Tiếp kiến chung 17-8-2022:Tuổi già đảm bảo đích đến của sự sống

0
18

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung

Ngày 17.08.2022

TUỔI GIÀ ĐẢM BẢO ĐÍCH ĐẾN CỦA SỰ SỐNG

Vatican News (17.08.2022) – Sáng thư Tư, 17/8, tại Đại Thính Đường Phaolô VI, ĐTC đã có buổi tiếp kiến chung hằng tuần với bài giáo lý tiếp theo về tuổi già. Ngài khuyến khích người già mang lại những chứng tá cho trẻ em và người trẻ về những phúc lành của họ. Bởi vì khi người già làm chứng, với tất cả cuộc sống mà họ đã trải qua, thì lời chứng của họ là hết sức chân thực và đáng tin.

Bài đọc sách thánh trước bài giáo lý được trích từ sách tiên tri Đa-ni-en.

Tôi đang nhìn

thì thấy đặt những chiếc ngai

và một Đấng Lão Thành an toạ.

Áo Người trắng như tuyết,

tóc trên đầu Người

tựa lông chiên tinh tuyền.

Ngai của Người toàn là ngọn lửa,

bánh xe của ngai

cũng rừng rực lửa hồng.

Từ trước nhan Người,

một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.

Ngàn ngàn hầu hạ Người,

vạn vạn túc trực

trước Thánh Nhan.

Toà bắt đầu xử,

sổ sách được mở ra.(Đn 7,9-10)

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những lời trong giấc mơ của Đa-ni-ên, mà chúng ta đã nghe, gợi lên một thị kiến về Thiên Chúa vừa huyền bí vừa rực sáng. Thị kiến này được lặp lại ở phần đầu của sách Khải Huyền và đề cập đến Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã hiện ra với Thị nhân với tư cách là Mêsia, Tư tế và là Vua, vĩnh cửu, toàn tri và bất biến (1,12-15). Người đặt tay lên vai của Thị nhân và trấn an: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống. Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (câu 17-18). Rào cản cuối cùng về nỗi sợ hãi và thống khổ đã gợi nên trong cuộc thần hiện biến mất như thế: Đấng Hằng sống trấn an chúng ta, ban cho chúng ta sự an toàn. Người đã chết, nhưng giờ đây Người hiển trị nơi dành cho Người: Người là Khởi nguyên và Tận cùng.

Trong sự đan xen các biểu tượng này, có một khía cạnh có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối liên hệ của sự thần hiện này với vòng đời, thời gian của lịch sử, vương quyền của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo. Và khía cạnh này liên quan đến tuổi già.

Thị kiến cho thấy ấn tượng về sức sống và sức mạnh, sự cao quý, vẻ đẹp và sự quyến rũ. Trang phục, đôi mắt, giọng nói, đôi chân, mọi thứ đều lộng lẫy trong thị kiến đó. Đó là một thị kiến! Tuy nhiên, tóc của người ấy trắng như len, như tuyết. Giống như của một người già. Thuật ngữ Kinh thánh phổ biến nhất để chỉ người cao tuổi là “zaqen”, xuất phát từ từ “zaqan”, có nghĩa là “râu”. Tóc trắng là biểu tượng lâu đời của một thời gian sống rất dài, một quá khứ xa xưa, một sự tồn tại vĩnh cửu. Chúng ta không được coi thường những biểu tượng này: hình ảnh một vị Thần cổ đại với mái tóc trắng không phải là một biểu tượng ngớ ngẩn, đó là một hình ảnh trong Kinh thánh, đó là một hình ảnh cao quý và cũng là một hình ảnh dịu dàng. Nhân vật ở giữa các cây đèn vàng trong Sách Khải Huyền gợi nên Đấng Lão Thành trong lời tiên tri của Đa-ni-ên. Đấng ấy già như toàn thể nhân loại và thậm chí còn hơn thế nữa. Đấng ấy cổ xưa và mới mẻ như sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bởi vì sự vĩnh cửu của Thiên Chúa là như vậy, cổ kính và mới mẻ, bởi vì Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên với sự mới mẻ của Người, luôn đến gặp chúng ta, mỗi ngày một cách đặc biệt, vào đúng khoảnh khắc đó, cho chúng ta. Người luôn luôn đổi mới: Thiên Chúa là vĩnh cửu, Người luôn luôn là như vậy.

Trong các Giáo hội Đông phương, lễ Gặp gỡ Chúa được mừng vào ngày 2 tháng Hai, là một trong mười hai đại lễ của năm Phụng vụ. Nó làm nổi bật cuộc gặp gỡ của nhân loại, được đại diện bởi các cụ Simeon và Anna, với Chúa Kitô Hài nhi, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa làm người. Một biểu tượng đẹp này có thể được chiêm ngưỡng ở Roma trong các bức tranh khảm của nhà thờ Santa Maria ở Trastevere.

Trong phụng vụ Byzantine, giám mục cầu nguyện với cụ Simeon: “Đây là Đấng đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ: Người là Ngôi Lời, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Đấng vì chúng ta đã nhập thể và đã cứu độ con người”. Và tiếp: “Hôm nay xin hãy mở cửa trời: Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, mặc lấy sự thế tạm mà không đánh mất thần tính, được Mẹ Đồng Trinh dâng tiến vào đền thờ theo Luật và được cụ già bồng ẵm trên tay”. Những lời này diễn tả lời tuyên xưng đức tin của bốn Công đồng Đại kết đầu tiên, là những thánh Công đồng đối với tất cả các Giáo hội. Nhưng cử chỉ của cụ Simeon cũng là biểu tượng đẹp nhất cho ơn gọi đặc biệt của tuổi già, nhìn cụ Simeon chúng ta nhìn biểu tượng đẹp nhất của tuổi già: dâng trẻ em đến trong thế giới này như một món quà không gián đoạn của Thiên Chúa, biết rằng một trong số trẻ em này là Người Con sinh ra từ trong chính cung lòng Thiên Chúa, từ trước muôn đời.

Trên đường tiến đến một thế giới nơi tình yêu, mà Thiên Chúa đặt ở tạo vật, sẽ cuối cùng toả sáng mà không gặp trở ngại nào, tuổi già phải thực hiện cử chỉ này của Simeon và Anna, trước khi từ biệt. Tuổi già phải mang lại chứng tá cho trẻ em về phúc lành của họ, đây là tâm điểm của tuổi già: nó đi từ sự khởi đầu – đẹp đẽ và khó khăn – đến mầu nhiệm của một đích đến trong cuộc sống mà không ai có thể tiêu diệt được, ngay cả cái chết. Làm chứng về đức tin trước mặt trẻ em là gieo mầm sự sống; Làm chứng về con người và đức tin là ơn gọi của người cao tuổi. Chúng ta, những người già, được kêu gọi để làm điều này, làm chứng tá, bởi vì chứng tá này giúp cho họ tiến bước.

Lời chứng của người cao tuổi thì đáng tin cậy đối với trẻ em: người trẻ và người lớn không thể làm cho lời chứng này chân thực, dịu dàng, thấm thía như người già, ông bà có thể làm. Khi người lớn tuổi chúc lành cho cuộc sống mà họ đã từng nếm trải, trút bỏ mọi oán hận cho cuộc sống đang qua đi, thì điều đó thật sự thuyết phục. Không cay đắng vì thời của mình đã qua và phải ra đi, không. Nhưng là cho đi niềm vui của rượu ngon được tạo nên bởi thời gian. Lời chứng của người cao tuổi gắn kết các thế hệ và các chiều kích thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thật đau đớn – và tai hại – khi thấy rằng các thế hệ bị xem như là những thế giới tách biệt, cạnh tranh nhau, tìm cách sống bằng cái giá phải trả của người khác. Nhân loại thì cổ, rất cổ, nếu chúng ta nhìn theo đồng hồ thời gian. Nhưng Con Thiên Chúa, Đấng sinh ra bởi một người phụ nữ, là Khởi Nguyên và Tận Cùng của mọi thời. Nghĩa là không ai bị rơi ra khỏi sự vĩnh cửu của Người, khỏi sức mạnh tuyệt đối của Người, khỏi sự gần gũi yêu thương của Người.

Sự liên minh của người già và trẻ em sẽ cứu lấy gia đình nhân loại. Nơi nào trẻ em, người trẻ nói chuyện với người già, thì nơi đó có tương lai. Ngược lại, nếu không có sự đối thoại giữa người già và người trẻ thì tương lai không rõ ràng. Liên minh của người già và trẻ em sẽ cứu gia đình nhân loại. Liệu chúng ta có thể trả lại cho trẻ em, những người phải học cách sinh ra, chứng tá dịu dàng của những người lớn tuổi, những người sở hữu sự khôn ngoan về cái chết không? Liệu nhân loại này, với tất cả sự tiến lên của nó tưởng chừng như đứa trẻ mới sinh hôm qua, có thể lấy lại được ân sủng của một tuổi già dừng lại ở chân trời đích đến của chúng ta không? Cái chết chắc chắn là một bước nhảy khó khăn của cuộc sống: nhưng cũng là bước nhảy khép lại thời gian bất định và không còn cần đến đồng hồ. Bởi vì vẻ đẹp của một cuộc sống không có hạn sử dụng bắt đầu ngay lúc đó. Nhưng nó bắt đầu từ sự khôn ngoan của người lớn tuổi, những người có khả năng cho người trẻ những chứng tá. Chúng ta hãy nghĩ về đối thoại, về liên minh của người già và trẻ em, người già và người trẻ, và chúng ta đảm bảo rằng mối liên kết này không bị đứt đoạn. Ước chi người già có được niềm vui được nói, được diễn tả mình cho người trẻ và ước chi người trẻ tìm đến người già để nhận được nơi họ sự khôn ngoan của cuộc sống.

Cuối buổi tiếp kiến, ĐTC chào thăm các nhóm tín hữu đến từ các nước, ngài cùng đọc Kinh Lạy Cha với các tín hữu và ban phép lành cho mọi người.

Hồng Thủy – Vatican News

Nguồn: vaticannews.va/vi

#tiepkienchung #ducthanhtiepkienchung