Kinh Truyền Tin – Chúa Nhật 7 TN: Hãy cầu nguyện cho người xử tệ với chúng ta, đó là điều đầu tiên để biến ác thành thiện

0
17

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Ngày 20.02.2022, Chúa Nhật 7 TN Năm C

 HÃY CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI XỬ TỆ VỚI CHÚNG TA,
ĐÓ LÀ ĐIỀU ĐẦU TIÊN ĐỂ BIẾN ÁC THÀNH THIỆN

vietnamese.rvasia (20.02.2022) – Trưa Chúa Nhật ngày 20.02.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng 4.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài bày tỏ đau buồn vì có “những cá nhân và những dân tộc hãnh diện là Kitô hữu nhưng lại coi tha nhân như những kẻ thù và nghĩ đến việc gây chiến!”

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca đọc trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, qua đó, Chúa Giêsu dạy phải yêu thương cả địch thù.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phải chăng Chúa yêu cầu điều không thể?

Trong bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ một vài chỉ dẫn cơ bản về cuộc sống. Chúa nói về những tình trạng khó khăn hơn, có thể là một thử thách đối với chúng ta, những tình trạng đặt chúng ta trước những người thù địch và đố kỵ, luôn tìm cách gây hại cho chúng ta. Trong những trường hợp ấy, các môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi đừng chiều theo bản năng và oán ghét, nhưng hãy đi xa hơn rất nhiều. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy yêu kẻ thù của các con, hãy làm điều thiện cho những người ghét bỏ các con” (Lc 6,27). Và cụ thể hơn nữa: “Ai vả má các con, hãy giơ má bên kia cho họ” (v.29). Dường như Chúa yêu cầu một điều không thể được. Và rồi, tại sao lại yêu kẻ thù? Nếu ta không phản ứng chống lại những kẻ bạo quyền, không chống lại những kẻ bắt nạt, thì mọi thứ lạm dụng sẽ được tự do và đó là điều bất công. Nhưng phải chăng thực sự là như thế? Có phải Chúa yêu cầu chúng ta những điều không thể được và bất công?

Ý nghĩa lời dạy của Chúa

Đức Thánh Cha giải thích rằng: Trước tiên, chúng ta hãy xét ý nghĩa từ “bất công” mà chúng ta nhận thấy khi “giơ má bên kia”. Và chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu. Trong cuộc khổ nạn, khi bị xét xử bất công trước vị thượng tế, đến một lúc Ngài bị một người lính canh tát vào mặt. Và Ngài cư xử thế nào? Chúa nói với người lính: “Nếu tôi nói sai hãy chỉ cho tôi sai chỗ nào. Nhưng nếu tôi nói đúng, thì tại sao anh lại tát tôi?” (Ga 18,23). Chúa hỏi lý do tại sao lại đánh Ngài. Giơ má bên kia không có nghĩa là im lặng chịu đựng, chiều theo bất công. Qua câu hỏi của Ngài, Chúa Giêsu tố giác điều bất công. Tuy nhiên, Chúa Giêsu làm điều này không chút giận dữ và bạo lực, nhưng một cách tử tế. Chúa không muốn khơi lên một cuộc tranh cãi, nhưng để xoa dịu sự hận thù: cùng dập tắt oán ghét và bất công, bằng cách phục hồi người anh em có lỗi. Đó chính là “giơ má bên kia”: sự dịu dàng của Chúa Giêsu là câu trả lời mạnh nhất cho cái tát Ngài đã chịu. “Giơ má bên kia” không phải là sự co cụm của kẻ thua, nhưng là hành động của một người có sức mạnh nội tâm lớn hơn, chiến thắng sự ác bằng sự thiện, mở ra một lỗ hổng trong con tim của kẻ thù, vạch trần sự vô lý của oán ghét. Thái độ ấy không do sự tính toán, nhưng là do tình thương.

Hãy cư xử như Chúa

Anh chị em thân mến, tình yêu là nhưng không và chúng ta nhận được từ Chúa Giêsu không phải do công trạng của chúng ta, tình yêu ấy phải làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta lối cư xử như Chúa, từ bỏ mọi trả thù.

Chúa ban cho chúng ta khả năng

Chúng ta hãy đề cập đến vấn nạn: một người đi tới độ yêu thương kẻ thù của mình, đó là điều có thể hay không? Nếu điều này chỉ tùy thuộc chúng ta mà thôi, thì đó là điều không có thể. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng khi Chúa yêu cầu điều gì, thì Ngài muốn cho điều ấy. Khi Chúa bảo tôi yêu thương kẻ thù, Ngài muốn ban cho tôi khả năng làm điều ấy. Thánh Augustinô cầu nguyện thế này: Lạy Chúa, “xin ban cho con điều Chúa yêu cầu và xin Chúa cứ yêu cầu con như Chúa muốn” (Tự Thú, X, 29.40). Chúa yêu cầu chúng ta điều gì? Chúa muốn ban cho chúng ta điều chi? Thưa, đó là sức mạnh yêu thương, không phải là một sự vật, nhưng là Thánh Linh. Với Thánh Linh của Chúa Giêsu chúng ta có thể lấy thiện báo ác, chúng ta có thể yêu thương người đã gây hại cho chúng ta. Các Kitô hữu làm như thế. Thật là buồn khi những cá nhân và những dân tộc hãnh diện là Kitô hữu nhưng lại coi tha nhân như những kẻ thù và nghĩ đến việc gây chiến!

Còn chúng ta, chúng ta có cố gắng sống những lời mời gọi của Chúa Giêsu hay không? Chúng ta hãy nghĩ đến một người đã làm hại chúng ta. Có lẽ có oán hận trong chúng ta. Vậy chúng ta hãy dán vào oán hận ấy hình ảnh Chúa Giêsu hiền lành, trong khi bị xét xử. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh tác động trong con tim chúng ta. Sau cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho người ấy: cầu cho người xử tệ với chúng ta (Xc 6,28) là điều đầu tiên để biến ác thành thiện.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận: Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những người thực thi hòa bình đối với tất cả mọi người, nhất là đối với kẻ đố kỵ với chúng ta và không làm chúng ta hài lòng.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân thiên tai, dân chúng tại miền Đông Nam Madagascar và Brazil. Ngài kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng, và những người bị thiệt hại cũng như các nhân viên cứu trợ.

Đức Thánh Cha nhắc đến Ngày Thế giới các nhân viên y tế, cử hành vào Chúa Nhật 20.02 này, và đặc biệt đề cao các hoạt động anh hùng, tận tụy của họ, đặc biệt trong thời đại dịch. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cám ơn họ và vỗ tay chúc mừng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma, Ý và những người hành hương từ nhiều nước khác. Ngài chúc mọi người một Chúa Nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Giuse Trần Đức Anh, O.P

 Nguồn: vietnamese.rvasia

#kinhtruyentin #kinhtruyentinvoiducthanhcha