Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 23.6.2021
ĐỨC THÁNH CHA: CON ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG
KHÔNG LUÔN TÙY THUỘC VÀO Ý MUỐN VÀ DỰ ÁN CỦA CHÚNG TA
Vatican News (23.6.2021) – Trong bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Galát, Đức Thánh Cha nói rằng, khi suy tư về Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta sẽ thấy rằng: cách đích thực để chia sẻ ơn giải thoát được Đấng Cứu Thế chịu Đóng đinh và Phục Sinh mang lại, là bằng tình yêu khiêm nhường và huynh đệ, tin cậy vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi thời điểm, trong cuộc lữ hành của Giáo hội trong dòng lịch sử.
Sau hơn một năm dành những bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung để giảng giải và suy tư về đề tài cầu nguyện, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/6/2021 Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý mới, tập trung vào một số đề tài trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát.
Đức Thánh Cha nhận định rằng, thư gửi tín hữu Galát rất quan trọng để hiểu về con người cũng như giáo huấn của thánh Phaolô về các khía cạnh trung tâm của sứ điệp Kitô giáo như: ân sủng của Chúa Kitô, sự tự do mà ân sủng mang lại và những đòi hỏi của cuộc sống mới của chúng ta trong Thánh Linh. Thư cũng cho thấy sự chăm sóc mục vụ can đảm của thánh Phaolô đối với cộng đoàn non trẻ này, vốn đã bị lung lay bởi những người tin rằng, những người ngoại giáo trở lại đạo phải tuân giữ các quy định của luật Môsê. Đáp lại điều này, thánh Phaolô công bố về điều mới mẻ do Chúa Kitô mang lại và điều đó được thể hiện qua kết quả của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống chúng ta.
Lá thư phù hợp với mọi thời đại
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là một Thư rất quan trọng, tôi có thể xác định, không chỉ để hiểu rõ hơn về thánh tông đồ, nhưng trên hết, là để xem xét một số chủ đề mà ngài đề cập cặn kẽ và cho thấy vẻ đẹp của Phúc âm”. Đức Thánh Cha giải thích: “Trong Thư này, thánh Phaolô nhiều lần đề cập đến tiểu sử của ngài, cho phép chúng ta biết về cuộc hoán cải của ngài và quyết định dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa Giêsu Kitô. Ngài cũng đề cập đến một số vấn đề rất quan trọng đối với đức tin, chẳng hạn như tự do, ân sủng và lối sống Kitô giáo, những vấn đề cực kỳ thời sự vì chúng đụng chạm đến nhiều khía cạnh của đời sống Giáo hội ngày nay.” Đức Thánh Cha nói thêm rằng, đây là một lá Thư rất hợp thời, dường như được viết cho mọi thời đại.
Hoạt động loan báo Tin Mừng
Đặc điểm đầu tiên trong Thư Galát được Đức Thánh Cha nêu lên, chính là công cuộc loan báo Tin Mừng cách tuyệt vời mà thánh Phaolô thực hiện. Thánh nhân đã đến thăm các cộng đồng ở Galát, ít nhất hai lần trong cuộc hành trình truyền giáo của mình. Ngài nói chuyện với các Kitô hữu của vùng đó. Đức Thánh Cha nói về bối cảnh của thư Galát: “Chúng ta không biết chính xác thánh nhân nói đến khu vực địa lý nào, cũng như không thể nói chắc chắn về thời gian ngài viết Thư này. Chúng ta biết rằng, người Galát là một dân tộc Celtic cổ đại, trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, họ đã định cư ở vùng Anatolia mở rộng, nơi có thủ đô là thành phố Ancyra, ngày nay là Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Phaolô chỉ nói rằng, do một cơn bạo bệnh, ngài buộc phải dừng chân ở vùng đó (Gl 4,13).”
Đức Thánh Cha lưu ý về động lực thiêng liêng khiến thánh Phaolô lưu lại vùng này như đã được thánh Luca đề cập trong sách Công vụ Tông đồ, “họ đi qua miền Phyghia và Galát vì Chúa Thánh Thần ngăn cản không cho họ rao giảng lời Chúa ở Á châu” (16,6). Đức Thánh Cha nhận định: “Hai sự kiện không mâu thuẫn với nhau: đúng hơn, cho thấy ra rằng, con đường loan báo Tin Mừng không phải lúc nào cũng tùy thuộc vào ý muốn và dự án của chúng ta, nhưng đòi hỏi sự sẵn lòng để cho mình được nhào nắn và đi theo những con đường khác mà chúng ta không lường trước.”
Chia sẻ về một gia đình đã chào ngài trong buổi tiếp kiến và đã nói rằng, họ phải học tiếng Latvia vì sẽ đi truyền giáo ở những vùng đất đó, Đức Thánh Cha khẳng định: ngày nay, Chúa Thánh Thần cũng mang nhiều nhà truyền giáo đi, những người rời bỏ quê hương, đi đến một miền đất khác và thực hiện sứ vụ.
Đức Thánh Cha nhận định: “Điều chúng ta thấy, chính là trong hoạt động truyền giáo không mệt mỏi của mình, thánh tông đồ đã thành lập được một số cộng đoàn nhỏ, nằm rải rác khắp vùng Galát.” Đức Thánh Cha giải thích về cách thức hành động của thánh Phaolô: khi đến một thành phố, đến với một dân tộc, đến một vùng nào đó, thánh nhân không ngay lập tức xây một nhà thờ chính tòa to lớn, nhưng thành lập các cộng đoàn nhỏ, là men của nền văn hoá Kitô giáo ngày nay. Các cộng đoàn nhỏ này phát triển và lớn mạnh. Đức Thánh Cha nhắc rằng, đây cũng là phương pháp mục vụ được làm trong các miền truyền giáo ngày nay. Ngài chia sẻ về lá thư của một nhà truyền giáo ở Papua New Guinea, chia sẻ về việc rao giảng Tin Mừng trong rừng, cho những người thậm chí chưa biết Chúa Kitô là ai.
Quan tâm mục vụ giữa khủng hoảng
Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nêu bật mối quan tâm mục vụ của thánh Phaolô: Sau khi đã thành lập các cộng đoàn, ngài nhận ra mối nguy hiểm trầm trọng mà họ đang gặp phải, đối với sự phát triển đức tin của họ. Đức Thánh Cha giải thích: “Một số Kitô hữu gốc Do Thái giáo đã thâm nhập và xảo quyệt gieo rắc những lý thuyết trái ngược với giáo huấn của thánh tông đồ, thậm chí còn phỉ báng ngài. Đây là một cách thực hành cổ xưa, tự giới thiệu mình như là những người duy nhất nắm giữ chân lý và nhằm mục đích hạ giá công việc của người khác, ngay cả bằng cách vu khống. Những người chống đối thánh Phaolô cho rằng: người ngoại giáo cũng phải cắt bì và tuân giữ các quy định của luật Môsê. Do đó, người Galát phải từ bỏ bản sắc văn hóa của mình để phục tùng các luật lệ, quy định và phong tục đặc trưng của người Do Thái. Không chỉ thế, những người chống đối đó cho rằng, thánh Phaolô không phải là một tông đồ thực sự và do đó, không có thẩm quyền để rao giảng Phúc âm.” Đức Thánh Cha nhận định: đây là cách của ma quỷ, của những người chia rẽ chứ không xây dựng.
“Người Galát ở trong tình trạng khủng hoảng. Họ phải làm gì? Lắng nghe và làm theo những gì thánh Phaolô đã giảng cho họ, hay lắng nghe những nhà giảng thuyết mới, những người tố cáo ngài?” Đức Thánh Cha lưu ý rằng, lòng các tín hữu Galát cảm thấy không chắc chắn, đặc biệt vì họ biết và tin rằng ơn cứu độ được thực hiện bằng sự chết và sống lại của Chúa Giêsu thực sự là khởi đầu của một cuộc sống mới. Họ đã dấn thân vào một con đường cho phép họ cuối cùng được tự do, bất chấp lịch sử của họ đan xen với chế độ nô lệ, bao gồm cả việc họ phải phục tùng hoàng đế La Mã. Vì vậy, trước những lời chỉ trích của những nhà giảng thuyết mới, họ cảm thấy lạc hướng và không biết phải cư xử thế nào và phải nghe ai. Tóm lại, có rất nhiều thứ đang bị đe dọa!”
Không khác với hiện tại
Nối kết với hiện tại, Đức Thánh Cha lưu ý rằng: tình trạng này không khác với kinh nghiệm của nhiều Kitô hữu ngày nay. Ngài nhận định rằng: ngày nay cũng không thiếu những người rao giảng, đặc biệt qua các phương tiện truyền thông mới, tự giới thiệu bản thân là “những người nắm giữ sự thật”, như là cách tốt nhất để trở thành Kitô hữu, thay vì loan báo Tin mừng của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha than phiền rằng, những nhà giảng thuyết này mạnh mẽ khẳng định: Kitô giáo thật là đạo mà họ tuân theo, thường được đồng nhất với một số hình thức của quá khứ, và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ngày nay là quay trở lại quá khứ để không đánh mất tính chân chính của đức tin. Đức Thánh Cha nói thêm: “Ngày nay, cũng có một cám dỗ khép mình vào một số điều chắc chắn, đã có được trong các truyền thống đã qua.”
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng: thực hiện giáo huấn của tông đồ Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galát “sẽ giúp chúng ta hiểu được con đường phải đi theo.” Ngài nhấn mạnh rằng “Con đường được Thánh Tông đồ chỉ ra, là con đường giải phóng và luôn luôn mới của Chúa Giêsu, Đấng chịu Đóng đinh và Phục Sinh; đó là con đường loan báo, đạt được nhờ sự khiêm nhường và tình huynh đệ; đó là con đường tin tưởng cách hiền lành và vâng phục vào sự chắc chắn mà Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội, trong mọi thời đại.”
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/
#tiepkienchung #ducthanhchatiepkienchung