Thư của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi các Linh mục Giáo phận Rô-ma

0
55

Thư của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi các Linh mục Giáo phận Rô-ma

***

Anh em Linh mục thân mến,

Trong mùa Phục sinh, tôi nghĩ sẽ gặp anh em và chúng ta cùng cử hành Lễ Dầu với nhau. Nhưng việc cử hành trọng thể cho toàn giáo phận là không thể, nên tôi viết thư này gửi đến anh em. Giai đoạn mới mà chúng ta đang bắt đầu đòi hỏi chúng ta phải khôn ngoan có tầm nhìn xa và cùng dấn thân để những nỗ lực và hy sinh vừa qua của chúng ta không trở nên vô ích.

Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch này, nhiều cha đã liên hệ với tôi qua e-mail hoặc điện thoại để chia sẻ về ý nghĩa của tình huống bất ngờ và khó hiểu này. Mặc dù tôi không thể ra ngoài hoặc tiếp xúc trực tiếp với mọi người, nhưng chính các cha đã cho tôi biết những gì mà các cha đang trải nghiệm. Sự chia sẻ này đã nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của tôi, nhiều khi là lời tạ ơn vì những chứng tá can đảm và quảng đại từ các cha, khi khác là lời khẩn nài, lời chuyển cầu đầy tin tưởng nơi Chúa, Đấng luôn ra tay cứu vớt (x. Mt 14, 31). Mặc dù vẫn phải duy trì giãn cách xã hội, nhưng điều này không ngăn cản chúng ta gia tăng cảm thức thuộc về, hiệp thông và sứ vụ là những cảm thức giúp chúng ta bảo đảm rằng những việc bác ái thì không bị gián đoạn, đặc biệt đối với những người và những cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn nhất. Qua những cuộc đối thoại chân thành đó, tôi thấy rằng việc giữ khoảng cách không đồng nghĩa với việc thu mình lại hoặc cô lập bản thân, dẫn đến tình trạng mê man, tê dại và dập tắt sứ mạng.

Những trao đổi này đã thúc đẩy tôi viết thư cho anh em vì muốn được gần gũi với anh em hơn, để đồng hành, chia sẻ và củng cố hành trình của anh em. Niềm hy vọng tùy thuộc vào chúng ta và đòi hỏi chúng ta trợ giúp nhau giữ cho nó sống động; niềm hy vọng có tính lan tỏa đó được nuôi dưỡng và củng cố trong cuộc gặp gỡ với người khác; và nó được trao cho chúng ta – như ân huệ và nhiệm vụ – để thiết lập một trạng thái bình thường mới mà chúng ta mong muốn.

Khi viết cho anh em, tôi nghĩ đến cộng đoàn tông đồ đầu tiên, cũng trải qua những giây phút bị giam hãm, cô lập, sợ hãi và dao động. Họ đã trải qua năm mươi ngày đóng cửa và ngưng mọi hoạt động, nhưng sau đó là sự công khai loan báo Tin mừng, một sự việc sẽ thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. Các môn đệ, trong nhà đóng kín cửa vì sợ hãi, đã ngạc nhiên khi Chúa Giê-su “đứng giữa họ và nói: ‘Bình an cho anh em!’. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Giê-su lại nói: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và nói: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,19-22).” Ước gì chúng ta cũng hãy để mình ngạc nhiên!

“Khi các môn đệ ở cùng nhau với các cửa đóng kín vì sợ hãi” (Ga 20,19)

Hôm nay cũng như hôm qua, chúng ta cảm nhận rằng “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 1). Chúng ta biết thế nào về tất cả những điều này! Những con số và tỷ lệ phần trăm ngày qua ngày tấn công chúng ta; bằng đôi tay của chính mình, chúng ta đã chạm đến nỗi đau của dân chúng. Những con số thống kê đến với chúng ta không phải là những dữ liệu xa xôi: Đó là những số thống kê có tên tuổi, có khuôn mặt, và có những câu chuyện được chia sẻ. Là cộng đoàn linh mục, chúng ta không xa lạ với thực tại này và cũng không  theo dõi nó qua cửa sổ; dầm mình trong cơn bão cuồng nộ, anh em đã xoay xở để hiện diện và đồng hành cùng cộng đoàn của anh em: Anh em đã thấy sói đến nhưng đã không chạy trốn hay bỏ rơi đàn chiên (x. Ga 10,12-13).

Chúng ta đã đau đớn vì sự mất mát đột ngột của người thân, hàng xóm, bạn bè, giáo dân, linh mục giải tội, và mọi người liên hệ trong đức tin của chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy khuôn mặt sầu não của những người không thể ở gần và nói lời từ biệt với những người thân yêu trong giờ phút cuối cùng. Chúng ta đã thấy sự đau khổ và bất lực của các nhân viên y tế mệt lử, kiệt sức vì những ngày làm việc không ngơi nghỉ, để đáp ứng vô vàn yêu cầu. Tất cả chúng ta đều cảm thấy nỗi bất an và sợ hãi của các nhân viên và những người tình nguyện phải đối mặt với rủi ro hàng ngày để bảo đảm duy trì những dịch vụ thiết yếu; cũng như để đồng hành và chăm sóc cho những người còn phải chịu đựng hậu quả thê thảm hơn nữa từ đại dịch này, bởi lẽ họ bị loại trừ và dễ tổn thương. Chúng ta đã nghe và thấy những khó khăn phiền toái trong việc cách ly xã hội. Đó là sự cô đơn và tách biệt, đặc biệt là người cao niên. Đó là nỗi lo lắng, buồn rầu và cảm giác không được bảo vệ khi đối mặt với tình trạng bấp bênh về việc làm và nhà ở. Đó là tình trạng bạo lực và căng thẳng trong các mối tương quan. Đặc biệt, nỗi sợ bị nhiễm bệnh luôn mạnh mẽ tấn công chúng ta. Chúng ta cũng đã chia sẻ nỗi bận tâm lo lắng của các gia đình mà cả nhà không biết có gì để ăn trong những tuần tiếp theo.

Chúng ta đã cảm nhận sự dễ tổn thương và bất lực của chính mình. Như các bình gốm của thợ gốm được thử lửa trong lò nung, chúng ta cũng được thử luyện (x. Hc 27,5). Đau buồn bởi tất cả những gì đã xảy ra, chúng ta cảm nhận điều đó trong mức độ gia tăng tính phù du của kiếp người và trách nhiệm mục tử. Sự khó lường của đại dịch cho thấy chúng ta không thể sống và đối mặt với điều chưa biết, với điều mà chúng ta không thể khống chế hoặc kiểm soát, và giống như mọi người khác, chúng ta cảm thấy bối rối, sợ hãi, bất lực. Chúng ta cũng có kinh nghiệm về cơn giận lành mạnh và cần thiết, nó thôi thúc chúng ta đừng buông tay trước bất công và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã được tạo nên cho Sự Sống. Giống như Ni-cô-đê-mô, trong đêm, đã ngạc nhiên vì “gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió nhưng không biết từ đâu tới và đi đâu; những người sinh bởi Thần Khí cũng vậy”, chúng ta cũng tự hỏi: “Làm sao chuyện ấy có thể xảy ra được?” và Chúa Giê-su trả lời: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en mà ông không hiểu sao?” (x. Ga 3,8-10).

Sự phức tạp của những gì phải đương đầu không chấp nhận những câu trả lời có sẵn kiểu cẩm nang hay “công thức nấu ăn” nhưng đòi hỏi nhiều điều vượt khỏi những lời hô hào dễ dãi hoặc các diễn văn chỉnh sửa, vốn không có khả năng bén rễ và nắm bắt rõ ràng mọi thứ mà cuộc sống cụ thể đòi hỏi. Nỗi khổ của dân chúng làm chúng ta đau đớn, những bấp bênh của họ tác động đến chúng ta, sự mong manh chung của chúng ta tước đi mọi sự tự mãn về mặt lý tưởng hoặc tâm linh sai lầm, cũng như bất kỳ nỗ lực trốn thoát khắt khe nào. Không ai là không liên quan đến tất cả mọi điều đang xảy ra. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã cùng sống giờ Chúa khóc: Chúng ta đã khóc trước ngôi mộ của người bạn La-gia-rô (x. Ga 11,35), trước sự cứng lòng của dân Người (Lc 13,14; 19, 41), trong đêm tối tại Vườn Dầu (x. Mc 14,32-42; Lc 22,44). Đó cũng là giờ các môn đệ khóc trước mầu nhiệm Thánh giá và sự dữ ảnh hưởng đến biết bao người vô tội. Đó là tiếng khóc cay đắng của Phê-rô sau khi ông chối Thầy (x. Lc 22,62); của Ma-ri-a Ma-đa-lê-na trước ngôi mộ trống (x. Ga 20,11).

Chúng ta biết rằng trong những trường hợp như vậy, không dễ tìm ra con đường phía trước, và cũng sẽ không thiếu những tiếng nói để nói lên tất cả những gì có thể thực hiện khi đối mặt với thực tế chưa biết này. Những cách thông thường chúng ta liên hệ, tổ chức, ăn mừng, cầu nguyện, triệu tập và thậm chí xử lý các xung đột đã bị thay đổi và bị thách thức bởi sự hiện diện vô hình, một sự hiện diện đã biến cuộc sống hàng ngày của chúng ta thành nghịch cảnh. Đó không chỉ là vấn đề của một cá nhân, một gia đình, một nhóm xã hội cụ thể hay một quốc gia. Các đặc tính của virus làm cho cách lý luận mà chúng ta thường dùng để phân chia hoặc phân loại thực tại không còn nữa. Đại dịch không biết các tính từ hoa mỹ, các ranh giới và không ai có thể nghĩ đến việc thoát nạn một mình. Tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng và bị liên lụy.

Câu chuyện kể về một xã hội được phòng bệnh, không bị xáo trộn và lúc nào cũng sẵn sàng tiêu thụ vô giới hạn đã có vấn đề, khi nó cho thấy sự thiếu miễn dịch về văn hóa và tinh thần trước các cuộc xung đột. Một loạt các câu hỏi và vấn đề cũ và mới (mà nhiều vùng miền coi là lỗi thời, thuộc về quá khứ) thống trị chân trời và sự chú ý của chúng ta. Các câu hỏi sẽ không được trả lời đơn giản bằng cách mở lại các loại hoạt động; đúng hơn sẽ nhất thiết phải phát triển cách lắng nghe chăm chú nhưng tràn đầy hy vọng, thanh thản nhưng ngoan cường, liên tục nhưng không lo lắng, có thể chuẩn bị và mở đường cho lời kêu gọi của Chúa đối với chúng ta (x. Mc 1,2-3). Chúng ta biết rằng sau gian truân và kinh nghiệm khổ đau, chúng ta không còn sống giống như trước nữa. Chúng ta phải cảnh giác và chú ý. Chính Chúa, trong giờ phút quyết định của Người, đã cầu nguyện thế này: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Từ việc tiếp xúc cá nhân và cộng đồng, do sự dễ bị tổn thương và yếu đuối và trong những giới hạn của mình, chúng ta mắc phải nguy cơ nghiêm trọng khi rút lui và nghiền ngẫm về sự đau buồn mà đại dịch gây ra cho chúng ta, cũng như mắc phải sự tức giận khi lạc quan quá mức, không có khả năng chấp nhận mức độ thực sự của các biến cố (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng,  226-228).

Những thời khắc đau khổ đặt câu hỏi về khả năng phân định của chúng ta, giúp chúng ta khám phá những cám dỗ nào đưa chúng ta vào bẫy của bầu không khí hoang mang và bối rối, của sự hỗn loạn, đó là những điều sẽ khiến các cộng đoàn chúng ta không thể loan truyền cuộc sống mới mà Chúa Phục Sinh muốn ban cho chúng ta. Đặc trưng của thời điểm này là có rất nhiều cám dỗ có thể làm chúng ta mù quáng và khiến chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc và thái độ ngăn cản niềm hy vọng để kích thích sự sáng tạo, khéo léo và khả năng thích ứng của chúng ta. Từ việc chấp nhận tình trạng trầm trọng của đại dịch, nhưng lại cố gắng giải quyết nó chỉ bằng các hoạt động thay thế hoặc giảm nhẹ, bằng sự chờ đợi mọi thứ trở về “bình thường”, cũng như không quan tâm đến những vết thương hằn sâu và số người bất hạnh trong đó; cho đến việc chúng ta bị chìm đắm trong sự hoài cổ là “sẽ không có gì giống như trước nữa” và khiến chúng ta không thể mời gọi người khác phát triển và mơ về những con đường và cách sống mới.

“Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!’ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em!’” (Ga 20,19-21)

Chúa đã không chọn lựa hay tìm kiếm một tình huống lý tưởng để can thiệp vào đời sống các môn đệ Người. Chắc chắn chúng ta thấy thích hơn nếu những sự kiện vừa rồi đã không xảy ra, nhưng nó lại đã xảy ra. Và cũng như các môn đệ trên đường Em-mau, chúng ta cũng có thể tiếp tục buồn bã than thở suốt quãng đường dài (x. Lc 24,13-21). Khi Chúa Giêsu hiện ra trong căn phòng Tiệc Ly lúc các cửa còn đóng kín, giữa nỗi cô đơn, lo sợ và bất an của các môn đệ, Người đã có khả năng biến đổi tất cả những lý lẽ thường tình và làm cho lịch sử cũng như các sự kiện trong dòng lịch sử ấy mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Bất cứ thời điểm nào cũng thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng bình an, không có hoàn cảnh nào thiếu vắng ân sủng của Chúa. Sự hiện diện của Người giữa căn phòng đóng kín và việc Người cần phải vắng mặt loan báo cho các môn đệ ngày đó cũng như hôm nay về một ngày mới có khả năng tra vấn về sự bất động cam chịu, đồng thời huy động tất cả mọi món quà Người ban tặng để phục vụ cộng đồng. Với sự hiện diện của Người, căn phòng đóng kín đã sinh hoa kết trái, đem lại sức sống cho cộng đoàn tông đồ mới.

Chúng ta hãy nói lên điều này với sự tin tưởng không sợ hãi: “Nơi đâu tội lỗi gia tăng thì ân sủng càng tràn đầy” (Rm 5,20). Chúng ta đừng sợ những tình huống phức tạp mà chúng ta phải sống bởi vì có Chúa ở đó, Người ở giữa chúng ta. Thiên Chúa đã luôn luôn thực hiện những điều lạ lùng để phát sinh hoa quả tốt lành (x. Ga 15,5). Niềm vui người Kitô hữu phát sinh chính xác từ sự xác tín này. Giữa những mâu thuẫn và những điều không thể hiểu được mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày, tràn ngập biết bao âm thanh và những nối kết khiến ta bàng hoàng, có tiếng nói của Đấng Phục Sinh dành cho chúng ta: “Bình an cho các con!”

Thật an ủi khi chúng ta đọc Lời Chúa và suy niệm việc Chúa Giêsu ở giữa dân Người như Người chào đón và ôm ấp cuộc sống và con người như họ vốn là. Cử chỉ của Chúa Giêsu gồm tóm trong bài ca tuyệt mỹ của Mẹ Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,51-52). Chính Người đã đưa đôi tay và cạnh sườn đầy thương tích như con đường phục sinh. Người không giấu cũng không che đậy các thương tích của mình. Trái lại, người mời gọi ông Tô-ma chạm vào để xem cạnh sườn thương tích có thể trở thành nguồn mạch Sự Sống viên mãn như thế nào (x. Ga 20,27-29).

Vào nhiều dịp đồng hành thiêng liêng, tôi đã có thể làm chứng rằng “có những người nhìn thấy mọi thứ đúng như bản chất của chúng và cảm thông với nỗi đau buồn của người khác. Những người ấy có khả năng chạm đến chiều kích sâu thẳm của sự sống và tìm thấy hạnh phúc chân chính. Họ được an ủi không phải bởi thế gian nhưng bởi chính Chúa Giêsu. Những con người như thế không sợ phải chia sẻ nỗi đau khổ của người khác. Họ không trốn thoát những hoàn cảnh đau khổ. Họ khám phá ý nghĩa cuộc sống qua việc tìm giúp đỡ những người đau khổ, thấu hiểu nỗi thống khổ của người khác và mang đến cho người ấy niềm an ủi khuây khỏa. Họ ý thức rằng tha nhân là máu là thịt của mình và không ngại đến gần, thậm chí còn chạm đến vết thương của người ấy. Họ chạnh lòng thương đối với tha nhân đến nỗi mọi khoảng cách đều biến mất. Khi thực hiện điều này, họ có thể ấp ủ lời khuyên dạy của Thánh Phao-lô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết cách cùng than khóc với người khác: Đó là sự thánh thiện.” (Tông huấn Hãy Vui Mừng và Hân Hoan, số 76).

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.’” (Ga 20,21-22)

“Anh em thân mến, trong tư cách linh mục đoàn, chúng ta được mời gọi công bố và tiên báo tương lai, như người lính canh loan báo bình minh khởi đầu ngày mới (x. Is 21,11): Ngày mới sẽ có những điều mới mẻ, hoặc sẽ tốt hơn nhiều hay tệ hơn so với bình thường. Việc Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ là biến cố lịch sử của quá khứ để tưởng nhớ và cử hành, nhưng hơn thế, hơn thế nhiều: Đó là việc loan báo ơn cứu độ của một thời đại mới đang vang lên và hôm nay đã bừng dậy. “Bây giờ việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43,19). Đó chính là tương lai mà Chúa muốn chúng ta xây dựng. Đức tin ban cho chúng ta một trí tưởng tượng thực tế và sáng tạo, có khả năng loại bỏ tâm lý lặp lại, thay thế hoặc bảo tồn. Nó mời gọi chúng ta thiết lập một thời đại mới mẻ hơn bao giờ hết: Thời đại của Chúa. Nếu sự hiện diện vô hình, lặng lẽ và lan rộng của virus đã làm chúng ta lâm vào cơn khủng hoảng và gây cho chúng ta nhiều khó khăn phiền toái, thì chúng ta hãy để cho một sự Hiện Diện khác kín đáo, tôn trọng và không sỗ sàng xâm chiếm mời gọi chúng ta lần nữa và dạy cho chúng ta không sợ phải đương đầu với thực tại. Sự hiện diện khó nhận thấy [của virus] đã có thể phá vỡ và làm đảo lộn các thứ tự ưu tiên và những lịch trình toàn cầu dường như không thể thay đổi, đến nỗi đã bóp nghẹt và phá hủy các cộng đoàn của chúng ta cũng như trái đất này. Nhưng chúng ta đừng sợ hãi vì chính sự hiện diện của Đấng Phục Sinh vạch đường cho chúng ta, mở ra những chân trời mới và ban cho chúng ta lòng can đảm để sống giờ phút lịch sử đặc biệt này. Một nhóm người đầy sợ hãi đã có thể khởi đầu một đường hướng mới, một lời loan báo sống động về Thiên Chúa ở với chúng ta. Đừng sợ! “Chứng tá mạnh mẽ của các thánh được mạc khải trong cuộc đời của các ngài, được định hình bởi các Mối phúc và bởi tiêu chuẩn của cuộc phán xét sau cùng” (Tông huấn Hãy Vui Mừng và Hân Hoan, số 109).

Chúng ta hãy để cho Đấng Phục Sinh làm mình cảm thấy ngạc nhiên một lần nữa. Xin Người, từ cạnh sườn bị đâm thâu, là dấu chỉ cho thấy thực tại trở nên khắc nghiệt và bất công như thế nào, thúc đẩy chúng ta không quay lưng lại với anh chị em mình. Xin Người là Đấng dạy chúng ta biết đồng hành, chữa lành và băng bó vết thương cho người anh em, không phải với sự sợ hãi mà với lòng quả cảm và quảng đại của Tin Mừng trong việc hóa bánh ra nhiều (Mt 14,15-21); với sự can đảm, quan tâm và trách nhiệm của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (x. Lc 10,33-35); với niềm vui của người mục tử chiêu đãi tiệc mừng khi tìm thấy con chiên lạc (Lc 15,4-6); với vòng tay ôm giao hòa của người cha biết tha thứ (xem Lc 15,20); với lòng sùng mộ, hiền lành và dịu dàng của cô Ma-ri-a ở Bê-ta-ni-a (x. Ga 12,1-3); với từ tâm, kiên nhẫn và thông minh của các môn đệ được Chúa sai đi (x. Mt 10,16-23). Xin cho đôi bàn tay bị đóng đinh của Đấng Phục Sinh an ủi những nỗi buồn của chúng ta, khơi dậy niềm hy vọng và thúc đẩy chúng ta đi tìm Vương Quốc của Thiên Chúa bên ngoài nơi trú ẩn thông thường của mình. Chúng ta cũng hãy biết ngạc nhiên trước dân tộc đơn sơ thành tín của chúng ta, đã nhiều phen gặp thử thách và bị giằng xé, nhưng vẫn được lòng Chúa thương xót ghé đến. Xin cho dân tộc này dạy cho chúng ta biết định hình và tôi luyện con tim mục tử của chúng ta với sự hiền lành và biết thương xót, với sự khiêm tốn và cao thượng biết kháng cự một cách linh động, đầy nâng đỡ, kiên nhẫn và can đảm, không dửng dưng vô cảm, nhưng từ chối và vạch rõ chủ thuyết hoài nghi và thuyết định mệnh. Có biết bao nhiêu điều chúng ta có thể học được từ sức mạnh của tín hữu là Dân thánh Thiên Chúa. Dân thánh luôn tìm cách giúp đỡ và đồng hành với những người quỵ ngã. Việc Chúa Phục Sinh là lời loan báo rằng mọi thứ có thể thay đổi. Hãy để cho mầu nhiệm Vượt Qua, vốn không có biên giới, dẫn chúng ta đến những nơi mà niềm hy vọng và sự sống đang phải vất vả vươn lên, nơi mà những đau khổ đang trở thành hoàn cảnh thuận lợi cho tham nhũng và đầu cơ, nơi mà sự gây hấn và bạo lực dường như là lối thoát duy nhất.

Là linh mục, chúng ta có trách nhiệm đối với tương lai của trẻ em cũng như mọi thành phần trong dân tư tế và chúng ta có trách nhiệm đối với tương lai và hoạch định tương lai như những người anh em. Chúng ta đặt vào bàn tay mang thương tích của Chúa Giêsu, như của lễ thánh thiện, sự yếu đuối mỏng dòn của chúng ta và của dân tộc chúng ta, và sự yếu đuối của toàn thể nhân loại. Chúa là Đấng biến đổi chúng ta, Đấng sử dụng chúng ta như tấm bánh, nắm giữ sự sống chúng ta trong tay Người, chúc lành cho chúng ta, bẻ chúng ta ra và phân phát cho dân Người. Và với lòng khiêm tốn, chúng ta hãy để mình được xức dầu nhờ lời thánh Phao-lô để chúng ta lan tỏa như dầu thơm tỏa đến từng góc phố trong thành phố chúng ta, nhờ đó đánh thức niềm hy vọng giấu kín mà nhiều người lặng lẽ giữ riêng trong tâm hồn mình: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.” (2Cr 4,8-10). Chúng ta hãy thông phần vào cuộc khổ  nạn của Chúa Giêsu, cuộc khổ nạn của chúng ta, để cùng sống với Người sức mạnh Phục sinh: Sự chắc chắn của tình yêu Thiên Chúa có khả năng làm chúng ta biến đổi bên trong và đưa dẫn chúng ta ra ngã tư đường để mang “Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19) với niềm vui vì tất cả được tích cực thông phần với phẩm giá của mình là con cái của Thiên Chúa hằng sống.

Tất cả những điều này tôi đã suy nghĩ và cảm nhận trong suốt thời gian đại dịch, tôi muốn chia sẻ thân tình với anh em, để những suy tư có thể giúp chúng ta trên cho đường ngợi khen Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta sử dụng những tư tưởng trên đây mà “yêu thương và phục vụ” nhiều hơn.

Xin Chúa Giêsu chúc phúc lành cho anh em và xin Đức Trinh Nữ diễm phúc che chở anh em. Và xin anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Thân ái,

PHANXICÔ

Làm tại Đền Thờ Thánh Gioan La-tê-ra-nô, Rô-ma, ngày 31 tháng 5 năm 2020, Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Bản dịch của Dung Hạnh và Quang Vinh

Nguồn: hdgmvietnam.com