Tuần thánh tại Thánh Địa trong bầu khí căng thẳng và bất an

0
18

Tuần thánh tại Thánh Địa trong bầu khí căng thẳng và bất an

Tuần Thánh bắt đầu. Tâm hồn hơn một tỷ Kitô hữu trên thế giới hướng về nơi Chúa Cứu Thế đã chịu khổ nạn, chịu chết và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại. Trong bối cảnh đó, qua sứ điệp Phục Sinh, các vị lãnh đạo Kitô hữu tại đây nhắc nhở các tín hữu tiếp tục củng cố niềm tin yêu và hy vọng, đặc biệt trong thời kỳ có nhiều chao đảo và bạo lực hiện nay tại đây.

 Lập trường của các vị lãnh đạo Kitô ở Thánh Địa

 Trong sứ điệp Phục Sinh, công bố hôm 31/3/2023, các vị Thượng Phụ và thủ lãnh các Giáo Hội tại Giêrusalem, nhận xét rằng: “Trong hơn một năm qua, một số thánh đường, các đám tang và những nơi hội họp công cộng đã trở thành mục tiêu cho những vụ tấn công; một số nơi thánh và nghĩa trang của chúng ta bị xúc phạm; và một số phụng vụ cổ kính, như cuộc rước Chúa Nhật Lễ Lá và nghi thức Lửa Thánh, bị khép kín làm cho hàng ngàn tín hữu không được tham dự. Những vụ này xảy ra mặc dù có những thỏa thuận cộng tác với chính quyền, và đáp ứng tất cả những đòi hỏi hợp lý họ có thể đưa ra”.

 “Trong khi chúng tôi sẽ kiên trì trong những nỗ lực thiện chí, chúng tôi thỉnh cầu các quan chức giám sát hãy làm việc trong tinh thần cộng tác với chúng tôi, và chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như những người dân địa phương thiện chí vận động giúp chúng tôi, để bảo đảm an ninh, sự tự do lui tới tham dự và tự do tôn giáo của cộng đồng Kitô địa phương cũng như hàng triệu tín hữu Kitô hành hương hàng năm đến viếng Thánh Địa, và duy trì Qui luật tôn giáo hiện hành, Status Quo”.

 Các vị lãnh đạo Kitô viết thêm rằng: “Tuy nhiên, khi chào đón sự ủng hộ này, xét cho cùng chúng ta không đặt niềm hy vọng nơi bất kỳ nguồn nhân lực trần thế nào. Chúng ta đặt hy vọng chung cục nơi Thiên Chúa. Vì nhờ cuộc phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta được một sự bảo đảm phước hạnh do sự quan phòng của Đấng Tối Cao, nhờ Chúa Thánh Linh, nguồn mạch quyền năng của Chúa, có thể nâng đỡ chúng ta ngày nay, cũng như đã từng nâng đỡ các Kitô hữu tiên khởi cách đây bao nhiêu thế kỷ”.

  Bối cảnh vấn đề

 Những dòng vắn tắt trên đây trong sứ điệp Phục Sinh của các Thượng Phụ và thủ lãnh Giáo Hội ở Giêrusalem phản ánh thực trạng khó khăn xảy ra trong thời gian gần đây và các vị cũng đã từng lên tiếng.

 Đức Thượng Phụ Pizzaballa

 Chẳng hạn hồi trung tuần tháng 3 vừa qua (2023), Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa của Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp bảo vệ các nơi thánh tại Thánh Địa.

 Hôm 19/3 trước đó, có 2 người Do Thái cực đoan tấn công nhà thờ có mộ của Đức Mẹ Maria do Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp coi sóc. Họ tìm cách hành hung Đức Tổng Giám Mục Joachim đang cử hành buổi lễ và đả thương một linh mục.

 Thánh đường này là một trong những nhà thờ quan trọng nhất đối với các tín hữu Chính Thống, tọa lạc trước nhà thờ ở Ghếtsêmani.

 Đức Thượng Phụ Teofilo III, Giáo Chủ Chính Thống Hy lạp tại Thánh Địa, cùng với Hội đồng của ngài, hàng giáo sĩ và toàn thể các tín hữu lên án cuộc tấn công khủng bố này, xảy ra trong thánh lễ Chúa Nhật. Những kẻ khủng bố cực đoan cũng toan tính phá hoại những đồ đạo trong Thánh Đường. Họ bị những người trong nhà thờ bắt giữ.

 Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem cũng liên kết với các vị lãnh đạo Chính Thống giáo và các Giáo Hội Kitô khác lên án cuộc tấn công đó, và nhận định rằng: “những cuộc tấn công khủng bố do các nhóm người Israel cực đoan, nhắm vào các nhà thờ, nghĩa trang và tài sản của Kitô giáo, cũng như những vụ hành hung và lăng mạ chống hàng giáo sĩ Kitô, xảy ra hầu như hằng ngày, và càng gia tăng trong những dịp lễ của Kitô giáo. Tình trạng đáng buồn này không tạo nên những phản ứng thích hợp, ở địa phương cũng như trong dư luận quốc tế, mặc dù có những lời kêu gọi, thỉnh cầu, và phản đối từ phía các Giáo Hội Kitô ở Thánh Địa. Thật là điều đau lòng khi thấy rõ sự hiện diện đích thực của Kitô hữu tại Thánh Địa đang bị lâm nguy trầm trọng… Những cuộc tấn công các nơi thánh của Kitô giáo, tài sản, di sản, và căn tính Kitô là điều vi phạm công pháp quốc tế, vốn minh thị kêu gọi bảo vệ các địa điểm tôn giáo tại Giêrusalem và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người, tự do phụng tự.” (indcatholicnews.com 20-3-2023)

 Đức Cha Marcuzzo

 Hoặc một vụ khác: Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, nguyên đại diện Đức Thượng Phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem tại Nazareth, tố giác những vụ tấn công và xách nhiễu các trường học Kitô tại đây trong những ngày gần đây.

 Khoảng 6 giờ rưỡi chiều ngày 16/3 (2023), một số người đã bắn vào trường học và tu viện của các nữ tu dòng Phan Sinh, một hành động được coi như nguy hiểm chưa từng có, vì lần đầu tiên một trường Kitô Giáo bị bắn như vậy tại Israel.

 Hoặc vụ xảy ra hôm 24/3 (2023): một số người đeo mặt nạ đã tấn công trường học và tu viện của các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Các nữ tu kể lại: “sau khi mở cổng, chúng tôi thấy nhóm người ấy đeo mặt nạ đen, đòi chúng tôi phải hoán cải theo Hồi giáo, trong tháng chay tịnh Ramadan thánh thiêng này. Thủ phạm vụ này là 5 người trẻ, họ bỏ chạy khi những người canh gác đến nơi.”

 Trước những vụ bất bao dung này, Đức Cha Marcuzzo nhắc đến và ca ngợi lập trường của hai vị Iman thế giá ở thành Nazareth, chủ trì các Đền thờ Hồi giáo, mạnh mẽ lên án những cử chỉ vừa nói của những người trẻ Hồi giáo trong tháng Ramadan này. (Asia News 27-3-2023)

 Dòng Phanxicô tại Thánh Địa

 Một vụ khác khiến các vị lãnh đạo Dòng Phanxicô phản đối và lên án là vụ xúc phạm và phá hoại tượng Chúa Giêsu tại Nhà Thờ Chúa Chịu Đánh Đòn, tọa lạc tại chặng thứ I trên chặng đường Thánh Giá ở Cổ thành Giêrusalem sáng ngày 2/2 (2023), do một người Do thái cực đoan. Thủ phạm đã đập tượng Chúa và bôi bẩn mặt tượng trước khi bị người coi cổng Đền thánh bắt giữ và sau đó cảnh sát đến bắt thủ phạm giải đi.

 Đây là vụ phá hoại và xúc phạm thứ 5 xảy ra trong những tuần lễ gần đây. Một số du khách đã bị một nhóm người Do thái giáo cuồng tín tấn công. Nhóm này đi vào Cửa Mới gần trụ sở Dòng Phanxicô và phá hoại, quăng các bàn ghế và ly, biến khu vực Kitô thành một bãi chiến trường.

 Trước đó khoảng 2 tuần, nghĩa trang Kitô giáo ở Giêrusalem đã bị xúc phạm và phá hoại, thủ phạm viết câu “Giết chết người Kitô” trên tường một đan viện ở khu vực của người Armeni và phá hoại nơi được dùng như nhà thờ tại trung tâm Ma’alot của các tín hữu Maronite.

 Thông cáo mang chữ ký của cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, và cha Alberto Joan Pari, Tổng Thư ký của dòng tại đây. Hai vị khẳng định rằng: “Chúng tôi lo âu theo dõi và mạnh mẽ lên án sự gia tăng những hành vi oán ghét và bạo lực chống cộng đoàn Kitô tại Israel. Không phải tình cờ mà việc hợp thức hóa sự kỳ thị và bạo lực trong dư luận quần chúng và trong bối cảnh chính trị của Israel biểu hiện những vụ oán ghét và bạo lực chống cộng đoàn Kitô.”

 “Chúng tôi chờ đợi và yêu cầu chính phủ Israel cũng như lực lượng an ninh hành động quyết liệt để bảo đảm an ninh cho mọi cộng đoàn, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, và để bài trừ nạn tôn giáo cuồng tín, những hiện tượng bất bao dung trầm trọng này, những tội ác oán ghét, những hành vi phá hoại trực tiếp chống các Kitô hữu tại Israel” (Custodia.org 2-2-2023)

 Giữ vững hy vọng

 Trong bầu không khí như thế, Sứ điệp Phục Sinh của các vị Thượng Phụ và thủ lãnh Giáo Hội ở Giêrusalem nhắc nhở rằng: “Như Thánh Phêrô Tông đồ đã viết, sự phục sinh của Chúa Kitô mang lại cho chúng ta một sự tái sinh vào đời sống hy vọng. Niềm hy vong này đã nâng đỡ các Tông Đồ và các Kitô hữu tiên khởi qua bao nhiêu thử thách và sầu muộn, mang lại cho họ sức mạnh để chịu đựng trong vui tươi, trong phẩm giá và ân phúc. Thánh Phêrô viết thêm rằng ‘Anh chị em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa nhiều thử thách… Nhờ thế khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi và đem lại vinh quang, danh dự’” (1 Pr 1,6-7).

Giuse Trần Đức Anh O.P.

nguồn: Vatican News Tiếng Việt

#tuanthanhtaithanhdia