Tóm lược Tông Thư hậu Năm Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô

0
20

ansa799835_articoloVATICAN. Sáng 21-11-2016, Tông thư hậu Năm Thánh của ĐTC Phanxicô đã được giới thiệu trong cuộc họp báo ở Roma, qua đó ngài mời gọi Giáo Hội tiếp tục sống và thực hành tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương xót.

Tông thư, được ĐTC ký vào cuối thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô chúa nhật 20-11-2016, và ngài trao tượng trưng cho các thành phần Dân Chúa.

 Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã giới thiệu với giới báo chí Tông thư mới của ĐTC gồm 22 đoạn, trong đó Người đề cao tầm quan trọng của lòng thương xót và phác họa những lãnh vực cần đặc biệt thực thi lòng thương xót.

 ĐTC cũng đưa ra những quyết định cụ thể như: ban năng quyền cho tất cả các LM được giải các tội vạ phá thai, cho các LM thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 được giải tội cho các tín hữu thành sự và hữu hiệu, mặc dù Huynh đoàn này chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra, các thừa sai lòng thương xót sẽ tiếp tục sứ mạng đã nhận lãnh trong Năm Thánh và Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin Mừng sẽ đảm trách theo dõi các linh mục này. Sau cùng ĐTC ấn định Ngày thế giới người nghèo sẽ được cử hành hàng năm vào chúa nhật thứ 33 thường niên.

 Tựa đề Tông Thư

Tông thư mang tựa đề ”Misericordia và misera” là hai từ được thánh Augustino dùng để kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình (Xc Ga 8,1-11) [in Joh 33,5). Thánh nhân không thể tìm được thành ngữ nào đẹp và phù hợp hơn từ đó để giúp hiểu mầu niềm tình thương của Thiên Chúa khi gặp người tội lỗi. Thánh Augustino viết: ”Chỉ còn lại hai: người phụ nữ lầm than và lòng thương xót”.

ĐTC chú giải đoạn Tin Mừng kể lại sự tích Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, thay vì để những kẻ cáo buộc thi hành luật và ném đá người phụ nữ ấy. ”Nơi trung tâm không phải là luật và công lý pháp luật, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng biết đọc thấy trong con tim của mỗi người, để hiểu ước muốn thầm kín nhất và tình yêu ấy phải chiếm chỗ tối thượng trên mọi sự” (n.1). Trong một đoạn Phúc Âm khác kể lại người phụ nữ tội lỗi xức thuốc thơm cho chân Chúa Giêsu và lấy nước mắt mình thấm chân Chúa và lau khô bằng tóc của bà (Xc Lc 7,36-50). Trước phản ứng của người biệt phái lấy làm gương mù, Chúa nói: ”Tội lỗi của bà tuy nhiều, nhưng đã được tha. Trái lại người yêu mến ít thì được tha ít” (v.47). Tha thứ là dấu chỉ rõ ràng nhất của tình yêu Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã muốn mạc khải trong suốt cuộc đời của ngài. Không có trang Phúc Âm nào có thể tránh khỏi mệnh lệnh yêu thương đến độ tha thứ.

ĐTC nhận xét rằng ”Chúng ta đã cử hành một Năm khẩn trương, trong đó ân phúc thương xót được ban dồi dào cho chúng ta. Như một làn gió lành mạnh mẽ, lòng nhân từ và thương xót của Chúa đã đổ tràn trên toàn thế giới.” (4).

Và sau khi mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân ấy, ĐTC viết tiếp: ”Giờ đây, Năm Thánh đã kết thúc, đây là lúc nhìn về đằng trước và hiểu xem làm thế nào để tiếp tục cảm nghiệm sự phong phú của lòng Chúa thương xót, trong niềm trung thành và hăng say. Các cộng đoàn của chúng ta có thể tiếp tục sinh động và năng nổ trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng tùy theo mức độ ”sự hoán cải mục vụ” mà chúng ta được kêu gọi sống thực, được uốn nắn hằng ngày thế nào nhờ sức mạnh đổi mới của lòng thương xót. Chúng ta đừng giới hạn hoạt động của lòng thương xót; đừng làm cho Thánh Linh sầu muộn, Đấng luôn chỉ dẫn những con đường mới phải theo để mang Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi người”.

 Các lãnh vực thực thi lòng thương xót

Sau tiền đề trên đây, ĐTC lần lượt nhắc đến các lãnh vực mà Giáo Hội có thể cử hành và thực thi lòng thương xót: trước tiên trong việc cử hành Thánh Thể và đời sống bí tích, rồi đến việc lắng nghe Lời Chúa. Trong vấn đề này, bài giảng có một tầm quan trọng đặc biệt. ĐTC nhắn nhủ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc bài giảng. Ngài viết: ”Bài giảng càng mang lại thành quả, nếu linh mục càng cảm nghiệm nơi mình lòng thương xót của Chúa.. Vì thế, sống lòng thương xót chính là con đường tốt nhất để biến lòng thương xót thành một lời loan báo đích thực về sự án ủi và hoán cải trong đời sống mục vụ. Bài giảng cũng như việc huấn giáo, luôn luôn cần được nâng đỡ nhờ con tim sinh động này của đời sống Kitô”. (6).

Tiếp đến là Kinh Thánh, là một trình thuật dài về những kỳ công của lòng Chúa thương xót. Mỗi trang Kinh thánh mang dấu vết tình thương của Chúa Cha, Đấng đã muốn ghi những dấu chỉ tình thương của ngài vào vũ trụ ngay từ khi mới tạo dựng”. Đi kèm với Kinh Thánh là lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa về những đề tài lòng thương xót, giúp động chạm cụ thể về sự phong phú của các văn bản sách thánh, được đọc dới ánh sáng toàn thể truyền thống linh đạo của Giáo Hội, nhất thiết đưa tới những cử chỉ và hành động bác ái cụ thể” (8).

 Các thừa sai lòng thương xót

 ĐTC đặc biệt đề cao bí tích hòa giải trong việc sống và thực hành lòng thương xót, và ngài nhắc đến kinh nghiệm về các Thừa Sai lòng thương xót trong Năm Thánh đặc biệt vừa qua. Ngài viết: ”Tôi nhận được bao nhiêu chứng từ về niềm vui về cuộc gặp gỡ được đổi mới với Chúa trong bí tích giải tội. Chúng ta đừng đánh mất cơ hội sống đức tin kể cả như một kinh nghiệm về sự hòa giải.. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với mỗi thừa sai lòng thương xót vì việc phục vụ quí giá này để làm cho ơn tha thứ được hữu hiệu. Tuy nhiên, thừa tác vụ này không kết thúc với việc đóng cửa Năm Thánh. Tôi muốn sứ vụ ấy còn được tiếp tục cho đến khi tôi định liệu cách khác, như dấu chỉ cụ thể chứng tỏ ơn Năm Thánh được tiếp tục sinh động và hữu hiệu ở các nơi trên thé giới. Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng có nhiệm vụ theo dõi các Thừa sai lòng thương xót trong thời kỳ này, như một biểu lộ trực tiếp sự quan tâm và gần gũi của tôi, cũng như tìm ra những hình thức thích hợp nhất để thực thi sứ vụ quí giá này.”

 Nhắc nhở các linh mục giải tội

 ĐTC nhắn nhủ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng sứ vụ giải tội và ngài khẳng định rằng ”Bí tích hòa giải cần tìm lại được chỗ đứng trung tâm trong đời sống Kitô, vì thế tôi xin các linh mục hãy dành cuộc sống của mình để phục vụ sứ vụ hòa giải (2 Cr 5,18).. (11).

ĐTC yêu cầu các linh mục: niềm nở đón tiếp mọi người, làm chứng về sự dịu dàng của Chúa Cha, dù tội của hối nhân xó nặng nề đến đâu đi nữa; ân cần mau mán giúp đỡ hối nhân suy nghĩ về sự ác đã phạm; minh bạch trong việc trình bày các nguyên tắc luân lý; sẵn sàng đồng hành với tín hữu trong hành trình thống hối, kiên nhẫn với họ, sáng suốt trong việc phận định mỗi trường hợp; quảng đại trong việc ban ơn tha thứ của Thiên Chúa”,

ĐTC cũng nhắc đến sáng kiến: “Một cơ hội thuận tiện để cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa có thể là Chúa nhật thứ 4 mùa chay tới đây, được nhiều giáo phận đồng ý, và là một lời kêu gọi mục vụ mạnh mẽ để sống bí tích giải tội một cách khẩn trương” (12).

 Ban năng quyền cho các linh mục giải tội vạ phá thai

ĐTC tuyên bố: “Do nhu cầu ấy, để không có chướng ngại nào ngăn chặn giữa yêu cầu được hòa giải và sự tha thư của Chúa, từ nay trở đi tôi ban cho tất cả các linh mục, do sứ vụ của mình, được năng quyền giải tội vạ cho những người đã phạm tội phá thai. Điều mà tôi đã ban trước đây trong Năm Thánh, nay được nới rộng trong thời gian, bất chấp điều gì trái ngược. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng phá thai là một tội trọng, vì nó chấm dứt một sinh mạng vô tội. Tôi cũng có thể và phải mạnh mẽ khẳng định rằng không có tội nào mà lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi tới và tiêu hủy khi Ngài tìm thấy một con tim thống hối xin được hòa giải với Chúa Cha. Vì thế, mỗi linh mục hãy làm người hướng dẫn, nâng đỡ và an ủi trong việc đồng hành với các hối nhân trong hành trình hòa giải đặc biệt này”.

 Ban năng quyền cho các linh mục thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10

“Trong Năm Thánh vừa qua, tôi cũng đã ban cho các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, lui tới các nhà thờ do các linh mục thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 để lãnh nhận một cách hữu hiệu và hợp pháp bí tích giải tội. Vì thiện ích của các tín hữu ấy, và tin tưởng nơi thiện chí của các linh mục ấy, để với sự trợ giúp của Chúa, các linh mục ấy có thể phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội Công Giáo, do quyết định riêng của tôi, tôi quyết định nới rộng năng quyền này vượt qua thời kỳ Năm Thánh, cho đến khi có quyết định mới về vấn đề này, để không ai bị thiếu dấu chỉ bí tích về ơn hòa giải qua sự tha thứ của Giáo Hội” (12).

Trong Tông thư ”Lòng thương xót và người lầm than”, ĐTC đề cập đến sự an ủi trong đau khổ, sự thinh lặng, bí tích hôn phối, lúc qua đời như những thời điểm qua đó lòng thương xót của Chúa cũng được biểu lộ đặc biệt.

Gia đình gặp khó khăn

ĐTC kêu gọi quan tâm giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, và mời gọi “hãy nhìn tất cả những khó khăn của con người với thái độ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi trong việc tiếp đón và đồng hành.” Ngài xin các linh mục ”quan tâm phân định, sâu xa và sáng suốt để tất cả mọi người, bất kỳ ai, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng có thể cảm thấy được Thiên Chúa đón tiếp cụ thể, tích cực tham gia vào đời sống cộng đoàn và tháp nhập vào Dân Chúa”.

 Thực thi bác ái

ĐTC viết: “Năm Thánh đã kết thúc và Cửa Thánh đã đóng lại. Nhưng cửa lòng thương xót của tâm hồn chúng ta luôn mở rộng. Chúng ta đã học biết rằng Thiên Chúa cúi mình trên chúng ta (Xc Osea 11,4) để chúng ta cũng có thể bắt chước Chúa cúi mình trên anh chị em. Sự tưởng nhớ bao nhiêu người trơ về nhà Cha, Đấng chờ đợi họ, cũng được khơi dậy nhờ những chứng nhân chân thành và quảng đại về sự dịu dàng của Chúa. Cửa Thánh mà chúng ta đã bước qua trong Năm Thánh làm cho chúng ta được tiến sâu vào con đường bác ái mà chúng ta được mời gọi tiến bước mỗi ngày trong niềm trung thành và vui tươi. Đó là con đường thương xót, giúp gặp gỡ bao nhiêu anh chị em, đang giơ tay để ai đó có thể cầm lấy và đồng hành.”

“Ước muốn gần gũi Chúa Kitô đòi chúng ta phải trở nên gần gũi với các anh chị em, vì không có gì làm đẹp lòng Chúa Cha cho bằng một cử chỉ cụ thể từ bi thương xót. Tự bản chất, lòng thương xót được biểu lộ hữu hình qua một hành động cụ thể và năng động. Một khi ta đã cảm nghiệm lòng thương xót trong sự thật, thì không thể thối lui: nó liên tục gia tăng và biến đổi cuộc sống. (16).

 ĐTC cũng nhăc lại rằng trong Năm Thánh, đặc biệt là những ngày thứ sáu từ bi thương xót, ngài đã có thể động chạm cụ thể tới bao nhiêu điều thiện ở trong thế giới. Nhiều khi những điều tốt lành ấy không được biết đến vì nó được thực hiện hằng ngày một cách âm thầm kín đáo.. Trong chiều hương đó, ĐTC cám ơn và nghĩ đến bao nhiêu người thiện nguyện hằng ngày dành thời gian của họ để biểu lộ sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa qua sự tận tụy của họ. Việc phục vụ của họ là một hoạt động từ bi thương xót chân chính, giúp bao nhiêu người đến gần Giáo Hội”. (17).

ĐTC khuyến khích các sáng kiến từ bi bác ái trong các lãnh vực khác nhau, giúp đỡ những người đói khát, các trẻ em, những người di dân tìm kiếm lương thực, công ăn việc làm, nhà cửa và hòa bình, các bệnh nhân dưới nhiều hình thức, các tù nhân, những người mù chữ, những người đang chịu những hình thức nô lệ mới. ”Tóm lại những công việc từ bi thương xót về thể lý và tinh thần cho đến nay vẫn là điều kiểm chứng ảnh hưởng tích cực và lớn lao của lòng thương xót, như một giá trị xã hội. Nó thức đẩy xắn tay áo làm việc để trả lai phẩm giá cho hằng triệu người anh chị em chúng ta”. (18).

 Đề ra các sáng kiến bác ái

 ĐTC viết: ”Chúng ta được kêu gọi làm tăng trưởng một nền văn hóa từ bi thương xót, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ với tha nhân: một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác với sự dửng dưng lãnh đạm, hoặc quay mặt đi nơi khác khi thấy sự đau khổ của người anh em mình. Những công việc từ bi thương xót có tính chất ”thủ công”, không việc nào giống việc nào; bàn tay chúng ta có thể nhào nặn nó bằng hàng ngàn cách, cho dù chỉ có một mình Thiên Chúa soi sáng gợi hứng, và chất liệu duy nhất vẫn là một, đó là chính lòng thương xót. (20

Sau cùng, ĐTC ấn định Ngày Thế Giới người nghèo sẽ được cử hành vào chúa nhật 33 thường niên. Ngày này sẽ là một sự chuẩn bị xứng đáng để sống lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, Đấng đồng hóa với người bé nhỏ và nghèo hèn và sẽ xét xử chúng ta về các công việc thương xót (Xc Mt 25,31-46).. Bao lâu còn Lazzaro nằm trước cửa nhà chúng ta (Xc Lc 16,19-21) thì không thể có công bằng cũng chẳng có an bình xã hội” trên thế giới (21).

 G. Trần Đức Anh OP