng nói nhiều đến tâm tình và hành động “chạnh lòng thương” của Chúa. “Khi nhìn đám đông dân chúng đi theo mình, Chúa Giêsu thấy họ mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không người chăn dắt, Người đã chạnh lòng thương (x. Mt 9,36). Với tình yêu xót thương này, Người đã chữa lành các bệnh nhân được mang đến cho Người (x. Mt 14,14), và với một ít bánh và cá, Người đã cho đám đông được ăn no thỏa (x. Mt15,37).”[2] Tâm tình của Chúa Giêsu trong tất cả các trường hợp đó không gì khác hơn là lòng thương xót, làm cho Người mở lòng để những kẻ Người gặp gỡ tìm một chỗ trong trái tim của Người và nhờ vậy, Người hiểu được tâm tư, cảm thông với những nỗi khổ đau của họ và ra tay hành động cứu giúp.

Thái độ thứ hai của lòng thương xót được Chúa diễn tả qua ba dụ ngôn “Lòng thương xót”: Con chiên bị lạc (Lc 15,4-7), Đồng bạc bị mất (Lc 15,8-10) và Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32). Lòng thương xót ở đây được biểu lộ như tình yêu sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, kiên nhẫn chịu đựng, tìm kiếm và đón nhận người tội lỗi ăn năn hối cải.Được như vậy vì Người coi những người tội lỗi như “đồng bạc bị mất”(drachma). Đây là thứ tiền được dùng để người mẹ cho con gái như của hồi môn trong ngày đi lấy chồng [3]. Như vậy, người tội lỗi không phải chỉ là người đáng thương, mà còn là của hồi môn quý giá, cần phải tìm lại bằng được.
Biểu hiện thứ ba của Lòng thương xót được Chúa diễn tả cách đặc biệt trong Cuộc Khổ Nạn và cái chết đớn đau, nhục nhã, bất công trên Thập giá. Đây là thứ tình yêu sẵn sàng dâng hiến tất cả, dâng hiến trọn vẹn và chấp nhận chịu mọi đau khổ đớn đau để tha thứ và đền trả tội lỗi thay cho nhân loại. Những tâm tình thương xót này được Chúa biểu lộ qua những lời Chúa nói trong bữa Tiệc Ly và trên Thánh Giá: “Này là mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn” (Mt 26,26); “Tất cả các con hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,-27-28); “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).

Những tâm tình xót thương đáng quý thật, nhưng phải chăng đây chỉ là thứ tình yêu viển vông một chiều và tan biến trong đêm tăm tối, không đem lại một kết quả gì? Dụ ngôn “Những người làm vườn nho sát nhân”là câu trả lời cho vấn nạn, mở ra trước mắt chúng ta một chân trời huy hoàng trong viễn tượng đầy tràn hy vọng:

“Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho… Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!’ ”(Mc 12,1-12).

Dụ ngôn trên đây đặt lòng thương xót trong tương quan với tội lỗi và sự ác độc của loài người. Ông chủ sai các đầy tớ đến với những người làm vườn nho, người thì bị họ đuổi về, người thì bị chửi mắng, người thì bị giết. Ông chủ lại gửi các đầy tớ khác, nhưng những người làm vườn nho cũng xử với họ như với những đầy tớ trước. Ông chủ vẫn không nản lòng, tiếp tục sai các đầy tớ khác đến và cuối cùng, ông gửi chính con một yêu dấu của ông đến. Cả người con một này của ông chủ cũng bị giết.

Sự độc ác của lòng dạ loài người càng gia tăng thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng gia tăng thêm và gia tăng tới điểm tột cùng là sai chính Chúa Giêsu là Con Một yêu quý của Ngài. Cứ như thể có cuộc đọ sức, “thi tài” giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự độc ác của lòng dạ loài người. Xem ra đây là một cuộc vật lộn vô vọng?Nhưng không! Dụ ngôn kết thúc với sự chiến thắng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Một cuộc chiến thắng vượt ra ngoài mô hình của lý trí loài người: chiến thắng tội lỗi và sự độc ác của loài người bằng sức mạnh của tình yêu dâng hiến; hóa giải sức mạnh của sự dữ và sự độc ác bằng sức mạnh của tình yêu và lòng tha thứ. Trên Thánh Giá, kẻ chiến bại (Chúa Giêsu) lại trở thành người chiến thắng, kẻ chiến thắng (loài người tội lỗi) chịu khuất phục trước Đấng mình đã chống cự và loại trừ. Lòng thương xót của Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi và canh tân, tình yêu khuất phục mọi quyền lực thế gian![4] Chiến thắng không bằng sự loại trừ hay hủy hoại, nhưng bằng sự biến đổi và thăng tiến.

  1. Uống chén đắng với Chúa (x. Mc 10,38-39)

Sức mạnh của sự dữ vẫn còn hoành hành trong nhân loại làm cho bao người quằn quại dưới sức nặng của đau khổ đủ loại và nhiều người bị lôi cuốn vào con đường tội lỗi nên nhân loại vẫn còn cần lòng thương xót của Chúa. Do đó, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, Chúa luôn cần người cộng tác để Chúa có thể tiếp tục thi thố lòng thương xót của Người.

  1. Đức Mẹ đứng bên Thánh giá

Người đầu tiên được Chúa mời gọi cộng tác để Người thi thố lòng thương xót trong công cuộc cứu chuộc là chính Mẹ Thánh của Người:“Một lưỡi đòng sẽ đâm thâu lòng bà” (Lc 2,35). Qua lời tiên tri của ông già Simêon, mầu nhiệm thương yêu trong đau khổ đã xuất hiện ngay từ những giây phút đầu của cuộc hành trình cứu chuộc nhân loại của Chúa Giêsu. Đối với Mẹ Maria, đây là một tiếng huyền nhiệm, một lời mời gọi kín đáo tham dự vào mầu nhiệm cứu chuộc qua đau khổ của Chúa. Mẹ Maria đã ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng. Mẹ đã hiểu và đã chấp nhận với tất cả tâm hồn: đồng hành và cộng tác với Chúa Giêsu trong sứ mệnh cứu chuộc của Ngài, theo chân Ngài lên tận Núi Sọ: “Đứng bên Thập Giá, có Mẹ Ngài” (Ga 19,25).

Đứng bên thập giá trong thinh lặng, không một lời than van hay ta thán diễn tả thái độ quả cảm phi thường của tình yêu, hiệp thông với Chúa Giêsu trong tâm tình tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34); tâm tình dâng hiến, tin tưởng và phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,46); tâm tình yêu thương đối với môn đệ Gioan là hình ảnh của Giáo Hội, ngay cả trong giây phút đau đớn cùng cực: “Thưa Bà, đây là con của Bà… Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26).

Sự tham dự của Đức Mẹ vào tình yêu thương xót của Chúa Giêsu không chỉ giới hạn trong hoàn cảnh khổ đau bên Thánh Giá, mà đã trải dài suốt hành trình của cuộc đời, trong những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống. Chẳng hạn, việc Đức Mẹ đi viếng thăm bà thánh Isave để chia vui và trợ giúp bà (x. Lc 1,39-45) hay việc Đức Mẹ bầu cử cho đôi tân hôn tại Cana (x. Ga 2,1-12).

  1. Cả anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi” (Mt 20,4)

Lời mời gọi hai môn đệ Giacôbê và Gioan uống chén đắng của Người (x. Mc 10,38-39) Chúa vẫn còn lặp lại cho các môn đệ Chúa trong mọi thời đại và ngày nay vẫn cần có các môn đệ biết lặp lại lời thánh Phaolô đã nói năm xưa: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1,24).

Nhưng bầu khí văn hóa xã hội hôm nay đi ngược lại sứ điệp nền tảng của con đường cứu độ của Chúa. Trong quá khứ, xem ra người ta dễ dàng chấp nhận hy sinh và ít sợ đau khổ, nhưng theo tâm lý và văn hóa ngày nay, người ta chạy trốn hy sinh và tìm cách loại bỏ đau khổ; người ta chế ra bao thứ thuốc an thần và tạo ra bao nhiêu tiện nghi, dễ dãi cho cuộc sống. Trong tâm thức đó, người ta lấy thoải mái, hạnh phúc theo nghĩa thỏa mãn làm tiêu chuẩn; những hoàn cảnh sống gây khó khăn bị coi là vô nhân đạo. Trong tâm thức này, người ta nhìn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như chuyện xấu xa, vô bổ và tệ hơn nữa, còn coi như vô nhân đạo. Thái độ của thế giới hôm nay xem ra không khác thái độ của thế giới thánh Phaolô nói trong thư ngài gửi cộng đoàn Corintô nên các môn đệ Chúa ngày nay cũng cần lặp lại lời của Thánh Phaolô: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cr 1,22-24)

Chúng ta phải cảm nhận trong chúng ta sự đau đớn của người khác một cách tích cực để làm cho phát sinh từ Tin Mừng hương thơm ngọt ngào của lòng nhân từ thương xót và lòng can đảm hy vọng. Nếu chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với tất cả những ai đau khổ cũng như người tội lỗi, chúng ta, như những Linh mục, Tu sĩ, phải biết ghé vai vác thánh giá chung với họ với lòng tin tưởng hy vọng vào Chúa sống lại và sự tái sinh của loài người.

Trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, nhiều người trong chúng ta không phải gánh chịu những đau khổ ê chề lớn lao, nhưng chỉ là những khó khăn chung của mọi người. Trong hoàn cảnh này, tôi xin đề nghị một số tâm tình của lòng thương xót như sau:

  • Cảm được trong lòng mình nỗi thống khổ của những người đau khổ và nhất là những người tội lỗi. Coi nỗi đau khổ của họ như của chính mình.Trong cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không” (When breath becomes air) mà tác giả là một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng, không phải chỉ vì ông tài giỏi, nhưng còn vì ông có lòng thương người, đã diễn tả tâm niệm sống của ông như sau: “Hãy ôm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vào lòng”.[5]
  • Sống cảm thông trong bình an với những sai lỗi và sự bất toàn của tha nhân là những con người bất toàn và tội lỗi. Nhiều người biết những lỗi phạm của mình, nhưng không có khả năng thay đổi. Lúc đó, sự cảm thông, đón nhận của một tấm lòng thương xót, bao dung sẽ là sức mạnh giúp cho chỗi dậy.
  • Chấp nhận đau khổ để đền tội thay cho những lỗi lầm của người khác.Đây chính là điều Đức Mẹ đã xin em bé Bernadette tại Lộ Đức: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng ở đời sau. Ở đời này con có chấp nhận chịu đau khổ để đền tội cho các kẻ có tội và xin cho họ ơn ăn năn trở lại không?

Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi muốn bày tỏ lòng mong ước được thấy tất cả các Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận cùng nhau hăm hở đáp lời mời gọi trở nên chứng nhân và sứ giả lòng thương xót của Chúa để làm cho hạt giống “thương xót” nảy mầm trong lòng mọi thành phần của Giáo phận. Nhờ đó, Giáo phận chúng ta sẽ tiến thêm một bước trong hành trình trở thành “Thánh địa Lòng Thương Xót”. Xin Đức Mẹ là Đấng đã đáp lời mời gọi của Chúa, âm thầm cộng tác với Người trong công trình cứu chuộc loài người, hướng dẫn chúng ta biết kêu cầu lòng thương xót của Chúa cho chúng ta và cho đoàn Dân Thánh của Chúa cũng như cho toàn thế giới.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1]ĐTC Phanxicô,Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, 1.

[2]ĐTC Phanxicô,Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, 8.

[3]x. Coins of The Bible, Stan Hudson, Bible and Spade, Vol. 9, No. 2, p. 64, 1980.

[4]Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet), Bài Thánh Ca trong Đêm canh thức Phục Sinh.

[5]Paul Kalanithi, Khi hơi thở hóa thinh không (When breath becomes air), Alpha Books, 2016.

 Nguồn: Giáo Phận Xuân Lộc