Kinh Truyền Tin (27.11): Hãy để cho mình được đánh thức và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống

0
14

Kinh Truyền Tin (27.11): Hãy để cho mình được đánh thức và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống

Trưa Chúa nhật, 27 tháng Mười Một, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 20.000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô. Tại đây đã có cây thông cao 26 mét được đưa từ miền Abruzzo, miền Trung Ý về đây và dựng cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết. Đức Thánh cha đặc biệt kêu gọi hòa bình cho Thánh địa trước những cuộc xung đột gần đây giữa người Palestine và Israel.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng Phụng vụ hôm nay, chúng ta nghe một lời hứa đẹp đưa chúng ta vào Mùa Vọng: “Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24,42). Đó là nền tảng hy vọng của chúng ta, và điều này nâng đỡ chúng ta cả những lúc khó khăn và đau thương nhất trong cuộc đời sống chúng ta: Thiên Chúa đến. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó! Chúa luôn luôn đến, viếng thăm, gần gũi chúng ta, và Chúa sẽ trở lại vào ngày tận thế để đón tiếp chúng ta trong vòng tay của Ngài. Đứng trước lời hứa ấy, chúng ta tự hỏi: Chúa đến như thế nào? Làm sao chúng ta nhận ra Chúa và đón nhận Ngài? Chúng ta hãy dừng lại chốc lát về hai câu hỏi đó.

Câu hỏi thứ nhất: Chúa đến như thế nào? Bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói rằng Chúa hiện diện trong hành trình của chúng ta. Chúa đồng hành và nói với chúng ta. Nhưng có lẽ vì chúng ta chia trí về bao nhiêu sự, nên chân lý này chỉ là lý thuyết đối với chúng ta, hoặc chúng ta tưởng tượng rằng Chúa đến một cách lạ lùng, có lẽ qua những dấu chỉ phi thường nào đó. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu nói rằng Ngài sẽ đến như “trong những ngày thời ông Noe” (Xc v. 37). Vậy thời ông Noel người ta làm gì? Họ chỉ làm những việc thông thường, trong cuộc sống hằng ngày: “Họ ăn uống, lấy vợ lấy chồng” (v.38). Chúng ta hãy để ý điều này: Thiên Chúa ẩn dật trong những tình trạng thông thường nhất trong đời sống chúng ta. Ngài không đến trong những biến cố ngoại thường, nhưng trong những biến cố thường nhật. Và tại đó, trong công việc hằng ngày của chúng ta, trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, nơi khuôn mặt của một người đang cần, cả khi chúng ta gặp những ngày u ám và đều đều, chính tại đó có Chúa, Ngài gọi chúng ta, nói với chúng ta và soi sáng cho những hành động của chúng ta.

Nhưng có một câu hỏi thứ hai: làm sao nhận ra và đón nhận Chúa? Chúng ta phải tỉnh thức, chú ý, cảnh giác. Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta về nguy cơ chúng ta không nhận ra Chúa đến và không chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Ngài. Tôi đã nói những lần khác điều mà thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ rằng Chúa đi qua” (Serm. 88,14.13), nghĩa là tôi sợ là Chúa đi qua mà tôi không nhận ra Ngài! Thực vậy, về những người thời ông Noe, Chúa Giêsu nói rằng họ ăn uống và “không nhận ra điều gì cho đến khi lụt Đại hồng thủy xảy đến và đảo lộn tất cả” (v. 39). Chúng ta hãy chú ý điều này: họ không nhận ra điều gì cả! Họ bận rộn với công việc của họ và không nhận thấy rằng đại hồng thủy đang tới. Thực vậy, Chúa Giêsu nói rằng, khi Chúa đến, “hai người ở ngoài đồng: một người sẽ bị đưa đi và một người để lại” (v.40). Theo nghĩa nào? Đâu là điều khác biệt? Nói đơn sơ là một người tỉnh thức, có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày; trái lại người kia thì lơ đãng, “sống vô tư” không nhận thấy điều gì cả.

Kết luận thực hành

Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em thân mến, trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy để cho mình được đánh thức khỏi tình trạng ngái ngủ và hãy tỉnh lại! Chúng ta hãy thử tự hỏi: tôi có ý thức về điều tôi đang sống, có chú ý, có tỉnh thức hay không? Tôi có tìm cách nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những tình trạng thường nhật hay là tôi lơ đãng và phần nào bị đảo lộn vì công việc? Nếu hôm nay chúng ta không nhận thức việc Chúa đến, thì chúng ta sẽ thiếu chuẩn bị, cả khi Chúa sẽ đến vào ngày tận thế. Vì thế chúng ta hãy tỉnh thức!

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Đức Trinh nữ Maria, Phụ Nữ chờ đợi, trợ giúp chúng ta. Người đã biết đón nhận Chúa đi qua trong đời sống khiêm hạ và ẩn dật ở Nazareth, và đã đón nhận Chúa trong cung lòng Mẹ.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha cho biết từ lâu ngài lo âu theo dõi những vụ bạo động xảy ra tại lãnh thổ Palestine và Israel, đặc biệt ngài nhắc đến hai vụ khủng bố mới đây tại Jerusalem, đồng thời kêu gọi các phe hãy đối thoại với nhau. Đức Thánh cha cầu nguyện cho hòa bình cũng như cho nạn nhân của một trong hành vụ không thể chấp nhận được.

Đức Thánh cha cũng bày tỏ sự gần gũi và liên đới với nhân dân tại đảo Ischia ngoài khơi thành Napoli, nam Ý, bị lụt và đất, gây nên nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản.

Đức Thánh cha không quên nhắc đến một người Đức vô gia cư chết vì giá lạnh cách đây ba ngày trong đêm, giữa các hàng cột quanh Quảng trường thánh Phêrô này và cầu nguyện cho ông ta.

Ngài cũng cầu nguyện cho nhân dân Ucraina đã tưởng niệm cuộc diệt chủng Holodomor bằng nạn đói do Nga gây ra cách đây 90 năm, ngày nay nạn đói cũng đang được sử dụng như võ khí chiến tranh.

Sau cùng, Đức Thánh cha lên án nạn bạo hành tính dục chống các phụ nữ, trước khi chào thăm nhiều phái đoàn tín hữu hiện diện tại buổi đọc kinh. Ngài chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

nguồn: vietnamese.rvasia.org