Suy niệm hằng ngày tuần I Mùa Vọng-C

0
27

Suy niệm hằng ngày tuần I Mùa Vọng - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ Hai Tuần I MV
Thánh Anrê, tông đồ
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Anrê, tông đồ, anh của ông Simon Phêrô và là bạn của Gioan và Giacobê. Tin mừng thuật lại việc Anrê nghe lời Chúa gọi: ‘Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ chài lưới người như lưới cá’. Lập tức họ đã bỏ chài lưới mà đi theo Ngài. Chính việc lập tức theo Chúa này khiến các tông đồ đi rao giảng lời Chúa, tin mừng ơn cứu độ. Đức tin có là nhờ nghe và điều được nghe chính là lời của Đức Kitô, mà ngày nay Giáo Hội vẫn còn loan báo cho đến tận cùng trái đất.
Chúng ta được mời gọi để nghe và giữ lời trong lòng. Lời Chúa là phương dược huyền diệu. Là một lời đòi hỏi, và do đó ta thường dễ dàng muốn bịt tai lại trước lời Thiên Chúa nói: ta biết rằng việc lắng nghe lời mang đến những hệ quả. Ta phải nghĩ rằng lời Thiên Chúa thật là một phương dược, đôi lúc có làm ta đau khổ thì cũng là vì điều tốt cho ta, để chuẩn bị ta đón nhận những ơn huệ của Chúa.
Nhưng lời Chúa không chỉ là phương dược mà còn là lương thực, lương thực thiết yếu cho linh hồn. Trong sách các tiên tri có nói đến việc Thiên Chúa đặt nỗi khao khát trong con người, không phải chỉ khao khát cơm bánh mà con khao khát lời Chúa nữa. Và nhờ nỗi khao khát đó, chúng ta không ngừng tìm kiếm và tiếp nhận lời Chúa, biết rằng lời Chúa nuôi dưỡng cuộc sống của ta. Chẳng có gì vững bền trong cuộc đời, chẳng có gì thực sự làm thoả mãn chúng ta nếu ta không được nuôi dưỡng, thấm nhuần, soi sáng, hướng dẫn bởi lời Chúa.
Đồng thời lời Chúa là một yêu sách. Đức Giêsu nói lời Chúa như hạt giống lớn lên và được gieo vãi khắp nơi. Lời này mang đến sự phong nhiêu cho công tác tông đồ. Nếu ta tiếp nhận lời Thiên Chúa, lời Chúa thúc đẩy ta ra đi loan báo khắp mọi nơi, để mọi người được thông hiệp với Thiên Chúa.
Trong tin mừng Gioan, ta biết rằng không dễ lắng nghe lời Thiên Chúa, đây không phải là việc con người. Đức Giêsu quở trách các biệt phái không có khả năng để nghe lời Ngài, vì họ không vâng phục Thiên Chúa: ‘Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với ta’ (Ga 6,45)
Sau cùng, Lời mang lại cho ta hạnh phúc, vì là phương tiện hiệp thông. Lời luôn là phương tiện hiệp thông tuyệt nhất của con người. Không có lời ta không thể giao tiếp với nhau, không thể hiểu nhau, không thể cùng làm việc chung với nhau. Lời của Thiên Chúa là phương tiện hiệp thông với Thiên Chúa. Nếu ta muốn hiệp thông với Thiên Chúa, ta phải tiếp nhận lời Người.
Hơn nữa chính Thiên Chúa vì lòng tốt lành quảng đại đã ban cho ta lời Người, giao tiếp với ta, chính Người nói trước, mở tai để ta có thể nghe và cho ta niềm vui được trò chuyện với Người. Lời Thiên Chúa là phương thế tốt nhất để giao tiếp với ta. Đừng có ảo tưởng: tình huynh đệ đích thực chỉ khả thể trong lời của Thiên Chúa. Nếu ta từ khước lời Chúa, những ao ước đẹp nhất, những dự tính hay nhất để giao tiếp với kẻ khác sẽ thất bại vì thiếu nền tảng thực sự là sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Ta hãy cầu xin thánh Anrê dạy ta biết lắng nghe và tiếp nhận lời Thiên Chúa cách quảng đại, cách chân thành, cách huynh đệ để hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người.

Thứ Ba Tuần I MV
Khi những người tin rằng mình có khả năng giải quyết mọi vấn đề và có lời đáp cho những ‘tại sao’ của con người chỉ bằng sức mạnh của lý trí, thực hiện hành vi của sự khôn ngoan tối thượng, giải thích lý trí của mình trước Thượng Trí là Ngôi Lời của Thiên Chúa, họ đi vào chiều kích tâm linh tham dự vào ánh sáng thần linh làm cho chính lý trí con người được phong phú.
Không thể nhận biết Chúa Cha, đến với Chúa Cha mà không qua Đức Giêsu. Ngày nay, trong số các lời của Đức Giêsu, có một lời trung tâm giáo huấn của ngài, là chìa khoá của ơn cứu độ vì ta sẽ bị xét đoán theo lời này: ‘Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta’ (Mt 25,40)
Ngài ẩn mình dưới bộ dạng của người anh em, như thế trở nên con đường dẫn đến Chúa Cha, để nhận biết Chúa Cha. Thật đơn giản đến độ không thể hiểu được: để đến với Thiên Chúa, phải qua con người với mọi hoàn cảnh cuộc sống cá nhân cũng như xã hội.
Thật đơn giản điều Đức Giêsu muốn cảnh báo cho ta. Là chân lý mà chỉ có những kẻ đơn sơ, bé nhỏ mới hiểu được.
Và như thế con đường đã rộng mở cho mọi người, những người trưởng thành, những người cao niên, những kẻ khôn ngoan cũng như những kẻ gian xảo, nếu họ biết trở nên bé nhỏ, bằng cách đặt sự khôn ngoan và trải nghiệm cuộc đời của họ dưới việc lắng nghe và sống lời Chúa.

Thứ Tư Tuần I MV
Đức Giêsu trở về Galilêa sau cuộc rao giảng trong miền Tirô và Siđon, vượt ranh giới Palestina, và nGài đã làm phép lạ hoá bánh lần nữa (x. Mt 14,13-21). Lần này những người hưởng nhờ không chỉ có dân do thái mà cả dân ngoại nữa, họ tôn vinh Thiên Chúa Israel. Mục đích của phép lạ là để họ hiểu rằng tất cả mọi người không trừ ai đều có thể hưởng nhờ ơn cứu độ.
Ngay cả các tông đồ hình như đã thấy trước nhiệm vụ trong tương lai được trao cho họ. ‘Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? Chúng con phải làm gì vì bây giờ các biên giới của Palestina đã bị vượt qua và các nền văn hoá cũng đã hoà chung nhau trong Đức Kitô?
Câu hỏi các môn đệ đặt ra cho Đức Giêsu cũng chính là câu hỏi mà con người đặt ra cho Thiên Chúa, từ đáy sâu thẳm sự khó nghèo của mình. Đó là ý thức rằng, ngài luôn bên cạnh chúng ta, và không có Ngài chúng ta chẳng làm được gì.
Trong việc hối cải cam go của chính bản thân mình, trong việc làm chứng niềm tin của ta cho người khác và loan báo tin mừng cho mọi người xung quanh, sự mất cân xứng của sức lực chúng ta thường được đặt ra như một cản trở: lạy Chúa, chúng con tìm đâu khả năng và lòng can đảm để đáp lại nhu cầu về chân lý, công bình, tình thương của toàn thể nhân loại?
Việc làm của ta trong thế giới có thể theo chương trình của Chúa Cha, không gây bao lực và bất ngờ, nếu ta biết giữ trong lòng một thái độ tôn giáo sâu xa: biết rằng ta luôn cần sự trợ giúp của Chúa.

Thứ Năm Tuần I MV
Thánh Phanxicô Xaviê
Hãy suy nghĩ về công việc tông đồ của Thánh Phanxicô Xaviê, để khâm phục sức mạnh luôn thúc đẩy bên trong tâm hồn ngài.
Thánh Phanxicô được sai đến Ấn độ, lúc đó là vào năm 1542, nơi được xem như là tận cùng thế giới, người ta phải trải qua những cuộc hành trình dài và đầy nguy hiểm. Ngài bắt tay ngay vào việc rao giảng tin mừng, không phải một nơi nhưng nhiều thành phố và làng mạc khác nhau, luôn tiếp tục ra đi, không chút sợ hãi những nghịch cảnh và những nguy hiểm. Ngài không bằng lòng ở tại Ấn độ, dù đó là một cánh đồng tông đồ bao la. Ngài còn muốn rộng mở Nước Thiên Chúa, chuẩn bị cho Chúa đến khắp mọi nơi và như thế, sau hai năm, Ngài đã đến Ceyfon và còn đi xa hơn nữa đến quần đảo Molucca. Trở về lại Ấn độ để củng cố những hoa quả công cuộc rao giảng, để tổ chức, để khích lệ các bạn truyền giáo, nhưng không ở lại đây lâu. Ngài muốn đi xa hơn nữa, đến Nhật Bản, vì nghe người ta bảo rằng đây là một nước rất quan trọng, và ngài hy vọng rằng việc trở lại của nước Nhật có thể ảnh hưởng cả vùng Cận Đông. Từ Nhật Bản, ngài lại tiếp tục cuộc hành trình, mùa hạ cũng như mùa đông, dù trời mưa tuyết và mệt mỏi rã rời. Từ Nhật bản trở về, Ngài ao ước đến Trung Hoa. Và lúc tìm đường để vào đế quốc mênh mông này mà ngài đã qua đời tại đảo Tam Châu vào năm 1552.
Trong vòng mười năm ngài đã vượt qua hàng ngàn cây số, dầu những trở ngại thời tiết, để đến với nhiều dân tộc thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều đó chứng tỏ một năng lực phi thường mà ngài kín múc từ sự cầu nguyện và kết hiệp với Chúa, với mầu nhiệm Thiên Chúa đấng muốn thông hiệp với con người.
Đức Giêsu cũng vậy, để đến ở giữa chúng ta Ngài đã vượt một khoảng cách vô biên, ngài đã rời bỏ Chúa Cha, như tin mừng Gioan nói đến, để đến trong thế gian. Và trong ba năm ngắn ngủi thi hành tác vụ ngài đã tiếp tục cuộc hành trình: di chuyển từ nơi này đến nơi khác, không chờ đợi dân chúng đến với mình, từ làng này sang làng khác để loan báo tin mừng nước Thiên Chúa.
Còn giờ đây thì sao? Giờ đây nếu ta muốn Đức Giêsu đến, cần phải hành động theo cách thế như vậy: không chờ đợi người khác đến với ta, mà ta phải đến với họ.
Thánh Phanxicô Xaviê đã thực hiện những cuộc hành trình vĩ đại, luôn đến với người khác, bị thôi thúc chuẩn bị việc Chúa đến, và theo cách đó ngài đã chuẩn bị Chúa đến cho chính mình. Sau khi đã hết sức hết lòng vì việc tông đồ, ngài đã nhận được Chúa đến độ mà ngài xin Chúa hãy giới hạn những ân huệ ban xuống cho mình.
Đôi mắt sáng, trái tim rộng mở: ngài đã đi theo cách trọn vẹn cảm hứng mà Chúa đã ban cho ngài và do đó mầu nhiệm Đức Kitô được tái hiện trong con người ngài. Đi đến những người khác, không mong chờ họ đến với mình: đó là sứ vụ của Giáo Hội, sứ vụ của mỗi kitô hữu nơi từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu ta muốn Chúa đến với ta, ta cần phải chuẩn bị cho ngài đến nơi những người khác, ta cần đến với họ để trao ban năng động lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đây là mạc khải của  tân ước, hoàn thành cựu ước: mạc khải của lòng thương xót được ban phát càng ngày càng xa hơn.
Ta hãy tiếp nhận mạc khải của năng động tình yêu Thiên Chúa: nếu ta tiếp đón Đức Kitô trong ta ta cần phải sẵn sàng để mang ngài đến cho kẻ khác, theo cách thức ấy ta luôn được mang đi ra khỏi chính mình đến với kẻ khác với tình yêu lớn lao.
Và đó chính là giáo huấn từ cuộc đời của thánh Phanxicô Xaviê, hết sức ấn tượng. Để tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa cần phải ban truyền tình yêu ấy, để tiếp nhận nhiều hơn nữa thì cần phải cho đi cách trung tín và quảng đại. Hãy cầu xin Chúa cho ta ơn thực hiện ước mong của lòng ngài.

Thứ Sáu Tuần I MV
Hai anh mù đi theo Chúa kêu la. Là một tiếng kêu xuất phát từ thâm tâm của người chẳng thấy hình thể sự vật, vẻ đẹp và sự thực của sự vật. Chỉ có người mù mới có thể kêu la để xin cho được thấy. Một lời cầu xin hết sức đặc biệt đáng thương, sắc bén của một con người không nhìn thấy.
Cả hai thưa lên điều họ muốn: tiếng kêu ấy vang lên khi họ đến gần Đức Giêsu. Nhưng thực sự họ sẽ chẳng phải la to như thế nếu họ không chắc chắn rằng con người ấy có thể thực hiện điều đó cho họ?
Người ta la to để nhận lòng thương xót vì bị thúc đẩy do một nhu cầu, do một khao khát, chỉ khi người ta tin vào một ai đó có thể thực hiện phép lạ.
Và Đức Giêsu thoả mãn lời cầu xin đầy niềm tin ấy. Ngài mở mắt cho cả hai. Tại sao thông thường niềm tin của ta không có sức để kêu lên? Tại sao ta bằng lòng sống trong cảnh bị lãng quên chán nản? Tại sao ta yếu ớt trong thử thách như đốm lửa trước gió? Có lẽ vì lòng ta tối tăm và không còn ước muốn vẻ đẹp và tình cảm tốt hơn.

Thứ Bảy Tuần I MV
Hai hình được gợi lên trong vài giòng tin mừng của Matthêu: mục tử với đàn chiên và người nông dân trong cánh đồng.
Những hình ảnh không hoàn hảo: hình như đàn chiên không có người chăn và ông chủ không quan tâm chăm sóc mùa màng.Thực sự ý hướng là muốn mạc khải một đàng ý thức truyền giáo của Đức Giêsu và đàng khác ý nghĩa và mục đích ơn gọi của các môn đệ (x. Mt 10).
Con người Đức Giêsu và sứ vụ là một: lòng thương cảm ngài dành cho đám đông ‘lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt’ là trải nghiệm trần gian mà Đức Kitô có được khi đối diện với dân chúng: nhưng trải nghiệm ấy bày tỏ cho ta thấy ‘cái tôi con thảo’ của ngài, từ đời đời, được Chúa Cha trao nhiệm vụ cứu độ toàn thể tạo thành. Đức Giêsu không chỉ cảm thương, nhưng là sự cảm thương của Thiên Chúa hiện thực trong lịch sử.
Lời cầu xin chủ ruộng sai thợ gặt đến cánh đồng là lời cầu xin nơi trần thế mà các môn đệ phải làm, nhưng lời cầu xin ấy đã được nhậm lời qua việc Đức Kitô đến thế gian. Chỉ vì Chúa Cha đã sai chính Con của người, mà các môn đệ có thể dâng hiến chính mình, và họ cần phải cầu xin để sẵn sàng được Đức Kitô sai đi.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê