SUY NIỆM CÁC CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ THEO KINH THÁNH
Chặng thứ Nhất
Chúa Giêsu trong vườn cây Dầu
(Mc 14, 32-38)
Đức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện.” Rồi Người đem các ông Phê–rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.”
Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn theo Chúa trên con đường thập giá. Chúng con muốn cùng Chúa đi vào vườn ô-liu, khu vườn Ghết-sê-ma-ni, để kết hiệp lời cầu nguyện của chúng con với lời cầu nguyện của Chúa.
Nhưng, giống như các môn đệ khi xưa, điều này thật khó với chúng con! Ðối với họ là sự mệt mỏi của ngày hôm trước, là sự im lặng ảm đạm của màn đêm với những điềm báo đen tối đi cùng. Với chúng con, khi muốn thức lâu hơn một chút với Chúa, nhưng chúng con lại bị bóng tối bao phủ cõi lòng và điều đó khiến việc cầu nguyện trở thành gánh nặng.
Chúng con cảm thấy muốn trốn thoát, từ bỏ và giũ mình khỏi những bối rối hòng đưa chúng con ra khỏi cơn ác mộng này. Chúng con không thể chia sẻ nỗi sợ hãi và nỗi thống khổ của Chúa và chẳng thể hoà nhịp với lời cầu nguyện của Chúa. Ngay cả những lời cảnh tỉnh của Chúa về sự cám dỗ sắp xảy ra cũng được chúng con tiếp nhận với một tinh thần tối tăm và không thể hiểu được. Giấc ngủ đè nặng thân thể nặng nề này và đóng cửa trái tim chúng con.
Trong khi đó, Chúa đã thi hành Ý Cha với trọn con người của mình bằng lời cầu nguyện đầy dứt khoát: Abba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin hãy cất chén này khỏi con! Nhưng, không phải những gì con muốn, mà theo những gì là Ý Cha.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã muốn thi hành Thánh ý của Chúa Cha cho đến cùng, cho dẫu trái với mong đợi của Chúa và phải trải qua nỗi kinh hãi đến tận cùng. Chúa đã chấp nhận chịu đựng nỗi thống khổ kinh hoàng ấy. Ðôi khi chúng con cũng cảm thấy nỗi kinh sợ này. Nó có thể xảy ra, trong những khoảnh khắc nhất định của cuộc đời chúng con, và cũng đạt tới đỉnh điểm như vậy. Xin đừng để chúng con sợ hãi trước sự kháng cự bên trong mà chúng con cảm nhận được. Xin giúp chúng con không bỏ cuộc và cũng đừng nghĩ rằng trong những tình huống như vậy cần phải bỏ cuộc. Xin giúp chúng con sức chịu đựng và trên hết là lòng tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng hoạt động trong chúng con. Để chúng con luôn có thể chiến thắng, nhờ quyền năng của Đấng đã cứu chúng con.
Lạy Chúa, Chúa đã chỉ cho chúng con con đường cứu độ nơi Người Con yếu đuối và cũng trải qua cơn cám dỗ. Xin giúp chúng con biết chấp nhận sự kháng cự trước những thử thách và khó khăn, với ý thức rằng sức mạnh để kiên trì là hồng ân của Thần Khí Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Hai
Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt
(Mt 26,47-50)
Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi! “Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giêsu.
Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế,
chỗ thân tình tâm phúc với tôi,
đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi,
trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước. (Tv 55, 14-15)
Lạy Chúa Giêsu, qua Thánh vịnh này, chúng con có thể hiểu được ít nhiều về sự đau khổ của Chúa. Chúa đã chịu sự phản bội của một người bạn. Ðó hẳn là một khoảnh khắc rất tồi tệ. Người mà Chúa đã chọn, người mà Chúa đã vun đắp tình yêu thương, giờ đây lại là người dẫn đường cho những kẻ muốn bắt giữ Chúa bằng việc sử dụng một cử chỉ biểu thị một tình bạn gắn bó.
Và sau hành động ấy là họ “tra tay bắt bớ”. Họ kết thúc cuộc đời của Chúa như một người tự do. Chúa bị người khác dẫn đi và họ sẽ đưa đến nơi mà Người không muốn. Việc bị trao vào tay người khác chỉ là khởi đầu của một loạt hành động hành hạ thân thể Chúa, dần đưa đến việc Chúa bị loại khỏi thế giới này.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con trung thành với tình bạn và không làm chúng con sợ hãi về sự không chung thủy của người khác. Xin cho chúng con bước vào thái độ sẵn sàng chấp nhận sự thất bại trong tình bạn như Con Chúa trong ý thức liên kết với sứ vụ cứu độ của Người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Ba
Chúa Giêsu bị thượng hội đồng kết án
(Mc 14, 55.60-64)
Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra…
Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giêsu: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Tất cả đều kết án Người đáng chết.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa tự trình diện mình trước nhân loại như một người nghèo hèn, không được những người đại diện cho người dân kính trọng và thậm chí không đáng được sống. Chúa bị gạch tên khỏi danh sách những người được sống!
Lạy Chúa, chúng con ý thức rằng, tội lỗi của chúng con cũng là cách chúng con từ chối Chúa như vậy. Chúng con khiêm tốn xin sự tha thứ của Chúa.
Xin đừng để chúng con rơi vào tình trạng dẫn đến việc lên án người khác một cách bất công. Xin giúp chúng con duy trì sự tôn trọng đối với tất cả mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, tại sao Chúa không tự vệ? Chúa cho phép sự xấu xa của con người diễn ra và đã để ý muốn của con người loại bỏ Chúa khỏi thế giới và khỏi lịch sử. Chúng con không thể hiểu đầy đủ về thái độ này: nhưng chúng con muốn học cách giữ im lặng trong những tình huống mà đôi khi chúng con thấy mình rơi vào, nơi mà sự tự vệ sẽ thể hiện thái độ kiêu ngạo.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con lấy lời của vị Thượng tế làm của riêng mình để nói với Chúa rằng Chúa thực sự là Chúa Kitô, Con của Ðấng Chí Thánh, ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng, và chúng con chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang.
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con thấy ý muốn cứu độ của Chúa qua việc Con Chúa chấp nhận một sự kết án bất công. Xin giúp chúng con có khả năng đón nhận ngay cả những tình huống bất công xảy ra chống lại chúng con, nếu việc chúng con tự bảo vệ mình là một hành động kiêu ngạo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng Thứ Tư
Chúa Giêsu bị Phêrô chối từ
(Mc 14, 66-72)
Ông Phêrô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giêsu đó chứ gì!” Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy. Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.” Nhưng ông Phêrô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê!” Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! “Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc.
Cả người bạn thân con hằng tin cậy,
đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con! (Tv 41, 10)
Lạy Chúa Giêsu, còn hơn cả đối với Giuđa, Chúa lặp lại những lời thất vọng này đối với người môn đệ mà Chúa đã hết lòng yêu mến! Bấy giờ, ông Phêrô sợ hãi, một nỗi sợ xâm chiếm trọn cõi lòng ông và làm cho ông run rẩy! Lời chối từ lần đầu mang tới sự cay đắng và tự biện hộ, lần thứ hai mang đến sự hoang mang nội tâm sâu sắc, và lần thứ ba dẫn đến một cơn bão cảm xúc.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thấy khó công khai tuyên xưng vương quyền của Chúa. Ðôi khi chúng con không công khai tuyên xưng mình là Kitô hữu chỉ vì sợ hãi.
Nhưng việc Thánh Phêrô vốn đã nhận được rất nhiều dấu chỉ yêu thương từ Chúa và là người có vẻ can đảm và quyết đoán, lại là nạn nhân của nỗi sợ hãi, cũng là một nguồn an ủi cho những yếu đuối của chúng con. Trước đó không lâu, thánh Phêrô đã nói: “Dù tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”, và ngài còn nói thêm với giọng khẳng khái: “Dù phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Giờ đây, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ngài đi chệch hướng và bị lạc.
Lạy Chúa Giêsu, xin gửi đến chúng con một điều gì đó giống như tiếng gáy của một con gà trống khiến chúng con phải suy nghĩ; bởi vì ngay cả khi chúng con đã phản bội Chúa, chúng con vẫn có thể than khóc về tội lỗi của mình và được tha thứ.
Lạy Chúa, qua thánh Phêrô, Chúa cho chúng con thấy rằng, ngay cả những người trung thành nhất với Con Chúa cũng có thể lầm đường lạc lối hoặc chối bỏ Người vì sợ hãi. Xin giúp chúng con biết khiêm nhường tuyên xưng đức tin. Xin cho chúng con xác tín vào quyền năng của Thần Khí Chúa, ngõ hầu chúng con có thể làm nhân chứng cho Chúa, nhất là trong những tình huống sợ hãi hoặc xấu hổ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Năm
Chúa Giêsu bị Philatô xét xử
(Mc 15,14-15)
Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, đám đông từng nhiệt thành theo Chúa ở miền Galilê, những người đã hoan hô Chúa ở Giêrusalem khi Chúa quở trách các kinh sư và người Pharisêu, giờ này họ ở đâu? Chúa cảm thấy bị phó mặc cho cơn thịnh nộ của dân chúng dẫu biết rằng họ mù quáng và tàn nhẫn. Ðám đông không ý thức đầy đủ, họ bị dẫn dắt bởi những kẻ xách động lành nghề và vô luân, khát máu. Xin loại bỏ những oán hận bắt nguồn từ sức nặng của quá nhiều bất công và bất bình đẳng lại nổi cơn thịnh nộ với một người vô tội đáng thương, tội nghiệp chỉ vì họ không muốn hoặc không biết cách tự vệ. Toà án rùng rợn và xấu xa dành cho một nạn nhân tội nghiệp bị lặp lại, kẻ từng bị căm ghét lại được phóng thích. Lạy Chúa Giêsu, nhờ cuộc hiến tế của Chúa, sự xấu xa của ma quỷ sẽ bị vạch mặt. Và cuối cùng cuộc thương khó này của Chúa sẽ được kể lại như một sự vén màn bí ẩn của hận thù. Từ giờ trở đi, sẽ không cần thiết việc một nạn nhân phải hy sinh, ngay cả khi con người tiếp tục điên cuồng trong bạo lực. Nhưng công lý được định sẵn để chiến thắng nhờ cuộc hiến tế của Người, Lạy Chúa.
Chúng con đau khổ với Chúa và cho Người. Chính vì tình yêu với chúng con mà Chúa đã chấp nhận phục tùng tòa án loài người, để chúng con được giải thoát khỏi vòng xoáy của hận thù. Trong sự bồn chồn của rất nhiều người trút giận lên Đấng đã từng làm phúc cho họ, chúng con thấy lòng mình bối rối và bất an. Lạy Chúa Giêsu, xin chiếm trọn trái tim của chúng con để chúng con được giải thoát mình khỏi mọi cám dỗ bạo lực.
Lạy Chúa, khi để con người kết án Con Chúa, Chúa muốn làm sáng tỏ sức mạnh của sự yếu đuối. Xin cho chúng con ý thức về sự bất nhất của chúng con trước những chọn lựa khó khăn, để nhờ Chúa giúp, chúng con biết làm chứng cho thế giới về niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con của Chúa và Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Sáu
Chúa Giêsu chịu đánh đòn và đội mão gai
(Mc 15, 17-19)
Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái! “Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuyên xưng Chúa không chỉ là vua của dân Do Thái, mà còn của cả vũ trụ. Trò giễu cợt của những người lính đối với Đấng đáng tôn thờ đã chạm tới Chúa một cách sâu xa nhất: bị chế giễu về ý thức rằng chính Chúa là vua và là Đấng cứu độ. Nhưng với sự tàn ác vô cớ của họ, những người lính lại thực sự tuyên bố quyền thống trị của Chúa trên thế giới. Điều này xảy ra nhờ sự kiên nhẫn và khiêm hạ của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, tức giận Chúa không trả lời, đau khổ Chúa không đe dọa trả thù, nhưng Chúa trao phiên toà của mình cho Đấng phán xét công bằng. Về phần mình, Chúa đã tha thứ cho những kẻ xúc phạm mình và cầu nguyện cho họ. Nhờ những vết thương của Người, lạy Chúa, chúng con đã được chữa lành. Xin ban cho chúng con luôn cư xử hiền lành trước mọi sự gây hấn. Xin ban cho chúng con có khả năng dập tắt ngọn lửa xung đột hơn là châm ngòi bạo lực. Xin ban cho chúng con coi những phiền não vì sự phán xét là một hồng ân. Xin cho chúng con khả năng ngợi khen Chúa ngay cả trong những hoàn cảnh này. Xin cho chúng con kiên nhẫn chịu đựng cả những đau khổ bất công. Xin ban cho chúng con biết coi những đau khổ, thử thách đủ loại của chúng con như một bước để đi đến niềm vui trọn vẹn. Và xin cho chúng con noi gương Chúa trong sự bình an sâu xa nơi tâm hồn.
Lạy Chúa, nơi những đau khổ của Con Chúa, Chúa đã chỉ cho chúng con con đường khẳng định vương quyền của Người. Xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ của mình như một hành động thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, để chúng con có thể cùng Người tiến bước đến vinh quang Nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Bảy
Chúa Giêsu vác Thánh giá
(Mc 15,20)
Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt mình trong tay loài người, chịu để họ thực hiện những hành động xúc phạm và chế giễu Chúa: họ lột áo và cho mặc lại áo điều. Chúa không còn bất kỳ quyền trên mình. Chúng con làm cho Chúa mọi thứ chúng con muốn với sự tàn ác của mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được đặt mình trong đôi bàn tay thánh thiện của Chúa, Đấng đã phó thác trọn vẹn cho chúng con. Chúng con đã đối xử tệ bạc với Chúa nhưng Chúa đối xử nhân hậu với chúng con. Xin để chúng con phó dâng hoàn toàn chính mình cho Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, giờ đây chúng con đã thấy Chúa bị đưa ra làm trò cười cho thiên hạ, chúng con hiểu thập giá nghĩa là gì và vác thập giá lên vai Chúa có ý nghĩa gì. Xin giúp chúng con vác thập giá của mình với lòng kiên nhẫn và tình yêu, kết hiệp với gánh nặng nhọc nhằn của anh em hướng về đồi Canvê.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa không chạy trốn thực tại: Chúa đang tiến về đồi Canvê, đón nhận cái chết trên thập giá. Chúa đã tự đồng hóa mình với những cảnh đời đau khổ, cô độc và bị bỏ rơi mà thân phận một tội nhân phải chịu. Chúa đã đồng hóa mình với nỗi cô đơn của Giuđa, kẻ đã phản bội Chúa.
Lạy Chúa Giêsu trên Thánh giá, xin biến chúng con thành một cộng đoàn đức tin, được vun đắp từ niềm tin của toàn thể Giáo hội. Xin giúp chúng con biết trung thành vác những thánh giá mà Chúa sẽ gửi cho chúng con. Xin cho chúng con thanh thản trong những khi đau khổ, sẵn lòng bày tỏ lòng xót thương với những người xa gần.
Lạy Chúa, Đấng đã hiến dâng Con Chúa trên thập giá để giao hòa mọi người với Chúa. Xin ban cho chúng con đừng bao giờ chạy trốn khỏi những thập giá của cuộc đời mình, để chúng con cũng có thể khiêm tốn và kiên nhẫn bước đi sau Con Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Tám
Chúa Giêsu được ông Simon Kyrênê giúp vác đỡ Thánh giá
(Mc 15,21)
Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa cần sự giúp đỡ của chúng con và Chúa gần như buộc chúng con phải giúp Chúa. Chúa mời gọi chúng con vác thập giá mình mà theo Chúa. Ðôi khi thập giá bị đặt lên chúng con, như ông Simon Kyrênê vậy. Khi ấy, chúng con chịu đựng thập tự giá hơn là ôm lấy. Ðiều này xảy đến trước hết trong hoàn cảnh bệnh tật đau đớn và nơi những biến cố khó chịu: phản ứng đầu tiên của chúng con là chối từ, chống đối. Từng chút một, Chúa làm cho chúng con hiểu rằng, nếu thực sự không thể tránh khỏi thập giá này, thì tốt hơn là chúng con hãy vác nó với thiện chí, kiên nhẫn và khiêm tốn, hơn là chống cự và phàn nàn.
Nhưng Chúa mời gọi chúng con đi theo Chúa trên con đường thập giá, con đường đẹp lòng Chúa Cha (x. Mt 4,17), Đấng muốn chúng con vâng nghe lời Chúa (x. Mt 17:5). Và đây là con đường mà Chúa thường nói: chúng ta hãy lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị nộp, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại (x. Mt 16,22-23).
Lạy Chúa, trên con đường thập giá, Chúa đã cho ông Simon Kyrênê gặp gỡ Con Chúa và cho ông thông phần vào con đường khổ nạn của Người. Xin cho chúng con khả năng vác thập giá của mình và của người khác, cho dù đôi khi thập giá bị đặt lên vai chúng con, vì tình yêu của Chúa Giêsu, Con của Chúa và Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Chín
Chúa Giêsu gặp gỡ những người phụ nữ thành Giêrusalem
(Lc 23, 27-28)
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm dừng lại một chút trước mặt Chúa. Giống như những người phụ nữ của Jerusalem, chúng con chiêm niệm nỗi đau của Chúa. Nỗi đau ấy bao gồm tất cả những lo lắng, khổ sầu, sợ hãi của chúng con. Chúa đứng ở trung tâm thay vì mọi thứ khác. Chúa không xóa bỏ những điều ấy, Chúa cũng không xa chúng con; nhưng Chúa giúp chúng con hiểu từng điều theo một cách mới mẻ.
Truyền thống còn nói về cử chỉ của bà Veronica, người đã đến gần Chúa với chiếc khăn, để lau máu và mồ hôi. Cử chỉ này giống như nguyên mẫu của nhiều hành động ý nghĩa khác mà chúng con chia sẻ với nỗi đau của người lân cận. Chúng giống như những tia sáng dịu nhẹ trong của cuộc sống hàng ngày, bằng những hành động cho đi, với sự ấm áp và tôn trọng. Chúa muốn chúng con trở nên sống động bởi tinh thần cho đi chính mình, từ những điều đơn sơ nhất để như ngọn gió nhẹ lan toả điều tốt cho mọi người.
Trong số những người phụ nữ ấy, truyền thống còn đặt Đức Maria là Mẹ của Người. Chúng con sẽ thấy Mẹ một lần nữa trên đồi Canvê, dưới cây thánh giá. Chúng con nài xin Mẹ, Mẹ của niềm hy vọng, chuyển cầu cùng người Con của Mẹ thương xót chúng con và đến tìm chúng con trên những nẻo đường gian nan và thách đố mà chúng con gặp phải. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của sự kiên nhẫn, xin dạy chúng con chờ đợi những khoảnh khắc của Chúa và hy vọng vào sự thể hiện của vương quốc của Người.
Lạy Thiên Chúa, Đấng đã đặt tình yêu nhân hậu dành cho Con chịu đóng đinh của Chúa vào tâm hồn các phụ nữ Giêrusalem và khiến họ trở thành những môn đệ trung thành trên con đường thập giá của Người. Xin cũng đặt nơi chúng con ước muốn phục vụ Chúa qua những cử chỉ yêu thương vô vị lợi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Mười
Chúa Giêsu chịu đóng đinh
(Mc 15,24)
Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì.
Mầu nhiệm tình yêu mà Chúa Giêsu tỏ lộ thực sự quá lớn lao khiến chúng con được mời gọi chỉ thinh lặng trước Người. Ai mà không cảm thấy được đi vào chiều sâu sự hiện hữu của Chúa? Đây là giây phút mà mỗi người chúng con phải dừng lại.
Xin hãy làm cho những lo lắng của chúng con im lặng, xin ngừng lại những ưu phiền của chúng con, xin đừng để những dục vọng phàm tục chiếm giữ cõi lòng chúng con. Chúa Giêsu chịu đóng đinh phải đứng ở trung tâm thay vì mọi sự khác và giúp chúng con nhìn mọi sự với cách nhìn mới mẻ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con quỳ gối thờ lạy Chúa mà không thể tìm được lời nói hay cử chỉ thích đáng để bày tỏ cùng Chúa những gì chúng con cảm nghiệm, những gì chúng con cảm thấy trước thân xác Chúa bị hành hạ vì yêu thương chúng con, vì tình yêu Chúa dành cho con người. Ở đây dường như mọi thứ đã đến đỉnh điểm. Lạy Chúa, chính trên cây Thánh Giá đây, Chúa đã mặc khải cho chúng con rằng, trên thế giới có một tình yêu mạnh hơn mọi tội lỗi, mạnh hơn cả sự chết. Và thánh giá của Chúa là cánh cửa mà qua đó, Chúa không ngừng bước vào cuộc đời của chúng con.
Lạy Chúa, xin Chúa mở lòng chúng con, làm cho chúng say mê Ðấng Duy Nhất, và biết đáp lại hồng ân sự sống của Chúa bằng cách làm cho chúng con có khả năng thực hiện những cử chỉ hòa giải cụ thể. Xin giúp chúng con sẵn sàng dành thời gian cho người khác, đón nhận họ với sự tôn trọng, yêu thương, và trao cho họ những gì Chúa đã ban cho chúng con nơi thập giá của Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nơi Người Con chịu đóng đinh của Chúa, Chúa đã cho chúng con thấy dấu chỉ ơn cứu độ muôn đời và phổ quát. Xin ban cho chúng con biết dừng lại trong thinh lặng trước thập giá, để chúng con cũng có thể đi sâu vào mầu nhiệm Con Chúa cứu chuộc chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Mười một
Chúa Giêsu hứa ban Vương quốc của Người cho người Trộm lành
(Lc 23, 39-42)
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! “Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! “Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Lạy Chúa Giêsu, trong bóng tối bao trùm trái đất, Chúa đã mở cửa thiên đàng cho một tội nhân. Anh ta là người duy nhất “được chính Chúa Giêsu phong thánh, người đã nói với anh ta: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đường!” Chúng con đã nhìn, chúng con cầu nguyện, và thấy không có vực thẳm nào mà từ đó không thể cầu khẩn Thiên Chúa và nhận ra lòng thương xót của Người. Điều ấy nhắc nhở chúng con rằng, những thử thách về thể chất, tinh thần hoặc đạo đức có thể như một chiếc thang để lên thiên đàng ngày cuối cùng của cuộc đời chúng con, với ý muốn phó mình trong tay Chúa Cha, như tên trộm lành đã phó mình cho Chúa.
Lạy Đấng trên Thánh Giá, xin giúp chúng con mỗi ngày thêm tin tưởng vào quyền năng của lòng thương xót Chúa. Xin nhắc nhở chúng con phải luôn ở trong sự tin tưởng vào bóng cây Thánh giá, đón nhận đau khổ để thanh tẩy chúng con. Không ai trong chúng con có thể tuyên bố mình không có tội. Xin giúp chúng con bắt đầu lại mỗi ngày như thể đó là ngày đầu tiên; ứng trực trước cuộc chiến đấu để vượt qua chính mình và phó thác cho lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa, nơi Con Chúa chịu đóng đinh, Chúa đã chỉ cho chúng con cánh cửa cứu độ cho mọi tội nhân. Xin cho chúng con ý thức rằng trước mắt Chúa, không một hoàn cảnh nào của sự dữ, tội lỗi, sự chết nào là không thể chữa lành; nhưng sự tha thứ đó có thể dành cho tất cả những ai chân thật đứng trước thập giá của Con Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Mười hai
Chúa Giêsu trên Thánh giá, Đức Mẹ và người Môn đệ
(Ga 19,26-27)
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ chúng con, Mẹ đứng trước chúng con như một người mẹ yêu thương và đau khổ, người đã sinh ra những đứa con của mình từ Thánh giá. Mẹ hiểu rằng sự hy sinh của Mẹ và của Người Con của Mẹ không phải là vô ích. Người Con của Mẹ đã yêu thương chúng con đến tận cùng. Chúa Cha đã không tiếc Người, nhưng đã trao Người cho chúng con: Chúa Cha nối kết tình yêu vô biên này và đón nhận tất cả chúng con như con cái của Người. Người môn đệ Chúa yêu trao phó dưới chân thánh giá là biểu tượng của mỗi người chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn yêu Chúa, chúng con muốn đáp lại tình yêu của Chúa bằng một tình yêu khiêm tốn, sẵn sàng đồng hành với nỗi đau của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu mà Chúa chiếu toả này làm cho chúng con có khả năng làm chứng cho mọi người và luôn luôn thực hiện những lời hứa của Chúa. Tình yêu ấy giải phóng chúng con khỏi mọi sự giam cầm của những điều xấu xa hiện tại và khỏi nỗi sợ hãi cái chết. Nó làm cho chúng con nhìn về phía trước với niềm tin tưởng, vượt thắng mọi sự thất vọng.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con chiêm ngưỡng Chúa và tuyên xưng rằng mọi thứ đã được tạo ra cho Chúa và trong ân sủng của Chúa. Chúa là con chiên bị hiến tế cứu những kẻ bị hủy diệt. Chúa là giao ước vĩnh cửu mang lại sự bình an trong tâm hồn. Chúa là Đấng tha thứ tội lỗi của chúng con. Chúa là con Đức Maria và đã trao Mẹ cho chúng con. Xin cho chúng con đón nhận Mẹ với lòng yêu mến và luôn hiệp nhất với Mẹ.
Lạy Chúa, Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con Chúa và làm Mẹ của nhân loại. Xin cho chúng con có thể đứng dưới thánh giá như Mẹ, đồng hành với nỗi đau đớn của Con Chúa. Mẹ cũng đón nhận người môn đệ của Con Chúa như con cái của Mẹ, để chúng con có thể trở nên con cái của Con Chúa là Chúa Giêsu Kitô và Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Mười ba
Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên Thánh giá
(Mc 15,33-39)
Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! “ Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? “Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a.” Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.” Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.
Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết trong khi nếm trải cay đắng từ sự chối bỏ của mọi người: của các thượng tế, bậc kỳ mục trong dân, của người Pharisêu, các kinh sư và cả đám đông, những người mà Chúa đã rất yêu mến và đã theo Chúa ngay cả trong sa mạc với lòng trung thành (x. Lc 9,12). Quả thực đám đông muốn Chúa chết không giống như đám đông đã tung hô Chúa. Chúa bị từ chối bởi tất cả những người đã không chấp nhận sứ điệp của Chúa và cả từ những người đã bỏ rơi Chúa vì sợ hãi. Chúa cảm thấy như một sự thất bại bi thảm với sứ mạng đã được Cha giao phó cho Chúa. Kinh nghiệm bị từ chối này vẫn tiếp tục cho đến tận ngày nay, trong đau khổ vì Giáo hộI của Chúa bị từ chối và vì sự cô đơn của các thừa tác viên của Giáo hội.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên Chúa lòng trung thành, tình yêu của chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa, cúi mình trong thinh lặng, không còn dám nói nên lời trước tấm thân xác xơ của Chúa. Chúng con biết rằng Chúa đã đón nhận cái chết đau đớn vì tình yêu của nhân loại. Chúng con cảm nghiệm rằng, mầu nhiệm Nhập Thể đạt tới mức viên mãn tại đây. Khi vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá, Chúa đã cho chúng con niềm tin chắc chắn rằng, tình yêu của Người chiến thắng mọi tộI lỗi và cả sự chết. Do đó, thập giá trở thành ngưỡng cửa mà thông điệp yêu thương của Chúa đi qua.
Lạy Chúa, trước cái chết của Con Chúa trên thập giá, đôi khi chúng con mất tinh thần và bị đánh bại. Xin giúp chúng con hiểu trong tâm hồn và trong đời sống đức tin của chúng con, rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng hiến mình cho đến cùng cho nhân loại mới thực sự giải thoát chúng con và làm cho chúng con được thông phần vào vương quốc của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
***
V
Chặng thứ Mười bốn
Chúa Giêsu được an táng trong Mồ
(Mc 15,42-46)
Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát, nên ông Giô-xếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giêsu. Nghe nói Người đã chết, ông Phi-la-tô lấy làm ngạc nhiên, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa. Sau khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Giô-xếp lãnh lấy thi hài. Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ.
Lạy Chúa Giêsu, trong bóng tối của trần gian và trong bóng tối của ngôi mộ, Chúa đã kêu lên Thiên Chúa Cha tại sao lại bỏ rơi mình. Và trong bóng tối của ngôi mộ đang chờ đợi sự sống lại, chúng con thoáng thấy rằng không có vực thẳm nào mà không thể kêu cầu Lạy Chúa. Xin nhắc nhở chúng con rằng, những thử thách về thể xác, tinh thần và thiêng liêng của chúng con là một phần Thứ Sáu Tuần Thánh của Chúa. Chúa sống chúng với chúng con và vượt qua những thử thách ấy với chúng con. Chúa bị giằng xé và trăn trở trong nỗi đau, đã cất lên tiếng khóc lớn trước khi chết, xin hãy lắng nghe tiếng khóc của chúng con. Xin cho chúng con đi đến ngày cuối cùng của sự tồn tại trên trần gian với ý muốn trao vào tay của Thiên Chúa Cha trọn cả linh hồn, sự sống và sự chết của chúng con.
Các môn đệ đã sống Thứ Bảy Tuần Thánh trong nỗi sợ hãi và lo âu điều tồi tệ nhất. Tương lai thất bại và tủi nhục dường như dành cho họ ngày càng hiển hiện. Thầy của họ đang ở trong mồ. Nhưng Mẹ Maria sống tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi, Mẹ biết rằng những lời Thiên Chúa hứa sẽ thành hiện thực. Ngay cả trong ngày Sabát của thời đại mà chúng con thấy mình đang sống, cũng cần phải khám phá lại tầm quan trọng của việc chờ đợi, làm sáng tỏ nhiệm vụ đang chờ đợi chúng con và nhiệm vụ có thể thực hiện được đối với chúng con nhờ ân sủng thiêng liêng của Ðấng Phục Sinh.
Lạy Chúa, trong món quà tình yêu của Chúa, trong Chúa, chúng con nhận ra Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Chúng con đã hiểu được sự thật, vẻ đẹp, sức mạnh của đức tin mà Chúa trao hiến cho mỗi người chúng con và cho tất cả những người trong gia đình nhân loại và toàn thể xã hội mà chúng con thuộc về. Xin ở lại với chúng con luôn mãi.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Chúa vào mồ chờ phục sinh, xin giúp chúng con biết để Người vào mồ của cuộc đời tuyệt vọng, thất bại của chúng con, để chúng con cũng được cùng với Người chờ đợi ngày cứu độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Đức Hồng Y Carlo Maria Martini
Giuse Trần Ngọc Huynh S.J
Chuyển ngữ từ: CARLO MARIA MARTINI, Via Crucis, NXB San Paolo 2011.
Nguồn: dongten.net (02.04.2023)
#duchongycarlomariamartini #suyniemcacchangdangthanhgia