Đức Phanxicô mở lời với Cộng hòa Trung Phi: “Hiệp nhất – Phẩm giá – Lao động”

0
37

Trung Phi (2)

Để hiểu tại sao Đức Phanxicô chọn viếng thăm Cộng hòa Trung Phi, chỉ cần nghe những lời ngài nói với tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza, cùng với các nhà chức trách và phái đoàn ngoại giao của quốc gia này.

Bà Samba Panza, là luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền 61 tuổi, được bầu lên vì bà không có liên hệ nào với cả hai phía đang đẩy Trung Phi vào cuộc nội chiến đẫm máu.

Trong buổi tiếp kiến tại dinh tổng thống, bà mở lời: ‘Trên tất cả, chuyến viếng thăm của cha là một phúc lành, Chúa đã nghe lời cầu nguyện của chúng con và gởi cho chúng con một sứ giả hòa bình … Bài học của cha về sự can đảm và quyết tâm là một gương mẫu cho tất cả chúng con. Cha đã một lần nữa cho thấy cha là Giáo hoàng của người nghèo, của người bị hủy hoại, người gặp khó khăn. Cha đã đến đây bất chấp các hiểm họa an ninh.’

Rồi bà tổng thống thay mặt toàn thể quốc gia nhìn nhận những lỗi lầm của mình. Và ‘vì lý do này, đây là thời điểm để con cái của quốc gia này nhìn nhận sai trái của mình và thành tâm xin tha thứ. Mong lời chúc lành của cha đem lại một xung lực xây dựng lại quốc gia này. Thay mặt giới lãnh đạo quốc gia, nhưng cũng thay mặt toàn thể những ai đã và đang góp phần khiến nơi này đầy nguy hiểm cho sự hiện diện của cha, từ đáy lòng, con xin thú nhận những tội lỗi đã làm trong suốt dòng lịch sử và xin được tha thứ.’

Đức Phanxicô, nhận thức hoàn toàn về tầm quan trọng đặc biệt của sự hiện diện của ngài ở nơi đây, đã đáp lời với người dân Trung Phi rằng:

‘Khi Cộng hòa Trung Phi đang nỗ lực tiến tới, bất chấp các khó khăn, hướng đến bình thường hóa đời sống chính trị và xã hội, tôi đến mảnh đất này lần đầu tiên, nối gót bậc tiền nhiệm thánh Gioan Phaolô II.

Tôi đến như một người hành hương của hòa bình và một tông đồ của hi vọng.

Vì lý do này, tôi bày tỏ lòng cảm kích trước những nỗ lực của các lãnh đạo quốc gia và quốc tế, trước hết là của bà tổng thống lâm thời, đang hướng quốc gia đến hòa bình và hi vọng. Tôi mong mỏi rằng các hội đàm quốc gia trong những tuần sắp tới sẽ cho đất nước này mở ra được một chương mới trong lịch sử.’

Đức Phanxicô suy tư về câu khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi:

‘Hiệp nhất – Phẩm giá – Lao động.’

Một kim chỉ nam cho các nhà chức trách được kêu gọi để hướng dẫn vận mệnh đất nước Trung Phi này.’

Trước hết, Đức Giáo hoàng nói về hiệp nhất, ‘một giá trị cốt yếu để hòa hợp các dân tộc. Chúng ta sống và xây dựng dựa trên nền tảng của sự đa dạng tuyệt diệu, tránh xa cám dỗ e ngại người khác, sợ sự khác biệt, sợ những gì không thuộc về nhóm sắc tộc, quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo của chúng ta.’

Rồi Đức Phanxicô nói về phẩm giá, ‘nghĩa là chính trực, trung thành, tử tế và danh dự, những đặc tính của những con người ý thức về quyền và trách nhiệm của mình, từ đó biết tôn trọng lẫn nhau. Mỗi một người đều có phẩm giá. Cha rất mong muốn thấy Trung Phi là quốc gia “Zo kwe zo’ nơi mọi người đều có sự hiện diện của mình.’ Những ai có điều kiện để có được đời sống tử tế, thì xin đừng chăm chăm cho những đặc ân của mình, nhưng phải tìm cách giúp đỡ những người nghèo hơn để họ cũng được các điều kiện sống có phẩm giá, đặc biệt là qua việc thăng tiến tiềm năng xã hội, kinh tế, văn hóa của con người. Như thế, tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đấu tranh với nạn suy dinh dưỡng, bảo đảm chỗ ở cho tất cả mọi người, phải là những ưu tiên hàng đầu của một sự phát triển biết lo đến phẩm giá con người.’

Và cuối cùng, Đức Phanxicô nói về lao động. Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng Trung Phi có thể ‘cải thiện mảnh đất tuyệt vời này bằng cách khai thác khôn ngoan các tài nguyên của mình.’ Đức Thánh Cha cũng không quên nhắc đến ‘trách nhiệm nặng nề của các đối tác quốc tế và các nghiệp đoàn liên quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên môi trường, trong các quyết định và dự án phát triển có tác động đến toàn thể hành tinh này.’ Đức Phanxicô thúc giục các nhà chức trách hãy là ‘những người đầu tiên kiên định thể hiện các giá trị hiệp nhất, phẩm giá và lao động, hãy là mẫu gương cho đồng bào mình.’

Sau khi bày tỏ lòng cảm kích với ‘các nỗ lực của cộng đồng quốc tế với đại diện là các Ngoại giao đoàn, thành viên của nhiều Hiệp hội, Tổ chức Quốc tế đang hiện diện ở đây,’ Đức Phanxicô động viên họ ‘tiếp tục theo con đường đoàn kết, hi vọng rằng những việc làm tận tụy chung sức với nhà chức trách của Trung Phi, sẽ giúp quốc gia này tiến tới, đặc biệt là về hòa giải, giải trừ vũ khí, giữ gìn hòa bình, chăm sóc sức khỏe và bồi đáp sự quản trị lành mạnh ở mọi cấp độ.’

Đức Phanxicô đã đi 4 cây số trong chiếc xe mui kín, nhưng 5 cây số sau, ngài chuyển qua xe giáo hoàng mui trần, để có thể chào đám đông dân chúng đang đứng bên đường háo hức được nhìn thấy ngài.

Vatican Insider – Andrea Tornielli – 29/11/2015

Từ Bangui

J.B. Thái Hòa chuyển dịch