Các Giám mục Việt nam trong Hội nghị HĐGM kỳ I năm 2016 vừa qua đã cùng nhau suy nghĩ để định hướng mục vụ cho ba năm sắp tới (2017-2019) nhận thấy rằng hướng mục vụ của Giáo hội tại Việt Nam phải cùng mang lấy ưu tư chung hiện nay của Hội Thánh toàn cầu, chắc hẳn sẽ mang đậm những nét chính, tóm tắt như sau đây:
– Tỏ lộ Dung mạo của Lòng Thương Xót (Misericordia Vultus). Dung mạo đó không ai khác hơn là chính Đức Giêsu Kitô Đấng Chịu-Đóng-Đinh, cần được biểu lộ ra nơi Thân Mình huyền nhiệm của Người, Hội Thánh. Hội Thánh từ sau Công đồng Vatican II đã chọn hướng đi mục vụ đối thoại với thế giới. Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công đồng, để xác định hướng đi của Công đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc…”[1].
– Loan báo Tin mừng Lòng Thương Xót phải bắt đầu từ Gia đình. Các nghị phụ hai Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua (2014 và 2015) nhấn mạnh rằng “các gia đình Kitô hữu, nhờ ơn sủng bí tích hôn phối, là những tác nhân chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ mang những chứng từ hân hoan của đôi vợ chồng và của gia đình, các Hội thánh tại gia”[2]. Làm thế nào để Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia)[3] và của Tin Mừng(Evangelii Gaudium)[4] “tràn ngập con tim và toàn thể đời sống” các gia đình. Một niềm vui luôn luôn mới mẻ, niềm vui được chia sẻ.
– Quan tâm đến việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung” (Laudato si’) là Trái Đất của chúng ta. Chứng từ của thánh Phanxicô thành Assisi cho ta thấy rằng “nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên vạn vật và môi trường sống, mà không mở lòng ra trong thái độ kinh ngạc và chiêm ngưỡng, nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ thân tình và đẹp đẽ, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của một sở hữu chủ, chỉ biết tiêu thụ và bóc lột tài nguyên.”[5] Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người theo đuổi một nền sinh thái toàn diện, biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh lẫn nhân văn.
– Và Hội Thánh tại Việt Nam luôn hướng theo bản hướng dẫn chỉ đường mà Chúa Thánh Thần qua Đại hội Dân Chúa năm 2010 đã vạch ra, và tóm lược trong tài liệu hậu Đại hội “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh Tình Thương và Sự Sống” tuyên bố rằng “trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng và nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”[6]. (WHĐ)
Luy Nguyễn Anh Tuấn
Thư ký UBMV Gia đình
Chánh VP HĐGMVN
___________________________
[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.
[2] ĐGH PHANXICÔ, TH Amoris Laetitia, 19.3.2016, số 200.
Bản dịch tiếng Việt chính thức sẽ được VP HĐGMVN phát hành giữa tháng 6/2016.
[3] X. Ibid.
[4] ĐGH PHANXICÔ, TH Evangelii Gaudium, 24.11.2013.
[5] ĐGH PHANXICÔ, TĐ Laudato Si’, 24.5.2015, số 11.
[6] HĐGMVN, Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, 2111.